Thực tập sinh xây dựng tại Nhật Bản, vấn đề và giải pháp 11/10/2016 17:14
  1. 1.Bối cảnh:

Trong những năm gần đây Nhật Bản đã trở thành thị trường tiếp nhận lao động lớn thứ hai của Việt Nam. Số lao động VN đến Nhật Bản theo chương trình TTS kỹ thuật năm 2015 đạt trên 30 nghìn người; 9 tháng đầu năm 2016 đạt gần 27 nghìn người. Cùng với việc tăng nhanh về tổng số, tỉ trọng lao động được phái cử thực tập và làm việc trong ngành xây dựng trong tổng số lao động VN đến Nhật Bản cũng tăng cao rõ rệt. Theo số liệu của Cục Quản lý LĐNN, con số này những năm trước đây chỉ chiếm 5-10%, thì 5 tháng đầu năm 2016 đã chiếm khoảng 20%. Nhu cầu lao động ngoài nước cuả Nhật Bản cho lĩnh vực này đã đang và sẽ còn tăng, để xây dựng các công trường phục vụ cho thế vận hội năm 2020, cùng với tái thiết vùng Đông Bắc và Kumamoto. Trong khi đó, nguồn cung lao động ngành nghề này nhiều năm qua chủ yếu dựa vào Trung quốc, nay đã thuyên giảm rõ rệt, do mức thu nhập không còn đủ hấp dẫn đối với họ. Đây là cơ hội để tăng số lượng TTS Việt Nam đến Nhật Bản. Nhưng, đồng thời cũng  là thách thức; và nếu không làm tốt, thì cũng sẽ là nguy cơ thu hẹp thị phần của VN, dẫn đến rủi ro thua thiệt cho doanh nghiệp phái cử và người lao động. Bởi vậy, bám sát thực tế, phát hiện những phát sinh, đồng thời cùng đối tác tìm phương án xử lý thỏa đáng là hết sức cần thiết.

  1. 2.Những vấn đề nổi cộm:

Những vấn đề nổi cộm được nêu dưới đây, mặc dù không diễn ra với tất cả các đơn hàng, các đối tác tiếp nhận TTS làm xây dựng ở Nhật Bản, nhưng cũng đã có nhiều TTS xây dựng gặp những vấn đề này, họ bức xúc báo váo với Ban QLLĐ VN – Đại sứ quán VN tại Nhật Bản. Một bộ phận trong số họ đã không chấp nhận tiếp tục làm việc, về nước hoặc bỏ hợp đồng, cư trú bất hợp pháp. Những vấn để nổi cộm chủ yếu đó là:

2.1    Thời gian làm việc:

Khác với TTS trong công xưởng – nơi làm việc cố định, từ nơi ở đến công xưởng thường gần, thời gian đi lại từ nơi ở đến nơi làm việc không đáng kể. TTS xây dựng phải đi làm tận các công trình không cố định. Nhiều trường hợp TTS phải mất thêm 2-3 giờ cả đi và về. Thời gian di chuyển này làm giảm thời gian nghỉ ngơi, tăng thêm mệt mỏi cho người lao động, không được hỗ trợ thêm bất kỳ chế độ nào. Tức là phải đi làm rất sớm về rất muộn, mà lương thấp hơn ngành nghề khác.

2.2    Tiền lương thấp:

Công ty tiếp nhận có thể ký hợp đồng trả lương cho TTS theo tháng với mức lương cố định, hoặc trả theo số giờ làm việc thực tế. trong trường hợp trả lương theo giờ, TTS phải gánh phần bất lợi. Đa phần TTS xây dựng phải làm việc trên công trường ngoài trời, chịu tác động của yếu tố thời tiết bất thuận, số giờ làm việc thực tế tụt thấp đáng kể, dẫn đến thu nhập lương thấp.

2.3    Các khoản khấu trừ vào lương cao:

Một số công ty tiếp nhận khấu trừ vào lương các khoản: tiền nhà, ga, điện, nước cao hơn quy định. Cá biệt có nơi yêu cầu TTS đóng các khoản phí ngoài quy định của pháp luật. Thu nhập còn lại của TTS có nơi còn khoảng 70.000 yên/tháng. Đây là yếu tố dễ đẩy TTS phá hợp đồng, bỏ trốn.

2.4    Quan hệ lao động, quan hệ với nhân viên người Nhật có những phát sinh không tốt:

Theo thông tin từ Cục QLLĐNN, trong tháng 7-2016 đã có 04 vụ việc TTS Việt Nam phản ánh bị nhân viên người Nhật làm cùng hoặc người quản lý đánh, ném dụng cụ vào người TTS, gây thương tích. Trên thực tế còn nhiều vụ việc khác tương tự 04 vụ việc mà Cục và Ban QLLĐ nhận thông tin trực tiếp từ TTS, đã được các DN cùng đối tác giải quyết.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những va chạm không tốt trong quan hệ trong lao động xây dựng nói trên:

-       Địa điểm, môi trường làm việc trên công trường khác biệt xa với trong nhà máy;

-       Đặc điểm tính cách người quản lý trên công trường khác biệt so với người quản lý, chủ sử dụng trong nhà máy;

-       Nhiều trường hợp tại nơi làm việc chỉ có 01 người quản lý và TTS, không có người khác giám sát, theo dõi, can ngăn khi xuất hiện va chạm;

-       Tính cách TTS xây dựng cũng không được như TTS trong nhà máy, nhất là với những trường hợp không được đào tạo kỹ lưỡng về quan hệ ứng xử;

-       Trình độ tiếng Nhật của TTS yếu;

-       Đào tạo giáo dục định hướng, ngoại ngữ, kỹ năng mềm cho TTS xây dựng trước xuất cảnh còn hạn chế.

