HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU THUYỀN VIÊN TÀU CÁ 2014 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG, GIẢI PHÁP NĂM 2015 01/04/2015 10:26 Ngày 12/3/2015, Ban cung ứng thuyền viên tàu cá đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2014 và đưa ra các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác này trong năm 2015. Hội nghị đã đúc rút nhiều bài học thực tế và đưa ra các giải pháp cụ thể để các doanh nghiệp vận dụng trong hoạt động của mình trong thời gian tới.

I . Tình hình chung

Thị trường tiếp nhận thuyền viên tàu cá chưa được mở rộng, chủ yếu vẫn là Đài Loan, Hàn Quốc, ngoải ra Nhật Bản và Hawaii tiếp nhận với số lượng nhỏ. Sản lượng đánh bắt cá của tàu Đài Loan năm qua rất kém, chi phí sản xuất cao, nên rất nhiều tàu có trọng tải lớn về cảng nghỉ, nhiều công ty tàu phá sản, nên đơn hàng tuyển thuyền viên cũng ngày càng ít đi. Các loại tàu có trọng tải nhỏ 200-400 tấn rất ít thuyền viên đồng ý đi.

Nguồn lao động trong nước ngày càng thu hẹp, chỉ tập trung tại một số địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, chưa mở việc tuyển chọn thuyền viên ở các tỉnh ven biển khác. Các đơn vị xuất khẩu lao động vẫn chủ yếu khai thác nguồn lao động là ngư dân mà chưa có điều kiện đào tạo nguồn lao động khác. Vì vậy, việc cạnh tranh trong tuyển nguồn tại các tỉnh trên đã dẫn đến chất lượng thuyền viên không được đảm bảo như: không được đào tạo, khám sức khỏe ở các bệnh viện địa phương không đảm bảo, bỏ lọt thuyền viên vi phạm hợp đồng về nước đi lại qua các công ty khác và tiếp tục vi phạm hợp đồng,  đình công, bỏ trốn.

 Ngoài ra, một số doanh nghiệp Việt Nam, Đài Loan, Hàn Quốc chưa đảm bảo quyền lợi cho người lao động như chậm thanh lý hợp đồng, chậm trả lương… khiến cho người lao động không còn mặn mà với thị trường đánh cá xa bờ nữa. Trên tàu vẫn còn tình trạng đối đãi không tốt của thuyền trưởng hay chủ tàu đối với thuyền viên Việt Nam. Việc quản lý trên tàu không tốt nên thuyền viên thường xuyên phát sinh đánh nhau, vi phạm hợp đồng. Đặc biệt từ tháng 9 trở lại đây, số lượng thuyền viên xa bờ Đài Loan ngày càng ít đi, do một số thị trường như đánh cá gần bờ Hàn Quốc, đánh cá xa bờ Nhật, công xưởng ... thu hút người lao động. So với đánh cá xa bờ Đài Loan thì đây là những công việc có mức lương hấp dẫn, điều kiện công việc, ăn ở, đối đãi cũng tốt hơn rất nhiều.

Nhiều doanh nghiệp đạt số lượng thuyền viên xuất cảnh ít hơn mọi năm; nhiều thuyền viên không hoàn thành hợp đồng, đặc biệt là thuyền viên tàu cá Đài Loan. Trong khi đó nhiều rủi ro và sự cố xảy ra như thuyền viên bị chết, mất tích, bỏ trốn, đánh nhau…

Tuy nhiên, công tác xuất khẩu thuyền viên cũng có một số thuận lợi:

-          Thuyền viên Việt Nam làm việc tốt, tiếp thu nhanh nên đã được các chủ tàu Đài Loan và Hàn Quốc muốn sử dụng.

-          Nhiều thuyền viên trở về đăng ký đi lại và mức lương cao hơn nên phấn khởi tiếp tục xuất cảnh nhiều lần, đặc biệt với thị trường thuyền viên Hàn Quốc. Có thuyền viên đã được trở thành boong trưởng hoặc cai trưởng.

