Qua XKLĐ, nhiều gia đình đã có điều kiện nâng cao thu nhập,
cải thiện cuộc sống, vươn lên làm giàu. Không những thế, người lao động sau khi
trở về được tiếp cận kiến thức khoa học – kỹ thuật tiên tiến, tính kỷ luật
trong lao động và nâng cao tay nghề nên dễ tìm được việc làm.
Tuy nhiên, thời
gian gần đây công tác XKLĐ tại 7 huyện nghèo đang gặp rất nhiều khó khăn. Số
người đăng ký tham gia XKLĐ ngày càng ít. Nếu như năm 2009 đưa được 588 lao động
xuất cảnh, năm 2010 có 823 lao động xuất cảnh, năm 2011 là 451 lao động xuất cảnh,
thì đến năm 2012 chỉ có 310 lao động và 9 tháng năm 2013 chỉ đưa được trên 60
lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, trong đó các huyện Quan Hóa, Mường
Lát, Quan Sơn không có lao động nào đi.
Lý giải về những
khó khăn này, ông Lê Đình Tùng, Trưởng phòng Việc làm – An toàn lao động, Sở
Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), cho biết: Nguyên nhân dẫn đến số
lao động ở 7 huyện nghèo trong tỉnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài giảm mạnh
là do lực lượng lao động nhiều nhưng chất lượng lao động thấp, ý thức tổ chức kỷ
luật chưa cao, trong đó một số lao động đang tập trung học nghề, học tiếng bỏ về
không có lý do, làm ảnh hưởng đến tư tưởng số lao động đang học hoặc chuẩn bị
tham gia XKLĐ. Bên cạnh đó, đơn hàng dành cho lao động các huyện nghèo do Cục
Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) giới thiệu ít, một số doanh
nghiệp XKLĐ do địa hình miền núi phức tạp nên chưa chủ động tham gia tuyển nguồn.
Có doanh nghiệp đã tuyển chọn, đào tạo, thu tiền rồi nhưng chưa đưa được lao động
đi xuất khẩu, hoặc phải chờ đợi lâu, gây mất niềm tin đối với người lao động.
Có doanh nghiệp tuyển được nhiều lao động nhưng do thủ tục vay vốn phức tạp,
lao động phải đi lại nhiều lần nên chán nản và bỏ cuộc. Hơn nữa, hầu hết lãnh đạo
7 huyện nghèo chưa quan tâm nhiều đến công tác XKLĐ, chủ yếu giao cho phòng
LĐTB&XH. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khách quan khác như do biến động
tình hình chiến sự tại Libya, động đất, sóng thần tại Nhật Bản nên lao động phải
về nước trước thời hạn. Đặc biệt, có một số lao động làm việc tại Hàn Quốc khi
hết hạn hợp đồng nhưng không về nước, ở lại làm ăn bất hợp pháp nên phía bạn dừng
tiếp nhận lao động Việt Nam cũng là khó khăn, trở ngại lớn cho công tác XKLĐ.
Trước khó khăn
trên, nhiều địa phương đã nỗ lực, chủ động trong công tác tuyên truyền, vận động
lao động đi XKLĐ, nhưng số lao động tham gia vẫn ít. Ông Phạm Đăng Lực, Phó Chủ
tịch UBND huyện Lang Chánh, cho biết: Mặc dù chính sách hỗ trợ theo Quyết định
71 đã mở ra cơ hội cho lao động các huyện nghèo, đặc biệt là hộ nghèo tạo cơ hội
để đồng bào thoát nghèo, nhưng để thay đổi được tập quán sinh hoạt, tác phong
lao động công nghiệp, năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của đồng bào không
phải dễ, hơn nữa đồng bào thường có tâm lý ngại đi làm ăn xa. Trước khó khăn
trên, cùng với sự vào cuộc đồng bộ của các đoàn thể chính trị - xã hội, ban chỉ
đạo XKLĐ từ huyện đến cơ sở đã tích cực tuyên truyền về cơ chế, chính sách hỗ
trợ của Nhà nước; đồng thời chỉ đạo các đơn vị chức năng tạo điều kiện thuận lợi
về vốn, hồ sơ, thủ tục lựa chọn các doanh nghiệp XKLĐ có năng lực về địa phương
tư vấn, tuyển dụng lao động. Từ đầu năm đến nay, huyện đã tuyên truyền, vận động
được 48 lao động tham gia dự tuyển các thị trường Malaysia, Ả Rập Xê Út và Đu
Bai. Tuy nhiên, mới có 4 lao động xuất cảnh, 8 lao động chuẩn bị xuất cảnh và
22 lao động đang học định hướng. Còn theo ông Hà Tự Nhiên, Trưởng phòng
LĐTB&XH huyện Bá Thước thì có những lao động được mời đến trụ sở UBND xã để
nghe cán bộ tuyên truyền về lợi ích, chính sách hỗ trợ của việc đi XKLĐ, nhưng
khi biết phải mất thời gian học nghề, học ngoại ngữ và phải xa nhà, trong khi
gia đình đang được hưởng chính sách hộ nghèo nên đã từ chối không đi XKLĐ.
Để tiếp tục tháo
gỡ khó khăn trong công tác XKLĐ, Ban chỉ đạo XKLĐ tỉnh đã tổ chức hội nghị bàn
biện pháp đẩy mạnh XKLĐ trong những tháng cuối năm 2013 và thời gian tiếp theo.
Đặc biệt, đối với 7 huyện nghèo sẽ tổ chức các hội nghị tập huấn về công tác
tuyên truyền, tư vấn XKLĐ cho cán bộ phụ trách XKLĐ từ cấp huyện đến cấp xã và
trưởng các thôn, bản, các đoàn thể. Sở LĐTB&XH đã phối hợp với 4 huyện:
Lang Chánh, Bá Thước, Quan Sơn, Mường Lát tổ chức hội thảo nhằm tìm giải pháp đẩy
mạnh công tác XKLĐ. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước về XKLĐ, nhất
là trong việc thẩm định các doanh nghiệp được phép vào hoạt động trên địa bàn;
đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động cho cán bộ, nhân dân hiểu về lợi
ích của chương trình XKLĐ để họ tích cực tham gia. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp
tham gia XKLĐ cần chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường, phối hợp với các
ngành, các cấp trong công tác tư vấn, tuyển dụng lao động; nêu cao tinh thần
trách nhiệm đối với người lao động, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp cho
người lao động khi đi XKLĐ.
Nguồn : Trang tin Thanh Hóa.