Ban tàu cá sơ kết 6 tháng đầu 2014

   
Cập nhật: 16/06/2014 01:35
Ban tàu cá sơ kết 6 tháng đầu 2014 Xem lịch sử tin bài

Chiều ngày 13-6-2014, tại trụ sở Hiệp hội, Ban cung ứng thuyền viên tàu cá đã tổ chức đánh giá tình hình cung ứng lao động cho các tàu các nước ngoài 6 tháng đầu năm 2014 và bầu bổ sung nhân sự lãnh đạo Ban.

Qua báo cáo của các công ty thành viên, hoạt động cung ứng thuyền viên tàu cá 6 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn, số lượng lao động xuất cảnh giảm sút nghiêm trọng so với cùng kỳ năm ngoái ở hầu hết các  đơn vị, tỷ lệ thuyền viên về trước hạn hợp đồng do vi phạm kỷ luật cao. Nguyên nhân là do tình hình căng thẳng ở biển Đông diễn ra trong thời gian qua. Lượng đơn hàng cũng bị giảm sút, do chủ tàu tránh bố trí lao động Việt Nam vào các tàu đã có lao động Trung Quốc. Nguồn lao động trong nước cũng bị giảm sút do người lao động lo ngại đụng độ, thậm chí có gia đình còn yêu cầu Công ty Việt Nam cho con em về nước khi nghe tình hình căng thẳng ở biển Đông.

Ban vẫn phát huy tốt hiệu quả hoạt động, trong việc là hạt nhân đoàn kết, thống nhất giữa các thành viên. Lãnh đạo Ban đã lấy ý kiến các thành viên và tổng hợp thành đề nghị thay đổi một số điểm trong Hợp đồng cung ứng thuyền viên tàu cá so với Hợp đồng cung ứng lao động mẫu ( do Nhà nước ban hành chung cho tất cả các loại hình lao động đi làm việc ở nước ngoài ) và đã trình lên Cục Quản lý lao động ngoài nước. Ban cũng đã tổ chức Hội nghị với các đầu mối cung cấp nguồn thuyền viên của một số tỉnh miền Trung để thống nhất các tiêu chí hợp tác. Theo phân công của Lãnh đạo Hiệp hội, Trưởng ban đã dự Hội thảo khu vực tại Indonesia về bảo vệ quyền lợi của thuyền viên tàu cá.

Do đồng chí Lê Thanh Hà, Trưởng ban, Giám đốc Công ty INMASCO được Tổng công ty CIENCO 1 điều động nhận công tác khác, nên toàn Ban đã nhất trí bầu đ/c Nguyễn Trí Dũng, Phó Trưởng ban, thay thế và bầu bổ sung đồng chí Nguyễn Thị Phương Liên, Phó Trưởng phòng Hàn Quốc thuộc  Công ty INMASCO là Phó Trưởng ban.

Đại diện Lãnh đạo Hiệp hội đã nêu bật hiệu quả hoạt động của Ban, đó là ngày càng bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động và các Công ty cung ứng thuyền viên, tạo nên sự đồng thuận trong nội bộ và tăng cường vị thế và sức mạnh trong đàm phán với đối tác nước ngoài. Hoạt động của Ban được Hiệp hội và các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá cao và trên cơ sở các kinh nghiệm thu được đã thành lập Ban thị trường Đài Loan và tiến tới cho ra đời thêm các Ban thị trường khác. Kết quả này đạt được là do sự nỗ lực, đồng lòng, nhất trí, gắn kết giữa các thành viên, đặc biệt là vai trò của Ban Lãnh đạo và cá nhân đồng chí Lê Thanh Hà.

Scroll