-          Ban thuyền viên tàu các hoạt động tích cực dưới sự chỉ đạo của Hiệp hội, đạt được sự đồng thuận tương đối giữa các thành viên nên tạo được thế mạnh trong đàm phán với đối tác nước ngoài, thường xuyên trao đổi nghiệp vụ, kinh nghiệm xử lý các sự cố, phê phán các hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, do vậy, ngày một nâng cao quyền lợi của người lao động

-          Năm qua, VAMAS đã cử đại diện của ban tàu cá để dự hội thảo về vấn đề “Bảo vệ thuyền viên tàu cá khi làm việc ở nước ngoài ”  tại Indonexia, thay mặt ban tàu cá, đại diện phía Việt Nam đã có bài phát biểu về vấn đề này của Việt Nam, cũng như học hỏi các kinh nghiệm bổ ích của các nước khác, các quy định, công ước của ILO về thuyền viên tàu cá.

-          Ban tàu cá trực thuộc VAMAS đã tổ chức các cuộc họp với Hiệp hội tàu cá nước ngoài để thống nhất đưa ra mẫu hợp đồng cung ứng thuyền viên tàu cá chung, đặc biệt là thống nhất mức lương, mức xử lý khi vi phạm hợp đồng.

-          Chất lượng tuyển chọn lao động ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, VAMAS đã tư vấn để doanh nghiệp nâng cao chất lượng tuyển chọn lao động, trừ điểm khi doanh nghiệp vi phạm các tiêu chí tuyển chọn trong COC-VN đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

 

II. Kết quả xuất khẩu thuyền viên tàu cá năm 2014:

Đến nay đã có 15 công ty tham gia Ban cung ứng thuyền viên tàu cá Việt Nam. Theo báo cáo chưa đầy đủ, Ban đã tổng hợp được số liệu cụ thể về lao động đưa đi của từng công ty cung ứng thuyền viên tàu cá trong năm 2014 như sau:

STT

Tên công ty

Đ.LOAN

H.QUỐC

N.BẢN

HAWAII

  1.  

VINAMOTOR

171

-

-

-

  1.  

TTLC

750

50

-

-

  1.  

INMASCO

293

169

-

-

  1.  

SERVICO HÀ NỘI

360

-

-

-

  1.  

TRAMINCO

158

121

-

-

  1.  

TSC

195

-

-

-

  1.  

LOD

105

310

05

-

  1.  

VIRASIMEX

115

 

 

 

  1.  

TRƯỜNG SƠN

 

 

 

 

  1.  

HẢI DƯƠNG

 

 

 

 

  1.  

IDC HP

150

10

-

57

  1.  

VẠN HOA

70

-

-

-

  1.  

INTERSERCO

-

-

-

-

  1.  

SOWATCO

-

350

-

-

  1.  

THÁI BÌNH DƯƠNG

135

-

-

-

TỔNG CỘNG

2.502

1.010

05

57

Ngoài ra còn một số công ty khác cũng tham gia xuất khẩu thuyền viên tàu cá nhưng chưa tham gia Ban tàu cá.

Một số công ty có số lượng thuyền viên xuất cảnh nhiều là TTLC, INMASCO, SERVICO Hà Nội, SOWATCO...Tuy nhiên, so với năm 2013 số lượng thuyền viên nhập tàu Đài Loan bị giảm ( 2013 = 2.667 ; 2014 = 2.502), phản ảnh khó khăn về thị trường và nguồn lao động.

 Mức lươngđạt được:

a.                              Với tàu cá Đài Loan:

Mặc dù hợp đồng có thể ký với đại lý trong hiệp hội Cao Hùng hoặc ngoài Hiệp hội hoặc trực tiếp với chủ tàu nhưng đã thống nhất được mức lương tối thiểu như sau:

-                    Tàu ngừ : 400 – 450 USD/ tháng cho thuyền viên mới và thuyền viên kinh nghiệm.

-          Tàu mực          : 450 – 500 USD/ tháng cho thuyền viên mới và kinh nghiệm.

