Luật Lao động Qatar: Phần 8 – 12 (tiếp)

   
Cập nhật: 31/10/2013 09:59
Xem lịch sử tin bài

PHẦN 8: TUYỂN DỤNG LAO ĐỘNG VỊ THÀNH NIÊN

Điều 86:

Người chưa đủ tuổi 16 không được tuyển dụng vào bất kỳ công việc gì và không được phép vào bất kỳ nơi làm việc nào.

Điều 87:

Người vị thành niên không được phép tuyển dụng nếu không được sự đồng ý của người cha hoặc người giám hộ và phải có giấy phép riêng của Cục.

Nếu người vị thành niên là học sinh người Qatar thì phải có giấy chấp nhận của Bộ trưởng giáo dục Qatar. Người vị thành niên không được phép tuyển dụng vào làm những công việc có thể gây tác hại đến sức khoẻ, an toàn hoặc đạo đức. Các công việc này sẽ do Bộ trưởng quyết định.

Điều 88:

Người vị thành niên không được phép tuyển dụng trước khi họ được  cơ quan có thẩm quyền kiểm tra sức khoẻ và sức khoẻ đó phải phù hợp với công việc đảm nhận.

Người chủ phải cho kiểm tra lại sức khoẻ của người vị thành niên ít nhất một năm một lần.

Điều 89:

Người vị thành niên không được phép tuyển dụng vào làm các công việc qua đêm hoặc vào những ngày nghỉ, các ngày lễ, làm thêm giờ và không được có mặt tại nơi làm việc quá 7giờ liền.

Điều 90:

Thời gian làm việc bình thường đối với người vị thành niên không được quá 36 giờ một tuần, và quá 6 giờ một ngày. Trong tháng Ramadan; số giờ làm việc không quá 24 giờ/tuần và 1 ngày làm việc không quá 4 giờ.

Thời gian đi từ nhà đến nơi làm việc và ngược lại không được tính vào giờ làm việc.

Giờ làm việc bao gồm cả 1 hoặc 2 lần nghỉ giải lao hoặc ăn trưa để không phải làm việc liên tục quá 3 giờ. Các đợt nghỉ giải lao hoặc ăn trưa không được tính vào giờ làm việc có trả lương.

Điều 91:

 Chủ phải lưu giữ hồ sơ liên quan đến người vị thành niên như giấy khai sinh, giấy xác nhận đủ sức khoẻ và giấy xác nhận kiểm tra sức khoẻ  định  kỳ.

Điều 92:

 Chủ tuyển dụng 1 hoặc nhiều người vị thành niên phải thực hiện các việc sau đây:

1-     Gửi báo cáo đến Cục cho biết tên và công việc của người vị thành niên và ngày họ làm việc.

2-     Niêm yết công khai tại nơi làm việc giờ giấc làm việc và giờ nghỉ giữa chừng cho mọi người biết.

 

PHẦN 9: TUYỂN DỤNG PHỤ NỮ

Điều 93:

Phụ nữ làm việc được trả lương tuơng đương với nam giới nếu  họ cùng làm một việc như nhau và được hưởng các cơ hội giống  nhau về đào tạo và cất nhắc đề bạt.

Điều 94:

Phụ nữ không được tuyển dụng vào làm những công việc có hại cho sức khoẻ, có ảnh huởng xấu về đạo đức hoặc những công việc khác do Bộ trưởng quyết định.

Điều 95:

Phụ nữ không được tuyển  dụng vào làm những công việc mà giờ giấc làm việc  khác với giờ quy định của Bộ trưởng.

Điều 96:

Lao động nữ đã làm việc tròn 1 năm cho chủ được phép nghỉ đẻ có lương với thời gian là 50 ngày. Thời gian nghỉ đẻ bao gồm cả thời gian trước và sau khi đẻ và thời gian nghỉ sau khi đẻ không được ít hơn 35 ngày.

Thời gian nghỉ đẻ căn cứ vào giấy  chứng nhận của bác sỹ có thẩm quyền về ngày giờ sẽ sinh con. Nếu thời gian còn lại sau khi sinh con ít hơn 35 ngày thì người mẹ được nghỉ thêm trừ vào ngày nghỉ phép năm của mình.Nếu nghỉ quá thì coi như nghỉ không lương.

