Ở thời kỳ “vàng son” của xuất khẩu lao động từ năm
2006 đến năm 2008 có đến 2.550 người đi làm việc ở nước ngoài, nhiều gia đình
đi xuất khẩu đã có thể sửa nhà cửa, mua trâu bò, mua máy móc, xe cộ,…
Ấy nhưng, từ
năm 2009 đến năm 2012 hoạt động xuất khẩu lao động liên tiếp suy giảm, số lượng
xuất khẩu lao động giảm dần, ì ạch từ 500 đến 600 người mỗi năm, điều đó có
nhiều nguyên nhân: thông tin chính thống về XKLĐ vẫn chưa đến với Người lao
động ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (thậm chí cả những
vùng có thông tin tốt), thông tin xấu về XKLĐ lại đến rất nhanh khiến nhiều lao
động hoài nghi, do dự, hủy bỏ hợp đồng, lại có người muốn đi XKLĐ không biết
đăng ký ở đâu, làm thủ tục như thế nào…, trong khi đó, hệ thống thông tin tuyên
truyền của ta hiện nay còn mang nặng tính hình thức; vẫn còn tình trạng lừa
người lao động để thu mức phí cao hơn thực tế; có người mạo hiểm chọn con đường
đi làm việc ở nước ngoài bằng visa du lịch, thăm thân nhân,… rồi ở lại làm việc
và cư trú bất hợp pháp; có người vừa đặt chân lên nước bạn bỏ trốn ra ngoài làm việc, mặc kệ những rủi ro tiềm ẩn, thậm
chí có người bỏ cả tính mạng, ra đi vĩnh viễn để lại cho gia đình, vợ con số nợ
khá lớn,…; Một số lao động ở các tỉnh khác lợi dụng sơ hở đã nhập hộ khẩu vào
tỉnh (thời gian rất ngắn) sau đó đi XKLĐ (tỷ lệ bỏ trốn ở số lao động này rất
cao) ảnh hưởng đến xuất khẩu lao động của tỉnh vào thị trường Hàn Quốc, Nhật
Bản;
Người lao
động muốn tham gia XKLĐ phần lớn là lao động nông thôn, điều kiện kinh tế kém,
trong khi chi phí để trang trải ban đầu cho XKLĐ còn cao nên người lao động
(đặc biệt là lao động ở vùng sâu, vùng xa) chưa mạnh dạn tham gia. Người lao
động đi XKLĐ phần đông chưa có tay nghề, chủ yếu là lao động phổ thông, tính kỷ
luật chưa cao, tác phong công nghiệp còn hạn chế, việc tiếp thu kiến thức chậm,
tâm lý ngại đi làm việc xa nhà, nhất là đối với lao động nữ, lao động là người
dân tộc thiểu số. Nhiều người có nhu cầu đi XKLĐ nhưng không đủ tiền để trang
trải chi phí ban đầu. Lao động thuộc đối tượng được vay ở Ngân hàng Chính sách
- Xã hội, do nguồn vốn tại đây còn hạn chế nên số người vay ít. Số lao động đi
làm việc ở Hàn Quốc bỏ trốn nhiều, dẫn đến việc Hàn Quốc đã đóng cửa không tiếp
nhận lao động Việt Nam theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước
ngoài tại Hàn Quốc (gọi tắt là EPS) đã ảnh hưởng đến số lượng lao động tham gia
XKLĐ; mặc dù Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh đã có
nhiều văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã và thành phố chỉ đạo Phòng Lao
động - Thương binh và Xã hội, phối hợp với Công an huyện và chính quyền, các
hội đoàn thể địa phương đến những hộ gia đình có người thân đang đi làm việc
tại Hàn Quốc bỏ trốn, cam kết, động viên người thân của mình về nước, tuy nhiên
đến thời điểm hiện nay người lao động vẫn chưa về nước; Số lao động có nhu cầu
đi làm việc ở nước ngoài lớn nhưng lại có nguyện vọng tham gia chủ yếu vào các
thị trường như: Hàn Quốc, Nhật Bản,…, trong khi đó những thị trường này lại có
yêu cầu cao về chất lượng lao động, số lượng tuyển ít, chi phí ban đầu cao, phần đông chưa đáp ứng được các yêu cầu về trình
độ cũng như tay nghề. Một số thị trường lao động khác mức lương thấp, chưa thu
hút được nhiều lao động tham gia. Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo XKLĐ đã quá
lâu, thành viên Ban chỉ đạo không còn phù hợp, đến nay chưa thành lập lại,… Việc chúng ta nhận diện những khó khăn này không
khó nhưng vấn đề đặt ra là các cấp, các ngành địa phương đã có những biện pháp
gì để tháo gỡ, mở lối cho xuất khẩu lao động trong thời gian tới?
Bích Phương- Sở LĐ-TBXH Đăk Lăk