Hiệp hội NAGOMi được thành lập tháng 7 năm 2020 với vai trò chủ yếu là thúc đẩy xây dựng chế độ có tính nhất quán giữa chế độ thực tập sinh và chế độ kỹ năng đặc định; đảm bảo các mục tiêu cơ bản chung như đào tạo nhân lực, đảm bảo nguồn nhân lực; bảo vệ nhân lực nước ngoài khỏi các đơn vị môi giới, xí nghiệp tiếp nhận và nghiệp đoàn xấu, góp phần hình thành hệ thống việc làm tốt cho người lao động nước ngoài. Tham gia Hiệp hội NAGOMi là các nghiệp đoàn quản lý thực tập sinh, tổ chức đăng ký hỗ trợ lao động đặc định, xí nghiệp tiếp nhận, doanh nghiệp phái cử đáp ứng với các tiêu chuẩn do Hiệp hội NAGOMi đề ra.
Việc ký kết và triển khai MOC giữa VAMAS và NAGOMi sẽ góp phần thúc đẩy nâng cao chất lượng thực tập sinh, lao động; lành mạnh hóa hoạt động phái cử, tiếp nhận thực tập sinh, lao động Việt Nam sang Nhật Bản; bảo hộ và tăng quyền lợi của thực tập sinh, lao động Việt Nam học tập và làm việc tại Nhật Bản.
Trang Web của Hiệp hội giới thiệu toàn văn Biên bản ghi nhớ này.
HIỆP HỘI XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG VIỆT NAM (VAMAS)
và
HIỆP HỘI TOÀN QUỐC VỀ HỖ TRỢ CÙNG PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC NƯỚC NGOÀI NHẬT BẢN (NAGOMi)
Nhận thức rằng quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản không ngừng phát triển toàn diện, sâu rộng, thực chất trên nhiều lĩnh vực và đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á;
Hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, trong đó bao gồm việc tiếp nhận và sử dụng thực tập sinh kỹ năng và lao động Việt Nam, đã đóng góp tích cực cho đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, tác phong lao động công nghiệp và năng lực thích ứng của lao động Việt Nam trong bối cảnh biến đổi nhanh chóng của thị trường lao động và tiến bộ của khoa học - công nghệ;
Nhật Bản trong thời gian tới tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, thu hút một số lượng đông đảo lao động trẻ, năng động của Việt Nam đến trải nghiệm cuộc sống và việc làm tại Nhật Bản;
Quy trình tổ chức xuất cảnh, tiếp nhận và tuyển dụng lao động từ Việt Nam sang Nhật Bản cần tuân thủ luật pháp của hai quốc gia, các Công ước liên quan đến lao động di cư, các Thỏa thuận giữa Chính phủ và/hoặc cơ quan thuộc Chính phủ hai nước đã ký kết về Chương trình thực tập sinh kỹ năng, Chương trình lao động kỹ năng đặc định cũng như phát triển nguồn nhân lực, trong đó Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS) và Hiệp hội toàn quốc về hỗ trợ cùng phát triển nhân lực nước ngoài Nhật Bản (NAGOMi) đã và đang giữ vai trò tích cực;
Phù hợp với triết lý, mục đích hoạt động của Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam và Hiệp hội toàn quốc về hỗ trợ cùng phát triển nhân lực nước ngoài Nhật Bản;
Với mục đích lành mạnh hóa chương trình phái cử - tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng và lao động Việt Nam sang Nhật Bản;
Hai bên dưới đây gồm:
Hiệp hội Xuất khẩu Lao động Việt Nam, trong Biên bản ghi nhớ này gọi là VAMAS; và
Hiệp hội toàn quốc về hỗ trợ cùng phát triển nhân lực nước ngoài Nhật Bản, trong Biên bản ghi nhớ này gọi là NAGOMi,
Thống nhất ký kết Biên bản ghi nhớ sau đây về hợp tác thúc đẩy chương trình phái cử - tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng và lao động Việt Nam sang thực tập và làm việc tại Nhật Bản, cụ thể:
Điều 1
VAMAS và NAGOMi thực hiện các hình thức và biện pháp phù hợp nhằm giới thiệu đến thành viên của mình về triết lý, mục đích, hoạt động và thành quả của NAGOMi và VAMAS.
Điều 2
VAMAS tiếp tục triển khai Bộ quy tắc ứng xử dùng cho các doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động đi làm việc nước ngoài (Code of Conduct- CoC) cho các thành viên của mình.