Nếu điều kiện chăm sóc y tế của người mẹ không cho phép  đảm nhận công việc sau khi hết hạn nghỉ đã quy định thì những ngày nghỉ quá hạn coi như  nghỉ không lương, với điều kiện thời gian vắng mặt của họ không vượt quá 60 ngày cộng dồn hoặc gián đoạn và có giấy xác  nhận của Bác sỹ có thẩm quyền về tình trạng sức khoẻ của họ.

Thời gian nghỉ sinh con không ảnh hưởng đến quyền lợi đối với các kỳ nghỉ khác của người mẹ.

Điều 97:

Người sinh con, ngoài quyền lợi được hưởng các ngày nghỉ quy định tại điều 73 của luật này, thì năm thứ 2, sau năm sinh con, mỗi ngày được nghỉ tối thiểu 1 giờ để chăm sóc con. Việc định giờ nghỉ này do người mẹ tự chọn.

Thời gian chăm sóc con đựợc tính vào giờ làm việc và không bị trừ lương.

Điều 98:

Chủ không được chấm dứt hợp đồng dịch vụ khi phụ nữ cuới xin và nghỉ đẻ như đã quy định tại điều 96.

Chủ không được thông báo chấm dứt hợp đồng trong các kỳ nghỉ này và không được gửi thông báo mà thời hạn sẽ hết trong lúc nghỉ đẻ.

 

PHẦN 10: AN TOÀN, SỨC KHOẺ NGHỀ NGHIỆP VÀ CHĂM SÓC XÃ HỘI

 

Điều 99:

Ngay khi mới bắt đầu làm việc, Chủ hoặc người đại diện phải thông báo cho người lao động biết về mức độ nguy hiểm của công việc, những biện pháp phòng chống cũng như phải niêm yết các chỉ dẫn liên quan đến biện pháp bảo vệ sức khoẻ nghề nghiệp tại nơi làm việc.

Điều 100:

 Chủ phải áp dụng mọi biện pháp phòng ngừa để bảo vệ người lao động trong lúc làm việc để tránh thương tật hoặc tai nạn chết người cũng như các biện pháp phòng ngừa cháy nổ hoặc hư hỏng máy móc thiết bị.

Chủ không được bắt người lao động phải chịu chi phí hoặc khấu trừ lương để sắm các phương tiện phòng ngừa này.

Trong trường hợp  chủ bỏ qua các biện pháp phòng ngừa hoặc sắp xẩy ra các tai nạn có thể đe doạ đến tính mạng người lao động thì Cục phải báo cáo sự việc này cho Bộ trưởng để có quyết  định đóng cửa 1 phần hay toàn bộ nơi làm việc hoặc ngừng hoạt động  máy móc thiết bị nào đó nhằm hạn chế các truờng hợp tai nạn có thể xẩy ra.

Trong trường hợp ấy người chủ phải chịu trách nhiệm trả đủ lương cho người lao động trong thời gian bị đóng cửa hay tạm ngừng hoạt động.

Điều 101:

Người lao động không được vi phạm  hoặc có ý định cản trở việc thi hành các chỉ dẫn của chủ liên quan đến việc bảo vệ sức khoẻ và an toàn lao động hoặc có hành vi làm hư hỏng thiết bị máy móc thuộc về an toàn lao động.

Người lao động phải sử dụng trang bị bảo hộ lao động và tuân thủ các chỉ dẫn của chủ nhằm ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

Điều 102:

Sau khi phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền, Bộ trưởng sẽ ban hành quyết định liên quan đến bệnh nghề nghiệp và an toàn; đồng thời quy định các dịch vụ và các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ người lao động trong lúc làm việc.

Điều 103:

Chủ phải áp dụng các biện pháp bảo đảm vệ sinh và thông gió tại nơi làm việc, cung cấp đủ ánh sáng và nuớc uống phù hợp với các quy định do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Điều 104:

Chủ sử dụng từ 5 đến 25 lao động phải có tủ thuốc sơ cứu; các phương tiện sơ cứu do cơ quan có thẩm quyền quy định. Tủ thuốc phải để ở nơi mọi người có thể nhìn thấy. Việc sử dụng tủ thuốc phải  phân công cho 1 người đã  được đào tạo đảm nhận.

Nếu số lượng lao động vượt quá 25 người, thì bố trí mỗi nhóm từ 5 đến 25 người 1 tủ thuốc.

Nếu số lượng lao động vượt quá 100 người thì chủ phải phân công cho 1 y tá đảm nhận công việc này.

Nếu số lượng lao động vượt quá 500 người thì chủ phải chỉ định 1 bệnh xá ít nhất có 1 Bác sỹ và 1 y tá đảm nhận công việc này.

