Việc đánh giá hoạt động
đào tạo, giáo dục định hướng người lao động trước khi xuất cảnh đi làm việc ở
nước ngoài của doanh nghiệp được thực hiện thông qua các thành viên của Hội
đồng giám sát, đánh giá thực hiện COC-VN tham dự lớp học của người lao động,
theo đó các thành viên sẽ trực tiếp đối thoại với người lao động các vấn đề
liên quan tới các nội dung GDĐH mà người lao động đã được học và trực tiếp lấy
ý kiến người lao động thông qua phiếu hỏi. Từ các hoạt động nêu trên sẽ tổng
hợp được các ý kiến phản hồi của người lao động về nội dung đào tạo, chất lượng
dịch vụ trong lĩnh vực này của doanh nghiệp cũng như mong muốn của người lao
động đối với doanh nghiệp.
1. Thông tin chung
Hội đồng đánh giá đã tham dự 46 lớp đào tạo của 46 doanh nghiệp trong
đó: đào tạo lao động đi Nhật Bản: 25 lớp; Lao động đi Đài Loan: 16 lớp; Lao
động đi Malaysia: 1 lớp; lao động đi Úc: 1 lớp; MaCao: 1; Ả Rập Xê Út:1 và
Algiêri:1.
Cùng với việc tham dự các lớp học này, Hội đồng đã tiến hành lấy ý kiến
của người lao động trực tiếp tại lớp học với tổng số phiếu được khảo sát là 979
lao động, trong đó có: 511 lao động đi Nhật Bản, chiếm 52,20% tổng số phiếu
khảo sát; 366 lao động đi Đài Loan, chiếm 37,38%; 35 lao động đi Malaysia,
chiếm 3,58%; 20 lao động đi Úc, chiếm 2,04%; 25 lao động đi Ả Rập Xê Út, chiếm
2,55%; 14 lao động đi Algiêri, chiếm 1,43% và 8 lao động đi MaCao, chiếm 0,82%
tổng số phiếu khảo sát.
Số lao động trên có cơ cấu giới tính nữ
chiếm 36,98%, độ tuổi dưới 25 chiếm tỷ trọng cao 62,72%, độ tuổi trên 30 chỉ có
8,98% tổng số lao động được khảo sát.
Phân theo khu vực xuất cư, lao động thuộc các tỉnh phía Bắc chiếm cao
nhất chiếm 58,01%; các tỉnh phía nam: 22,68%; các tỉnh miền Trung là: 18,28%,
còn lại khoảng 1,03% là lao động thuộc các tỉnh Tây Nguyên.
2. Một số kết quả và nhận xét
2.1.Kênh thông tin để người lao
động đến DN đang ký tuyển chọn đi làm việc ở nước ngoài:
Kênh thông tin bạn bè chiếm tỷ lệ cao
nhất: 56,79%; tiếp theo là người thân trong gia đình: 21,25%; qua cán bộ địa
phương: 8,07%; Qua các kênh truyền thông: 7,76% và qua trực tiếp cán bộ DN:
6,13%.
Nguồn tin từ bạn bè và người thân trong gia đình đã chi phối và có ảnh
hưởng lớn đến quyết định lựa chọn doanh nghiệp và thị trường người lao động đi
làm việc ở nước ngoài.
2.2.Vay trước khi xuất cảnh:
Có khoảng 84,06% số lao động cần vay để trang trải mọi chi phi trước khi
xuất cảnh. Trong số này nguồn vay chủ yếu là người thân: 42,53%; Vay qua kênh
ngân hàng: 29,89% và vay qua cả 2 kênh ngân hàng và người thân là: 27,58%.
Trong số không vay, thì số lao động đi Nhật không vay chiếm 42,31%; lao động đi
Đài Loan: 22,44%; các thị trường còn lại 32,25%.
Vây, phần lớn người lao động đi làm việc ở nước ngoài đều có nhu cầu
vay, nguồn vay từ người thân và ngân hàng chiếm tỷ trọng cao với mức vay phổ
biến bình quân từ 50 đến 60 triệu đồng và cũng tùy thuộc thị trường xuất cảnh.
2.3. Các khoản phí phải nộp trước khi đi:
99,79% lao động đều biết rõ các khoản phí cần nộp, chỉ có 0,21% là
chưa biết rõ các khoản này. Hầu hết
trong số họ đều chấp nhận mức phí được DN thông báo.
2.4. Hoạt động Giáo dục định hướng trước khi
đi:
Các
doanh nghiệp được khảo sát đều tuân thủ các quy định về đào tạo giáo dục dịnh
hướng cho người lao động về chương trình cũng như thời lượng đào tạo; lao động
được bố trí trong các phòng học đủ tiện nghi cần thiết; giáo viên có trách
nhiệm và đều có bằng cử nhân về ngoại ngữ môn đảm nhiệm. Riêng các lớp đào tạo
lao động đi Nhật, hầu hết các doanh nghiệp đều bố trí các giáo viên người Nhật
trực tiếp đứng lớp bên cạnh các giáo viên của công ty đã đem lại hiệu quả cao.
Tổng hợp các phiếu khảo
sát người lao động đều cho kết quả khả quan là người lao động hài lòng với chất
lượng dịch vụ đào tạo của doanh nghiệp. Các học viên được hỏi đều đã hiểu rõ
các nội dung cơ bản của khóa đào tạo về phong tục tập quán tại nước đến , về
đất nước con người, về các điều cần tránh, các điều khoản của các loại hợp
đồng, về chi phí trước khi đi. Các nội dung này đều được lồng ghép qua các bài
giảng tiếng nên người lao động thấy thiết thực và khắc sâu đặc biệt là các khóa
đào tạo lao động đi Nhật. Tuy nhiên cũng còn có 9,71% số lao động chưa hiểu đầy
đủ về các nội dung trên nhất là các nội dung liên quan tới các loại hợp đồng
cần ký; các khoản khấu trừ lương từ phía chủ sử dụng lao động và vấn đề BHXH.
2.5. Nguyện vọng:
Có tới 51,21% mong muốn
được tăng ca, gia hạn hợp đồng, kiếm được nhiều tiền để trang trải cuộc sống,
lý do kinh tế là định hướng cơ bản cho việc đi làm việc ở nước ngoài;
- 15,60% mong muốn nâng cao trình độ ngoài
ngữ và kỹ năng tay nghề, chủ yếu tập trung vào số lao động đi Nhật Bản;
- 12,86% có nguyện vọng sau khi về nước tìm
kiếm được việc làm; 5,37% muốn thành lập một cơ sở sản xuất, kinh doanh và là
người chủ cở sở may, cơ khí, chế biến
thủy sản, làm tóc…
- Và 0,84% mong muốn trở thành cộng tác
viên hay nhân viên công ty tham gia trong hoạt động đào tạo lao động đi Nhật
(Lao động của Công ty LETCO, ADC,
TOCONTAP Sài GÒN, SULECO, HITECO, ADC).
Nhìn chung, hoạt động này đã
được tiến hành đúng với yêu cầu đặt ra
trong quy trình thực hiện Bộ quy tắc COC-VN và có thể khái quát công tác đào
tạo GDĐH đã được các công ty thực hiện tốt, đặc biệt với các khóa học đào tạo
lao động đi làm việc tại thị trường Nhật Bản.
Hoạt động này đã thúc đẩy doanh nghiệp quan
tâm đến nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục định hướng và chất lương dịch vụ
của doanh nghiệp đối với người lao động; đồng thời cũng giúp cập nhật dữ liệu
phuc vụ đánh giá DN./.