Đánh giá việc thực hiện bộ quy tắc ứng xử Của các doanh nghiệp xklđ năm 2012-2013

   
Cập nhật: 03/09/2013 10:21
Xem lịch sử tin bài

BÁO CÁO NĂM NĂM THỨ NHẤT

                 

ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC HIỆN BỘ QUY TẮC ỨNG XỬ

CỦA CÁC DOANH NGHIỆP XKLĐ NĂM 2012-2013

 

                                                             

 

I. CÁC HOẠT ĐỘNG ĐÃ TRIỂN KHAI ĐỂ GIÁM SÁT ĐÁNH

            GIÁ  DOANH NGHIỆP TRONG NĂM ĐẦU ( 2012)

Thực hiện kế hoạch năm đầu triển khai giám sát, đánh giá việc thực hiện CoC-VN ở 20 doanh nghiệp, Hiệp hội đã tiến hành các hoạt động và đạt được kết quả như sau:

1.1 Tổ chức Hội nghị Ban chấp hành- Ban Kiểm tra Hiệp hội:

Hội nghị Ban chấp hành- Ban Kiểm tra Hiệp hội đã thống nhất cao và  thông qua Cơ chế giám sát & đánh giá việc thực hiện CoC-VN của doanh nghiệp; Đồng thời, thông qua kế hoạch thưc hiện năm đầu và định hướng những năm tiếp theo.

Từ kết quả của hội nghị này, Chủ tịch Hiệp hội đã ban hành cơ chế giám sát và đánh giá thực hiện CoC-VN của các doanh nghiệp (số 08/QĐ/HHXKLĐ, ngày 10/5/2012) và Quyết định của Chủ tịch Hiệp hội về  thành lập Hội đồng giám sát và đánh giá thực hiện CoC-VN (số 10/QĐ/HHXKLĐ, ngày 05/6/2012); Cơ chế này đã được đăng trên bản tin của Hiệp hội và gửi cho các doanh nghiệp hội viên và  tất cả các Sở LĐ-TB&XH trong cả nước.

   1.2 Thực hiện tốt công tác tổ chức phối hợp:

 (i) Đề xuất và được lãnh đạo Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội ký văn bản gửi Giám đốc các Sở LĐ - TB&XH yêu cầu các Sở tham gia giám sát , đánh giá việc thực hiện CoC-VN của các doanh nghiệp tuyển lao động trên địa bàn.

(ii) Ký Thỏa thuận hợp tác giữa VAMAS và DOLAB về triển khai tổ chức thực hiện giám sát và đánh giá thực hiện CoC-VN. Trên cơ sở đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã cử một phó Cục trưởng tham gia thành viên Hội đồng giám sát, đánh giá và giao nhiệm vụ cho Phòng thanh tra phối hợp cung cấp thông tin cho Hội đồng . Ngoài ra, do nhận thấy ý nghĩa của bộ quy tắc ứng xử, nên Cục đã có có văn bản yêu cầu tất cả các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài cần  phải thực hiện CoC-VN. Tuy nhiên, Hiệp hội vẫn nhất quán giữ nguyên tắc “tự nguyện” đối với doanh nghiệp tham gia CoC-VN.

(iii) Ký thỏa thuận hợp tác giữa VAMAS và Thanh tra Bộ Lao động- TB&XH trong việc cung cấp thông tin phục vụ đánh giá doanh nghiệp thực hiện CoC-VN;

(iv) Trao đổi nội dung, phương thức hợp tác và ký văn bản thoả thuận hợp tác giữa Hiệp hội với Ban quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia trong việc giám sát, đánh giá thực hiện CoC-VN của các DN  cung cấp lao động cho thị trường Malaysia.

(v) Giới thiệu về COC-VN và cơ chế giám sát & đánh giá; Trao đổi thông tin về các doanh nghiệp tuyển lao động ở từng tỉnh đã đăng ký thực hiện CoC-VN, trao đổi và thống nhất cơ chế phối hợp,  ký thỏa thuận hợp tác với các Sở Lao động- TB&XH: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa và Quảng Ngãi, Hà Nội trong việc giám sát và đánh giá thực hiện CoC-VN của các doanh nghiệp.

