TÌNH HÌNH LAO ĐỘNG NỮ GIÚP VIỆC GIA ĐÌNH TẠI Ả RẬP - XÊ ÚT

   
Cập nhật: 28/05/2014 04:08
TÌNH HÌNH LAO ĐỘNG NỮ GIÚP VIỆC GIA ĐÌNH TẠI Ả RẬP - XÊ ÚT Xem lịch sử tin bài

Đoàn Kiến Trung - Trưởng ban QLLĐ tại Ả Rập- Xê út

1.Thực trạng:

- Các quốc gia chủ yếu cung ứng nữ giúp việc gia đình cho Ả rập Xê út (KSA) như Indonesia, Sri Lanka, Philippines… đều đã tạm dừng cung cấp để yêu cầu phía KSA đáp ứng mức thu nhập tối thiểu đã được nâng thêm và đảm bảo các quyền lợi khác cho loại hình lao động này như việc được chủ đối xử tử tế, mở tài khoản ngân hàng để trả lương cho người lao động, cho phép thông tin liên lạc với gia đình, đảm bảo thời gian nghỉ ngơi tối thiểu, được chăm sóc y tế…. Việc tạm dừng cung ứng này đang tạo ra nhu cầu ngày càng  cao với nữ giúp việc gia đình tại KSA. Thực tế hàng ngày, các gia đình người địa phương hay các công ty môi giới trực tiếp đến hoặc gọi điện cho Đại sứ quán, đề nghị được tư vấn, giới thiệu để tiếp nhận nữ giúp việc gia đình từ Việt Nam. Về phía Chính phủ KSA, đã có nhiều động thái, bước đi cụ thể từ các cấp đối với phía Việt Nam để thúc đẩy việc cung ứng, tiếp nhận giúp việc gia đình nước ta vào quốc gia này. Sắp tới, theo thỏa thuận, một đoàn công tác của Bộ Lao động KSA sẽ sang Hà Nội để đàm phán và đi tới ký kết Hiệp định về cung ứng giúp việc gia đình nói riêng và lao động nói chung với Việt Nam.

- Theo ước tính của Đại sứ quán, có khoảng 3000 nữ giúp việc gia đình Việt Nam đang làm việc tại KSA, do các doanh nghiệp được cấp phép đưa đi đã đăng ký hoặc đăng ký không rõ ràng (về địa chỉ chủ sử dung và đối tác) với các cơ quan có thẩm quyền trong nước. Ngoài ra, gần đây, còn có một số lượng không ít người sang làm giúp việc theo hình thức tự do (tự liên hệ đi hoặc được các cá nhân và tổ chức Việt Nam không có chức năng kết hợp với một số cá nhân, tổ chức môi giới KSA đưa sang).

 - Hiện nay, tỷ lệ rủi ro xảy ra đối với loại hình lao động này chưa phải cao (dưới 10%). Tuy nhiên, đối tượng lao động là nữ, lại làm việc trong điều kiện môi trường khác biệt rất lớn về văn hóa, thời tiết khí hậu khắc nghiệt… nên khi vụ việc xảy ra tạo áp lực xã hội  rất lớn với CQĐD, các cơ quan chức năng và DN cung ứng trong nước. Xử lý giải quyết các vụ việc của nữ giúp việc gia đình là công việc thường xuyên của cơ quan đại diện, chiếm hầu hết thời lượng của cán bộ liên quan. Việc giải quyết sự cố thường găp nhiều khó khăn do đặc thù về tôn giáo, văn hóa, địa lý và thường phải giải quyết ngay, dứt điểm.

- Mức lương cơ bản phổ biến được trả cho nữ giúp việc Việt Nam hiện nay là 1200-1300 SR/ tháng. Đối với lao động có kinh nghiệm, khá trong ngôn ngữ giao tiếp sẽ được trả lương khoảng 1500 SR/tháng. Đây là mức lương cao hơn mức chủ đang trả cho nữ giúp việc một số nước Bắc Phi, Nam Á; nhưng thấp hơn mức trả cho người GVGĐ Philippines và một số nước được đào tạo bài bản, có tay nghề, có ý thức làm việc và ngôn ngữ giao tiếp.

