THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG ĐÀI LOAN QUÝ I NĂM 2015 11/06/2015 13:55 Nhìn chung thị trường lao động Đài Loan hiện nay vẫn tiếp tục dựa chủ yếu vào nguồn cung ứng của Indonesia và Việt Nam; Indonesia bên cạnh việc vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối trong việc cung ứng lực lượng lao động ngành dịch vụ chăm sóc người bệnh cho Đài Loan thì lao động ngành sản xuất công nghiệp đang gia tăng tương đối nhanh.

I. KHÁI QUÁT

Theo thống kê của Bộ Lao động Đài Loan, đến cuối tháng 3/2015 tổng số lao động nước ngoài có mặt tại Đài Loan 566.518 người, tăng so với tháng 2 là 8.744 người. Trong đó: lao động ngành sản xuất là 324.326 người, tăng thêm 6.171 người so với tháng trước; lao động ngành dịch vụ là 226.161 người, tăng thêm 2.134 người; lao động ngành xây dựng là 5.576 người, tăng 379 người; lao động ngành nông, lâm, ngư nghiệp là 10.445, tăng thêm 60 người.

Như vậy, tính hết Quý I năm 2015, tổng số lao động nước ngoài làm việc tại Đài Loan có số lượng lao động gia tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua, trong đó chủ yếu tăng trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ xã hội, gia đình.

1. TÌNH HÌNH CUNG ỨNG LAO ĐỘNG CỦA CÁC NƯỚC

 a. Inđonêsia: Tiếp tục dẫn đầu trong việc gia tăng số lượng lao động làm việc tại Đài Loan trong cả lĩnh vực lao động ngành dịch vụ và lao động ngành sản xuất, với tổng số có mặt tính tới hết tháng 3 là 236.427 người (chiếm 41,73% tổng thị trường), và tăng thêm 3.190 lượt người so với tháng 2/2015. Trong đó lao động làm việc trong ngành dịch vụ là 179.578 người, chiếm 79,40% thị phần lao động lĩnh vực này; lao động tham gia ngành sản xuất công nghiệp: 46.900, chiếm 14,46% thị phần; Lao động xây dựng: 1.054 chiếm 18,90% thị phần và lao động ngành đánh bắt cá gần bờ là 8.895 người, chiếm 85,16% thị phần.

 b. Thái Lan: Tổng số lao động tại Đài Loan tiếp tục giảm với tổng số có mặt tính đến hết tháng 3 là 59.489 chiếm 10,50% thị phần lao động nước ngoài, giảm 178 lượt người so với tháng trước. Trong đó lao động làm việc trong ngành sản xuất công nghiệp: 56.016 người, chiếm 17,27% thị phần; lao động ngành xây dựng là 2.806, chiếm 50,32% thị phần; Lao động trong ngành dịch vụ xã hội là 650 người, chiếm 0,29% thị phần.

c. Philippine: Tổng số lao động tính đến hết tháng 3 là 115.481người, chiếm 20,38% thị phần lao động, tăng 2.029 lượt lao động so với tháng trước. Trong đó lao động trong các ngành sản xuất công nghiệp và xây dựng là 88.180 người, chiếm 27,19% thị phần; lao động làm việc trong xây dựng: 17 người, chiếm 0,30% thị phần; Lao động ngành dịch vụ xã hội là 25.829 người, chiếm 11,42% thị phần và lao động thuyền viên tàu cá gần bờ là 1.455 người, chiếm 13,93% thị phần.

d. Việt Nam: Tổng số lao động Việt Nam tại Đài Loan là 155.115 người, chiếm 27,38% thị phần, chiếm thị phần lao động cao chỉ sau Inđonêsia, tăng thêm 3.339 lượt người so với tháng trước. Trong đó lao động ngành sản xuất công nghiệp: 133.237 người, chiếm 41,08% thị phần, chiếm thị phần cao nhất; Lao động xây dựng: 1.699 người, 30,47%, chỉ xếp sau Thái lan; lao động làm việc trong ngành dịch vụ là 20.201, chiếm 8,89% thị phần lao động lĩnh vực này.

