TỔNG QUAN CÁC CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM XÃ HỘI CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀM VIỆC TẠI ĐÀI LOAN 11/10/2016 17:22

I. KHÁI QUÁT

-       Đài Loan là một trong các thị trường tiếp nhận lớn lao động nước ngoài tại khu vực Đông bắc Á. Thị trường này đang tiếp nhận lao động của 6 nước: Indonesia, Việt Nam, Philippine, Thái lan, Malaysia và Mông cổ. Tuy nhiên hiện nay lao động đến Đài Loan làm việc chủ yếu từ bốn nước: Philippine, Thái lan, Indonesia và Việt Nam.

-       Việt Nam đưa lao động làm việc tại Đài Loan bắt đầu từ tháng 11 năm 1999. Quy mô lao động của các nước cung ứng vào Đài Loan kể từ năm 1999 đến nay khoảng trên 600.000 lượt lao động trong đó lao động Việt Nam có khoảng trên 170.000 lượt lao động chiếm 28% thị phần lao động nước ngoài, đứng thứ 2 sau Inđonésia về quy mô lao động làm việc tại  Đài Loan. Từ nhiều năm qua, Đài loan là thị trường tiếp nhận lao động VN có quy mô lớn nhất so với các thị trường mà các doanh nghiệp VN cung ứng lao động , theo đó cứ 100 lao động đi làm việc ở nước ngoài thì trong đó có trên 60 lao động đi làm việc tại Đài Loan. Cơ cấu lao động làm việc tại Đài loan có quy mô lớn nhất tập trung lao động làm trong công xưởng chiếm 87%, xây dựng:1,2%; chăm sóc người già 10%; số còn lại thuộc lĩnh vực giúp việc gia đình và thuyền viên.

-       Theo quy định của Đài Loan, mọi lao động nước ngoài đều phải tham gia BHXH bắt buộc. Riêng lao động giúp việc gia đình, chăm sóc người bệnh tại nhà không bắt buộc tham gia bảo hiểm lao động nhưng bắt buộc phải tham gia bảo hiểm y tế.

II. CÁC CHẾ ĐỘ BHXH BẮT BUỘC ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI

1. BHXH BẮT BUỘC

Đối với lao động nước ngoài, Đài Loan quy định người lao động tham gia hai chế độ BHXH bắt buộc, đó là:

1.1. Bảo hiểm Y tế

-       Mức thu BHXH Y tê được tính bằng công thức sau:

-       BHYT = Tiền lương cơ bản * 4,91%.

-       Hiện tiền lương cơ bản (1/7 năm 2015) là 20.008 Đài tệ/tháng ( tương đương khoảng 14 triệu đồng VN), tổng mức đóng BHYT sẽ là: 982 Đài tệ/tháng. Trong đó tỉ lệ mức đóng  của các bên là: chủ sử dụng 60%, người lao động 30% và Chính phủ hỗ trợ 10%, nên mức đóng hàng tháng của người lao động nước ngoài là:

-       (20.008 Đài tệ x 4,91% x 30%) = 295 Đài tệ/tháng

-       ( Tỷ giá tháng 5/2016: 1 Đài tệ  = 696,45 VNĐ , mức đóng BHYT của người lao động khoảng 205.452 đồng VN)

-             Mức đóng bảo hiểm y tế trên áp dụng cho cả đối tượng lao động làm việc trong các gia đình.

      1.2. Bảo hiểm lao động

-             Mức thu BH lao động được tính bằng công thức sau:

      BHLĐ = Tiền lương cơ bản * 9%.

-             Với tiền lương cơ bản hiện nay là 20.008 Đài tệ/tháng, tổng mức đóng  BHLĐ sẽ là : 1.800 Đài tệ/tháng. Trong đó  tỉ lệ đóng  của các bên là: chủ sử dụng 70%, người lao động 20% và Chính phủ  hỗ trợ 10%, nên mức đóng hàng tháng của người lao động nước ngoài là:

-             (20.008 Đài tệ x 9% x 20%) = 360 Đài tệ/tháng ( khoảng 251.000 đồng /tháng)

-             Mức đóng hàng tháng BHYT và BHLĐ phụ thuộc vào tiền lương cơ bản và tỷ lệ mức đóng được quy định trong văn bản pháp luật BHXH.