Điều 105:

Phải  tiến hành việc kiểm tra sức khoẻ định kỳ cho những người dễ mắc bệnh nghề nghiệp do cơ quan có thẩm quyền quy định.

Chủ phải lưu kết quả khám sức khoẻ định kỳ trong hồ sơ của người lao động.

Nếu kết quả cho biết người lao động đã mắc một trong những bệnh nghề nghiệp thì chủ phải báo cáo Cục trong vòng 3 ngày kể từ ngày biết được kết quả đó.

Điều 106:

Khi chủ bố trí lao động làm việc ở những nơi xa thành phố mà ở đó không có phương tiện giao thông thì  phải cung cấp các dịch vụ sau:

1.      Phương tiện giao thông phù hợp hoặc chỗ ở hoặc cả hai.

2.      Nước uống.

3.      Thực phẩm hoặc phương tiện đi mua.

Các địa điểm này do Bộ trưởng quy định cụ thể.

Điều 107: 

 Chủ sử dụng 50 lao động trở lên phải cung cấp dịch vụ xã hội do Bộ truởng quy định cụ thể; trong đó phải xem xét đến địa điểm làm việc, tình hình nơi làm việc và số lượng lao động  của hãng.

 

PHẦN 11: THƯƠNG TẬT VÀ ĐỀN BÙ THƯƠNG TẬT

 

Điều 108:

Nếu người lao động bị tai nạn trong khi làm việc thì chủ hoặc người đại diện phải thông báo ngay cho cảnh sát và cho Cục về tình hình này.

Thông báo phải nói rõ tên, tuổi, nghề nghiệp, công việc, địa chỉ và quốc tịch của người lao động, diễn biến của vụ tai nạn và các biện pháp hỗ trợ ban đầu.

Ngay sau khi nhận được tin báo, cảnh sát phải tiến hành điều tra và lập báo cáo trong đó nói rõ tên chủ hoặc người đại diện, kể cả nhân chứng cũng như mối quan hệ giữa công việc và vụ tai nạn đó.

Ngay sau khi hoàn tất việc điều tra, cảnh sát phải báo cáo cho Cục và thông báo cho chủ biết.

Điều 109:

Người lao động bị thương tật có quyền được chăm sóc y tế và người chủ phải chịu mọi chi phí phù hợp với quy định của cơ quan y tế có thẩm quyền.

Người lao động được hưởng nguyên lương trong thời gian điều trị hoặc hưởng lương trong thời gian 6 tháng tuỳ thuộc từng tình huống. Nếu việc điều trị vượt quá 6 tháng thì người lao động được hưởng ½ số tiền lương cho đến khi phục hồi hoặc được xác nhận mất hẳn khả năng làm việc hoặc chết tuỳ thuộc từng tình huống.

Điều 110:

Người thừa kế của người bị chết và người lao động bị mất 1 phần hay toàn bộ khả năng lao động có quyền được bồi thường. Trường hợp bị chết, số tiền bồi thường được tính theo các điều khoản qui định của đạo Hồi.

Người bị mất toàn bộ khả năng lao động được nhận mức bồi thường như đối với người bị chết. Tỷ lệ thương tật từng phần so với tỷ lệ thương tật toàn phần được quy định trong phụ lục 2 của luật này. Số tiền bồi thường trong trường hợp này sẽ được tính trên cơ sở tỷ lệ tổn thương nhân với khoản tiền đền bù khi bị mất hoàn toàn khả năng lao động.

Điều 111:

Các  khoản của 2 điều trên đây sẽ không được áp dụng nếu có một trong những bằng chứng sau đây:

1.      Người lao động cố tình tự gây thương tích cho mình.

2.      Người lao động bị thương tật trong lúc bị tác động của rượu hay ma tuý và đó là nguyên nhân gây ra thương tích.

3.      Người lao động vi phạm các quy định về phòng tránh tai nạn nghề nghiệp do chủ quy định hoặc coi thưòng các quy định  đó.

4.      Người lao động không có lý do chính đáng mà từ chối việc khám, chữa thương tật theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 112:

Nếu có tranh chấp giữa người lao động và chủ về tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp thì Cục phải chuyển vụ việc tranh chấp cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Quyết định của cơ quan này là quyết định cuối cùng.