Đã có những công ty ký được những hợp đồng với mức lương cao hơn 100USD so với thực tế này.

b.Với tàu cá Hàn Quốc:

-          Thuyền viên đi mới: 300-350 USD/tháng

-          Thuyền viên đi lại: 400 -500 USD/tháng

      Mức bảo hiểm rủi ro mua cho thuyền viên bắt đầu từ tháng 01 năm 2014 tăng lên tối thiểu là 140USD/năm/thuyền viên, mức đền bù tối thiểu cho thuyền viên tử vong là 18.000USD. Các doanh nghiệp thống nhất được mức mua bảo hiểm.

III. Khó khăn, thách thức cụ thể trong công tác XKLĐ thuyền viên tàu cá:

1.Về phía các công ty Việt Nam:

-Việc giải quyết các tranh chấp và sự cố phát sinh giữa chủ tàu và thuyền viên gặp nhiều khó khăn khi tàu làm việc ngoài khơi xa, đôi khi ở các vùng biển quốc tế hoặc các nước chưa có quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Việc cử cán bộ của các công ty XKLĐ đến các vùng đó là không thể được. Một số vụ liên lạc với thuyền viên để giải quyết vấn đề phát sinh trên tàu qua hệ Inmasat, tuy nhiên không phải tàu nào cũng có thể liên lạc. Các công ty XKLĐ chủ yếu nhờ sự can thiệp, giúp đỡ ở các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài.

-Thông thường các rủi ro phát sinh sau khi lao động về nước mà không do lỗi của họ  đều do công ty XKLĐ chịu trách nhiệm.

-Việc tìm kiếm các đối tác nước ngoài mới chỉ thực hiện ở các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Còn nhiều nước khác có đội tàu đánh cá như Nga, Ac-hen-ti-na, Surinam vv… cũng rất cần thuê lao động Việt Nam nhưng việc tiếp cận và ký kết hợp đồng còn khó khăn.

-Các công ty XKLĐ Việt Nam đã lập “hộp đen” để cập nhật danh sách thuyền viên công ty mình vi phạm hợp đồng, bỏ trốn… tránh cho công ty khác tuyển lại các thuyền viên này. Mong các đơn vị liên kết tại địa phương cũng sử dụng hộp thư này để không giới thiệu các thuyền viên vi phạm hợp đồng. Các công ty làm về thị trường Hàn Quốc chưa thực hiện việc này thường xuyên nên tác dụng của ‘ hộp đen’ chưa cao.

-Việc tuyển chọn và đào tạo chưa tốt dẫn đến một số thuyền viên không đủ sức khỏe, không thích nghi với cuộc sống và công việc dài ngày trên biển dẫn đến phải về nước trước thời hạn hợp đồng.

            -Việc giải quyết tranh chấp giữa các công ty xuất khẩu lao động Việt Nam và các chủ tàu, công ty môi giới nước ngoài còn khó khăn và có những trường hợp không thể giải quyết được, đặc biệt khi chủ tàu phá sản hoặc không trả lương cho thuyền viên.

          -Một số công ty XKLĐ không có kinh nghiệm nhưng vẫn tiến hành xuất khẩu thuyền viên tàu cá. Thực tế đã cho thấy có công ty sau một vài năm tham gia công tác này đã phải trả giá về thiệt hại kinh tế và đã chấm dứt hợp đồng đưa thuyền viên đi làm việc trên tàu cá nước ngoài.

 2. Về phía các công ty môi giới Đài Loan - Hàn Quốc

-Không nắm bắt được năng lực và tài chính của các chủ tàu nên đôi khi chủ tàu có khó khăn, phá sản không trả được tiền lương, bảo hiểm cho các thuyền viên Việt Nam.

            -Với các chủ tàu phá sản, các công ty môi giới nước ngoài không cương quyết đưa ra tòa để đòi tiền lương, bảo hiểm cho thuyền viên Việt Nam. Mọi thiệt hại đều để cho công ty Việt Nam chịu vì không ai giải quyết với chủ tàu cho phần tiền lương, bảo hiểm của thuyền viên.

