SƠ BỘ TỔNG HỢP Ý KIẾN VỀ CÔNG TÁC ĐÀO TẠO GIÁO DỤC ĐỊNH HƯỚNG CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG VÀ CHÁT LƯỢNG DỊCH VỤ CỦA CÁC DOANH NGHIỆP 20/10/2015 16:55 Việc đánh giá hoạt động đào tạo, giáo dục định hướng người lao động trước xuất cảnh đối với các doanh nghiệp tham gia thực hiện bộ quy tắc COC-VN năm thứ 3 ( 2014 – 2015 ), được thực hiện thông qua Hội đồng đánh giá. Hội đồng đánh giá đã thực hiện các bước sau:

(i) Nghe ban lãnh đạo doanh nghiệp báo cáo hoạt động năm qua và nêu rõ các cải tiến có được khi áp dụng Bộ quy tắc CoC-VN;

        (ii) Tham dự các lớp học của người lao động trước xuất cảnh;

       (iii) Đối thoại với người lao động các vấn đề liên quan tới các nội dung GDĐH mà người lao động đã được học và

       (iv) Trực tiếp lấy ý kiến người lao động thông qua phiếu hỏi.

       Từ các hoạt động nêu trên, Hội đồng đánh giá sơ bộ tổng hợp các ý kiến phản hồi của người lao động về nội dung đào tạo, chất lượng dịch vụ trong lĩnh vực này của doanh nghiệp cũng như mong muốn của người lao động đối với doanh nghiệp.

I.                   Thông tin khái quát

  1. Thị trường tiếp nhận

      Các thành viên hội đồng đã tham dự 64 lớp đào tạo của 66 doanh nghiệp, thực hiện lấy phiểu hỏi của 1.125 lao động , trong đó khảo sát các lớp đào tạo lao động đi:

    - Thị trường Nhật Bản : 34 lớp với 567 lao động , chiếm 50,40% só lao động được phỏng vấn;

    - Thị trường Đài Loan : 22 lớp với 408lao động chiếm 36,30%;

    - Thị trường Trung Đông( Ả rập Xê Ut và UAE): 3 lớp với 62 lao động chiếm 5,51%;

    - Thị trường Malaysia : 1 lớp với 25 lao động chiếm 2,22% và

    - Các thị trường khác ( Úc, Algieri, Macao và Nga ): 4 lớp với 63 lao động chiếm 5,57%.

 2. Giới tính, độ tuổi

       Số lao động trên có cơ cấu giới tính nữ chiếm 43,30% , độ tuổi dưới 25 chiếm tỷ trọng cao chiếm 57,12%, độ tuổi từ 25 đến 30 tuổi chiếm 28,44% và độ tuổi trên 30  chỉ có 14,44% tổng số lao động được khảo sát.          

3. Khu vực xuất cư

       Lao động thuộc các tỉnh phía Bắc chiếm cao nhất chiếm 55,55%; các tỉnh miền Trung : 27,91%; các tỉnh miền Nam: 14,66% , còn lại khoảng 1,88% là lao động thuộc các tỉnh Tây Nguyên.

 4. Trình độ văn hóa

       Lao động có trình độ  THPTcó tỷ lệ cao nhất chiếm 45,86%, lao động đã qua các trường nghề chiếm 31,91%, THCS :12,62; Tiểu học :2,22% và trình độ đại học là 7,39% trong số này chủ yếu là lao động đi thị trường Nhật bản chiếm 82% tổng số các lao động có trình độ này trong nhóm lao động được phỏng vấn.

     II. Một số nhận xét 

1.      Kênh thông tin để người lao động đến DN đăng ký tuyển chọn đi làm việc ở nước ngoài

    Kênh thông tin bạn bè chiếm tỷ lệ cao nhất : 55,38%; tiếp theo là người thân trong gia đình: 17,06%; qua cán bộ địa phương: 11,20%; Qua các kênh truyền thông : 6,32% và qua trực tiếp cán bộ DN: 10,04%. Kết quả này cũng tương tự có được từ kết quả khảo sát năm 2013.

     2.Vay trước khi xuất cảnh

     Có 836 lao động có nhu cầu vay để trang trải mọi chi phi trước khi xuất cảnh trước khi xuất canh, chiếm 74,31 số lao động phỏng vấn. Trong số này nguồn vay chủ yếu là người thân: 39,95% với mức vay bình quân khoảng 52 triệu đồng; Vay qua kênh ngân hàng: 32,42%, với mức vay bình quân khoảng 65 triệu đồng và vay qua cả 2 kênh ngân hàng và người thân là : 27,63%. Trong số không vay, thì số lao động đi Nhật không vay chiếm 27,86% số lao động đi thị trường Nhật bản; lao động đi Đài Loan :12,99%, và  36,36% thuộc các thị trường còn lại.

    Việc vay qua Ngân hàng nhìn chung thuận lợi, không có vướng mắc đang kể trong quá trình thực hiện.

      3.Các khoản phí phải nộp trước khi đi

       96,90% lao động đều biết rõ các khoản phí cần nộp khi tham gia các khóa học trước khi đi và có khoảng 3,10% trả lời chưa biết một cách đầy đủ các khoản phí này. Đây cũng là một vấn đề các doanh nghiệp cần quán triệt đầy đủ hơn cho mọi lao động trong các kháo đào tạo. Kết quả khảo sát cũng cho thấy hầu hết trong số họ đều chấp nhận mức phí được DN thông báo. Tổng chi phí cho từng thị trường và cơ cấu của phí nhìn chung đều được các doanh nghiệp công khai trong các thông báo tuyển dụng và không có sự khác biệt so với các mức quy định mà cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này ban hành.

