ĐÓN NHẬN VÀ CHỦ ĐỘNG THỰC HIỆN BỘ QUY TẮC
ỨNG XỬ DÙNG CHO CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM ĐƯA LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI
NGUYỄN LƯƠNG TRÀO
Vị trí của Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động của các doanh nghiêp XKLĐ Việt Nam
Hoạt động dịch vụ đưa lao động đi
làm việc ở nước ngoài (nói gọn là dịch vụ việc làm ngoài nước) là hoạt
động liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người lao động đi làm
việc ở nước ngoài. Đây là một trong những loại hình dịch vụ nếu được tổ
chức thực hiện tốt, sẽ đưa lại hiệu quả to lớn, nhiều mặt cho cả doanh
nghiệp, người lao động và xã hội. Đồng thời, nó cũng là hoạt động có
tính nhạy cảm cao, ẩn chứa không ít rủi ro, nên nếu không phòng ngừa
được, thì dẫn tới thiệt hại cho cả doanh nghiệp và người lao động và hệ
quả tiêu cực cho xã hội.
Muốn phát triển bền vững và có
thương hiệu tốt, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc
ở nước ngoài vừa phải chấp hành tốt luật pháp của quốc gia, các công
ước, khuyến nghị của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) và các tiêu chuẩn
quốc tế khác, vừa phải thực hiện dịch vụ của mình một cách có đạo đức,
lương tâm nghề nghiệp.
Nhằm thoả mãn được tất cả các yêu
cầu trên, mọi hoạt động của doanh nghiệp liên quan đến quá trình đưa lao
động đi làm việc ở nước ngoài phải được điều chỉnh, phải diễn ra theo
những chuẩn mực, những quy tắc nhất định. Những quy tắc chuẩn mực ấy
được xây dựng thành bộ quy tắc ứng xử dùng cho các doanh nghiệp hoạt
động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Bộ quy tắc ứng xử dùng cho các
doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước
ngoài (viết tắt CoC-VN ), được xây dựng dựa trên quy định của pháp luật
Việt Nam, các công ước và khuyến nghị của Tổ chức quốc tế (ILO) và các
tiêu chuẩn quốc tế khác liên quan đến hoạt động này. Nó không thay thế
văn bản pháp luật, nhưng lại hàm chứa nội dung, yêu cầu của pháp luật.
Việc cam kết thực hiện CoC-VN dựa trên nguyên tắc tự nguyện.
- Xét ở góc độ tuân thủ luật pháp,
thì đi từ pháp luật đến xây dựng, thực hiện CoC-VN chính là quá trình
biến “cái bắt buộc” thành “cái tự nguyện”. Doanh nghiệp nhận thức, tìm
thấy ở CoC-VN là công cụ hữu ích để cán bộ, nhân viên của mình tránh vi
phạm và thực hiện tốt hơn pháp luật. Vì thực tế cũng cho thấy, pháp luật
chỉ có thể được thực hiện tốt nhất khi đã trở thành những quy tắc ứng
xử, kim chỉ nam cho họat động cụ thể của mỗi doanh nghiệp.
- Nhìn nhận ở góc độ xây dựng uy
tín, thương hiệu doanh nghiệp thì CoC-VN như một ISO chuyên ngành của
doanh nghiệp. Doanh nghiệp thực hiện tốt CoC-VN sẽ trở thành doanh
nghiệp có đẳng cấp, thương hiệu tốt, sẽ tạo niềm tin, sự ngưỡng mộ và
lực hút tốt với khách hàng cả đối tác trong và ngoài nước, cả người lao
động và xã hội.
