Ngày 24 và 25 tháng 10 năm 2013, tại Đà Nẵng,
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Cơ quan Liên Hợp quốc về bình
đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO)
và Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS) tổ chức Hội thảo khu vực về bảo
vệ quyền của lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài và ứng xử của doanh nghiệp
cung cấp dịch vụ việc làm ở nước ngoài.
Đến
dự Hội thảo có ông Nguyễn Thanh Hoà, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã
hội, ông Ramanathan Balakrishnan, Phó Giám đốc Văn phòng Cơ quan Liên hợp quốc
về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) khu vực châu Á – Thái
Bình Dương, bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam, ông Nguyễn
Lương Trào – Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Việt Nam, đại diện Tổ chức lao động quốc tế
(ILO), đại diện Tổ chức di cư quốc tế (IOM), Hiệp hội các doanh nghiệp cung cấp
dịch vụ việc làm ở nước ngoài của các nước Campuchia, Lào, Srilanka,
Phillippines, Bangladesh, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, đại diện cơ quan chính
phủ Hàn Quốc, Myanmar, Phillipines, cùng đông đảo đại diện các bộ, ngành, đoàn
thể của Trung ương và Đà Nẵng.
Mục tiêu của Hội
thảo là thúc đẩy và hỗ trợ chia sẻ thông tin về các dịch vụ cung cấp việc làm ở
nước ngoài có tính nhạy cảm giới, phù hợp với Thoả ước về ứng xử đạo đức và các
điển hình tốt của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ việc làm ở nước ngoài; chia
sẻ kinh nghiệm hợp tác ở cấp quốc gia và khu vực.
Thoả ước ứng xử đạo đức và điển hình tốt của các doanh nghiệp cung
cấp dịch vụ việc làm ở nước ngoài là các tiêu chuẩn ứng xử có tính nhạy cảm giới
do UN Women đề xuất và đã được các doanh nghiệp dịch vụ cung cấp việc làm ở nước
ngoài và Hiệp hội các doanh nghiệp này ở 8 quốc gia châu Á (bao gồm
Bangladesh, Campuchia, Indonesia, Jordany, Lào, Nê pal, Philippines và Sri
Lanka) thông qua tại Hội thảo tham vấn khu vực về các điển hình tốt của các
doanh nghiệp cung cấp việc làm ở nước ngoài trong việc bảo vệ nữ lao động di cư
năm 2005 do UN Women tổ chức tại Băng Cốc – Thái Lan. Thông qua Thoả ước này,
các doanh nghiệp cam kết cung cấp thông tin đầy đủ cho lao động di cư và chủ sử
dụng lao động, cung cấp các loại hình bảo hiểm cho lao động di cư, thiết lập
các Trung tâm hỗ trợ lao động di cư ở nước tiếp nhận.
Theo bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam, phần
lớn lao động đi lao động ở nước ngoài đều thông qua các doanh nghiệp cung cấp dịch
vụ việc làm ở ngoài nước. Vì thế, hoạt động của các doanh nghiệp đóng vai trò
quan trọng trong quá trình người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh việc
ban hành luật và các quy định cần phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội lao động
trong việc soạn thảo bộ quy tắc ứng xử dành cho các doanh nghiệp hoạt động
trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Với sự hỗ trợ của ILO, năm 2010 Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam đã
nghiên cứu và ban hành Bộ Quy tắc ứng xử dùng cho các doanh nghiệp đưa lao động
đi làm việc ở nước ngoài ( gọi tắt là
CoC-VN ) bao gồm các nguyên tắc hoạt động của doanh nghiệp trong toàn bộ quy
trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài sao cho phù hợp với pháp luật Việt
Nam, các công ước và khuyến nghị của ILO, tiêu chuẩn quốc tế khác và thực tiễn ở
Việt Nam; năm 2011 đã thiết kế bộ công cụ nhằm giám sát đánh giá việc thực
hiện CoC-VN của các doanh nghiệp; năm 2012 đã áp dụng thí điểm việc giám sát,
đánh giá tại 20 doanh nghiệp và mở rộng ra 50 doanh nghiệp trong năm 2013. Nội
dung CoC-VN và bộ công cụ đánh giá cũng như thành công ban đầu trong việc thí
điểm đánh giá, xếp hạng các doanh nghiệp được dư luận trong nước, các tổ chức
quốc tế có liên quan và nhiều nước phái cử lao động trong khu vực đánh giá cao
và coi là điển hình tốt cần phổ biến ở các diễn đàn về di cư lao động trong khu
vực.