      Đáng lưu ý trong số 1.125 lao động được hỏi, chỉ có 5 lao động . chiếm 0,4% là mất chi phí cho các môi giới trước khi đến công ty tuyển dụng do không nắm được các thông tin cần thiết .

       4.Giáo dục định hướng trước khi đi

    Các doanh nghiệp được khảo sát đều tuân thủ các quy định về đào tạo giáo dục dịnh hướng cho người lao động về chương trình cũng như thời lượng đào tạo; lao động được bố trí trong các phòng học đủ tiện nghi cần thiết; giáo viên có trách nhiệm và đều có bằng cử nhân về ngoại ngữ môn đảm nhiệm. Một số doanh nghiệp đầu tư cả về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên có chất lượng cho hoạt động đào tạo khá tốt như các  công ty LOD, HITECO, AIC,TRANSMINCO, THUẬN THẢO, LETCO, SULECO, SOVILACO, VINAINCOMEX, HOÀNG LONG, ADC, TOCONTAP SÀI GÒN, ESUHAI, TESHCIMEX, SIMCO SÔNG ĐÀ…đã đem lại hiệu quả cao.

     Tổng hợp các phiếu khảo sát người lao động trước xuất cảnh cho thấy hoạt động đào tạo của các doanh nghiệp một số kết quả sau:

     - 100% người lao động đều tham gia các khóa đào tạo của doanh nghiệp trước khi xuất cảnh.

     - Trong 11 nội dung được hỏi liên quan tới phong tục tập quán tại nước đến, về đất nước con người, về các điều cần tránh, các điều khoản của các loại hợp đồng, về chi phí trước khi đi thì, có tới 97,95 % lao động trả lời đã được học và nắm được các nội dung này và có 2,05% số lao động chưa nắm rõ một số nội dung cần phải nắm vững. Các nội dung đó tập trung vào các vấn đề về các khoản khấu trừ vào lương của chủ sử dụng lao động theo quy định của pháp luật nước sở tại hoặc quy trình khi cần khiếu nại một vấn đề gì đó trong quá trình làm việc.

    - Hầu hết lao động được hỏi đều hài lòng với chất lượng dịch vụ đào tạo của doanh nghiệp, về đội ngũ giáo viên giảng dậy cũng như cách làm việc của các bộ phận nghiệp vụ công ty trong hướng dẫn thủ tục hồ sơ cho người lao động.

    - Một số lao động đã tự trang bị thêm các kiến thức về nước đến làm việc thông qua các thông tin trên các trang Web và bạn bè đang làm việc ở nước ngoài . Không ít các lớp học các em có thể tự tin hát được một ssos nài hát bằng ngôn ngữ đang học , đây là một tiến bộ đnags kể so với năm trước khi khảo sát.

      5. Nguyện vọng

      Có tới 348 lao động không nêu nguyện vọng và kiến nghị gì chiếm 30,93% số lao động được hỏi .

      Trong số 777 lao động nêu nguyện vọng thì:

   - Có tới 67,82%  mong muốn dược tăng ca , gia hạn hợp đồng , kiếm được nhiều tiền để trang trải cuộc sống. Lý do kinh tế như là định hướng cơ bản cho việc đi làm việc ở nước ngoài. Ở thị trường Nhật tỷ lệ này là 41%, Đài Loan là 97%, Trung Đông là 98% và các thị trường khác là 86%;

   - Mong muốn khi về nước có việc làm có tỷ lệ là 14,03%, trong đó thị trường Nhật bản là 22%, Đài Loan : 0,34%);

   - 7,46% có nguyện vọng nâng cao tay nghề và ngoại ngữ ; tỷ lệ này ở thị trường Nhật bản chiếm cao nhất là 23,65%;

    - 4,25% số lao động có nguyện vọng khi về sẽ mở doanh nghiệp riêng hoặc làm giáo viên dậy ngoại ngữ trong các doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Nguyện vong naỳ cũng tập trung chủ yếu vào số lao động đi thị trường Nhật bản.

   Để đánh giá khách quan chất lượng dịch vụ của công ty, Hội đồng cũng còn tiến hành lấy ý kiến của các lao động đã hết hạn hợp đồng trở về nước. Số phiếu khảo sát là 201 phiếu tại 42 doanh nghiệp. Kết quả tổng hợp cho thấy 98,50% người lao động có đánh giá tích cực về chất lượng dịch vụ của công ty cung ứng. Họ hài lòng với công việc ở nước ngoài và được công ty đáp ứng cơ bản các điều ký kết trong hợp đồng đối  với họ.

     Tóm lại, qua hoạt động này cho thấy các doanh nghiệp đều có những chuyển biến khá rõ nét trong công tác đào tạo giáo dục định hướng người lao động trước khi đi theo các nguyên tắc nêu trong Bộ Quy tắc COC-VN. Nhận định được thể hiện rõ ở các hoạt động của doanh nghiệp trong đầu tư cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ giảng viện, chuẩn hóa quy trình đào tạo, thực thi nghiêm túc các quy định về nội dung, chương trình và thời lượng đạo tạo đã được quy định.  Qua đó chất lượng lao động trước khi đi được cải thiện đặc biệt chất lượng lao động đi thị trường Nhật có những thay đổi tích cực hơn và đồng đều trong nhiều doanh nghiệp./.