Thị trường Lao động Malaysia tháng 6/2012

   
Cập nhật: 31/10/2013 11:57
Xem lịch sử tin bài

Thông tin cập nhật về lao động giúp việc gia đình, chính sách tiền lương tối thiểu và chương trình 6P

1. Lao động giúp việc gia đình Qua một số nguồn thông tin, năm nay Malaysia có nhu cầu nhận khoảng 600.000 lao động nước ngoài, trong đó khoảng 90.000 lao động giúp việc gia đình. Nguồn lao động giúp việc gia đình sang làm việc tại Malaysia trước đây chủ yếu từ Inđônesia, nhưng nước này đã tạm dừng đưa lao động làm việc trong lĩnh vực này do điều kiện làm việc kém, thu nhập thấp, quyền lợi của người lao động không được bảo vệ tốt. Thời gian qua, đã xảy ra một số vụ việc đáng tiếc do chủ sử dụng ngược đãi với lao động giúp việc gia đình. Một lý do quan trọng khác do Malaysia chưa tham gia Công ước về “bảo vệ lao động di cư và gia đình họ”, luật pháp quy định đối với lĩnh vực giúp việc gia đình chưa quy định rõ ràng nên khi xảy ra tranh chấp khó giải quyết. 2. Chính sách tiền lương tối thiểu Sau thời gian dài thảo luận, nghiên cứu, đầu tháng 5/2012, Chính phủ Malaysia thông báo tăng tiền lương tối thiểu cho lao động làm việc trong khối doanh nghiệp tư nhân, theo đó tại khu vực tây Malaysia mức lương tối thiểu là 900RM/tháng và tại Sabah, Sarawak, Labuan là 800RM/tháng. Ước tính có khoảng 3,2 triệu người làm việc trong khối tư nhân. Theo thông tin ban đầu khi chính sách này được triển khai nếu chủ sử dụng lao động không thực hiện sẽ phải chịu mức phạt 10.000RM/lao động. Thời gian thực hiện chính sách này dự kiến từ tháng 01/2013. Theo Cục lao động Malaysia, mức lương tối thiểu nói trên phải được Quốc hội thông qua mới thực hiện, thời điểm để Quốc hội thông qua chưa được xác định. Theo đánh giá của các chuyên gia, mức tiền lương tối thiểu tăng đến 1000RM/tháng không ảnh hưởng tiêu cực đến thu hút đầu tư, nếu trên 1000RM/tháng có thể sẽ tác động tiêu cực cho nền kinh tế. Chính sách nêu trên được cho là đúng đắn, do giá cả hàng hoá các mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống đều tăng, đời sống người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp. Bên cạnh sự ủng hộ của Công đoàn và người lao động thì phía chủ sử dụng lao động lo ngại do chi phí đầu vào tăng, ảnh hưởng đến kinh doanh của doanh nghiệp. Qua kháo sát, một số nhà máy ở các khu công nghiệp: Batu Pahat – Johor, Pulau Pinang,... nhiều chủ sử dụng lao động đã trả lương cơ bản cao hơn 21RM/ngày (thông thường 22-23RM/ngày, một số nhà máy 25RM/ngày), hoặc những nhà máy trả 21RM thì có thêm phụ cấp cho người lao động. Một số nước cung ứng lao động cũng đã quy định tiền lương cơ bản phải đạt 23-25RM/ngày. 3. Chương trình 6P Thời gian qua, thực hiện chương trình 6P với lao động bất hợp pháp nước ngoài, bên cạnh những tích cực của chương trình thì xảy ra hiện tượng lao động đang làm việc trong nhà máy/xí nghiệp muốn về nước nhưng chủ sử dụng chưa giải quyết thì lao động đã tự ý bỏ trốn đến Đại sứ quán làm giấy thông hành để về nước, gây thiệt hại về kinh tế và bức xúc cho chủ sử dụng lao động. Trong số về nước theo đường này có không ít lao động được doanh nghiệp Việt Nam và Công ty môi giới cho vay toàn bộ hoặc một phần chi phí trước khi đi. Khi người lao động bỏ trốn tự ý về nước theo 6P các Công ty không thu được tiền người lao động đã vay nợ. Để chấn chỉnh vấn đề này, Đại sứ quán đã thống nhất quy trình và điều kiện để hỗ trợ công dân làm thủ tục về nước.
Nguồn tin: Ban QLLĐ tại Malaysia
Scroll