-             Kể từ năm 2013, mức phí bảo hiểm lao động tăng từ 7,5% lên 8%; năm 2014 tăng là 8,5%  và 7/2015 đến nay là 9%. Tiền lương cơ bản năm 2013 là 18.780 Đài tệ/tháng ; 7/2014 là 19.273 Đài tệ/tháng và nay là 20.008 Đài tệ/ tháng.  Mức đóng  bảo hiểm y tế (2013) giảm từ 5,17% xuống còn 4,91% ( 7/ 2014 đến nay).

      2. Tham gia và thụ hưởng

      2.1 Đăng ký tham gia BH của người lao động

-             Người lao động Đài loan hiện đang thực hiện chế độ Bảo hiểm xã hội tổng hợp bao gồm các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động- bệnh nghề nghiệp và hưu trí , tử tuất . Tuy nhiên người lao động nước ngoài chỉ tham gia hai loại bảo hiểm xã hội bắt buộc nêu trên : BHYT và BHLĐ.

-             Khi người lao động nước ngoài đăng ký tham gia đóng bảo hiểm, trong hồ sơ của đơn vị sử dụng lao động đăng ký với cơ quan bảo hiểm bao gồm: Giấy phép lao động , thẻ cư trú của người lao động nước ngoài hoặc bản photo copy hộ chiếu.

-             Căn cứ theo “Luật bảo hiểm Lao động”, Điều 11 quy định: các đơn vị tham gia đóng bảo hiểm đều tính từ “ngày đến nhận việc” của người lao động. Đơn vị đóng BH phải lập danh sách người tham gia đóng bảo hiểm để bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Không kể là “thời gian thử việc”đơn vị đóng bảo hiểm vẫn phải đăng ký tham gia đóng bảo hiểm cho người lao động ngay từ ngày đầu tiên đến nhận việc.

-             Ngay từ ngày đến nhận việc, nếu đăng ký tham gia bảo hiểm thì hiệu lực bảo hiểm bắt đầu trong ngày hôm đó. Nếu kéo dài thời gian thông báo, hiệu lực bảo hiểm cũng sẽ bắt đầu kể từ ngày đăng ký.

-             Khi đơn vị đóng bảo hiểm  khai báo ít đi mức tiền lương của lao động tham gia bảo hiểm, thì chủ sử dụng lao động sẽ phải chịu trách nhiệm về khai báo này . Tính từ ngày phát sinh sự việc, căn cứ theo mức phí bảo hiểm bị đóng ít đi bao nhiêu, đơn vị đóng bảo hiểm sẽ bị phạt gấp 3 lần số tiền đóng thiếu. Ngoài ra, nếu người lao động bị tổn thất bao nhiêu, đơn vị đóng bảo hiểm sẽ phải bồi thường bấy nhiêu.

      2.2 Thụ hưởng

      Bảo hiểm lao động

      a) Nếu như người lao động nước ngoài phát sinh thưong tật phổ thông hoặc có bệnh phải nằm viện điều trị, không thể làm việc được, thậm chí không thể nhận được tiền lương đầy đủ, người đang điều trị bệnh đều có thể  hưởng  trợ cấp chữa bệnh ngay từ ngày thứ tư tính từ khi ngày không thể làm việc được.

      Căn cứ theo quy định tại điều 59 của “Luật Lao động cơ bản”, Khi người lao động bị thương tật hoặc mắc bệnh nghề nghiệp, chủ sử dụng phải chi trả những chi phí chữa bệnh. Nhưng cùng một vấn đề, căn cứ theo Luật Bảo hiểm Lao động hoặc những pháp lệnh khác quy định, người lao động được chủ sử dụng bồi hoàn chi phí và phải chi trả cho họ. Riêng điều 44 Luật Bảo hiểm Lao động quy định: hỗ trợ chữa bệnh không bao gồm tiền đăng ký khám bệnh. Tuy nhiên người lao động bị thương  tật vì công việc, những chi phí cần thiết như tiền đăng ký khám bệnh đều do chủ sử dụng chi trả.

      b)  Người lao động phải nghỉ việc trong quá trình điều trị được trợ cấp lương bằng mức lương  trước khi nghỉ việc trong đó người sử dụng lao động trả 30%, Bảo hiểm lao động trả 70%. Hết quá trình điều trị y tế , bệnh viện được chỉ định xác nhận người lao động bị tàn tật, thì họ được hưởng trợ cấp thương tật trên cơ sở mức lương bình quân , mức độ tàn tật và tiêu chuẩn bồi thường được quy định trong Luật BHLĐ.