2. Đặc điểm tính chất của vụ việc và nguyên nhân:

a. Đặc điểm của vụ việc:

- Giúp việc của Việt Nam không thực hiện đúng ý của chủ sử dụng vì các lý do khác nhau (vì ý thức, vì sức khỏe hay ngôn ngữ bất đồng), đang làm mất đi thiện cảm, giảm uy tín của giúp việc Việt nam với chủ chủ sử dụng,

- Công việc được chủ giao cho người giúp việc không đúng với hợp đồng, chưa phù hợp hoặc quá sức; thời gian làm việc kéo dài đối với người lao động, nên người lao động thường bỏ trốn ra ngoài, thường là chay về Đại sứ quán để nhờ can thiệp cho về trước hạn, hoặc đổi chủ

- Người lao động bị ốm đau, không được chăm sóc y tế đầy đủ đòi về nước trước hạn hợp đồng, trong khi có một số lao động, ý thức kém nại ra lý do sức khỏe kém (không được cơ sở y tế sở tại xác nhận) hoặc đưa ra các lý do gia đình không có thật để đòi về nước khi các yêu cầu mong muốn của mình không được chủ đáp ứng  

- Người lao động bị chủ trả thiếu lương hoặc bị nợ lương, không gửi được lương về cho gia đình… mà không được DN can thiệp, hỗ trợ kịp thời

b. Nguyên nhân phát sinh tranh chấp:

- Do nhu cầu thị trường tăng cao đột biến, chủ và đối tác lại dễ  dãi về điều kiện tiêu chuẩn tuyển chọn nữ giúp việc, giao phó hoàn toàn cho doanh nghiệp việc tuyển chọn nên các doanh nghiệp đã đưa cả những đối tượng không phù hợp về tuổi tác, kinh nghiệm tay nghề, sức khỏe, không phải là người lao động chân tay (quá trẻ hoặc quá già đối với công việc; có vấn đề về sức khỏe, tâm lý, bệnh mãn tính…; một số đối tượng làm trong quán bar, quán làm móng, karaoke cũng được đưa sang)

-  Hầu hết giúp việc Việt Nam chưa được đào tạo đầy đủ về công việc chuyên môn, về văn hóa, phong tục tập quán, không có ngôn ngữ giao tiếp, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt

- Các điều kiện làm việc, thu nhập, sinh hoạt… chưa được doanh nghiệp minh bạch đầy đủ với người lao động trước khi đi, đôi khi đã gây ra những kỳ vọng không có thật cho người lao động.

- Hợp đồng của các bên liên quan chưa có các ràng buộc cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm của chủ sử dụng đối với người lao động trong khi luật pháp sở tại mới chỉ có các qui định chung chung.

- Người lao động cũng chưa bị ràng buộc trách nhiệm với công việc, trách nhiệm về tài chính, trong khi tham gia chương trình không mất chi phí cũng tiềm ẩn phát sinh các vụ việc. Doanh nghiệp thường gọi là các chuyến đi“du lịch miễn phí” khi giúp việc gia đình đòi về trước hạn vì các lý do không chính đáng, ngay cả khi họ chỉ gặp phải những khó khăn nhất thời, rât nhỏ trong công việc, cuộc sống hàng ngày.

c. Nhận định:

- Nữ giúp việc gia đình Việt Nam nói riêng và nước ngoài nói chung tại KSA phải làm việc độc lập, trong các ngôi nhà khép kín của người Hồi giáo mà hầu như không có sự giao lưu xã hội, là điều rất khác biệt với văn hóa người Việt, đang tạo áp lực tâm lý chán nản rất lớn cho bản thân người lao động. Tương tự như các nước trong khu vực, vì dân cư thưa thớt, lại khép kín, địa chỉ không rõ ràng (nhà thường không đánh số, bảng hiệu ghi tên đường phố được treo thưa và thường là bằng chữ địa phương) nên khi có sự cố xảy ra với người giúp việc, cán bộ doanh nghiệp hay Đại sứ quán rất khó tìm kiếm, liên hệ để gặp chủ, người lao động, từ đó mà can thiệp giúp đỡ lao động nếu chủ và đối tác không có thiện chí hợp tác.

