Hoạt động xuất khẩu lao động vẫn được xem là một kênh giải quyết việc
làm có hiệu quả, góp phần giảm nghèo. Ngay
từ đầu năm Sở LĐ-TBXH đã chủ động triển khai công tác công tác thông tin tuyên
truyền về xuất khẩu lao động, thẩm định, giới thiệu các doanh nghiệp có uy tín
xuống địa phương để phối hợp tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp
đồng, đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin về các chính sách ưu đãi của Nhà
nước cũng như quyền và nghĩa vụ của người lao động trước khi đi làm việc ở nước
ngoài; tiến hành các cuộc khảo sát, kiểm tra, giám sát tình hình tư vấn, tuyển
lao động của các doanh nghiệp được phép tuyển lao động nhằm phát hiện những khó
khăn để kịp thời giải quyết và tránh tình trạng lừa đảo trong hoạt động này.
Doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động đã tư vấn cho 770 lượt
người lao động có nhu cầu đi xuất khẩu lao động. Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ
việc làm đã tư vấn cho 150 lượt người và giới thiệu 90 người có nguyện vọng đi
làm việc ở nước ngoài cho các doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi
làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó có 14 lao động đã xuất cảnh.
Sáu tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh có khoảng 250 lao động đã xuất cảnh,
đạt 35,71% kế hoạch năm; số lao động của tỉnh đi làm việc chủ yếu ở các thị
trường: Malaysia, Đài Loan, Nhật Bản,… ngoài ra, có khoảng 18 lao động đang chờ
bay, 25 lao động đang chờ visa. Đối với
Chương trình thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản do Trung tâm lao
động ngoài nước tổ chức, toàn tỉnh có 36 người lao động đăng ký tham gia, 27
người đủ điều kiện tham dự kỳ thi tuyển, trong đó có 11 lao động vượt qua kỳ
kiểm tra và đang được đào tạo tại Trung tâm Lao động ngoài nước. Tuy nhiên, số lao động tham gia đi làm
việc ở nước ngoài theo hợp đồng vẫn còn ít, chưa tương xứng với lực lượng lao
động của tỉnh.
Nguyên nhân chủ yếu là người lao động vẫn chưa nhận thức đầy đủ về hiệu
quả của công tác xuất khẩu lao động, đặc biệt là lao động thuộc hộ nghèo, cận
nghèo và lao động dân tộc thiểu số. Nguồn vốn cho vay xuất khẩu lao động còn
hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu của người vay. Tâm lý của một bộ phận người
lao động vẫn muốn tham gia các thị trường có mức thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn
Quốc…, trong khi đó những thị trường này yêu cầu về trình độ cao, số lượng
tuyển ít. Malaysia
hiện nay là thì trường không mấy mặn mà với người lao động, do mức lương thấp
mà đồng Ringgit lại đang dần mất giá nên không thu hút được người lao động.
Bích
Phương- Sở LĐTBXH Đăk Lăk