Điều 113:

Quyền của người lao động đòi bồi thường thương tật hoặc trợ cấp tử vong sẽ hết hiệu lực sau một năm, kể từ ngày xác nhận thương tật, chết hoặc khẳng định mất khả năng lao động do bệnh nghề nghiệp gây nên theo quy định tại phụ lục 1 của luật này.

Điều 114:

Chủ phải thanh toán khoản tiền bồi thường thương tật trong thời hạn không quá 15 ngày kể từ ngày người lao động được xác nhận thương tật.

Chủ phải đặt cọc khoản tiền bồi thường cho người lao động bị chết tại Toà án trong vòng 15 ngày kể từ ngày người đó bị chết. Toà án sẽ phân chia khoản tiền này cho những người thừa kế của người chết phù hợp với Luật đạo Hồi hoặc luật áp dụng tại nước có người bị chết. Nếu sau 3 năm mà không có người đến nhận thì khoản tiền này sẽ xung vào công quỹ nhà nước.

Điều 115:

Sáu tháng 1 lần, chủ phải báo cáo thống kê cho Cục tình hình tai nạn và bệnh nghề nghiệp theo mẫu và nội dung do Bộ trưởng quy định.

 

PHẦN 12: TỔ CHỨC CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG

Điều 116:

Người lao động làm việc trong các hãng, nơi mà số lao động là người Qatar không ít hơn 100 người, có thể thành lập uỷ ban gọi là "Uỷ ban lao động".

Các uỷ ban lao động trong các hãng thuộc ngành thương mại hay công nghiệp có quyền thành lập liên uỷ ban của ngành đó.

Liên uỷ ban của nhiều ngành khác nhau có thể thành lập "Tổng liên đoàn người lao động Qatar". Bộ trưởng sẽ quy định điều kiện và thủ tục thành lập các tổ chức trên.

Điều 117:

Các tổ chức của người lao động có tư cách pháp nhân ngay sau khi thành lập phù hợp với các điều khoản của luật này.

Điều 118:

 Các tổ chức này phải chăm lo đến quyền lợi chính đáng của các thành viên và bảo vệ quyền lợi cũng như thay mặt họ trong những vấn đề liên quan đến lao động.

Điều 119:

Cấm các tổ chức trên đây hoạt động với những nội dung sau:

1.      Tham gia hoạt động chính trị và tôn giáo.

2.      Chuẩn bị, in ấn, phân phát các tài liệu nhằm bôi xấu nhà nước hoặc chính phủ.

3.      Đầu cơ tài chính.

4.      Nhận quà tặng hoặc vật có giá trị ngoài quy định của Bộ trưởng.

Bộ trưởng có thể giải tán bất kỳ tổ chức nào nếu vi phạm một trong các điều quy định trên đây.

Điều 120:

Người lao động có quyền đình công nếu việc hoà giải giữa họ và chủ không thành, nhưng phải tuân thủ các bước sau đây:

1-     Phải được sự chấp thuận của 3/4 số Uỷ viên liên Uỷ ban ngành thương mại và công nghiệp.

2-     Phải thông báo cho chủ biết trước 2 tuần, được Bộ trưởng chấp thuận và phải thoả thuận về địa điểm và thời gian đình công với Bộ trưởng Bộ nội vụ.

3-     Không được gây tổn hại đến tài sản của nhà nước và của công dân, không gây mất an toàn xã hội.

4-     Cấm đình công ở những ngành công cộng nhạy cảm như dầu khí, điện, nước, cảng biển, sân bay, bệnh viện và giao thông công cộng.

5-     Không được chọn giải pháp đình công trước khi tiến hành hoà giải với chủ.

Điều 121:

Các tổ chức của người lao động phải công bố điều lệ hoạt động phù hợp với  mô hình do Bộ trưởng quy định và phải  có những nội dung sau:

1-     Điều kiện tư cách thành viên và trường hợp bị chấm dứt.

2-     Các quy định về đề cử và và bầu cử.

3-     Nguồn tài chính của tổ chức và khoản đóng góp của thành viên.

4-     Chi phí ngân sách của tổ chức, các biện pháp quản lý chi tiêu và sổ sách chứng từ.

5-     Quy định  và thủ tục giải thể, tổ chức và sử dụng tài sản của các thành viên.

Điều 122:

Chủ không được ngăn cản hay xúi dục người lao động tham gia vào các tổ chức và hạn chế việc thực thi các quyền của họ.

Điều 123:

Sau khi được Bộ chuẩn y, Tổng liên đoàn lao động Qatar có quyền gia nhập các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực về tổ chức lao động.

(còn nữa)
Scroll