            -Một số công ty môi giới chuyển lương chậm cho phía Việt Nam, mặc dù đã nhận được lương từ phía chủ tàu (chiếm dụng vốn), cá biệt có đối tác quỵt lương, hoặc chậm lương nhiều tháng không tuân thủ hợp đồng.

3. Về phía chủ tàu Đài Loan, Hàn Quốc

-Một số chủ có tàu quá cũ, thiết bị đánh bắt cũ và lạc hậu, không đủ khả năng làm việc dài ngày trên biển nên đôi khi xảy ra sự cố như hỏa hoạn, chìm tàu dẫn đến có trường hợp thuyền viên bị tử vong hoặc thương tật.

            - Có thuyền trưởng, sỹ quan trên tàu đối xử không công bằng với các thuyền viên có các quốc tịch khác nhau trên tàu, thậm chí có trường hợp đánh đập thuyền viên Việt Nam dẫn đến việc các thuyền viên Việt Nam đấu tranh lại và đòi về nước trước thời hạn hợp đồng.

           - Chủ tàu phá sản, không trả lương cho các thuyền viên dẫn đến rủi ro cho các công ty XKLĐ Việt Nam.

- Cho tàu đánh bắt hải sản tại các vùng biển quốc tế không được phép hoạt động, đánh bắt hải sản tại một số vùng biển của một số quốc gia dẫn đến bị bắt tàu, bị phạt hoặc xảy ra tranh chấp giữa chủ tàu và chính quyền các nước đó. Có trường hợp bị bắt, chủ tàu đã bỏ tàu và để mặc thuyền viên Việt Nam ở nước ngoài và tự lo về nước.

-Một số chủ tàu không thực hiện các điều khoản hợp đồng đã ký giữa chủ tàu và thuyền viên, thường hay kết thúc hợp đồng và cho thuyền viên Việt Nam về nước trước thời hạn hợp đồng, gây thiệt hại cho các công ty xuất khẩu lao động Việt Nam và cho thuyền viên.

-Một số chủ tàu và thuyền trưởng ứng trả trước cho thuyền viên trên tàu. Đây là vấn đề không có trong hợp đồng vì thuyền viên đã được nhận 50 USD trên tàu hàng tháng. Việc thuyền viên ứng tiền dẫn đến cờ bạc, rượu chè, vi phạm pháp luật và khi thuyền viên vi phạm thì các công ty XKLĐ Việt Nam lại phải gánh chịu các khoản tiền này. Hiện nay các công ty Việt Nam đang thống nhất với các đối tác Đài Loan là không cho vay quá 200 USD. Nhưng trên thực tế có một số lao động vay vượt quá 200 USD và Công ty môi giới vẫn trừ tiền của phía Việt Nam

-Tàu cập cảng Mauritius thuyền viên Việt Nam bị các thuyền viên lưu vong Indonexia đánh, cướp đồ đạc tiền bạc, nên thuyền viên Việt Nam sợ xin về hoặc không dám nhập cảng Mauritius

4 .Về phía thuyền viên Việt Nam:

-Đại đa số các thuyền viên làm việc tốt và khi trở về đã có điều kiện kinh tế tốt hơn và ổn định cuộc sống, được các chủ tàu thuê đi lại nhiều hợp đồng. Tuy nhiên vẫn có một số thuyền viên đã vi phạm hợp đồng, đánh nhau, uống rượu; có trường hợp bỏ trốn để định cư bất hợp pháp ở nước ngoài, nhiều nhất khi tàu cập cảng Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, dẫn đến công ty xuất khẩu lao động Việt Nam phải chịu mọi thiệt hại do chủ tàu trừ tiền.

- Nhiều thuyền viên có trình độ văn hóa thấp, khả năng tiếp thu ngoại ngữ và hiểu biết hợp đồng hạn chế, nhưng đều có tâm lý muốn đi nhanh không muốn khám sức khỏe, không muốn học các kiến thức cần thiết.

-Có thuyền viên đã làm nhiều cuốn hộ chiếu để đăng ký nhiều nơi và xuất cảnh nếu công ty nào gọi trước. Thực tế có thuyền viên khi ra sân bay đã phải quay về vì hộ chiếu sử dụng không hợp lệ.

