ĐẮK LẮK – CHẤN CHỈNH HOẠT ĐỘNG TƯ VẤN, TUYỂN LAO ĐỘNG TRONG HOẠT ĐỘNG ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG 03/02/2015 09:32 Thời gian qua, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (gọi tắt là xuất khẩu lao động – XKLĐ) trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có nhiều khởi sắc, người lao động được giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo và giảm nghèo bền vững thông qua việc đăng ký đi XKLĐ; các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được phép tuyển lao động trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là doanh nghiệp) triển khai nhiều hoạt động tư vấn, đến tận gia đình người lao động ở các thôn, buôn; đồng thời UBND huyện, thị xã, thành phố đã quan tâm đẩy mạnh các hoạt động liên quan đến xuất khẩu lao động như: tổ chức đi học tập kinh nghiệm của địa phương khác, phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức hội nghị, hội nghị lồng nghép, đẩy mạnh công tác quản lý lao động trên địa bàn,..

Tuy nhiên, qua khảo sát, đánh giá, nắm bắt thông tin, XKLĐ trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, cụ thể như sau:

1.     Một số đơn vị tư vấn, tuyển lao động của tỉnh Đắk Lắk đi làm việc ở một vài thị trường chưa được Cục quản lý lao động ngoài nước cho phép thực hiện, cụ thể: Sở đã phát hiện trường hợp doanh nghiệp đưa 06 người lao động (trong đó có 04 lao động nữ) đi làm nghề may tại Nga nhưng đơn hàng này chưa được thẩm định của Cục Quản lý lao động ngoài nước.

2.     Người lao động chưa được tư vấn rõ ràng về thị trường, mức lương, chi phí, đặc biệt là công việc của người lao động sẽ làm ở nước ngoài,..khi đăng ký tham gia xuất khẩu lao động dẫn đến việc người lao động sang nước ngoài làm việc thực tế khác với người lao động nghĩ, hình dung về công việc sẽ làm ở nước ngoài. Vì vậy đã có nhiều người lao động phải về nước trước thời hạn vì không phù hợp với công việc hoặc trốn ra ngoài làm việc khác, trở thành lao động cư trú và làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài.

3.     Người lao động thuộc hợp đồng đặt hàng đào tạo không được đào tạo ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi đi XKLĐ hoặc có tham gia nhưng không đầy đủ hoặc chỉ được trang cấp tài liệu để tự học ở nhà (đối với các doanh nghiệp trực tiếp ký hợp đồng đặt hàng đào tạo và tổ chức thực hiện hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).

4.     Người lao động khi ra sân bay làm thủ tục xuất cảnh mới được giữ hợp đồng đã ký với Công ty, do đó, gia đình người lao động không biết công việc cũng như địa điểm người thân đến làm việc và các khoản chi phí người lao động phải đóng góp.

5.     Việc Công ty trực tiếp làm hồ sơ vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội cho người lao động, dẫn đến việc người lao động và gia đình không biết vay bao nhiêu tiền, thời hạn trả nợ, thậm chí người lao động không có nhu cầu đi XKLĐ và không có nhu cầu vay vốn nhưng Công ty vẫn nộp hồ sơ cho Ngân hàng.

6.     Một số người lao động của tỉnh đăng ký tham gia xuất khẩu lao động không được tham gia khóa bồi dưỡng kiến thức cần thiết cũng như không được cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi đi làm việc ở nước ngoài.

Để hoạt động XKLĐ đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật và tiếp tục đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, ngày 15/01/2015, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Công văn số 87/SLĐTBXH-LĐTL&VL về việc chấn chỉnh hoạt động tư vấn, tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh, trong đó nêu rõ các tồn tại và đề nghị:

1. Đối với Doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc các nội dung sau:

-     Thực hiện đúng quy định của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Hợp đồng Cung ứng lao động đã được Cục quản lý lao động ngoài nước thẩm định. Tuyệt đối không tư vấn, hứa hẹn và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài khi chưa có thẩm định của Cục quản lý lao động ngoài nước.

-     Không chạy theo số lượng, tuyển lao động một cách ồ ạt, mời gọi, tư vấn “tô hồng” các đơn hàng và thị trường đi XKLĐ.

-     Chỉ tuyển người lao động thực sự có nhu cầu, khi thực hiện tư vấn phải tư vấn “2 chiều” (cả thuận lợi và khó khăn), đặc biệt là mức lương và công việc cụ thể của người lao động ở nước ngoài nhằm hạn chế tối đa tình trạng người lao động phải về nước trước hạn.

-     Phối hợp với các Trung tâm Dạy nghề của địa phương tư vấn, tuyển lao động đã qua đào tạo nghề, tránh lãng phí nguồn lao động có tay nghề và có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài nhưng không có thông tin về xuất khẩu lao động.

-     Những doanh nghiệp đã tuyển dụng và đưa lao động đi làm việc ở những thị trường mà chưa được thẩm định của Cục Quản lý lao động ngoài nước phải khẩn trương đưa người lao động về nước và hoàn trả các chi phí, giải quyết các chế độ, chính sách theo hướng có lợi cho người lao động.

-     Rà soát, báo cáo với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tình hình thực hiện tuyển lao động đối với từng đơn hàng đã được thẩm định của Cục quản lý lao động ngoài nước để Sở theo dõi.

