XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG NĂM 2014 CỦA TỈNH ĐẮK LẮK 03/02/2015 09:36 Năm 2014, tiếp tục triển khai thực hiện Dự án hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Quyết định số 1201/QĐ-TTg ngày 31/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ, Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề giai đoạn 2012-2015 và công tác cho vay vốn đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Quyết định số 20/2013/QĐ-UBND ngày 12/8/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở đã hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho 166 lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, còn có nhiều vướng mắc trong vấn đề vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội.

I.      KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG XKLĐ NĂM 2014

1.     Đánh giá chung về kết quả thực hiện và những mặt đạt được:

Trong thời gian này hoạt động xuất khẩu lao động vẫn được xem là một kênh giải quyết việc làm có hiệu quả, góp phần giảm nghèo.

Nhận thấy được hiệu quả của hoạt động xuất khẩu lao động, ngay từ đầu năm Sở đã chủ động triển khai công tác công tác thông tin tuyên truyền về xuất khẩu lao động, thẩm định, giới thiệu các doanh nghiệp có uy tín xuống địa phương để phối hợp tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin về các chính sách ưu đãi của Nhà nước cũng như quyền và nghĩa vụ của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài; tổ chức hội thảo, hội nghị về xuất khẩu lao động để tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động xuất khẩu lao động; thường xuyên tiến hành các cuộc khảo sát, kiểm tra, giám sát tình hình tư vấn, tuyển lao động của các doanh nghiệp được phép tuyển lao động nhằm phát hiện những khó khăn để kịp thời giải quyết và tránh tình trạng lừa đảo trong hoạt động này, theo đó, Sở kịp thời phát hiện nhiều vụ lừa đảo người lao động đi xuất khẩu lao động ở các huyện: Lắk, Ea Kar, M’đrắk,..và phối hợp với cơ quan công an để giải quyết.

Năm 2014, tiếp tục triển khai thực hiện Dự án hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Quyết định số 1201/QĐ-TTg ngày 31/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ, Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề giai đoạn 2012-2015 và công tác cho vay vốn đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Quyết định số 20/2013/QĐ-UBND ngày 12/8/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở đã hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho 166 lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, còn có nhiều vướng mắc trong vấn đề vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội.

Bên cạnh đó doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động (Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Hải Dương – chi nhánh Hà Nội, Công ty cổ phần phát triển nguồn nhân lực Hoàng Long, Công ty cổ phần đào tạo và phát triển công nghệ Hà Nội, Công ty cổ phần dịch vụ hàng hải và du lịch Sài Gòn, Công ty cổ phần đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Sài Gòn, Công ty cổ phần xuất khẩu lao động và thương mại du lịch chi nhánh Đà Nẵng – Miền trung Tây nguyên) phối hợp với các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đã tư vấn cho trên 1.850 lượt người lao động có nhu cầu đi xuất khẩu lao động. Bên cạnh đó, Trung tâm Giới thiệu việc làm đã tư vấn cho 685 lượt người và giới thiệu 215 người có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài cho các doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Năm 2014, toàn tỉnh có khoảng 650 lao động đã xuất cảnh, đạt 92,85%; số lao động của tỉnh đi làm việc chủ yếu ở các thị trường: Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc, Du Bai,… ngoài ra, có khoảng 18 lao động đang chờ bay, 25 lao động đang chờ visa, đăng ký đi xuất khẩu lao động khoảng 86 người. Hằng năm, bình quân lượng ngoại tệ người lao động gửi về cho gia đình khoảng 3.000 – 3.500 USD/người/năm (khoảng 60.000.000 đồng - 70.000.000 đồng). Đây là nguồn vốn đáng kể giúp gia đình của người đi XKLĐ ổn định cuộc sống, góp phần thúc đẩy công tác xóa đói giảm nghèo bền vững, tăng thu nhập tại địa phương

Năm 2014, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội triển khai Dự án đưa người lao động đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản do Trung tâm lao động ngoài nước tổ chức, toàn tỉnh có 36 người lao động đăng ký tham gia, dự kiến trong quý I năm 2015 sẽ tổ chức đào tạo và sơ tuyển.