      Các loại BNN được bồi thường và các dịch vụ y tế đối với người lao động cho các trường hợp này được quy định trong Luật BHLĐ.

      c) Người lao động được bảo hiểm trên đường đi làm hoặc tan ca trong thời gian thích hợp, trên đoạn đường bắt buộc phải đi qua kể từ nơi thường trú đi đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc trở về nếu phát sinh thương tật do sự cố giao thông, được coi như bị tai nạn lao động, được xin nhận trợ cấp bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp. Nhưng người lao động có các tình tiết sau đây sẽ không được coi là tai nạn lao động:

      - Hành vi cá nhân không cần thiết trong cuộc sống hàng ngày.

      - Người lái xe chưa có bằng lái xe đúng chủng loại xe đang lái.

      - Người lái xe trong thời gian bị treo bằng lái xe, hoặc bằng lái xe hết hạn.

      - Người lái xe vi phạm luật giao thông vượt đèn đỏ ở đoạn đường giao nhau.

      - Người vượt qua đường sắt.

      - Người lái xe trong tình trạng có nồng độ rượu vượt quá quy định, người sử dụng thuốc gây nghiện, người sử dụng thuốc gây ảo giác hoặc sử dụng thuốc bị cấm.

      - Người lái xe vi phạm quy định, đi trong nhánh đường giành riêng trên đường cao tốc.

      - Người lái xe vào đường ngược chiều hoặc lái xe vượt quá tốc độ quy định, sai kỹ thuật, đi ngoằn ngèo hoặc lái xe với các phương thức nguy hiểm khác.

      - Người lái xe không theo quy định đi vào hướng xe đi lại.

      d) Người lao động chết không do TNLD-BNN và không bao gồm chết do tự tử thì mức trợ cấp cho thân nhân được quy định như sau:

      - Người nộp bảo hiểm dưới 01 năm, căn cứ theo mức tiền lương bình quân tham gia đóng bảo hiểm thì mức được trợ cấp là 10 tháng tiền lương.

      - Người nộp bảo hiểm từ 01 năm đến dưới 02 năm, căn cứ theo mức tiền lương bình quân tham gia đóng bảo hiểm thì mức được trợ cấp là 20 tháng tiền lương.

      - Người nộp bảo hiểm từ 02 năm trở lên, căn cứ theo mức tiền lương bình quân tham gia đóng bảo hiểm thì mức được cấp là 30 tháng tiền lương.

      e) Người lao động chết do TNLĐ hoặc BNN, họ sẽ được nhận trợ cấp mai tang phí tương đương với 5 tháng tiền lương bình quân và khoản tiền trợ cấp tuất một lần cho thân nhân tương đương với 40 tháng lương bình quân . Thân nhân của người người lao động chết được nhận tiền tuất một lần theo quy định sau: (1) vợ chồng, con cái; (2) Cha, mẹ; (3) Ông, bà; (4) Cháu, chắt; và (5) Anh, chị, em.

      g) Khi thân nhân người lao động chết thì việc hỗ trợ  mai táng như sau:

      - Người lao động nước ngoài tham gia bảo hiểm, khi thân nhân không nằm trong diện được bảo hiểm bị chết, căn cứ theo quy định của Mục 5 Điều 43 Luật dịch vụ việc làm trước khi sửa đổi sẽ không được nhận tiền hỗ trợ mai táng cho thân nhân. Nhưng trong Luật dịch vụ việc làm sửa đổi công bố ngày 21 tháng 1 năm 2002, quy định này đã bị bãi bỏ. Sau khi Điều luật mới có hiệu lực (ngày 23 tháng 1 năm 2002) Nếu Bố mẹ, vợ (hoặc chồng), con cái người lao động nước ngoài bị chết, sẽ căn cứ theo quy định của điều 62 Luật Bảo hiểm lao động để xin trợ cấp mai táng cho thân nhân. Cụ thể:

      - Khi cha mẹ, chồng(vợ) của người lao động  chết, căn cứ theo bình quân tiền lương nộp bảo hiểm, mức bảo hiểm được cấp là 03 tháng lương.

      - Khi con từ đủ 12 tuổi trở lên của người lao động  bị chết, căn cứ theo bình quân tiền lương nộp bảo hiểm, mức bảo hiểm được cấp là 02 tháng 15 ngày lương.