Quá trình nghiên cứu xây dựng CoC-VN
Quá trình nghiên cứu xây dựng CoC-VN đã được thực hiện qua các bước sau;
1. Nghiên cứu luật pháp:
Trên
cơ sở nắm chắc các quy định của luật pháp Việt Nam, đã nghiên cứu hệ
thống luật pháp quốc tế, công ước, khuyến nghị của ILO liên quan đến lao
động di cư, việc làm bền vững, phòng chống lao động cưỡng bức và buôn
bán người. Trong đó,đáng lưu ý là: Công ước số 29 về lao động cưỡng bức
(1930); Công ước số 105 về xoá bỏ lao động cưỡng bức (1957); Công ước số
181 về các cơ sở môi giới dịch vụ việc làm (1997); Khuôn khổ đa phương
về lao động nhập cư của ILO; Những khuyến nghị hướng dẫn trong chính
sách và thực tiễn tuyển dụng lao động nhập cư trong khu vực Mê Kông
(ILO).
2. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế:
Nghiên cứu, tham khảo các bộ quy tắc hành xử, quy tắc thực hành, cam kết
của các Hiệp hội, Liên đoàn tuyển dụng quốc gia (NRF của Ireland, Hiệp
hội doanh nghiệp Trung Quốc, liên đoàn các công ty môi giới tuyển dụng
lao động tư nhân quốc tế (CIETT) có trụ sở tại Bỉ.
3. Khảo sát về tuyển dụng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài nhằm:
a)
Phát hiện những tồn tại, thách thức, những rủi ro, nguy cơ mà các công
ty có thể gặp phải trong tất cả các khâu của quá trình tuyển chọn, đào
tạo, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, bảo vệ hỗ trợ người lao động
khi ở nước ngoài và khi về nước.
b) Phát hiện những mô hình, những cách làm tốt để thực hiện tuyển dụng lao động có đạo đức, phòng tránh lao động cưỡng bức.
- Việc khảo sát được thực hiện thông qua các bộ câu hỏi bán cấu trúc
dành cho doanh nghiệp tuyển dụng và cho người lao động đã sử dụng dịch
vụ của doanh nghiệp khi đi làm việc ở nước ngoài (thu được ý kiến của
doanh nghiệp và người lao động)
- Phỏng vấn sâu một số doanh nghiệp và một số người lao động cũng là công cụ đã được sử dụng.
4. Toạ đàm, hội thảo lấy ý kiến tham gia
a) Đề cương chi tiết và các
điều khoản thiết yếu trong dự thảo bộ quy tắc ứng xử CoC-VN đã được tổ
chức lấy ý kiến đóng góp tại hai cuộc hội thảo:
- Tại Hà Nội (17-09-2009) với sự tham gia của đại diện ILO, IOM, một số
chuyên gia quốc tế, đại diện Bộ Lao động TBXH, VAMAS, Cục QLLĐNN, Tổng
Liên đoàn lao động Việt Nam, VCCI, lãnh đạo 3 Sở Lao động và
lãnh đạo 17 công ty tuyển dụng (phía bắc)
- Tại thành phố Hồ Chí Minh (30-09-2009) với sự tham gia của 43 đại
biểu từ DOLAB, VAMAS, Sở Lao động TBXH thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo
32 doanh nghiệp tuyển lao động (phía nam)
Cả hai cuộc hội thảo trên đều
đóng góp rất tích cực, khẳng định sự cần thiết có CoC-VN, ý nghĩa quan
trọng của nó, đồng thời đóng góp thêm những khía cạnh cần bổ sung, chỉnh
sửa trong dự thảo
b) Hội thảo góp ý lần cuối về
dự thảo CoC-VN tại Hà Nội ngày 30-10-2009 với sự tham gia của 40 đại
biểu từ: ILO, UNIFEM, IOM, MOLISA, DOLAB, VAMAS, 3 Sở Lao động TB và XH
Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hoá, và lãnh đạo 20 doanh nghiệp tuyển lao
động.
c) Thông tin trên tạp chí và báo
ngành: đăng Dự thảo đã được chỉnh sửa trên Tạp chí Lao động xã hội và
Bản tin của Hiệp hội để lấy ý kiến tham gia rộng rãi của các doanh
nghiệp, các nhà quản lý và các chuyên gia.