Nhìn chung thị trường lao động Đài Loan hiện nay vẫn tiếp tục dựa chủ yếu vào nguồn cung ứng của Indonesia và Việt Nam; Indonesia bên cạnh việc vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối trong việc cung ứng lực lượng lao động ngành dịch vụ chăm sóc người bệnh cho Đài Loan thì lao động ngành sản xuất công nghiệp đang gia tăng tương đối nhanh. Lao động Việt Nam tiếp tục là nguồn cung ứng chủ yếu cho lực lượng lao động khu vực sản xuất đáp ứng nhu cầu gia tăng của thị trường và là lực lượng thay thế nguồn cung lao động Thái Lan ngày càng giảm tại Đài Loan. 

2. LAO ĐỘNG ĐƠN PHƯƠNG PHÁ BỎ HỢP ĐỒNG

Theo thống kê cuả phía Đài Loan tổng số lao động trốn hiện có tại Đài Loan là 46.120 người, chiếm tye lệ 8,14% so với sô lao động hiện đang làm việc trong đó Inđônêsia : 21.105 chiếm tỷ lệ 8,93%; Việt Nam: 21.717 chiếm 14,24%; Phillipin: 2.417 chiếm 2,09% và Thái Lan : 881 người, chiếm 1,48%.

Thống kê tháng 3 cho thấy số trốn mới là 2.984 người, trong đó Indonesia: 921 người; Phillipin: 66 người; Thái lan: 31 người và Việt Nam: 1.966 người chiếm tỷ lệ cao nhất so với nước cung ứng lao động, tăng1.514 người so với tháng 2 và là con số tăng nhiều nhất trong vòng 15 năm qua. Trong đó số bị trục xuất trong tháng là 975 người, trong số này có 398 lao động Việt Nam chiếm gần 41% số lao động bị phía bạn trục xuất về nước trong tháng.

II . MỘT SỐ CHÍNH SÁCH MỚI 

1. Miễn kiểm tra một số bệnh truyền nhiễm kể từ 16/3/2015 đối với các bệnh : Bệnh lao (Reactive tuberculosis); Viêm màng phổi lao; bệnh lỵ Amoebic. Phía bạn khuyến cáo các bệnh này lao động nên tự nguyện kiểm tra để phòng ngừa mà thôi.

2. Báo chí các nước đều đăng tải thông tin về kết quả của hội nghị hợp tác lao động Việt Nam – Đài Loan theo hướng tích cực liên quan tới việc khôi phục cấp phép cho công ty XKLĐ mới của VN; mở của tiếp nhận lao động khán hộ công gia đình và thuyền viên tầu cá gần bờ theo một lộ trình với bước đi phù hợp bảo đảm sự phát triển bền vững trong việc tiếp nhận các lao động thuộc hai lĩnh vức này trong năm 2015.

     3. Viện lập pháp Đài Loan đã thông qua lần một dự thảo phương án sửa đổi bổ sung một số điều của Luật lao động cơ bản. Theo đó, quy định thời gian làm việc bình thường không quá 8 giờ một ngày, một tuần không quá 40 giờ. Người sử dụng lao động không được giảm tiền lương của người lao động khi áp dụng chế độ giờ làm việc mới. Dự kiến thông qua phướng án này trong năm 2015 và có thể được áp dụng vào đầu năm 2016.

III. TÌNH HÌNH THẨM ĐỊNH HÒ SƠ

   Công tác thẩm định hồ sơ cung ứng lao động Việt Nam đã được Ban Quản lý lao động thực hiện theo một quy trình chặt chẽ và hiệu quả . Trong Quý I đã thẩm định 7.389 bộ hồ sơ, với tổng số lao động xin tiếp nhận là 18.261 lao động. Riêng trong tháng 3 số hồ sơ thẩm định là 2.799 bộ với 6.288 lao động tăng 571 bộ, tăng 275 người so với tháng 2.

Số lượng các công ty có hợp tác với phía Đài Loan làm thủ tục tiếp nhận lao động ta vào Đài Loan trong 3 tháng đầu năm là 64 công ty, tăng 4 công ty so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 15 công ty là công ty xin liên kết.

   Trong 3 tháng đầu năm, 10 công ty có số lượng hồ sơ thẩm định nhiều nhất  lần lượt là: Vihatico, Cienco 8, Vietracimex, Simco Sông Đà, Letco, HLC, Servico Hà Nội, Gaet, Virasimex, Phu Thọ CO.

                                                                    Nguồn: Ban Quản lý lao động VN tại Đài Bắc