- Cá biệt có thuyền viên đăng ký đi làm với động cơ tìm cơ hội bỏ trốn khi có điều kiện. Thuyền viên Việt Nam đã bỏ trốn ở nhiều nơi trên thế giới, gây thiệt hại không nhỏ cho các chủ tàu và công ty môi giới Đài Loan, Hàn Quốc, công ty XKLĐ Việt Nam.

-Khi làm việc trên tàu, có thuyền viên Việt Nam đã gây hậu quả nghiêm trọng như giết người, đốt tàu, đấu tranh tập thể, dùng dao cố ý gây thương tích. Có thuyền viên đã bị xử tù ở nước ngoài.

- Thuyền viên vi phạm hợp đồng hoặc xin về nước trước hạn nại ra những lý do đổ lỗi cho phía chủ tàu để nhằm không chịu trách nhiệm về việc chủ tàu phạt. Hơn nữa, có nhiều thuyền viên đã đưa những thông tin không đúng thực tế cung cấp cho các cơ quan báo chí, làm cho việc giải quyết giữa các bên Đài Loan, Hàn Quốc và Việt Nam gặp nhiều khó khăn

5. Về phía các đơn vị cung ứng thuyền viên tại các địa phương:

-Hiện nay số lượng tổ chức và cá nhân cung ứng nguồn thuyền viên thuộc 4 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình là quá nhiều, dẫn đến cạnh tranh gay gắt.

-Nhiều đơn vị cũng không nắm được lai lịch thuyền viên khi giới thiệu cho các công ty XKLĐ (cụ thể như xác định có phải là thuyền viên không, khả năng chịu sóng, tiền án, tiền sự, vấn đề sức khỏe, kinh nghiệm đi làm việc ở nước ngoài, vi phạm hợp đồng trước đây).

-Vấn đề thu phí của thuyền viên cũng khác nhau, thậm chí thu nhiều hơn quy định nên khi thuyền viên xuất cảnh mới thấy chi phí của bản thân bị nhiều hơn và ảnh hưởng đến công việc khi thực hiện hợp đồng.

-Có trường hợp đã giới thiệu thuyền viên vi phạm hợp đồng của các công ty khác để  công ty XKLĐ mới lại gánh mọi hậu quả phát sinh. Có trường hợp khai kinh nghiệm làm việc của thuyền viên không đúng và khi thuyền viên lên tàu làm việc không đáp ứng yêu cầu, bị chủ tàu hạ lương hoặc cho về nước gây thiệt hại cho thuyền viên và các công ty XKLĐ.

IV. Phương hướng và các giải pháp khắc phục của ban tàu cá cho năm 2015

1.      Đối với Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam:

           +Ban tàu cá trực thuộc VAMAS tổ chức các cuộc họp với Hiệp hội tàu cá nước ngoài để thống nhất các điều kiện hợp đồng cung ứng thuyền viên tàu cá, đặc biệt là thống nhất mức lương, mức xử phạt khi vi phạm hợp đồng ; xem xét việc đàm phán để đối tác nước ngoài trả trực tiếp lương cho người lao động.                  

+VAMAS tiếp tục chủ trì các cuộc họp với ban tàu cá để bàn bạc, đưa ra các giải pháp tốt nhất về quy trình tuyển chọn thuyền viên, yêu cầu các công ty cung ứng đào tạo thuyền viên cung cấp thông tin cho ‘hộp đen’ của ban tàu cá để các công ty xuất khẩu lao động  không tuyển chọn thuyền viên vi phạm.