1.3 Ban hành cuốn tài liệu “Cơ chế giám sát và đánh giá việc thực hiện CoC-VN của các doanh nghiệp Việt Nam đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài”.

Cung cấp kịp thời cho các doanh nghiệp XKLĐ, các Sở Lao động TBXH tỉnh, thành phố, Cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các Ban quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài, các thành viên và cán bộ giúp việc Hội đồng giám sát và đánh giá thực hiện CoC-VN, các lớp tập huấn, hội thảo liên quan đến thực hiện CoC-VN của Hiệp hội và của doanh nghiệp, các đối tác của Hiệp hội.

1.4 Tập huấn cán bộ của 20 doanh nghiệp

   Đã tổ chức hội nghị tập huấn ngày 19 tháng 9 năm 2012 tại Hà Nội cho cán bộ lãnh đạo và chuyên viên phụ trách CoC-VN của các doanh nghiệp trong diện lưa chọn giám sát, đánh giá thực hiện Coc-VN năm 2012 . Các doanh nghiệp được lựa chọn làm đối tượng giám sát, đánh giá thí điểm năm đầu có những đặc điểm sau:

+  Có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động cung ứng lao động cho nước ngoài: Doanh nghiệp có số năm kinh nghiệm ít nhất là trên 7 năm; hầu hết từ 14 đến 20 năm;

+ Đa số là các doanh nghiệp có số lượng lao động cung ứng cho thị trường ngoài nước lớn, hoăc có mô hình tốt trong hoạt động thực tiễn; ( Năm 2012 , 20 doanh nghiệp này- chiếm trên 12% tổng số DN, đã đưa  gần 28% trên tổng số lao động tất cả các DN cung ứng cho nươc ngoài ). Thị trường chủ yếu mà các doanh nghiệp này đưa lao động sang làm việc làNhật Bản, Đài Loan, Malaysia và Trung Đông

+ Tất cả đã đăng ký cam kết thực hiện CoC-VN;

+  Lãnh đạo của 18 trên 20 doanh nghiệp là thành viên Ban chấp hành, Ban Kiểm tra Hiệp hội, sớm được tiếp cận, nhận thức về ý nghĩa của việc thực hiện CoC-VN;

+ Phân bố tương đối đa dạng theo ngành, địa phương: 4 DN thuộc Hà  Nội, 2 DN thuộc TP HCM, 1 DN thuộc Hải phòng, 1 DN thuộc Hưng Yên; 2 DN thuộc Bộ LĐ - TB&XH, 3 DN thuộc Ngành GTVT, 2 DN thuộc Ngành Xây dựng , 1 DN thuộc ngành Nông nghiệp, 1 DN thuộc ngành Công nghiệp, 1 DN thuộc ngành Giáo dục, đào tạo,  1 DN thuộc Liên minh HTX Việt Nam và 1 DN thuộc Bộ Quốc phòng.

     Hoạt động này đã thu được kết quả quan trọng trong nâng cao nhận thức cho cán bộ chủ chốt có trách nhiệm triển khai thực hiện CoC-VN của các doanh nghiệp tham dự. Ngoài nội dung của CoC-VN,Cơ chế và bộ công cụ giám sát, đánh giá việc thực hiện CoC-VN của DN, họ được cung cấp những kiến thức mà trước đó chưa có điều kiện tiếp cận hoăc nghiên cứu sâu, về công ước ILO và luât pháp Việt Nam trong phòng, chống lao động cưỡng bức, buôn bán người trong di cư lao động. Doanh nghiệp cũng đươc hướng dẫn chi tiết 10 việc cần làm để thực hiện tốt CoC-VN.