Những vấn đề phát sinh nổi cộm trên đây trong phái cử TTS cho lĩnh vực xây dựng Nhật Bản không phải đơn hàng nào cũng vấp phải, nhưng đã rất nhiều DN phái cử nhận dạng được.

Đây chính là những rủi ro, nguy cơ tiềm ẩn cần có giải pháp phòng ngừa và xử lý sớm để bảo đảm phát triển thị trường bền vững, tránh để những vấn đề này phát sinh lan rộng, làm gia tăng tỉ lệ lao động bỏ hợp đồng, làm xấu hình ảnh TTS xây dựng VN và làm TTS Việt Nam sợ tham gia vào các đơn hàng ở thị trường Nhật Bản.

  1. 3.Khuyến nghị giải pháp:

3.1    Lựa chọn đối tác, đơn hàng tốt:

Thực tế cung ứng TTS xây dựng cho thị trường Nhật Bản cũng cho thấy, bộ phận TNS được làm việc cho các chủ sử dụng là các tập đoàn lớn, có năng lực tài chính, quản lý tốt với các đơn hàng tốt, thì việc làm và thu nhập vẫn ổn định ở mức tương đối cao. Tuy nhiên việc tăng tỷ trọng TTS xây dựng cho những đối tác, chủ sử dụng năng lực tài chính và quản lý hạn chế, không có những giải pháp tích cực, hiệu quả xử lý những vấn đề nổi cộm nêu ở phần trên, sẽ đồng nghĩa với tăng rủi ro, nguy cơ cho chính DN phái cử và ngưòi lao động VN.

Bởi vậy, DN phái cử VN cần khảo sát thật kỹ lưỡng, lựa chọn đối tác chủ sử dung thật tốt, đơn hàng thích hợp, ít yếu tố rủi ro nhất. Các đơn hàng mà không đảm bảo sự hài lòng của người lao động cả về thu nhập, điều kiện làm việc, ăn ở sinh hoạt, thì không nên chọn, kể cả với DN phái cử mới vào cuộc, đang “khát đơn hàng”.

3.2    Nâng cao chất lượng đàm phán, ký kết hợp đồng giữa DN phái cử và đối tác Nhật Bản:

-       Hợp đồng cần thể hiện rõ chỉ những khoản nào mới được khấu trừ vào lương của người lao động, chế tài xử phạt người vi phạm;

-       Đưa vào hợp đồng điều khoản: Chủ sử dụng không được để người quản lý của mình xúc phạm, đánh đập TTS trong quá trình làm việc và chế tài xử lý vi phạm;

-       Đưa vấn đề nơi ở gần nơi làm việc vào nội dung đàm phán và ký hợp đồng. Nếu nơi ở xa nơi làm việc thì chủ sử dụng chịu trách nhiệm phương tiện vận chuyển và nếu thời gian đi lại từ nơi ở đến nơi làm việc từ bao nhiêu trở lên thì chủ sử dụng hỗ trợ phụ cấp thời gian di chuyển. Nếu chủ sử dụng không hỗ trợ cả được, thì cân nhắc phương án DN phái cử cùng chia sẻ;

-       Đưa nội dung cách trả lương vào hợp đồng, trong trường hợp lương tính theo thời gian làm việc thực tế trên công trường, mà do thời tiết, các yếu tố khác tác động dẫn đến lương thấp (dưới mức nào đó), thì chủ sử dụng hỗ trợ bù cho TTS đủ mức nào đó.

3.3    Nâng cao chất lượng tuyển sinh TTS:

-       DN phái cử cần cần nâng cao chất lượng tuyển chọn, phải chọn được các ứng viên thực sự chấp nhận và thích hợp trong lĩnh vực xây dựng. Quá trình tuyển chọn, sàng lọc phải được tiếp nối trong thời gian đào tạo sau trúng tuyển đến trước xuất cảnh. Những ứng viên bộc lộ những biểu hiện cả về phong cách, thái độ, kỹ năng không đảm bảo thực hiện hợp đồng, thì cần có hình thức xử lý thỏa đáng, không để xuất cảnh.

3.4    Nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng nghề, phong cách, thái độ, phương pháp ứng xử trong cuộc sống lao động trên công trường và trên đất nước Nhật Bản. Đặc biệt, cần tạo điều kiện cho học viên được học, thảo luận thu hoạch kỹ về điều kiện hợp đồng cách trả lương, điều kiện ăn, ở, đi lại, sinh hoạt thực tế trên công trường trong và ngoài thời gian làm việc; Không để họ bất ngờ, thất vọng về sự khác biệt giữa nhận biết có được do phổ biến của công ty  trước khi đi với thực tế.

3.5    DN phái cử cần hợp tác chặt chẽ với đối tác nắm bắt và xử lý thỏa đáng, kịp thời các phát sinh thực tế gây bất lợi cho người lao động./.