      - Khi con dưới 12 tuổi của người lao động  bị chết, căn cứ theo bình quân tiền lương nộp bảo hiểm, mức bảo hiểm được cấp là 01 tháng rưỡi tiền lương.

      Bảo hiểm y tế

-             Người lao động có BHYT khi khám bệnh phải trả phí đăng ký trong khoảng từ 50 đến 100 Đài tệ.

-             Khi nằm điều trị tại bệnh viện , người lao động phải trả một phần viện phí theo% của tổng chi phí nằm viện với các mức sau:

      1. Nằm viện cấp cứu:

      (i) Dưới 30 ngày: 10%; (ii) Từ 31 ngày đến 60 ngày: 20%; (iii) Từ 61 ngày trở lên: 30%

      2. Nằm viện điều trị các bệnh mãn tính:

      (i) Dưới 30 ngày: 5%; (ii) Từ 31 ngày đến 90 ngày : 10%; (iii) Từ 91 ngày đến 180 ngày : 20%; và (iv) Từ 181 ngày trở lên: 30%.

-             3. Người lao động có BHYT phải tự chi trả các chi phí về cai nghiện ma túy, phẫu thuật tạo hình, thay các phần về răng, lắp mắt giả, kính mắt, y tá riêng, chăm sóc riên, truyền máu  trừ trường hợp theo y lệnh của bác sĩ, phí đăng ký thủ tục,

      3. Hồ sơ, thủ tục

-             Những hồ sơ cần thiết để người lao động nước ngoài có thể xin hưởng trợ cấp  tuất khi có thân nhân bị chết tại nới xuất cư.

-             a) Trường hợp bố (hoặc mẹ) bị chết tại nước xuất cư của người lao động

-             + Giấy xác nhận thân nhân có quan hệ với người lao động.

-             +Giấy Khai sinh của Công nhân đang làm việc ở Đài loan

-             + Giấy Chứng tử.

-             b) Trường hợp vợ (hoặc chồng) bị chết tại nước xuất cư của người lao động

-             + Giấy xác nhận thân nhân có quan hệ với người lao động

-             +GiấyChứng nhận kết hôn ở Việt Nam.

-             +Giấy Chứng tử.

-             c) Trường hợp con bị chết tại nước xuất cư của người lao động

-                 + Giấy xác nhận thân nhân có quan hệ với  người lao động. 

-             + Giấy khai sinh của người con bị chết.

-             +Giấy Chứng tử.

-             Những giấy tờ trên phải dịch ra tiếng Hoa và có xác nhận công chứng của cơ quan có thẩm quyền.

-             Hồ sơ trên được dịch công chứng và chuyển sang Đài Loan. Công ty môi giới Đài Loan và chủ sử dụng sẽ kết hợp để làm các thủ tục xin tiền trợ cấp tử tuất cho người lao động.Trong thời gian khoảng 30 ngày kể từ khi nộp hồ sơ cho Cục bảo hiểm Đài Loan, tiền trợ cấp sẽ được chuyển trực tiếp vào tài khoản của người lao động hoặc người được hưởng.Trường hợp người lao động đã về nước thì cần để lại số tài khoản để phía Đài Loan sẽ chuyển trực tiếp tiền trợ cấp cho người được hưởng.

-             III. Một số quy định về thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội đối với người lao động Việt Nam làm việc tại Đài Loan.

-           Trong tổng số lao động VN làm việc tại Đài Loan trên 16 năm qua có gần 90% lao động làm việc trong công xưởng, nhà máy và đều tham gia hai chế dộ BHXH trên. Nhìn chung các chủ sử dụng lao động đều tuân thủ nghiêm túc việc đăng ký tham gia và đóng đầy đủ các mức đóng BHXH theo quy định và việc giải quyết các chế độ BHXH đều đầy đủ với phản hồi tích cực từ phía người lao động.

-          Theo thống kê chưa đầy đủ của Ban Quản lý lao động VN tại Đài bắc, giai đoạn 2005-2010 có trên 2.225 lao động bị tại nạn lao động, bình quân mỗi năm có khoảng 450 lao động bị TNLD và được BH chi trả các chế độ theo quy định, chiếm 0,3% tổng số lao động VN đang làm việc tại Đài Loan.