+Chất lượng tuyển chọn lao động ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, VAMAS tư vấn để doanh nghiệp nâng cao chất lượng tuyển chọn lao động, trừ điểm khi doanh nghiệp vi phạm các tiêu chí tuyển chọn trong COC-VN, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

2. Đối với các Công ty XKLĐ trong Ban tàu cá:

            +Tuyển chọn kỹ lưỡng, khám sức khỏe, đào tạo rèn luyện thể lực, giáo dục định hướng kỹ cho người lao động trước khi xuất cảnh;

            +Không đưa đi làm việc ở nước ngoài đối với những người lao động có người thân sống bất hợp pháp ở nước ngoài;

            +Không tuyển dụng các thuyền viên đã vi phạm hợp đồng trở về nước;

            +Không ký hợp đồng với các công ty môi giới nước ngoài không thực hiện đúng các điều khoản đã ký trong hợp đồng như là trả lương chậm, không giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh khi thuyền viên đang làm việc ở nước ngoài, các trường hợp chủ tàu phá sản, các chủ tàu có tình hình tài chính không tốt;

+Không cung cấp thuyền viên cho các chủ tàu thường xuyên đánh cá bất hợp pháp ở các vùng biển quốc tế, các tàu không đủ khả năng hoạt động dài ngày trên biển, các chủ tàu thường xuyên có vấn đề về đối xử không công bằng giữa các thuyền viên trên tàu, hay đánh đập thuyền viên Việt Nam vv…

+Không cung cấp thuyền viên nhập tàu ở những nước mà có nguy cơ thuyền viên bỏ trốn cao.

          +Thường xuyên liên lạc, yêu cầu phía chủ tàu cung cấp thông tin về tình hình làm việc của thuyền viên, ngoài ra phải phối hợp với gia đình thuyền viên (thông qua các kỳ trả lương hàng tháng của thuyền viên) để biết thêm tin tức để sẵn sàng giải quyết các phát sinh trên tàu.

+Phải mua bảo hiểm tai nạn và sinh mạng cho thuyền viên kể từ ngày thuyền viên xuất cảnh đến khi về nước, vi làm việc trên biển là công việc nặng nhọc và nhiều rủi ro.

+Để hạn chế các vấn đề về ngôn ngữ và công việc, phong tục tập quán, các doanh nghiệp bố trí kết hợp thuyền viên đi lại (có kinh nghiệm làm việc trên tàu nước ngoài) với thuyền viên đi mới (chưa có kinh nghiệm đi làm việc ở nước ngoài), giúp thuyền viên đi mới giảm bớt khó khăn trong giai đoạn đầu làm việc trên tàu.

+Duy trì họp Ban cung ứng 1 lần/quý.

+ Phát hiện các công ty không nằm trong ban tàu cá ký kết các hợp đồng không theo quy định của ban tàu cá dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh.

+ Hàng năm chủ động mời các thành viên trong Ban tàu cá Cao Hùng sang Việt Nam để bàn bạc, thống nhất hợp đồng giữa bai bên nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, giải quyết tốt các vấn đề phát sinh khi đưa thuyền viên đi làm việc ở nước ngoài.

+Hàng năm tổ chức gặp mặt các gia đình thuyền viên đang làm việc ở nước ngoài để thông tin tình hình làm việc, tìm hiểu các vướng mắc phát sinh để giải quyết, động viên gia đình để khuyên nhủ con em làm việc tốt ở nước ngoài.

+Các công ty cần có trung tâm đào tạo thuyền viên tại các địa phương có nguồn để tuyển chọn, đào tạo, rèn luyện sức khỏe cho thuyền viên, giảm thiểu các chi phí cho người lao động và nắm rõ hơn nhân thân, hoàn cảnh gia đình của họ.

+ Khi xảy ra sự cố trên tàu có thuyền viên của nhiều công ty, các công ty cần chủ động liên hệ với nhau để nắm bắt chính xác tình hình và thống nhất báo cáo với cơ quan nhà nước và cung cấp thông tin cho báo chí.

+ Cần hình thành mối liên kết nhóm, để hỗ trợ lẫn nhau và thống nhất cách xử lý sự cố.

3. Đối với các đơn vị cung ứng, giới thiệu lao động tại địa phương:

+Tìm hiểu kỹ nhân thân của các thuyền viên và gia đình khi giới thiệu cho các công ty XKLĐ để không tuyển chọn những người có tiền án, tiền sự, vi phạm hợp đồng ở các thị trường khác.