   Qua tập huấn, các DN nhận thấy cần phải tập huấn sâu rộng đên mọi cán bộ nhân viên của DN liên quan đến hoat động XKLĐ. Có một số DN chưa thuôc diện giám sát, đánh giá năm nay, được thông tin về hoạt động này đã đề nghị Hiệp hội hỗ trợ giảng viên để tổ chức tập huấn cho CBNV của DN mình (Công ty Vạn Xuân, Công ty GLOTECH…)

1.5 Tập huấn cán bộ Sở Lao động TBXH:

   Đã tổ chức hội nghị tập huấn  cho cán bộ của 12 Sở LĐ-TB&XH  tỉnh, thành phố có số lượng lớn lao động đi làm việc ở nước ngoài, và có nhiều doanh nghiệp XKLĐ trên địa bàn về:

-       Những vấn đề liên quan đến công ước quốc tế  và luật pháp Việt nam về lao động cưỡng bức và buôn bán người;

-       Nội dung CoC-VN, ý nghĩa tầm quan trọng  của việc thực hiện CoC-VN trong hoạt động tuyển chọn, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh;

-       Cơ chế và bộ công cụ đánh giá việc thực hiện CoC-VN của doanh nghiệp;

-       Vai trò, nội dung và phương thức của Sở Lao động TBXH trong việc tham gia giám sát, đánh giá doanh nghiệp tuyển chọn lao động trên địa bàn trong việc thực hiện CoC-VN.

     Hoạt động này đã nâng cao nhận thức và trang bị kiến thức trong việc thực hiện theo dõi, quản lý, giám sát hoạt động tuyển chọn lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn cho cán bộ tham dự.

1.6 Tổ chưc tập huấn cho toàn thể cán bộ nhân viên của từng doanh nghiệp :

        Nhận thức được ý nghĩa tích cực của hoạt động này , tất cả các doanh nghiệp đều đã tiến hành khá tốt công tác tập huấn cho cán bộ , nhân viên. 90% doanh nghiệp đã chủ động đăng ký lịch tập huấn và mời lãnh đạo Hiệp hội trực tiếp truyền đạt . Công ty LOD, TTLC là các đơn vị sớm nhất triển khai hoạt động này . Công ty Suleco ngoài buổi tập huấn do lãnh đạo công ty thực hiện, còn tổ chức buổi tập huấn do Chủ tịch Hiệp hội truyền đạt dưới dạng hỏi đáp từng vấn đề của Bộ Quy tắc CoC-VN , qua đó từng thành viên trong đơn vị hiểu sâu sắc và cụ thể vị trí, vai trò và nhiệm vụ mình cần làm gì để tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc trong Bộ quy tắc CoC-VN.

   Nhìn chung hoạt động tập huấn của các doanh nghiệp là tích cực . Nhờ đó,  các doanh nghiệp đã có cơ sở rà soát lại mọi quy trình hoạt động để bổ sung, điều chỉnh và hoàn thiện từng nội dung hoạt động của doanh nghiệp: (i)Kế hoạch tổng thể doanh nghiệp triển khai thực hiện CoC-VN ; và (ii) Rà soát quy trình hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực XKLĐ và  đưa ra được các nội dung sửa đổi,  bổ sung nhằm hoàn thiện các quy trình hiện hành đảm bảo tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc của Bộ quy tắc COC_VN đã quy định.  Đến nay trong hồ sơ đánh giá doanh nghiệp đều đã lưu giữ các sản phẩm này .

    Kết quả tập huấn vừa tạo chuyển biến về nhận thức, trang bị mới kiến thức cho cán bộ nhân viên, vừa tạo nên sự chuyển biến thực chất trong hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp.

1.7 Thu thập và kiểm chứng thông tin:

-          Đã phân công cán bộ theo dõi cập nhật và thẩm định thông tin thường xuyên trên các phương tiên thông tin đại chúng để cập nhật vào hồ sơ theo dõi DN.

-          Ngoài việc ký thỏa thuận với 8  sở LĐ-TB&XH về cung cấp thông tin  phuc vụ giám sát và đánh giá doanh nghiệp, VAMAS đã có văn bản gửi các Sở LĐ-TB&XH để cung cấp thông tin về nhận xét hoạt động của DN trên địa bàn  và liên hệ thường xuyên để có được thông tin nhận xét. Kết quả cho thấy các Sở đã được thường trực hiệp hội đến làm việc trực tiếp vơi lãnh đạo và ký thỏa thuận hợp tác giám sát đánh giá DN, thì đều có văn bản nhận xét cuối năm.

