TỔNG QUAN THỊ TRƯỜNG TIẾP NHẬN LAO ĐỘNG VIỆT NAM NĂM 2016

   
Cập nhật: 03/01/2017 02:33
TỔNG QUAN THỊ TRƯỜNG TIẾP NHẬN LAO ĐỘNG VIỆT NAM NĂM 2016 Xem lịch sử tin bài

Năm 2016 có 126.296 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tăng 8,89% so với năm 2015 và vượt 26,29% so với kế hoạch năm đặt ra.

Số liệu thống kê cũng cho biết lao động nữ đưa đi là 41.511 người, chiếm 36,45% tổng số lao động đưa đi.

Riêng trong tháng 12, các doanh nghiệp đã cung ứng được 17.766 lao động, tăng 75,55% so với tháng 11.

   Tổng quan thị trường tiếp nhận lao động phân theo khu vực cho thấy:

   1. Khu vực Đông Bắc Á

   Số lao động đi làm việc tại khu vực Đông Bắc Á là 116.948 người, chiếm tỷ trọng 92,60% tổng số đưa đi, tăng 16,20% số lượng lao động đưa đi so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:

  Lao động đi làm việc tại Đài Loan là 68.244 người, chiếm 58,35% số lao động đưa đi trong khu vực này và 54,03% so với tổng số lao động đưa đi các thị trường, tăng 1,7 % so với năm 2015. Bình quân thị trường này mỗi tháng tiếp nhận 5.687 người. Riêng tháng 12, Đài Loan tiếp nhận 9.585 người, tăng 76,45% so với tháng 11.

   Lao động đưa đi Nhật Bản: 39.938 người tăng 47,86% so với  số lao động đưa đi năm 2015,  bình quân mỗi tháng đi được 3.328 người. Trong tháng 12 con số này là 6.345người. Đây là con số cung ứng lao động sang TTS tại Nhật cao nhất so với các năm qua. Và sô TTS cung ứng trong tháng 12 cũng là con số cung ứng đạt mức kỷ lục của một tháng.

   Lao động đi làm việc tại Hàn Quốc là 8.442 người, bình quân mỗi tháng Hàn Quốc tiếp nhận 703 người. Quy mô tiếp nhận lao động VN tăng 40,25% so với năm 2015.

  Lao động đi làm việc tại Ma Cao là 266 người, Hồng Kong : 11 người.

   2. Khu vực Đông Nam Á

   Có 2.109 lao động Việt Nam đi làm việc tại thị trường này, chiếm 1,67% tống số lao động đưa đi, giảm 71,45% so với  số lao động đưa đi trong năm 2015. Trong đó chỉ có hai thị trường tiếp nhân lao động đó là: Malaysia có quy mô tiếp nhận lớn nhất là 2.079 người, chiếm 99,00% số lao động đưa đi trong khu vực này . Bình quân mỗi tháng thị trường này tiếp nhận 173 lao động. Quy mô tiếp nhận lao động VN tại Malaysia giảm 71,72% so với số lao động đưa đi năm 2015.

Thị trường Singapor đã tiếp nhận 29 lao động, tiếp tục có xu hướng giảm và giảm 6,45%  so với năm 2015. Đây là thị trường đòi hỏi người lao động không chỉ có tay nghề cao mà cả có trình độ tốt về ngoại ngữ.

3. Khu vực Trung Đông và Bắc Phi

Thị trường các nước khu vực Trung Đông tiếp nhận 5.641 lao động, chiếm 4,46% tổng số lao động đưa đi, tăng 10,08% so với cùng kỳ năm trước.Trong năm 2015 các doanh nghiệp chỉ cung ứng lao động cho bốn thị trường có số lượng đáng kể, đó là: UAE với 616 người, tăng trên 2 lần; Israel: 250 người; Qatar 702 người;  và Ả Rập Xê-Út: 4.033 người, tăng 1,46% so với năm 2015.

Số lao động đi làm việc tại các nước Bắc Phi là 1.223 người, chiếm 0,97% tổng số lao động đưa đi, giảm 40,48% so với năm 2015.Trong đó, thị trường Algiêri: 1.179 người giảm gần 40% so với năm 2015 và Mozambic: 35 lao động.

4. Các khu vực khác

Lao động đi làm việc tại các thị trường khác là 375 người, chiếm 0,30% tổng số lao động đưa đi. Trong đó thị trường Bêlarusia tiếp nhận 14 người; Liên bang Nga : 16 người. Đáng lưu ý trong năm 2016, một số doanh nghiệp đã  xúc tiến đưa lao động vào thị trường mới Thổ nhĩ Kỳ : 136 người và CHLB Đức: 78 người. Hiện số lao động này có việc làm ổn định và thu nhập tốt.

5. Đánh giá tổng quan

Nếu trong năm 2016 có 29 thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam, thì chỉ có 6 thị trường tiếp nhận với quy mô từ 1.000 lao động trở lên, bao gồm thị trường: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Ả Rập Xê- Út, và Algieri.

Tóm lại trong năm 2016, các thị trường tiếp nhận lớn lao động Việt Nam vẫn tập trung vào các nước (lãnh thổ) thuộc khu vực Đông Bắc Á và tập trung sự gia tăng lớn hơn cả là hai thị trường Đài Loan và Nhật Bản. Riêng hai thị trường này có quy mô cung ứng lao động và TTS chiếm 85,66% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài của cả nước và chiếm 92,50% cung ứng laO ĐỘNG KHU VỰC Đông Bắc Á.

 Thị trường khu vực Trung Đông có xu hướng tăng  so với năm 2015. Thị trường các nước Đông Nam Á giảm mạnh so với trước, riêng thị trường Malaysia có sự giảm đáng kể.

 Đây là một nét khác biệt so với các năm trước đây và có lẽ cũng sẽ là xu hướng vận động của thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam trong năm 2017.

 Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của cơ quan Quản lý nhà nước ngay từ đầu năm 2017 về ổn định và phát triển các thị trường trọng điểm, đặc biệt tại hai thị trường Nhật Bản và Đài Loan, cũng như sự tập trung đầu tư bài bản của doanh nghiệp nhằm cải thiện tốt hơn chất lượng lao động, nâng cao tính  tuân thủ nghiêm túc về ý thức chấp hành việc trở về nước khi hết hạn hợp đồng của người lao động, chắc chắn trong năm 2017, sự nghiệp xuất khẩu lao động sẽ có bước phát triển mới kể cả quy mô và chất lượng./.

 

 

 

Scroll