-     Trực tiếp tuyển chọn và không được thu phí tuyển chọn của người lao động; phối hợp với chính quyền địa phương thông báo công khai, cung cấp cho người lao động đầy đủ thông tin về số lượng, tiêu chuẩn tuyển chọn và các điều kiện của Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

-     Tổ chức khóa bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động và cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động theo đúng quy định.

-     Hợp đồng ký kết với người lao động nên lập thành 03 bản, người lao động giữ 01 bản, Công ty lưu 01 bản và gia đình người lao động giữ 01 bản để gia đình người lao động biết người thân đang làm việc ở đâu, Công việc gì,...

-     Có văn bản giới thiệu, giấy giới thiệu cán bộ đến địa phương liên hệ trong quá trình thực hiện công tác tư vấn, tuyển lao động tại địa phương, tránh tình trạng một số đối tượng lợi dụng, mạo danh doanh nghiệp, tổ chức đến tuyển lao động đi XKLĐ như ở huyện M’Đrắk, Lắk để thu lợi bất chính gây ảnh hưởng đến người lao động cũng như hoạt động XKLĐ ở huyện nói riêng, tỉnh Đắk Lắk nói chung.

-     Đối với những trường hợp người lao động về nước trước thời hạn phải thực hiện đầy đủ các thủ tục thanh lý hợp đồng theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo kịp thời về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội kết quả thực hiện để theo dõi.

-     Thực hiện đầy đủ các chế độ hỗ trợ, hỗ trợ trực tiếp cho người lao động theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 102/2013/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/7/2013 của liên Bộ: Tài chính – Lao động – Thương binh và Xã hội Quy định quản lý và sử dụng nguồn vốn sự nghiệp thực hiện một số Dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề giai đoạn 2012-2015, đặc biệt là việc đào tạo ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động.

-     Đối với các doanh nghiệp có Văn phòng tuyển lao động đóng trên địa bàn tỉnh: không được đặt, để, trưng các bảng hiệu trái quy dịnh của pháp luật, tránh gây nhầm lẫn cho người lao động về hoạt động tuyển lao động của doanh nghiệp.

-   Tiếp tục duy trì, thực hiện chế độ báo cáo tình hình tư vấn, tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh theo đúng tinh thần tại Công văn số 625/LĐTBXH-LĐTL&VL ngày 07/5/2013 của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; đồng thời, thực hiện chế độ báo cáo thường xuyên với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện, thị xã, thành phố hàng tháng, quý (nếu có người lao động xuất cảnh, người lao động về nước trước thời hạn) để Phòng Lao động – TB&XH nắm được số lượng lao động của địa phương cũng như phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến người lao động.

-   Tiếp tục thực hiện tốt các nội dung nêu tại Công văn số 1644/LĐTBXH-LĐTL&VL ngày 06/11/2013 của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội về việc thực hiện tốt công tác tư vấn, tuyển chọn lao động trên địa bàn tỉnh trên cơ sở bộ quy tắc ứng xử dùng cho các doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (CoC-VN).

2. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã và thành phố.

-   Thành lập, củng cố, kiện toàn, duy trì hoạt động thường xuyên của Ban chỉ đạo XKLĐ, Ban chỉ đạo phối hợp với các đơn vị XKLĐ tuyển chọn lao động một cách kỹ lưỡng, tư vấn phải rõ ràng, cụ thể, đầy đủ cho người lao động rõ.

-   Chỉ cho phép doanh nghiệp được tư vấn, tuyển lao động tại địa phương khi có văn bản giới thiệu của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

-   Thường xuyên tiến hành các hoạt động kiểm tra, giám sát, tình hình tư vấn, tuyển lao động của các doanh nghiệp XKLĐ được Sở cho phép tuyển lao động tại địa phương.

-   Tăng cường các hoạt động thông tin tuyên truyền, đưa nội dung tuyên truyền đến tận thôn, buôn về các chính sách hỗ trợ mà người lao động sẽ được nhận theo Dự án hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của Nhà nước, đặc biệt là lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo và lao động là người dân tộc thiểu số.

-    Tiếp tục tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền về hoạt động XKLĐ, tổ chức hội nghị chuyên đề về XKLĐ; đồng thời tổ chức các buổi gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa người lao động và những người đã đi XKLĐ trở về,… để người dân nắm rõ hơn các thông tin liên quan đến XKLĐ cũng như vai trò quan trọng, hiệu quả của XKLĐ.

-   Thường xuyên theo dõi hoạt động tư vấn tuyển dụng của các doanh nghiệp trong hoạt động tư vấn, tuyển dụng lao động tại địa phương; ngăn ngừa tình trạng các doanh nghiệp “tô hồng” công việc, mức lương, hứa hẹn khi tư vấn cho người lao động,… nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh để người lao động lựa chọn doanh nghiệp đăng ký tham gia XKLĐ.

-   Nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương, trong công tác quản lý lao động, định hướng nghề nghiệp.

-   Không gây khó khăn đối với các doanh nghiệp đến liên hệ tuyển lao động trên địa bàn, hết sức tạo điều kiện cho doanh nghiệp khi tổ chức các buổi hội nghị, đối thoại; phối hợp tuyển chọn lao động, thông tin tuyên truyền về XKLĐ.

Khen thưởng kịp thời đối với các đơn vị năng động, tích cực; đồng thời phê bình, kiểm điểm đối với những đơn vị thiếu trách nhiệm, vi phạm pháp luật.

Bích Phương, Sở LĐ-TBXH Đắk Lắk