I.
KHÁI QUÁT
Ả-rập Xê-út là một trong các thị trường lao động lớn nhất ở khu vực
Trung Đông, có nhu cầu tiếp nhận nhiều lao động nước ngoài. Hiện có 50
doanh nghiệp Việt Nam đưa lao động sang thị trường này, trong đó có 24 doanh
nghiệp đang đưa lao động giúp việc gia đình. Số lao động đưa đi tăng đáng kể
trong 3 năm gần đây, bình quân mỗi năm đưa đi 4.000 người, đưa tổng số lao động
làm việc tại thị trường này lên 20.000 người. Người lao động chủ yếu làm việc
trong các ngành nghề xây dựng, nhà máy, vận tải (14.000 người) và giúp việc gia
đình (6.872 người, chiếm 0,45 % tổng số lao động giúp việc tại thị trường này).
Thu nhập bình quân từ 400-600 USD/tháng, được cung cấp miễn phí chỗ ở, 3 bữa
ăn/ngày, được mua bảo hiểm y tế và tai nạn lao động. Đối với lao động giúp việc
gia đình thì được chủ sử dụng chịu chi phí xuất cảnh (vé máy bay, tiền dịch
vụ), phí đào tạo, khám sức khỏe v.v. và thu nhập 410 USD/tháng.
II. TỪNG BƯỚC CHUẨN HÓA HOẠT ĐỘNG CUNG ỨNG LAO ĐỘNG
1. Tháng 9/2014, hai Bên đã ký Thoả thuận về tuyển dụng lao
động Việt Nam làm giúp việc gia đình tại Ả-rập Xê-út quy định quyền lợi, nghĩa
vụ của người lao động, chủ sử dụng và trách nhiệm của doanh nghiệp Việt Nam,
công ty môi giới Ả-rập Xê-út. Thỏa thuận cũng quy định việc đưa lao động giúp
việc gia đình chỉ thực hiện thông qua doanh nghiệp được cấp phép của 2 nước.
2. Thống nhất với Đại sứ quán Ả-rập Xê-út tại Việt Nam để tăng
cường kiểm soát hoạt động đưa lao động sang Ả-rập Xê-út, đặc biệt là lao động giúp việc gia đình, Đại sứ
quán chỉ cấp tài khoản xin visa cho các doanh nghiệp có hợp đồng được phía Việt
Nam cho phép thực hiện.
3. Ngày
18/6/2014, đã ban hành công văn số 2082/LĐTBXH-QLLĐNN về việc đưa người lao
động sang làm việc tại Ả-rập Xê-út,
quy định cụ thể các điều kiện của Hợp đồng cung ứng lao động và công tác quản
lý lao động tại Ả-rập Xê-út. Ngày 12/11/2015,
ban hành công văn số 4644/LĐTBXH-QLLĐNN về chấn chỉnh việc đưa lao động
đi làm giúp việc gia đình tại Ả-rập Xê-út với những yêu cầu chặt chẽ hơn, cụ
thể:
- Đối với
doanh nghiệp: phải có cơ sở đào tạo giúp việc gia đình được Cục QLLĐNN kiểm
tra, chấp thuận; phải cử cán bộ quản lý có năng lực, kinh nghiệm tại Ả-rập
Xê-út khi đưa lao động đi để theo dõi, hỗ trợ người lao động và xử lý vụ việc
trong thời hạn quy định;
- Về tuyển
chọn, đào tạo: doanh nghiệp phải tuyển chọn đúng đối tượng, có nhu cầu và khả
năng làm việc phù hợp khí hậu, đặc điểm thị trường Ả-rập Xê-út và phải đào tạo
kỹ năng nghề, tiếng Ả-rập và bồi dưỡng kiến thức về tập quán, văn hóa đạo
Hồi,... cho người lao động tối thiểu là 45 ngày.
- Về cơ chế
kiểm soát: doanh nghiệp phải báo cáo Cục QLLĐNN ngay từ khi đưa lao động vào
đào tạo và chỉ những lao động hoàn thành đào tạo mới được làm thủ tục xin visa
Ả-rập Xê-út. Khi người lao động xuất cảnh, doanh nghiệp phải báo cáo Cục và Đại
sứ quán Việt Nam đầy đủ thông tin về địa chỉ làm việc, chủ sử dụng và công ty
môi giới tại Ả-rập Xê-út.