- Nhu cầu tiếp nhận nữ giúp việc gia đình tăng cao, yêu cầu tiêu chuẩn lại đơn giản, dễ dàng, chủ không cần sang Việt Nam tuyển chọn; người lao động thì không cần phải bỏ chi phí khi tham gia chương trình, giúp cho rất nhiều đối tượng nghèo ở nông thôn Việt Nam tham gia, đưa đi được số lượng không hạn chế và cũng dẫn đến sự buông lỏng trong công tác tuyển chọn, đào tạo lao động. Tình trạng khan hiếm, khó tuyển chọn giúp việc nước ngoài cũng đẩy lên dần chi phí phải trả đối với việc tiếp nhận họ của chủ sử dụng (là các gia đình người bản địa) và các công ty môi giới địa phương, còn doanh nghiệp được nhận khoản tiền nguồn không nhỏ do chủ và đối tác chuyển cho, đang là cứu cánh cho các doanh nghiệp đang trong thời kỳ khó khăn. Đây thực sự vừa  là cơ hội, vừa là thách thức đối với người lao động Việt Nam và doanh nghiệp khi bước vào thị trường lao động đầy cạnh tranh này.

- Chi phí lớn khi phải cử cán bộ quản lý lao động sang KSA, trong khi đó xin visa sang KSA để xử lý, giải quyết các vụ việc phát sinh khó khăn, mất nhiều thời gian, đang tạo ra những trở ngại lớn cho doanh nghiệp phát triển thị trường và đẩy Cơ quan đại diện vào tình thế phải đứng ra hỗ trợ doanh nghiệp các vụ việc hàng ngày.

3. Kiến nghị và đề xuất:

Vụ việc xảy ra thời gian vừa qua có nhiều nguyên nhân, tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu vẫn là chất lượng lao động. Để hạn chế rủi ro, đảm bảo được uy tín lao động Việt Nam, phát triển được thị trường bền vững,

      - Các doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm qui trình tuyển chọn đào tạo như qui định của pháp luật: Người lao động phải có độ tuổi, kinh nghiệm phù hợp với công việc cụ thể do phía chủ gia đình KSA đưa ra, được minh bạch công việc mình sẽ phải làm và các quyền lợi, điều kiện sinh hoạt để tự mình đưa ra quyết định trước khi đi; Doanh nghiệp cần tuyển chọn và đưa đi đúng đối tượng, có nhu cầu và khả năng làm công việc; Lao động được khám và xác định đủ sức khỏe làm việc tại những bệnh viện chỉ định; Lao động được đào tạo để có hiểu biết chung về văn hóa hồi giáo, phong tục tập quán, có chuyên môn, có ngôn ngữ giao tiếp tối thiểu, cần thiết để sẵn sàng hòa nhập được với gia đình nhà chủ.

     - Vì doanh nghiệp khó khăn khi cử được cán bộ sang làm công tác quản lý, hỗ trợ lao động tại địa bàn, việc cung ứng giúp việc gia đình cần phải thông qua đối tác sở tại và cũng là qui định mới bắt buộc của phía KSA. Doanh nghiệp cần lựa chọn hợp tác với các đối tác có thiện chí hợp tác, sẵn sàng chia sẻ rủi ro với mình sau một thời gian thử thách, xây dựng lòng tin. Hiện nay, có một số đối tác sẵn sàng hỗ trợ làm thủ tục tiếp nhận cán bộ quản lý lao động của doanh nghiệp dưới danh nghĩa nhân viên công ty của mình. Đây cũng là một khả năng để các doanh nghiêp ta cân nhắc.

   - Để hạn chế những phát sinh xảy ra giữa nữ giúp việc với gia đình chủ sử dụng, doanh nghiệp cần thống nhất với đối tác đưa ra hợp đồng tiêu chuẩn với các nội dung cụ thể ràng buộc trách nhiệm của chủ về quyền được nghỉ ngơi với thời gian tối thiểu trong ngày, tuần; thông tin liên lạc với gia đình; thời hạn trả lương; quyền được giúp đỡ để chuyển lương về gia đình; chăm sóc y tế, mua bảo hiểm; được cung cấp đủ thực phẩm ăn uống để đảm bảo sức khỏe làm việc … Ngược lại, người lao động cũng phải cam kết chỉ được cho về nước trước hạn với các lý do chính đáng được xác nhận (lý do gia đình hay sức khỏe) và các hình phạt bổ xung theo qui định của pháp luật 2 nước nếu bỏ trốn chủ.

    - Các doanh nghiệp cần đăng ký báo cáo đầy đủ các dữ liệu cần thiết, liên quan đến nữ giúp việc gia đình khi cung ứng sang KSA với các cơ quan có thẩm quyền trong nước và Đại sứ quán Việt Nam tại đây để người lao động được sự hỗ trợ kịp thời khi xảy ra các tranh chấp, phát sinh.

Scroll