VAMAS triển khai các hoạt động phù hợp nhằm vận động các thành viên của VAMAS tuân thủ quy định pháp luật của Việt Nam và quy định pháp luật của Nhật Bản về việc phái cử và tiếp nhận, sử dụng lao động, đặc biệt là: đảm bảo tuân thủ các quy định về tuyển chọn công bằng; đào tạo phù hợp; thu tiền dịch vụ đúng quy định; hỗ trợ thực tập sinh và lao động kịp thời, thỏa đáng; không sử dụng các biện pháp không lành mạnh như thiết đãi quá mức, thỏa thuận bí mật trái phép, giảm trừ các khoản phí phải trả từ phía nghiệp đoàn và tổ chức tiếp nhận; không sử dụng các giấy tờ giả mạo để đưa thực tập sinh và lao động sang thực tập và làm việc tại Nhật Bản. Bên cạnh đó, nỗ lực trong việc xây dựng hệ thống tuyển dụng, chiêu mộ nguồn nhân lực mà không có sự can thiệp của các bên môi giới, cò mồi.
Hơn nữa, đối với Thực tập sinh kỹ năng, cần tổ chức đào tạo trước phái cử các nội dung liên quan đến Tiếng Nhật (mức độ N5 trở lên), phong tục tập quán và văn hóa Nhật Bản; giải thích về điều kiện làm việc đúng thực tế tại Nhật nhằm giúp cho việc thực tập tại Nhật được diễn ra thuận lợi.
Phối hợp với NAGOMi triển khai các chương trình, chiến dịch nhằm lành mạnh hóa Chương trình thực tập kỹ năng và Chương trình kỹ năng đặc định tại Nhật Bản.
Điều 3
Vì mục tiêu “Bảo vệ Thực tập sinh kỹ năng và Lao động kỹ năng đặc định tránh khỏi vi phạm nhân quyền bởi các cá nhân, công ty và tổ chức môi giới xấu, ổn định hệ thống, môi trường làm việc lành mạnh”, NAGOMi tiếp tục đưa ra các đề xuất chính sách tới chính phủ, các ban ngành liên quan, chính quyền địa phương, các đoàn thể kinh tế và tiến hành hiện thực hóa các đề xuất này.
Hiện tại, NAGOMi có 2 hoạt động chính. Thứ nhất, tổ chức các buổi học giao lưu với "Hội giao lưu nghị sĩ về vấn đề xúc tiến cộng sinh cùng nhân lực toàn cầu" của Đảng Dân chủ Tự do và các bộ ngành liên quan; vào tháng 6 năm nay NAGOMi đã chính thức đề xuất nội dung liên quan đến "Cải cách chương trình để có tính nhất quán xuyên suốt giữa Chương trình Thực tập kỹ năng và Chương trình kỹ năng đặc định ". Trong đề xuất này có nêu rõ các biện pháp cụ thể để nâng cao ý thức và năng lực của Thực tập sinh kỹ năng (bao gồm đào tạo tiếng Nhật), các biện pháp cụ thể phòng tránh bỏ trốn, lưu trú bất hợp pháp, vi phạm nhân quyền,v.v., đồng thời đề nghị các bộ ngành liên quan tham gia thực hiện. NAGOMi sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc họp giao lưu với Đảng Dân chủ Tự do và các bộ ngành liên quan.
Thứ hai, NAGOMi đang thực hiện "Chiến dịch loại bỏ hành vi bất hợp pháp" (cho đến tháng 3 năm 2022), trong đó yêu cầu Tổ chức giám sát và Công ty tiếp nhận không được đòi hỏi thiết đãi quá mức, đòi hỏi hồi tiền không hợp pháp, cũng như có các hành vi bạo lực hay nợ tiền lương. Bên cạnh đó, kêu gọi các bên liên quan không đối xử gây bất lợi cho Thực tập sinh kỹ năng trong trường hợp xảy ra vấn đề như tai nạn lao động, bệnh tật hoặc mang thai. Chiến dịch này đang được thực hiện dưới sự bảo trợ của Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi và Bộ Ngoại giao.
Điều 4
VAMAS và NAGOMi sẽ phối hợp chặt chẽ với chính phủ và các cơ quan liên quan; tổ chức giao lưu định kỳ, triển khai điều tra, nghiên cứu, chia sẻ và truyền tải thông tin về chương trình nhằm hỗ trợ cho việc đánh giá tình hình hợp tác và định hướng cho hoạt động hợp tác trong tương lai giữa hai bên. Hơn nữa, để phát triển chương trình, hai bên tích cực chia sẻ các gương tốt điển hình ở cả hai quốc gia, nỗ lực phổ biến những lý giải đúng về chương trình.
Biên bản Ghi nhớ này có hiệu lực kể từ ngày ký và chấm dứt khi các Bên có thỏa thuận về việc này. Biên bản Ghi nhớ được làm thành 04 bản, 02 bản tiếng Việt, 02 bản tiếng Nhật, các bản có giá trị như nhau.
Biên bản ghi nhớ này được ký ngày 23 tháng 11 năm 2021 tại Tokyo, Nhật Bản.
ĐẠI DIỆN VAMAS
Phó chủ tịch
VŨ CÔNG BÌNH
|
ĐẠI DIỆN NAGOMi
Chủ tịch
TAKEBE TSUTOMU
|