CÔNG TY ĐẠI VIỆT IDC ÁP DỤNG NGAY COC-VN TRONG HOẠT ĐỘNG

   
Cập nhật: 08/08/2016 10:17
CÔNG TY ĐẠI VIỆT IDC ÁP DỤNG NGAY COC-VN TRONG HOẠT ĐỘNG Xem lịch sử tin bài

Ngày 27/02/2016, ngay khi được Tiến sĩ Nguyễn Lương Trào - Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS) tập huấn Bộ quy tắc ứng xử dùng cho các doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (CoC-VN), Công ty Cổ phần đầu tư phát triển xây dựng Đại Việt (DAI VIET IDC) đã nhận thấy những ý nghĩa tích cực của việc áp dụng CoC-VN.

Qua nghiên cứu, trao đổi, toàn thể cán bộ, nhân viên Công ty đều nhận thức được là Bộ quy tắc ứng xử dùng cho các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (viết tắt CoC-VN ), được xây dựng dựa trên quy định của pháp luật Việt Nam, các công ước và khuyến nghị của Tổ chức quốc tế (ILO) và các tiêu chuẩn quốc tế khác liên quan đến hoạt động này. Nó không thay thế văn bản pháp luật, nhưng lại hàm chứa nội dung, yêu cầu của pháp luật. Việc cam kết thực hiện  CoC-VN dựa trên nguyên tắc tự nguyện.

Ở góc độ tuân thủ luật pháp, thì đi từ pháp luật đến xây dựng, thực hiện CoC-VN chính là quá trình biến “cái bắt buộc” thành “cái tự nguyện”. Doanh nghiệp nhận thức, tìm thấy ở CoC-VN là công cụ hữu ích để cán bộ, nhân viên của mình tránh vi phạm và thực hiện tốt hơn pháp luật. Vì thực tế cũng cho thấy, pháp luật chỉ có thể được thực hiện tốt nhất khi đã trở thành những quy tắc ứng xử, kim chỉ nam cho họat động cụ thể của mỗi doanh nghiệp.



Ở góc độ xây dựng uy tín, thương hiệu doanh nghiệp thì CoC-VN như một ISO chuyên ngành của doanh nghiệp. Doanh nghiệp thực hiện tốt CoC-VN sẽ trở thành doanh nghiệp có đẳng cấp, thương hiệu tốt, sẽ tạo niềm tin, sự ngưỡng mộ và lực hút tốt với khách hàng cả đối tác trong và  ngoài nước, cả người lao động và xã hội.

Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng Đại Việt (DAI VIET IDC ) ngoài bề dày trong hoạt động xây dựng, trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài, mặc dù mới tham gia hoạt động từ năm 2014, nhưng đã tạo dựng được uy tín trên thị trường đưa người lao động đi làm việc tại Nhật Bản.

Vận dụng 12 nhóm quy tắc hoạt động của CoC-VN bao quát các hoạt động cơ bản về xuất khẩu lao động, DAI VIET IDC đã đối chiếu rà soát lại các hoạt động của mình để áp dụng vào thực tiễn.

Với nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng yêu cầu của các đối tác Nhật Bản, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động. Ngoài việc thực hiện sứ mệnh tổ chức huấn luyện, đào tạo lực lượng lao động tinh nhuệ, khỏe thể chất, mạnh tinh thần, vững chuyên môn, trong sáng về đạo đức để phái cử sang Nhật Bản làm việc, DAI VIET IDC luôn tích cực lựa chọn các công ty tiếp nhận có môi trường làm việc tốt, có thu nhập cao cho người lao động làm việc và đặc biệt quan tâm đến việc đưa các thỏa thuận này vào hợp đồng ký kết với khách hàng.

Nhóm Quy tắc thứ 7 của Bộ quy tắc ứng xử quy định rất rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc bảo vệ người lao động ở nước ngoài. Tuy nhiên, Công ty nhận thấy có một số điểm cần ràng buộc cả trách nhiệm pháp lý của Công ty tiếp nhận thì mới có thể thực hiện được. Do vậy, Lãnh đạo Công ty chủ động đàm phán với các đối tác Nhật Bản và được chấp nhận đưa vào phụ lục hợp đồng để làm cơ sở pháp lý kiểm tra thực hiện bảo vệ người lao động.

Một số nội dung cụ thể đã được bổ sung bằng tiếng Nhật và tiếng Việt như sau:

送り出し機関は、実習生が職場における危険な作業をやらされること、悪用されること、搾取されること、差別されること等を、絶対に許可しない。

Cơ quan phái cử tuyệt đối không cho phép việc người lao động bị bố trí vào các công việc nguy hiểm, rủi ro, bị lạm dụng, bị bóc lột hoặc bị phân biệt đối xử dưới bất kỳ hình thức nào tại nơi làm việc.

実施機関は、実習生が実施機関のため働くように、パスポートや労働許可書などの個人の書類および携帯電話や薬などの実用品を預けてはいけない。

Người sử dụng lao động không được giữ các giấy tờ cá nhân của người lao động như hộ chiếu, giấy phép lao động,…và các đồ dùng cá nhân như điện thoại cầm tay và thuốc chữa bệnh với mục đích bắt người lao động phải làm việc cho mình.

実習生から書類や実用品を預けてもらうというお願いがあった場合、実施機関は安全に書類や実用品を管理しなかればならないし、また実習生からの要望があったらすぐ戻らなければならない。

Trong trường hợp người lao động yêu cầu thì người sử dụng lao động phải bảo quản an toàn và tạo điều kiện cho người lao động được nhận lại các giấy tờ đó bất kỳ lúc nào khi có yêu cầu.

Quán triệt nhóm quy tắc thứ 5 về đào tạo người lao động trước xuất cảnh, Công ty đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Nhật, cũng như những kiến thức cần thiết đối với người lao động khi sống và làm việc tại Nhật Bản. Việc bổ túc các kỹ năng nghề ( thợ hàn, lắp dàn giáo…), Công ty thỏa thuận với các nghiệp đoàn để đưa các trang thiết bị phù hợp và chuyên gia Nhật Bản sang để thực hiện. Ngày 14/07/2016 trong buổi làm việc khảo sát đánh giá thực hiện CoC-VN tại DAI VIET IDC, Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam đã nhận thấy những chuyển biến tích cực tại công ty sau khi tập huấn và thực hiện CoC-VN. Qua các câu hỏi khảo sát, Hiệp hội nhận được câu trả lời hài lòng của người lao động về chất lượng chương trình đào tạo, phái cử của DAI VIET IDC.

Quá trình triển khai thực hiện CoC-VN cũng là quá trình Công ty bổ sung, hoàn chỉnh các cơ chế và quy trình cụ thể trong các khâu hoạt động, cũng như trong quan hệ với các đối tác trong và ngoài nước theo chuẩn mực CoC-VN. Nhờ vậy, việc điều hành, quản trị doanh nghiệp có những bước tiến bộ mới.

Với mong muốn ngành xuất khẩu lao động Việt Nam phát triển bền vững, làm lợi cho người lao động và xã hội, Công ty Đại Việt IDC khẳng định quyết tâm tiếp tục thực hiện thật tốt Bộ quy tắc ứng xử; đồng thời mong muốn tất cả doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đều tự nguyện thực hiện Bộ quy tắc ứng xử, tạo chuyển biến tích cực hơn nữa về chất lượng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.



Scroll