4. Tăng
cường công tác thanh, kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp.
III. KẾT QUẢ VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA CẦN KHẮC PHỤC
1.
KẾT QUẢ
Thực hiện
những quy định nêu trên đã mang lại kết
quả tích cực, thể hiện ở các mặt: số lao động đi tăng, số vụ việc giảm, thu
nhập và điều kiện làm việc của người lao động được cải thiện, chất lượng lao
động được nâng lên, cụ thể như sau:
- Số lao động đi làm giúp việc gia đình liên tục tăng trong 3 năm
gần đây và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu ngành nghề đưa sang Ả-rập
Xê-út. 10 tháng đầu năm 2016 là 2.953 người (chiếm 68% tổng số lao động đi),
năm 2015 là 3.149 người (chiếm 70%) và năm 2014 là 2.174 người (chiếm 51%).
- Số lao động giúp việc gia đình về nước trước
hạn 10 tháng đầu năm 2016 là 190 người, chiếm 6,4% số lao động GVGĐ đưa đi và
2,8% tổng số GVGĐ Việt Nam đang làm việc tại Ả-rập Xê-út (6.872 người).
Số vụ việc
phát sinh đã giảm đáng kể: 10 tháng 2016 có 69 vụ việc, khiếu nại (chiếm 71%
tổng số vụ việc tại Ả-rập Xê-út), giảm 50% so với cùng kỳ năm 2015 (133 vụ
việc).
Các khiếu
nại chủ yếu là bị chủ ngược đãi (chiếm 28%), bị nợ lương, chậm lương (chiếm
26%), làm việc nhiều giờ, ít có thời gian nghỉ (chiếm 16%), làm việc cho nhiều
nhà chủ, điều kiện ăn ở không đảm bảo (15%), sức khoẻ kém, phát sinh bệnh tật
không thể làm việc (15%).
- Thu nhập, điều kiện làm việc và các chế độ
liên quan của người lao động được cải thiện và được đảm bảo tốt hơn. Đặc biệt
là đối với lao động làm giúp việc gia đình, thu nhập hiện nay là 410 USD/tháng,
tăng 180% so với năm 2013 về trước (250 USD/tháng), được đài thọ 3 bữa ăn/ngày,
thời gian nghỉ ngơi từ 8 giờ liên tục/ngày năm 2014 lên hiện nay là 9 giờ liên
tục/ngày v.v. Bên cạnh đó, trước khi đi, chủ sử dụng trả chi phí đào tạo, phí
dịch vụ và visa, hồ sơ,...
- Chất lượng lao động được cải thiện rõ rệt,
người lao động được đào tạo tốt hơn về tay nghề, ngoại ngữ (trước đây là tiếng
Anh, nay là tiếng Ả-rập) và những kiến thức cần thiết trước khi đi. Việc yêu
cầu phải báo cáo danh sách đào tạo, xin visa và đào tạo tại địa điểm được chấp
thuận đã hạn chế đáng kể hiện tượng một số doanh nghiệp “khoán trắng” việc
tuyển chọn, đào tạo cho các đầu mối tại địa phương và người lao động không biết
công ty nào đưa đi.
Công tác
quản lý lao động tại địa bàn được tăng cường và việc giải quyết phát sinh kịp
thời hơn, bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của người lao động, từ chỗ chỉ có
có 2 cán bộ quản lý đầu năm 2014, đến nay các doanh nghiệp đã cử 28 cán bộ quản
lý tại Ả-rập Xê-út.
- Hiện
tượng cá nhân, tổ chức không có chức năng xuất khẩu lao động móc nối để làm
visa đưa người lao động đi giảm hẳn. Cơ quan công an đã điều tra, xử lý
một số cá nhân môi giới bất hợp pháp và đăng tải thông tin khuyến cáo, cảnh báo
cho người lao động.
2. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN KHẮC PHỤC
Hoạt động
đưa người lao động sang làm việc tại Ả-rập Xê-út thời gian qua vẫn phát sinh
không ít các vụ việc. Phần lớn liên quan đến lao động giúp việc gia đình với
khiếu nại chủ yếu là chủ ngược đãi, nợ lương, chậm lương, làm việc quá sức,
nhiều giờ và sức khỏe không đảm bảo. Một số vụ việc chậm giải quyết, để kéo
dài, gây bức xúc cho gia đình lao động và dư luận xã hội.