Nhằm đảm bảo công tác tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo đúng quy định của pháp luật, Sở đã triển khai nhiều hoạt động như tạm dừng một số doanh nghiệp hoạt động tuyển lao động tại địa phương nhưng chưa thông qua cơ quan quản lý nhà nước về lao động hoặc hoạt động không hiệu quả, thực hiện chế độ báo cáo không đầy đủ,..; thường xuyên có văn bản chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở địa phương phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tư vấn, tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn. Đồng thời, khi có thông tin về việc lừa đảo trong hoạt động xuất khẩu lao động, Sở đều có văn bản cảnh báo cho người lao động để họ chủ động phòng ngừa như: lừa đảo đi làm việc ở Hàn Quốc, Canada, Nhật Bản,…

2. Những tồn tại, khó khăn:

Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ từ cấp tỉnh đến địa phương, bên cạnh đó còn có các chính sách hỗ trợ của nhà nước cho lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách có công và lao động dân tộc thiểu số nhưng số lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vẫn còn ít, chưa tương xứng với lực lượng lao động của tỉnh.

Nguyên nhân chủ yếu là người lao động vẫn chưa nhận thức đầy đủ về hiệu quả của công tác xuất khẩu lao động, đặc biệt là lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo và lao động dân tộc thiểu số. Nguồn vốn cho vay xuất khẩu lao động còn hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu của người vay. Tâm lý của một bộ phận người lao động vẫn muốn tham gia các thị trường có mức thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc…, trong khi đó những thị trường này yêu cầu về trình độ cao, số lượng tuyển ít. Ngoài ra, trong năm 2014 tình hình thế giới có nhiều biến động bất lợi làm ảnh hưởng đến tâm lý đi làm việc ở nước ngoài của người lao động. Vì vậy, đã ảnh hưởng đến số lượng người tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Tính đến cuối quý 3 năm 2014, tỉnh Đắk Lắk có 6 lao động đi làm việc ở Hàn Quốc theo chương trình EPS chưa về nước, điều này đã làm ảnh hưởng đến hoạt động XKLĐ trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, công tác quản lý số lao động di cư trở về gặp rất nhiều khó khăn, chưa có một cơ chế nào buộc người lao động khi đi XKLĐ trở về phải báo cáo với chính quyền địa phương nơi họ cư trú, chính vì không nắm bắt, cập nhật kịp thời được số lao động này nên việc giúp đỡ họ tìm việc, tái hòa nhập cộng đồng rất khó khăn.

II.       KẾ HOẠCH NĂM 2015 VÀ CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Kế hoạch:

Trong thời gian tới XKLĐ vẫn được coi là một trong những “kênh” quan trọng góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Vì vậy, mục tiêu đặt ra trong năm 2015, toàn tỉnh đưa được 700 lao động đi làm việc tại nước ngoài.

2. Các giải pháp thực hiện:

Để hoạt động XKLĐ có hiệu quả, đạt và vượt kế hoạch đề ra cần tập trung nhiều nguồn lực và đề ra nhiều giải pháp thiết thực, trước mắt cần tập trung thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

-     Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích của XKLĐ để người dân biết, hiểu, tạo mọi điều kiện giúp họ chủ động đăng ký tham gia.

-     Đề nghị UBND huyện, TX và TP chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn nâng cao vai trò, trách nhiệm trong hoạt động XKLĐ, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có chức năng để tuyển chọn lao động một cách kỹ lưỡng, tổ chức tư vấn về hoạt động XKLĐ cụ thể, rõ ràng, đầy đủ đi đôi với việc giáo dục định hướng và động viên người lao động chấp hành đúng kỷ luật, pháp luật Việt Nam và pháp luật nước sở tại, an tâm làm việc ở nước ngoài; thống kê, tổng hợp, theo dõi chính xác số lao động của địa phương tham gia XKLĐ.

-     Phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan quản lý chặt chẽ hoạt động tư vấn, tuyển lao động của những doanh nghiệp có chức năng hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giới thiệu xuống địa phương tuyển lao động, nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động XKLĐ.

-     Phối hợp với chính quyền địa phương, gia đình, người thân của những người lao động đi XKLĐ để tuyên truyền, vận động người lao động chấp hành đúng pháp luật lao động của Việt Nam và pháp luật nước sở tại, về nước đúng thời hạn. Thống kê, tổng hợp, nắm rõ địa chỉ của những lao động ở địa phương đi làm việc ở nước ngoài đang bỏ trốn, ở lại cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài để tuyên truyền, vận động họ về nước đúng quy định.

-     Đẩy mạnh công tác phổ biến cho mọi người dân nắm rõ về chính sách ưu đãi của Trung ương, của địa phương hỗ trợ người lao động khi tham gia XKLĐ; đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát để bảo đảm thực hiện chính sách hỗ trợ theo đúng quy định, nhằm ngăn ngừa những hành vi tiêu cực, gây khó khăn cho người lao động tham gia XKLĐ.

-     Tiếp tục triển khai thực hiện dự án hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động nhằm nâng cao trình độ tay nghề, giáo dục định hướng trước khi xuất cảnh.

 Bích Phương-Sở LĐ-TBXH Đắk Lắk