-          Tuy nhiên một số thủ tục và quy trình giải quyết chế độ thụ hưởng cho người lao động trong một số trường hợp cần được làm cho người lao động và gia đình  của họ nắm được để chủ động thực hiện . Đó là một số trường hợp sau:

-             1. Lao đông bị tử vong

-                  1.1 Trách nhiệm các bên

-             Trách nhiệm của Ban quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan, của công ty cung ứng lao động và công ty môi giới Đài Loan trong việc giải quyết về mặt thủ tục khi lao động bị chết được khái quát như sau:

-             * Ban quản lý lao động:

-             a) Trường hợp lao động bị chết mà cơ quan chức năng Đài Loan thông báo trực tiếp cho Ban:

-       Sau khi nhận được thông báo về lao động chết của các cơ quan Đài Loan, Ban trực tiếp  liên hệ với đơn vị cảnh sát thụ lý vụ việc để tìm hiểu tình hình và phối hợp giải quyết. Tổng hợp thông tin để biết lao động bị chết do doanh nghiệp nào và thuộc công ty môi giới nào của Đài Loan có nhiệm vụ phối hợp giải quyết.Theo đó, Ban  thông báo (qua điện thoại hoặc bằng văn bản) cho công ty môi giới Đài Loan, Việt Nam, yêu cầu thông báo tới người nhà của nạn nhân tại Việt Nam và hướng dẫn các thủ tục cần tiến hành. Cụ thể : (i)Yêu cầu và hướng dẫn công ty Việt Nam hỗ trợ người nhà nạn nhân làm các thủ tục để sang Đài Loan giải quyết hậu sự. (ii)Yêu cầu công ty môi giới Đài Loan hỗ trợ bố trí phiên dịch để cùng với cảnh sát xác minh nguyên nhân chết.

-       b) Trường hợp công ty môi giới Đài Loan hoặc công ty VN thông báo về lao động chết tại ĐL cho Ban :

-       Trường hợp này, Ban sẽ hỗ trợ theo đề nghị cụ thể của các công ty.Tuy nhiên, việc giải quyết vẫn phải theo trình tự: thông báo người nhà nạn nhân, làm các thủ tục để đưa người nhà sang giải quyết hậu sự. Trường hợp gia đình không sang thì phải có uỷ quyền để công ty Đài Loan hoặc chủ sử dụng giải quyết.

-       * Công ty cung ứng lao động Việt Nam:

-       Có trách nhiệm  hỗ trợ người nhà nạn nhân làm các thủ tục sau:

-       a) Làm Giấy uỷ quyền cho người được cử sang Đài Loan xử lý hậu sự và đưa lọ tro của nạn nhân về nước :

-       - Nếu người được cử sang Đài Loan xử lý vụ việc là vợ hoặc chồng, bố, mẹ nạn nhân thì phải có giấy tờ xác nhận quan hệ thân nhân trên cơ sở có sổ hộ khẩu, chứng nhận kết hôn.

-       Nếu người sang xử lý vụ việc không phải là những đối tượng trên thì thân nhân của người bị nạn phải làm giấy uỷ quyền cho người được cử sang Đài Loan.

-       Lưu ý sổ hộ khẩu, chứng nhận kết hôn hoặc giấy ủy quyền nêu trên phải được Chính quyền địa phương (xã, phường) xác nhận,được dịch ra tiếng Hoa và có công chứng  sau đó đến Cục lãnh sự Bộ ngoại giao Việt Nam chứng thực và qua Văn phòng KT-VH Đài Loan  tại Việt Nam để được xác nhận .

-       b) Hướng dẫn gia đình nạn nhân làm thủ tục gửi Cục Quản lý lao động ngoài nước để xin hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước.

-       c) Thông báo với công ty môi giới Đài Loan về thời gian thân nhân gia đình nạn nhân ( hoặc người được ủy quyền )sang Đài Loan giải quyết để phía Bạn chủ động cho việc đón tiếp và phối hợp giải quyết .

-       * Công ty môi giới Đài Loan:

-       a) Thống nhất với công ty cung ứng lao động Việt Nam để chủ động trong việc bố trí chỗ ăn, ở cho người nhà nạn nhân ( hoặc người được ủy quyền ) khi đến Đài Loan.

-       b) Phối hợp với cơ quan cảnh sát và người nhà nạn nhân ( hoặc người được ủy quyền )hoàn tất các giấy tờ sau:

-       - Giấy chứng tử.

-       - Giấy xác nhận nguyên nhân chết.

-       - Giấy chứng nhận hoả táng.

-       Các giấy tờ trên phải được công chứng ở toà án địa phương Đài Loan, sau đó đem đến Bộ ngoại giao Đài Loan xác nhận.