5. Hoàn thiện và ban hành.
Nội dung của CoC-VN
Bộ quy tắc ứng xử này được bố cục thành 3 phần:
Phần I: Những quy định chung;
Phần II: Nguyên tắc hoạt động
Phần III: Nguyên tắc áp dụng
Phần I - Những quy định chung:
Ngoài việc định nghĩa các khái niệm
được sử dụng trong CoC-VN, nội dung cốt yếu của phần này là xác định
bản chất của CoC-VN. Đó là:
- Trình bày nguyên tắc cơ bản trong hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
- Dựa trên các quy định của Luật
pháp Việt Nam, các công ước, khuyến nghị của ILO, quy định quốc tế khác
có liên quan và thực tiễn Việt Nam;
- Không thay thế luật, áp dụng mang tính tự nguyện;
- Là công cụ hỗ trợ quan trọng cho
việc tuân thủ tốt hơn các quy định của luật pháp; Doanh nghiệp quản lý
tốt hơn hoạt động của mình, phòng chống lao động cưỡng bức, buôn bán
người, nhất là đối với lao động nữ.
Phần II - Nguyên tắc hoạt động:
Quy định các quy tắc cơ bản trong
hoạt động của doanh nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở
nước ngoài với 12 điều lớn. Trong đó các nguyên tắc quy định trong 10
điều đầu tiên liên quan đến toàn bộ quy trình hoạt động dịch vụ trong
lĩnh vực XKLĐ mà doanh nghiệp cần chấp hành. Đó là:
- Tuân thủ các quy định của luật pháp
- Tiêu chuẩn kinh doanh
- Quảng cáo công việc
- Tuyển chọn
- Đào tạo
- Tổ chức đưa lao động đi nước ngoài
- Bảo vệ người lao động ở nước ngoài
- Ký kết các hợp đồng
- Về nước và tái hoà nhập
- Tranh chấp và cơ chế giải quyết tranh chấp
Và 2 điều tiếp theo xác định nguyên
tắc trong xây dựng quan hệ đối tác và quan hệ đồng nghiệp, mà thực chất
là xây dựng văn hóa ứng xử của doanh nghiệp. Đó là:
- Xây dựng quan hệ đối tác
- Xây dựng quan hệ đồng nghiệp giữa các doanh nghiệp tuyển lao động
Phần III – Quy định về nguyên tắc áp dụng CoC-VN:
Trong đó có những nội dung đáng quan tâm sau:
1. Doanh nghiệp cam kết:
- Coi CoC-VN là một bộ phận quan
trọng trong chính sách cơ bản của doanh nghiệp nhằm bảo đảm cho doanh
nghiệp phát triển bền vững và có thương hiệu tốt.
- Doanh nghiệp xây dựng quy trình cụ thể để Bộ quy tắc này được áp dụng trong các hoạt động của mình.
2. Cơ chế thông tin, hoạt động nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực:
-
Thông tin, tuyên truyền về CoC-VN đến tất cả các doanh nghiệp tuyển lao
động các cơ quan lao động và chính quyền địa phương và dư luận xã hội.
- Thông tin rộng rãi về các doanh nghiệp đăng ký thực hiện CoC-VN;
- Tổ chức tập huấn cho cán bộ doanh
nghiệp tuyển lao động về thực hiện CoC-VN với phòng chống lao động cưỡng
bức, buôn bán người;
- Thông báo cho người lao động tham gia tuyển lao động; cho đối tác nước ngoài;
- VAMAS xây dựng cơ chế nhận
thông tin phản hồi từ người lao động, từ chính quyền địa phương, từ các
tổ chức NGO và từ các doanh nghiệp…về tình hình chấp hành của doanh
nghiệp;
- VAMAS xây dựng bảng điểm đánh giá việc thực hiện của doanh nghiệp;
- Căn cứ bảng điểm, doanh nghiệp tự chấm điểm, gửi báo cáo thực hiện hàng năm đến hội đồng đánh giá.