Nguyên nhân
chủ yếu bao gồm:
Chấp hành quy định pháp luật của các doanh
nghiệp chưa tốt, cụ thể:
Không tuyển chọn đúng đối tượng (quá tuổi,
...), không đào tạo hoặc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết không đầy đủ.
Công tác quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động của một
số doanh nghiệp còn hạn chế, khi vụ việc phát sinh thì chậm giải quyết, thậm
chí để kéo dài 6-9 tháng. Những lý do chính là:
Doanh nghiệp
không theo dõi, nắm bắt được tình hình việc làm của người lao động. Có lao động
bị chủ nợ lương, ngược đãi nhiều tháng nhưng doanh nghiệp không biết, khi được
phản ánh thì không xác minh được để có biện pháp can thiệp cần thiết. Khi lao
động chuyển chủ sử dụng, doanh nghiệp không phối hợp với đối tác để làm thủ tục
chuyển chủ hợp pháp, dẫn đến vướng mắc khi lao động chấm dứt hợp đồng về nước.
Bên cạnh đó,
việc cử cán bộ quản lý tại Ả-rập Xê-út của một số doanh nghiệp chỉ có tính hình
thức. Cán bộ chậm can thiệp, hỗ trợ người lao động khi có yêu cầu của Đại sứ
quán, Ban Quản lý lao động
Hiện tượng doanh nghiệp xin visa cho những lao
động không do doanh nghiệp mình tuyển chọn diễn ra khá phức tạp, gây khó khăn
cho công tác quản lý, bảo vệ quyền lợi của người lao động. Nghiêm trọng hơn, dù
đang bị tạm dừng hoặc chưa được chấp thuận hợp đồng nhưng một số công ty (hoặc
chi nhánh) vẫn tuyển chọn và đưa được lao động đi nhờ sự “tiếp tay” xin visa
(mà thực chất là cung ứng lao động) của các doanh nghiệp được phép đưa đi và có
tài khoản xin visa. Nhiều lao động này không được đào tạo, không được ký hợp
đồng đưa đi và thường phát sinh rủi ro, việc xác minh doanh nghiệp đưa đi để xử
lý, giải quyết gặp nhiều khó khăn.
Công tác
quản lý và chỉ đạo xử lý của Ban Quản lý lao động tại Ả-rập Xê-út còn hạn chế.
Số lượng lao động lớn, xẩy ra nhiều vụ việc, địa bàn rộng nhưng chỉ có 01 cán
bộ nên việc chỉ đạo và giám sát các doanh nghiệp giải quyết vụ việc còn chưa
kịp thời.
Và cũng cần
nhấn mạnh về ý thức tự rèn luyện, nâng cao nhận thức, hiểu biết của người lao
động còn hạn chế. Nhiều người có tâm lý muốn đi làm việc nhanh, không chịu học.
Hơn nữa, người lao động được chủ sử dụng trả mọi chi phí để sang Ả-rập Xê-út
nên khi không làm được việc hoặc không muốn làm việc tiếp thì viện lý do chủ
ngược đãi hoặc gia đình khó khăn để về nước mà không phải phạt hợp đồng.
III.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP CẦN HƯỚNG TỚI
- Các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc
hướng dẫn tại các văn bản số 2082/LĐTBXH-QLLĐNN ngày 18/6/2014 và công văn số 4644/ LĐTBXH-QLLĐNN ngày 18/11/2015 và các quy định liên quan.
- Tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm
các doanh nghiệp vi phạm; dừng việc đưa lao động đi của doanh nghiệp không đáp
ứng điều kiện hoặc có vụ việc không giải quyết đúng thời hạn.
- Phối hợp với Ả-rập Xê-út để có biện pháp
cảnh báo, dừng hợp tác đối với những doanh nghiệp thiếu trách nhiệm trong quản
lý và phối hợp bảo vệ quyền lợi của người lao động.
- Hiệp hội XKLĐ phối hợp giám sát hoạt động chấp
hành quy định pháp luật của các doanh nghiệp hội viên ; Nghiên cứu và sớm thành
lập Ban Thị trường Ả-rập Xê-út.
- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về thị trường Ả-rập Xê-út,
các quy định và điều kiện làm việc, sinh hoạt,… để người lao động hiểu, nhận
thức đúng về thị trường.