Thực
hiện Nghị Quyết của Đại hội nhiệm kỳ III của Hiệp hội, sau một thời
gian thu thập ý kiến về những vướng mắc trong việc cho vay vốn đối với
người lao động đi làm việc ở nước ngoài của một số doanh nghiệp và
chuyển cho phía Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam ( Agribank ) nghiên cứu
trước, sáng ngày 16/11 Thường trực Hiệp hội và đại diện một số doanh
nghiệp đã có buổi làm việc với Phó tổng giám đốc Agribank Nguyễn Tiến
Đông, cùng dự về phía Ngân hàng có đại diện của các phòng, ban liên
quan. Chủ tịch Hiệp hội nêu thực trạng một số khó khăn trong vay vốn của
người lao động theo phản ảnh của các doanh nghiệp và sau chuyến đi khảo
sát tại tỉnh Thanh Hóa về hồ sơ thủ tục, mức vay và nguồn vốn cho vay
và đề xuất với phía Ngân hàng như sau :
-
Cần đơn giản thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục không cần thiết, rút
ngắn quy trình; loại bỏ những cản trở, phiền hà trong công tác cho vay.
Cán Bộ tín dụng ngân hàng, đặc biệt với người lao động thiếu hiểu biết
nên tận tình hơn nữa trong việc hướng dẫn người lao động hoàn thiện hồ
sơ vay vốn một cách nhanh nhất.
- Nâng mức cho vay phù hợp với chi phí người lao động phải nộp từng thị trường;
-
Tách biệt cho vay XKLĐ với các hoạt động vay vốn khác của hộ gia đình,
và sẵn sàng cho vay nhiều suất với một hộ gia đình có nhiều người tham
gia XKLĐ;
- Với
gia đình có đất đai nhưng chưa có sổ đỏ chỉ cần xác nhận của chính
quyền địa phương về việc gia đình sở hữu đất đai đó, không tranh chấp.
-
Trong toàn hệ thống Agribank, thống nhất 1 quy trình phối hợp với các
doanh nghiệp XKLĐ để cho vay đối với NLĐ, không để tình trạng chi nhánh
NH mỗi tỉnh, mỗi huyện lại đặt ra yêu cầu khác biệt với quy trình cho
vay chung. Không buộc các doanh nghiệp mở tài khoản tại NH các tỉnh và
trích ký quỹ theo tỷ lệ nhất định.
- Đảm bảo nguồn vốn cho vay đáp ứng nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài ở các địa phương.
Đại
diện Ban tín dụng hộ và cá nhân cho biết toàn hệ thống Ngân hàng nông
nghiệp cho vay XKLĐ theo hướng dẫn và chỉ đạo của Ngân hàng NN trung
ương; tuy nhiên Ngân hàng cũng là doanh nghiệp nên các chi nhánh phải tự
quyết định và chịu trách nhiệm về món cho vay, ví dụ có hướng dẫn về
việc cho hộ gia đình vay đến 50 triệu động không cần thế chấp, nhưng
điều kiện để được vay do chi nhánh Ngân hàng quyết định sao cho đạt mức
tối đa về an toàn món vay. Một gia đình có nhiều chương trình, dự án đều
được vay vốn, nhưng mức các món vay phụ thuộc vào khả năng trả nợ. Từ
lâu Ngân hàng không còn áp dụng mức vay tiêu chuẩn cho từng loại đối
tượng mà phải xem xét, cân nhắc từng trường hợp. Trường hợp chưa có sổ
đỏ, nếu chính quyền xã xác nhận và cam đoan chỉ cấp một bản xác nhận
chính là cho vay được. Lãi suất cho vay theo thị trường.
Phó Tổng Giám đốc Agribank Nguyễn Tiến Đông hoan nghênh sáng kiến của
Hiệp hội tổ chức buổi làm việc để hiểu thêm được tình hình thực tế trong
cho vay XKLĐ. Thời gian qua Ngân hàng gặp nhiều khó khăn, một mặt do
chính sách thắt chặt tiền tệ của nhà nước, mặt khác là sự cạnh tranh
trong huy động vốn. Tuy nhiên, qua buổi làm việc này Ngân hàng sẽ bàn
việc tăng cường vốn cho vay XKLĐ, khắc phục hiện tượng thiếu vốn cục bộ.
Ngân hàng nông nghiệp Trung ương đã ban hành nhiều hướng dẫn, nhưng các
chi nhánh phải tự chịu trách nhiệm về món vay. Vay tới 50 triệu theo
hướng dẫn về nguyên tắc là không phải thế chấp, tuy nhiên có thể chi
nhánh vẫn yêu cầu thế chấp, việc này phụ thuộc vào nhân thân của người
vay. Về cơ chế thì không vướng mắc, nhưng trên thực tế có thể vẫn phát
sinh các bất cập do nhận thức của cán bộ ngân hàng, do thiếu vốn hoặc do
sự quan tâm của ngân hàng cấp tỉnh. Sau cuộc họp này, Ngân hàng
NN&PTNT Việt Nam sẽ có công văn chỉ đạo trong toàn hệ thống về cho
vay XKLĐ. Để tăng cường vốn cho vay, đề nghị Hiệp hội vận động các doanh
nghiệp ký quỹ theo quy định của Luật XKLĐ tại Ngân hàng nông nghiệp.