-       Các nguồn thông tin quan trọng từ DOLAB và Thanh tra MOLISA cùng các Ban quản lý lao động Đài Loan, Malaysia  đều đã được thu thập và khai thác triệt để.

-       Tất cả 20 DN đều tiến hành tự đánh giá và báo cáo kết quả thực hiện về Thường trực Hiệp hội

-       Đã lập hồ sơ theo dõi tình hình triển khai thực hiện CoC-VN của từng DN phuc vụ đánh giá năm đầu.

1.8 Thăm, kiểm tra các lớp học giáo dục định hướng cho người lao động và hướng dẫn cho các học viên ghi phiếu điều tra phục vụ đánh giá doanh nghiệp trong khâu đào tạo những kiến thức cần thiết cho người lao động và chất lượng dịch vụ của doanh nghiêp.

   Các thành viên hội đồng đã tham dự 18 lớp đào tạo của 18 doanh nghiệp trong đó : đào tạo lao động đi Nhật Bản : 11 lớp ; Lao động đi Đài Loan : 5 lớp ; Lao động đi Malaysia : 1 lớp và lao động đi Nga : 1 lớp. Cùng với việc tham dự các lớp học này , Hội đồng đã tiến hành lấy ý kiến của người lao động trực tiếp tại lớp học với tổng số phiếu được khảo sát là 342 lao động ( Nam : 202 người chiếm 59,06% và Nữ : 140 người , chiếm 40,94% tổng số lao động được khảo sát ), trong đó có 230 lao động đi Nhật Bản , chiếm 67,25% tổng số phiếu khảo sát; 81 lao động đi Đài Loan , chiếm 23,68%; 21 lao động đi Malaysia, chiếm 6,14% và 10 lao động đi Nga , chiếm 2,93% tổng số phiếu khảo sát.

      Kết quả khảo sát cho thấy các doanh nghiệp được khảo sát đều tuân thủ các quy định về đào tạo giáo dục dịnh hướng cho người lao động về chương trình cũng như thời lượng đào tạo ; lao động được bố trí trong các phòng học  đủ tiện nghi cần thiết ; giáo viên có trách nhiệm và đều có bằng cử nhân về ngoại ngữ môn đảm nhiệm . Riêng các lớp đào tạo lao động đi Nhật , không ít doanh nghiệp đã bố trí các giáo viên người Nhật trực tiếp đứng lớpbên cạnh các giáo viên của công ty như Công ty LOD, HITECO, LETCO, SULECO, SOVILACO…đã đem lại hiệu quả cao. Lao động đi Đài Loan , công ty Hoàng Long cũng đã sử dụng phương thức đào tạo này .

     Tổng hợp các phiếu khảo sát người lao động đều cho kết quả khả quan là 100% người lao động theo học tại 4 thị trường trên đều hài lòng với chất lượng dịch vụ đào tạo của doanh nghiệp . Không có trường hợp nào không chấp thuận về việc thu phí của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng có ý kiến bày tỏ mong muốn doanh nghiệp tìm cách giảm bớt chi phí cho người lao động nếu có thể. Một số ý kiến góp ý nên có thêm các tiết học chuyên đề, có sự giao lưu của học viên với một số người lao động mà công ty đưa đi nước ngoài đã về nước.

   Để đánh giá khách quan chất lượng dịch vụ của công ty , Hội đồng cũng còn tiến hành lấy ý kiến của các lao động đã hết hạn hợp đồng trở về nước . Số phiếu khảo sát là 106 phiếu , bình quân mỗi doanh nghiệp 6 phiếu . Kết quả tổng hợp cho thấy người lao động đều đánh giá tốt chất lượng dịch vụ của công ty cung ứng . Họ đều hoàn thành đúng thời hạn hợp đồng và công ty đã thực hiện đầy đủ các cam kết với người lao động . Trên 50% số phiếu khảo sát , người lao động đều mong muốn được tiếp tục chương trình nếu công ty có nhu cầu tuyển chọn họ .

