Có trên 90.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong 9 tháng đầu năm 2017

   
Cập nhật: 18/10/2017 10:53
Có trên 90.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong 9 tháng đầu năm 2017 Xem lịch sử tin bài

Trong 9 tháng đầu năm 2017 có 92.671 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tăng 5,25% so với 9 tháng đầu năm 2016. Riêng trong tháng 9, các doanh nghiệp đã cung ứng được 13.733 lao động, tăng 37,48% so với tháng 08 liền kề.

Tổng quan thị trường tiếp nhận lao động phân theo khu vực cho thấy:

1. Khu vực Đông Bắc Á

Số lao động đi làm việc tại khu vực Đông Bắc Á là 87.470 người, chiếm tỷ trọng 94,38%  tổng số đưa đi, tăng 8,70% số lượng lao động đưa đi so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:

Lao động đi làm việc tại Đài Loan: 47.139  người, tăng 0,05% so với cùng kỳ năm trước. Quy mô lao đông đi làm việc tại Đài Loan vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất so với các thị trường khác với tỷ trọng là 53,90% số lao động đưa đi trong khu vực này và  51,86% so với tổng số lao động đưa đi trong 9 tháng đầu năm 2017.

Bình quân thị trường này mỗi tháng tiếp nhận 5.237 người. Riêng tháng 09 Đài Loan tiếp nhận 7.393 người tăng 25,70% so với tháng 08 liền kề.

Lao động đưa đi tại thị trường Nhật Bản: 36.259 người, tăng 34,47% so với  số lượng cung ứng  cùng kỳ năm trước. Bình quân mỗi tháng đi được 4.028 người.Trong tháng 09 con số này là 5.025 người.

Lao động đi  làm việc tại Hàn Quốc:3.824 người, bình quân mỗi tháng Hàn Quốc tiếp nhận 425 người. Quy mô tiếp nhận lao động VN giảm 37,92%  so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 9 con số này là 476 người.

 Lao động đi làm việc tại Macao: 255 người, bình quân mỗi tháng Macao tiếp nhận 28 người, tăng 12,33% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 09, Macao tiếp nhận 29 người.

 2. Khu vực Đông nam Á

Có 1.117 lao động Việt Nam đi làm việc tại thị trường này, chiếm 1,20% tống số lao động đưa đi, giảm 40,93% quy mô lao động đưa đi so với cùng kỳ năm trước. Trong đó lao động sang làm việc tại Malaysia vẫn có quy mô tiếp nhận lớn nhất là 1.043 người, chiếm 93,47% số lao động đưa đi trong khu vực này và giảm 44,16% so với cùng kỳ năm trước.

 Bình quân mỗi tháng thị trường này tiếp nhận 124 lao động.

3. Khu vực Trung Đông và Châu Phi

Thị trường các nước khu vực Trung Đông tiếp nhận 3.043 lao động, chiếm 3,28% tổng số lao động đưa đi, giảm 31,13% so với số lao động đưa đi cùng kỳ năm trước.Trong 9 tháng đầu năm các doanh nghiệp  chỉ cung ứng lao động cho 4 thị trường có số lượng còn khiêm tốn ngoại trừ thị trường Ả Rập Xê Út: UAE với 202 người, Ả Rập Xê-Út: 2.650 người,  Qatar: 85 người và Isarel: 104 người.

Số lao động đi làm việc tại các nước Châu Phi là 545 người , chiếm 0,59% tổng số lao động đưa đi, giảm 45,28% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ có 2 thị trường  tiếp nhận lao động, đó là: Algieri: 544 người , giảm 43,33% và Togo: 1 người.

 4. Các khu vực khác

Lao động đi làm việc tại các thị trường khác là 496 người, chiếm 0,55% tổng số lao động đưa đi. Trong đó thị trường Thổ nhĩ kỳ: tiếp nhận 202 người, CH Sip: 34 người, Hoa Kỳ: 51 người, Rumani: 174 người và Liên bang Nga: 17 người. Hiện số lao động này có việc làm ổn định và thu nhập tốt.

Số liệu thống kê cũng cho biết lao động nữ đưa đi là 34.889người, chiếm 37,85% tổng số lao động đưa đi, tăng 5,84% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu trong 9 tháng đầu năm có 25 thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam, vẫn chỉ có 5 thị trường tiếp nhận với quy mô từ 1.000 lao động trở lên, bao gồm thị trường: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Ả Rập Xê Út, trong đó quy mô tiếp nhận lao động Việt Nam tại 2 thị trường Đài Loan và Nhật Bản chiếm 95,33% tổng số lao động đưa đi khu vực Đông Bắc Á và chiếm 90% tổng số lao động đưa đi các thị trường.

Tóm lại trong 9 tháng đầu năm 2017, các thị trường tiếp nhận lớn lao động Việt Nam tập trung vào các nước (lãnh thổ) thuộc khu vực Đông Bắc Á và chủ yếu ở hai thị trường Đài Loan và Nhật bản , trong đó thị trường Nhật bản vẫn có tốc độ gia tăng cao. Xu hướng trong các tháng tới các thị trường này vẫn tiếp tục có nhu cầu lớn tiếp nhận lao động VN đồng thời thị trường khu vực Trung Đông  trong đó Ả rập Xê Út cũng có xu hướng tăng dần quy mô tiếp nhận lao động.

 

 

 

Scroll