THÔNG BÁO SỬA ĐỔI, BỔ SUNG 1 SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT LAO ĐỘNG CƠ BẢN ĐÀI LOAN 25/08/2017 13:49 Ngày 6/12/2016, Viện Lập pháp Đài Loan đã chính thức thông qua lần 3 Dự luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Lao động cơ bản Đài Loan. Ngày 21/12/2016, Tổng thống Đài Loan đã ban hành lệnh số 1050013641 công bố chính thức việc thực hiện Dự luật sửa đổi, bổ sung trên kể từ ngày 23/12/2016. Những nội dung sửa đổi bổ sung chính liên quan đến người lao động nước ngoài làm việc tại Đài Loan như sau:

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 36 quy định về ngày nghỉ trong tuần:

- Người lao động trong mỗi 7 ngày làm việc phải có 2 ngày nghỉ, trong đó một ngày nghỉ bắt buộc trong tuần và 01 ngày nghỉ thông thường trong tuần.

+ Ngày nghỉ thông thường trong tuần: người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận để người lao động đi làm thêm giờ vào ngày nghỉ này.

+ Ngày nghỉ bắt buộc trong tuần: người sử dụng lao động bắt buộc phải cho người lao động nghỉ ngơi, không được thoả thuận với người lao động để người lao động đi làm thêm giờ vào ngày nghỉ này.

 

2. Sửa đổi, bổ sung Điều 24 về quy định tiền làm thêm giờ:

a) Người lao động làm thêm giờ ngày làm việc bình thường, tiền làm thêm giờ được tính như sau:

- Tiền làm thêm 2 giờ đầu = tiền công giờ làm việc bình thường x 1,33 lần trở lên x 2 giờ.

- Tiền làm thêm 2 giờ tiếp theo = tiền công giờ làm việc bình thường x 1,66 lần trở lên x 2 giờ

b) Người lao động đi làm thêm vào ngày nghỉ trong tuần, tiền làm thêm giờ được tính như sau:

- Tiền làm thêm 2 giờ đầu = tiền công giờ làm việc bình thường x 2,33 lần trở lên x 2 giờ.

- Tiền làm thêm giờ từ giờ thứ ba trở đi = tiền công giờ làm việc bình thường x 2,66 lần trở lên.

c) Thời gian làm việc và tiền lương của ngày nghỉ trong tuần được tính như sau:

- Làm việc chưa đủ 4 giờ, được tính 4 giờ;

- Làm việc trên 4 giờ và chưa đủ 8 giờ, được tính 8 giờ;

- Làm việc trên 8 giờ và chưa đủ 12 giờ, được tính 12 giờ.

 

3. Sửa đổi bổ sung Điều 34 về quy định liên quan đến chế độ làm việc theo ca:

- Hàng tuần người sử dụng lao động phải thay đổi ca làm việc 1 lần đối với người lao động làm việc theo ca. Trường hợp người lao động đồng ý thì người sử dụng lao động không phải thay đổi.

- Người lao động làm việc theo ca được nghỉ ít nhất 11 giờ trước khi chuyển sang ca khác. Thời gian thực hiện quy định trên do Viện Hành chính (Chính phủ) quy định.

 

4. Sửa đổi, bổ sung điều 37 về cơ quan quy định những ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, nghỉ khác:

Bộ Nội chính quy định thống nhất những ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ khác do cơ quan trung ương chỉ định. Quy định này có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/1/2017.

 

5. Sửa đổi, bổ sung điều 38 về quy định ngày nghỉ phép đặc biệt:

- Người lao động làm việc liên tục đủ một thời gian nhất định cho cùng 1 người sử dụng lao động hoặc 1 đơn vị sự nghiệp, phải được hưởng những ngày nghỉ phép đặc biệt theo quy định như sau:

+ Làm việc trên 06 tháng, nhưng dưới 1 năm, được hưởng 3 ngày nghỉ phép đặc biệt.

+ Làm việc trên 1 năm, nhưng dưới 2 năm, được hưởng 7 ngày nghỉ phép đặc biệt.

+ Làm việc trên 2 năm, nhưng dưới 3 năm, được hưởng 10 ngày nghỉ phép đặc biệt.

+ Làm việc trên 3 năm, nhưng dưới 5 năm, được hưởng 14 ngày nghỉ phép đặc biệt.

+ Làm việc trên  5 năm, nhưng dưới 10 năm, được hưởng 15 ngày nghỉ đặc biệt.

+ Làm việc trên 10 năm, mỗi năm được hưởng thêm 01 ngày nghỉ phép đặc biệt, nhưng tối đa đến 30 ngày.

- Người sử dụng lao động phải thanh toán đầy đủ tiền lương cho số ngày phép người lao động không nghỉ phép theo quy định và được ghi rõ trong danh sách phát lương cho người lao động.

- Người lao động được phép chỉ định ngày nghỉ phép đặc biệt, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động để người lao động sắp xếp ngày nghỉ phép.

- Người sử dụng lao động khi phát lương cho người lao động phải cung cấp cho người lao động bảng lương và phương thức tính lương.

 

6. Sửa đổi, bổ sung Điều 74 về quy định khiếu nại, tố cáo, thời gian xử lý khiếu nại tố cáo và bảo mật thông tin của người khiếu nại tố cáo.

- Người sử dụng lao động không được sa thải, điều chuyển, giảm lương hoặc có những hành vi xử phạt bất lợi khác đối với người lao động có đơn khiếu nại, tố cáo.

- Các cơ quan chủ quản về lao động, cơ quan thanh tra phải thực hiện nghiêm túc việc bảo mật thông tin của người khiếu nại, tố cáo.

- Trong thời gian 60 ngày kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, tố cáo của người lao động, cơ quan chủ quản về lao động, cơ quan thanh tra phải thông báo bằng văn bản cho người lao động có đơn khiếu nại, tố cáo tình hình và kết quả xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo.

 

7. Sửa đổi, bổ sung điều 79 về điều khoản xử phạt đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về tiền lương, thời giờ làm việc.

Nâng mức xử phạt từ 2 vạn – 30 vạn Đài tệ (tương đương 630 USD-  9400 USD) như quy định cũ lên mức từ 2 vạn đến 100 vạn Đài tệ (tương đương từ 630 USD đến 31.300 USD), đồng thời căn cứ mức độ vi phạm để tăng mức xử phạt. Trường hợp đối tượng vi phạm là tổ chức, số người vi phạm nhiều hoặc tình tiết vi phạm nghiêm trọng có thể tăng mức xử phạt lên 150 vạn Đài tệ (tương đương 46.900 USD).