+Giới thiệu đúng khả năng của thuyền viên, kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài, không để thuyền viên khai man kinh nghiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

+Tránh cạnh tranh không lành mạnh trong việc giới thiệu thuyền viên. Không để thuyền viên có một lúc nhiều hộ chiếu hoặc cùng một lúc đăng ký tại nhiều công ty dẫn đến việc hoãn bay khi đã được điều động hoặc có lịch xuất cảnh.

+Thay mặt cho các công ty trả lương cho gia đình thuyền viên đúng kỳ hạn và có xác nhận việc thanh toán lương cho gia đình thuyền viên.

Phối hợp với các công ty XKLĐ và gia đình thuyền viên giải quyết những phát sinh trên tàu do những lỗi của thuyền viên gây ra như đòi về nước trước hạn, xin về nước vì lý do cá nhận hoặc lý do từ gia đình thuyền viên…

+Cùng với các công ty XKLĐ, gia đình thuyền viên chia sẻ các rủi ro do thuyền viên gây ra, đặc biệt là các lỗi nghiêm trọng như đánh nhau, giết người, đốt tàu…

+Nếu tuyển lao động đồng bằng và vùng núi để làm thuyền viên đánh cá trên tàu Đài Loan cần phải tổ chức tuyển chọn kỹ, phối hợp cùng công ty XKLĐ tổ chức đào tạo, giáo dục định hướng và rèn luyện sức khỏe, khả năng chịu sóng và đánh bắt hải sản dài ngày trên biển.

4. Phối hợp với các đối tác nước ngoài :

           +Phối hợp chặt chẽ  với ban tàu cá Cao Hùng, đưa ra những hợp đồng chung nhất để các công ty xuất khẩu thuyền viên phải ký kết theo mẫu, tránh thiệt thòi khi ký hợp đồng cho thuyền viên. Với các đối tác Hàn Quốc cũng cần phối hợp để ký nội dung hợp đồng thống nhất.

           + Không cung ứng thuyền viên cho các chủ tàu có nhiều vấn đề về tài chính như: chậm lương, thường xuyên xảy ra các vấn đề với thuyền viên Việt Nam, các chủ tàu đánh cá bất hợp pháp.

           + Phối hợp với nhau giữa các công ty xuất khẩu thuyền viên  để giải quyết các vấn đề liên quan đến thuyền viên Việt Nam của các công ty cung ứng làm việc trên một tàu, tránh tình trạng các công ty môi giới nước ngoài giải quyết không thống nhất với nhau.

           +Trao đổi những kinh nghiệm của từng công ty về những tình huống, rủi ro đã gặp phải ; phân loại và không hợp tác với những công ty môi giới nước ngoài và chủ tàu không thiện chí.

            Xuất khẩu thuyền viên tàu cá là một lĩnh vực nhiều rủi ro, sự cố. Với kinh nghiệm nhiều năm và sự nỗ lực vượt bực của đại đa số các thành viên trong Ban tàu cá, năm 2014 các doanh nghiệp đã đưa được hàng nghìn lao động đi làm việc trên tàu cá nước ngoài, góp phần vượt kế hoạch chung về xuất khẩu lao động trong cả nước, tạo việc làm và thu nhập hơn ở trong nước cho người lao động. Các tranh chấp, vụ việc xảy ra đều được các doanh nghiệp nỗ lực giải quyết, bảo đảm quyền lợi của người lao động. Hoạt động tích cực và có hiệu quả của Ban tàu cá đã tăng thêm sức mạnh đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp, tạo thế mạnh gắn kết khi thương thảo với đối tác nước ngoài về các điều kiện ngày một có lợi hơn cho doanh nghiệp và người lao động. Năm 2015, nếu có cơ hội mở thêm thị trường cung ứng thuyền viên tàu cá mới, đề nghị các cơ quan nhà nước cần ưu tiên giao việc cung ứng cho các doanh nghiệp trong Ban. Với kinh nghiệm và sự liên kết chặt chẽ, các doanh nghiệp này có khả năng xác lập trật tự từ đầu, đảm bảo quyền lợi của người lao động và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam./.