TỔNG QUAN THỊ TRƯỜNG TIẾP NHẬN LAO ĐỘNG VIỆT NAM 11 THÁNG ĐẦU NĂM 2012 31/10/2013 23:29 11 tháng đầu năm 2012 có 72.845 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đạt 81% so với kế hoạch cả năm.
Riêng trong tháng 11, các doanh nghiệp đã cung ứng 7.332 lao động, tăng 3,03% so với tháng 10 vừa qua. Phân theo khu vực cho thấy: 1. KHU VỰC ĐÔNG BẮC Á Số lao động đi làm việc tại khu vực là 46.613người, chiếm tỷ trọng 63,99% tổng số lao động đưa đi. Trong đó: Lao động đi làm việc tại Đài Loan: 27.548 người, chiếm tỷ trọng 59,10% số lao động cung ứng cho khu vực này và chiếm 37,82% tổng số lao động đưa đi trong 11 tháng đầu năm của cả nước. Riêng tháng 11, thị trường Đài Loan tiếp nhận 2.895 lao động, tăng 3,87% so với tháng 10 liền kề. Lao động đi làm việc tại Nhật bản: 7.893 người, bình quân mỗi tháng cung ứng 718 người. Riêng trong tháng 11, thị trường này tiếp nhận 877 người tăng 5,80% so với tháng 10 liền kề và là tháng có quy mô lao động cung ứng cao nhất trong 11 tháng qua . Lao động đi làm việc tại Hàn Quốc: 9.116 người, bình quân mỗi tháng thị trường Hàn Quốc tiếp nhận 829 người. Tháng 11 thị trường Hàn Quốc tiếp nhận 127 lao động, giảm 53,14% so với tháng 10 liền kề. Lao động đi làm việc tại Ma Cao: 2.056 người, bình quân mỗi tháng thị trường này tiếp nhận 187 người. Riêng trong tháng 11, tiếp nhận 223 người, tăng 4,69% so với tháng 10 liền kề. Cơ cấu lao động về giới tính lao động nữ chiếm ưu thế, có tỷ lệ là 92,80%. 2. THỊ TRƯỜNG KHU VỰC ĐÔNG NAM Á Có 18.644 lao động VN được cung ứng, chiếm 25,59% tổng số lao động đưa đi. Riêng tháng 11, khu vực này tiếp nhận 2.271 người. Phân theo các nước tiếp nhận cho thấy: có 5 thị trường tiếp nhận lao động VN trong 11 tháng qua. Malaysia 7.966 người, chiếm 42,73% số lao động cung ứng cho khu vực và vẫn là thị trường tiếp nhận lao động VN nhiều nhất trong khu vực. Thị trường Lào tiếp nhận 5.684 người; Cămpuchia: 4.813 người; Singapor: 107 người và Brunei: 74 người. Trong tháng 11 thị trường Malaysia tiếp nhận 1.121 người, mức cao nhất trong 11 tháng qua và tăng 3,7% so với tháng 10 liền kề và thị trường Cămpuchia tăng 8,30% so với tháng 10 liền kề. 3. THỊ TRƯỜNG KHU VỰC TRUNG ĐÔNG Có 4.627 lao động VN được cung ứng vào khu vực này, chiếm 6,35% tổng số lao động đưa đi. Tại khu vực này có 9 thị trường tiếp nhận, đó là: Ả Rập Xê út: 2.108 người; UAE: 1.510 người; Ô Man: 154 người; Quatar: 105 người; Cô oét: 440 người; Isarel: 270 người; Baranh: 11 người; Jordan: 20 người và Li Băng: 9 người. Tuy nhiên trong tháng 11, các doanh nghiệp chỉ cung ứng lao động cho 4 thị trường, đó là: UAE: 130 người; Ả Rập Xê út: 279 người; Cô oét: 15 người và Isarel: 53 người. 4. THỊ TRƯỜNG KHU VỰC BẮC PHI Chỉ có 349 lao động cung ứng sang khu vực này, chiếm 0,96% tổng số lao động đưa đi, trong đó Modambic: 213 người; Lybia: 446 người và Algieri: 38 người. Trong tháng 11, chỉ có Lybia tiếp nhận 140 lao động. Đây là một trong khu vực có quy mô cung ứng lao động còn rất khiêm tốn so với các khu vực khác mặc dù thị trường Lybia sau một thời gian tạm dừng cung ứng lao động nay đang được thực hiện thí điểm trở lại. 5. THỊ TRƯỜNG CÁC KHU VỰC KHÁC Có 2.264 lao động được cung ứng sang các thị trường thuộc các khu vực khác, chiếm 3,11% tổng số lao động đưa đi. Trong các thị trường tiếp nhận lao động VN, phải kể tới một số thị trường sau: Cộng hòa Síp đã tiếp nhận 1.450 người, bình quân mỗi tháng có 132 lao động; Liên bang Nga: 357 người; Pêru: 173 người và Bồ Đào Nha: 145 người. Tuy nhiên trong tháng 11 các doanh nghiệp chỉ cung ứng lao động đến 3 thị trường, đó là: Síp: 195 người và Liên bang Nga: 67 người. Số liệu thống kê cũng cho thấy, số lao động nữ đưa đi có 23.707 người, chiếm 32,54% tổng số lao động. Tỷ lệ này trong tháng 11 là 41,34%. Nếu trong 11 tháng qua có 30 thị trường đã tiếp nhận lao động VN thì trong tháng 11 số thị trường tiếp nhận lao động có 16 thị trường. Tổng quan tình hình cung ứng lao động 11 tháng đầu năm 2012 cho thấy hai khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á có quy mô tiếp nhận lao động VN vẫn tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất và đạt 89,28% tổng số lao động đưa đi, trong đó khu vực Đông Bắc Á chiếm 63,99% và khu vực Đông Nam Á là 25,59%. Các khu vực khác quy mô đưa đi là không đáng kể. Xu hướng vận động về quy mô cung ứng lao động vẫn sẽ tiến triển theo xu hướng này và thị trường khu vực Đông Bắc Á vẫn sẽ có tỷ trọng lớn nhất trong thời gian tới mặc dù thị trường lao động Hàn Quốc có tạm dừng việc tuyển mới trong ngắn hạn./.