-       c) Cùng với thân nhân gia đình nạn nhân (hoặc người được ủy quyền) mang 3 loại giấy tờ trên kèm theo hộ chiếu, vé máy bay của thân nhân (hoặc  người được uỷ quyền) tới Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc để làm Giấy thông hành đưa lọ tro về nước.

-       2.  Thân nhân người lao động bị chết tại Việt nam

-       Người lao động sang làm việc tại Đài Loan  ngoại trừ lao động giúp việc gia đình), đều tham gia Bảo hiểm lao động .Trong trường hợp khi làm việc tại Đài Loan, thân nhân của họ ở Việt Nam bị chết họ được hưởng trợ cấp tử tuất ở Đài Loan. Hồ sơ và thủ tục xin hưởng trợ cấp được hướng dẫn như sau :

-       2.1. Hồ sơ xin hưởng trợ cấp 

-       a) Trường hợp cha (hoặc mẹ) người lao động bị chết tại VN , hồ sơ gồm : Hộ khẩu thường trú ở VN có tên người bị chết ( Phần chuyển đi ở cuối trang hộ khẩu của người bị chết phải ghi rõ ngày chết và được chính quyền địa phương ký tên, đóng dấu xác nhận); Giấy khai sinh của người lao động; Giấy chứng tử.

-       b) Trường hợp vợ (hoặc chồng)người lao động bị chết tại VN, hồ sơ gồm: Hộ khẩu thường trú ở VN có tên người bị chết (phần chuyển đi ở cuối trang hộ khẩu của người bị chết phải ghi rõ ngày chết và được chính quyền địa phương ký tên , đóng dấu xác nhận); Giấy chứng nhận kết hôn ở VN; và giấy chứng tử .

-       c) Trường hợp con của người lao động bị chết ở VN, hồ sơ gồm:

-       Hộ khẩu thường trú ở VN có tên người bị chết (phần chuyển đi ở cuối trang hộ khẩu của người bị chết phải ghi rõ ngày chết và được chính quyền địa phương ký tên, đóng dấu xác nhận); Giấy khai sinh của người con bị chết; và giấy chứng tử.

-       Hồ sơ trên phải được dịch ra tiếng Hoa và có công chứng.

-       2.2. Quy trình:

-             (i) Thân nhân người lao động hoặc người được ủy quyền mang hồ sơ tới Cục lãnh sự - Bộ ngoại giao để được chứng thực.

-              (ii) Sau đó mang đến Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội (hoặc Thành phố Hồ chí Minh) để xác nhận.

-              (iii) Hồ sơ trên được chuyển cho người lao động tại Đài Loan.

-             Thông qua công ty môi giới Đài Loan và chủ sử dụng lao động sẽ kết hợp để làm thủ tục xin tiền trợ cấp tử tuất cho người lao động.

-             Trong thời gian khoảng 30 ngày, kể từ khi nộp hồ sơ cho Cục Bảo hiểm Đài Loan , tiền trợ cấp sẽ được chuyển vào tài khoản của người lao động.

-             Tóm lại, người lao động nước ngoài khi làm việc tại Đài Loan chỉ tham gia BHXH bắt buộc ngắn hạn đó là BHLĐ và BHYT với mức đóng xác định theo tiền lương cơ bản tháng. Trong đó, BHLĐ không bắt buộc đối với người lao động giúp việc gia đình và chăm sóc người bệnh tại nhà. Tất cả mức đóng, chế độ hưởng và các thủ tục tham gia, thủ hưởng đều được quy định trong các văn bản pháp luật của Đài Loan cũng như trong hợp đồng lao động của người lao động. Hiện tại, mức đóng hàng tháng của 2 chế độ này là 13,91% được tính trên nền mức lương cơ bản tháng trong đó người sử dụng đóng 9,246% chiếm 66,5% mức đóng, người lao động đóng 3,273%, chiếm 23,5% mức đóng và Chính quyền Đài Loan hỗ trợ 1,391% chiếm 10% mức đóng tháng.

-           Thời gian qua mức đóng tháng BHYT được điều chỉnh theo xu hướng giảm và mức đóng BHLĐ được điều chỉnh theo xu hướng tăng, tuy nhiên về cơ cấu tỷ lệ mức đóng giữa chủ sử dụng lao động, người lao động nước ngoài và Chính phủ hỗ trợ là không thay đổi./.