Hội
thảo khu vực lần này có các cuộc thảo luận giữa các doanh nghiệp dịch vụ tuyển
dụng của nước phái cử và nước tiếp nhận về việc thực hiện Thoả ước nêu trên,
đưa ra các đề xuất và các điển hình tốt; thúc đẩy việc hiểu biết tốt hơn về các
chính sách và dịch vụ việc làm ở nước ngoài có tính nhạy cảm giới; xác định các
nhu cầu hợp tác ở cấp quốc gia và khu vực để thực thi Thoả ước.
Lao động nữ di cư chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong tổng số lao động di cư
ở khu vực châu Á. Việt Nam cũng nằm trong xu hướng này với tỷ lệ lao động nữ
chiếm khoảng 30-35% tổng số lao động di cư. Với đặc điểm khác biệt về giới nên
phụ nữ đi làm việc ở nước ngoài dễ bị tổn thương hơn nam giới, dễ có nguy cơ bị
lạm dụng hơn, đặc biệt là những người làm các công việc có tính đặc thù như người
giúp việc trong các gia đình, đòi hỏi phải được quan tâm đúng mức và được thể
chế hoá trong luật pháp, chính sách cũng như trong việc cung cấp các dịch vụ
liên quan. Ngoài ra, kiến thức của phụ nữ trong kiểm soát và sử dụng tiền tiết
kiệm và ngoại hối như họ mong muốn và việc giải quyết các vấn đề gia đình liên
quan khi họ đi lao động ở nước ngoài cũng là những vấn đề quan trọng.
Kể từ năm 2009, các đơn vị chức năng
thuộc Bộ Lao động _ Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Cơ quan Liên Hợp
quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) triển khai hàng loạt
các hoạt động trong khuôn khổ dự án "Tăng quyền năng cho phụ nữ đi làm việc
ở nước ngoài" nhằm nâng cao nhận thức của lao động nữ về quyền và lợi ích
hợp pháp của họ khi đi làm việc ở nước ngoài, qua đó họ biết cách tự bảo vệ bản
thân khi đi làm việc ở nước ngoài. Với những kết quả nhất định đạt được sau khi
kết thúc dự án này, 2 bên đã đi đến quyết định tiếp tục hợp tác trong Dự án
“Nâng cao năng lực triển khai, đánh giá và kiểm tra việc thực hiện Chiến lược
và Chương trình quốc gia về Bình đẳng giới” hợp tác gữa Bộ Lao động – Thương
binh và Xã hội và UN Women.
Việc Hội thảo chia tổ để thảo luận kỹ các tác động tích cực trong thực
hiện Bộ quy tắc ứng xử trong bảo vệ quyền lợi của lao động nữ đi làm việc ở nước
ngoài trong các giai đoạn từ tuyển chọn, đào tạo ban đầu dến thời gian làm việc ở nước ngoài và sau khi kết
thúc hợp đồng về nước, tái hòa nhập và
đưa ra các khuyến nghị thể hiện sự đánh giá cao của Ban điều hành và các đại biểu
tham dự về vai trò của CoC và các thỏa ước về tuyển dụng có đạo đức trong việc
bảo vệ lao động di cư nữ.
Hội thảo này là một sáng kiến
của UN Women nhằm tăng cường hơn nữa các thể chế quốc gia và khu vực trong việc
bảo vệ quyền của lao động nữ di cư, thông qua việc nâng cao chất lượng dịch vụ
của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ việc làm ở nước ngoài trong khu vực châu
Á – Thái Bình Dương.