- Dựa vào thu thập, kiểm tra
các thông tin phản hồi, đối chiếu với báo cáo của doanh nghiệp, hội đồng
đánh giá xem xét, chấm điểm thực hiện của doanh nghiệp.
- VAMAS có cơ chế động viên,
khen thưởng doanh nghiệp chấp hành tốt; thông báo rộng rãi những điển
hình tốt từng khâu, các doanh nhiệp có thành tích cao trong thực hiện
CoC-VN.
3. Xử lý vi phạm
- Nhắc nhở rút kinh nghiệm với sai sót nhỏ;
- Thông báo rộng rãi nếu vi phạm lớn, lặp lại không sửa;
- Đưa ra ngoài danh sách những doanh nghiệp cam kết thực hiện CoC.VN.
Quan điểm của các tổ chức quốc tế, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp về CoC-VN
* ILO :
Đánh giá cao chất lượng và vị trí
của CoC-VN, tại Lễ công bố ban hành Bộ quy tắc ứng xử, Giám đốc Văn
phòng ILO tại Việt Nam nhấn mạnh:
”Bộ Quy tắc ứng xử này không chỉ đưa ra những nguyên tắc cho các doanh
nghiệp trong quá trình triển khai các hoạt động, mà còn là yếu tố cơ bản
của cách tiếp cận mới nhằm quản lý tốt hơn chương trình đưa người lao
động đi làm việc ở nước ngoài.”
“Bộ Quy tắc ứng xử này sẽ giúp cho công tác quản lý hoạt động đưa người
lao động đi làm việc tại nước ngoài một cách tốt hơn thông qua các
nguyên tắc để các doanh nghiệp tự áp dụng. Những nguyên tắc này nhằm mục
đích nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm của người lao động đi
làm việc ở nước ngoài và các doanh nghiệp phái cử; phương pháp để gắn
kết các doanh nghiệp phái cử trong công tác chuẩn bị cần thiết cho người
lao động trước khi họ xuất cảnh và trong thời gian họ làm việc ở nước
ngoài. Để người lao động nắm được quyền lợi của họ trước khi xuất cảnh,
trong thời gian làm việc ở nước ngoài và khi trở về nước, điều quan
trọng là chúng ta cần đảm bảo hệ thống quản lý công tác đưa người lao
động đi làm việc ở nước ngoài được vận hành một cách hiệu quả hơn.”
“Bộ Quy tắc ứng xử này hoàn toàn dựa trên các quy định của luật pháp
Việt Nam, các Công ước, khuyến nghị của ILO, tiêu chuẩn quốc tế khác có
liên quan và thực tiễn Việt Nam. Bộ Quy tắc ứng xử không thay thế luật
pháp và quy định quốc gia, được áp dụng mang tính tự nguyện để hỗ trợ
cho việc tuân thủ luật pháp.”
“Bộ Quy tắc ứng xử là công cụ
hỗ trợ quan trọng cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ tốt hơn các quy
định của luật pháp; và quản lý tốt hơn hoạt động của mình, phòng chống
lao động cưỡng bức, buôn bán người, đặc biệt đối với lao động dễ bị tổn
thương như lao động nữ.”
“Tôn chỉ hoạt động của ILO được
các quốc gia thành viên xây dựng là thúc đẩy các tiêu chuẩn lao động
quốc tế cũng như những nguyên tắc, quy định trong Chương trình đa phương
không cam kết của ILO về di cư lao động. ILO hoan nghênh cơ hội được
hợp tác với các đối tác của Việt Nam để đưa những nguyên tắc của Bộ Quy
tắc ứng xử này vào trong thực tiễn.”
* Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội :
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa, trong lời giới thiệu về Bộ quy tắc ứng xử và tại Lễ công bố ban hành CoC-VN đã nhấn mạnh: “Bộ
Lao động - Thương binh và Xã hội hoan nghênh Hiệp hội XKLĐ Việt Nam đã
xây dựng và ban hành Bộ quy tắc ứng xử chuyên ngành này và khuyến khích
các doanh nghiệp áp dụng. Bộ coi việc đăng ký, thực hiện tốt CoC-VN là
một tiêu chí quan trọng để xem xét đánh giá và giới thiệu doanh nghiệp
với các đối tác trong và ngoài nước và lựa chọn doanh nghiệp tham gia
phát triển các thị trường mới, thị trường trọng điểm.”
* Doanh nghiêp:
- Ông Vũ Công Bình - Tổng GĐ Công ty LOD:
“Chúng tôi rất vui mừng được đón nhận CoC-VN do Hiệp hội XKLĐ Việt Nam
chủ trì xây dựng trong sự hợp tác với cơ quan quản lý nhà nước và tổ
chức lao động quốc tế. Doanh nghiệp chúng tôi cũng như nhiều doanh
nghiệp XKLĐ khác đang mong muốn phát triển doanh nghiệp bền vững và có
thương hiệu tốt, CoC-VN sẽ là công cụ hữu hiệu hỗ trợ chúng tôi thực
hiện mong muốn của mình. Chúng tôi sẽ triển khai thực hiện CoC-VN. Đề
nghị Hiệp hội hỗ trợ doanh nghiệp để tập huấn cán bộ nhân viên về
CoC-VN”
- Ông Đoàn Đại Thành Giám đốc Công ty SONA:
“CoC-VN
là chuẩn mực cần thiết cho phát triển doanh nghiệp cũng như sự nghiệp
đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; Là “cái gậy” cho doanh
nghiệp. Doanh nghiệp sẽ soi lại mình để làm tốt hơn nữa những gì đã làm
được, và sửa chữa những gi chưa làm được. Chúng tôi quyết tâm triển khai
thực hiện CoC-VN”
Tổ chức đăng ký thực hiện CoC-VN
Để Bộ quy tắc ứng xử được
nhanh chóng áp dụng rộng rãi trong hoạt động của các doanh nghiệp XKLĐ
Việt Nam, Hiệp hội Xuất khẩu Lao động Việt Nam đã tổ chức Lễ công bố ban
hành và đăng ký thực hiện CoC-VN cho các doanh nghiệp XKLĐ ở các tỉnh
phía Bắc vào ngày 15-07-2010 tại Hà Nội. Lễ công bố này sẽ được tổ chức
tiếp tại thành phố Hồ Chí Minh cho các doanh nghiệp trên địa bàn các
tỉnh phía Nam.
Tiếp đó, Hiệp hội sẽ cấp chứng
chỉ chính thức cho các doanh nghiệp đăng ký thực hiện; Thông báo rộng
rãi danh sách các doanh nghiệp đăng ký thực hiện CoC-VN cho các đối tác
nước ngoài và công chúng trong nước; Tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ
nhân viên các doanh nghiệp về nội dung Bộ quy tắc ứng xử và những quy
định có liên quan đến di cư lao động trong Công ước và Khuyến nghị của
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
Hiệp hội sẽ phối hợp với cơ
quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong việc theo dõi giám sát quá
trình thực hiện CoC-VN; Nghiên cứu, phát hiện những điển hình tốt, kinh
nghiệm hay trong triển khai thực hiện của doanh nghiệp để nhân rộng,
đồng thời đánh giá việc thực hiện của các doanh nghiệp.
Không dễ dàng để thực hiện
thật tốt, thật đầy đủ mọi nội dung của bộ quy tắc ứng xử này trong một
sớm một chiều. Nhưng nhận rõ giá trị của Bộ quy tắc ứng xử để tự nguyện,
chủ động tổ chức thực hiện là cách tốt nhất đem đến thành công trên con
đường xây dựng thương hiệu, sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của doanh
nghiệp./.