     Nhìn chung , hoạt động này đã được tiến hành đúng với yêu cầu đặt ra trong quy trình thực hiện Bộ quy tắc COC-VN và có thể khái quát công tác đào tạo GDDH đã được các công ty thực hiện tốt đặc biệt với các khóa học đào tạo lao động đi làm việc tại thị trường Nhật Bản.

   Hoạt động này đã thúc đẩy doanh nghiệp quan tâm đến nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục định hướng và chất lương dịch vụ của doanh nghiệp đối với người lao động; đồng thời giúp cập nhật dữ liệu phuc vụ đánh giá DN.

1.9 Tham gia đánh giá của Các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

     Một trong các kênh đánh giá hoạt động của doanh nghiệp thực hiên CoC-VN là các nhận xét của các Sở LĐ-TB&XH nơi doanh nghiệp tiến hành các nghiệp vụ về tuyên truyền , tuyển chọn và giải quyết mọi phát sinh đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài . Căn cứ vào số doanh nghiệp được lựa chọn để đánh giá trong năm 2012, hiện Hội đồng đã nhận được dánh giá của các Sở sau : Quảng Ngãi , Hà tĩnh , Nghệ An, Thanh Hóa , Bắc Ninh và Phú Thọ . Các đánh giá Doanh nghiệp tập trung vào các nội dung sau : vấn đề tuyển chọn ; duy trì thông tin liên lạc với địa phương trong việc bảo vệ người lao động ở nước ngoài ; thực hiện chế độ báo cáo theo quy định ; một số vi phạm cần khắc phục .

       Nhìn chung các đánh giá của các Sở nêu trên đều cho rằng các doanh nghiệp đều đã tuân thủ các quy định trong tuyển chọn và thực hiện chế độ báo cáo với địa phương. Đây là một sự tiến bộ rõ nét so với thời gian trước , doanh nghiệp thường chưa coi trọng công tác báo cáo theo quy định với các Sở LĐ-TB&XH. Tuy nhiên do năm đầu thực hiện việc đánh giá này nên các báo cáo đánh giá còn sơ lược và thông tin chưa phản ánh đầy đủ hoạt động của các doanh nghiệp được lựa chọn trên địa bàn phụ trách ngoại trừ báo cáo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa là tương đối đầy đủ.

                                                                                                                     

II. NHẬN XÉT KẾT QUẢ  TRIỂN KHAI

2.1 Về triển khai thực hiện đánh giá:

-       Đã triển khai khá đồng bộ  các hoạt động trang bị và nâng cao nhận thức cho các đối tượng được chọn để giám sát, đánh giá và cả các lực lượng tham gia cung cấp thông tin để giám sát, đánh giá.

-       Đã thu hút được sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh kiểm tra ở TW và địa phương, các Ban quản lý Cục quản lý LĐNN, của người lao động vào quá trình thực hiện giám sát, đánh giá.

-       Đã khai thác thường xuyên các kênh thông tin đại chúng phục vụ giám sát và đánh giá.

-       Các doanh nghiệp được chọn giám sát, đánh giá năm đầu đều có những chuyển biến tích cực trong việc hoàn thiện hơn các quy chế hoạt động hướng theo chuẩn mực của Bộ quy tắc ứng xử. Nhiều doanh nghiệp đã không chỉ thụ động chờ Hiệp hội đánh giá, mà chủ động giao nhiệm vụ và tổ chức theo dõi, giám sát đánh giá nội bộ các bộ phận của doanh nghiệp. Nhờ vậy, có tác dụng tốt đến việc chấp hành của cán bộ nhân viên.

-       Các doanh nghiệp đã có chuyển biến bước đầu tích cực trong việc chấp hành luật pháp và chế độ báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước TW, địa phương, với các Ban quản lý lao động.

-       Hội đồng giám sát, đánh giá đã nghiêm túc, tích cực thu thập thông tin, thực hiện đầy đủ quy trình và cơ chế giám sát, đánh giá, khách quan, công bằng trong đánh giá doanh nghiệp.

2.2 Kết quả đánh giá 20 doanh nghiệp:

     Việc đánh giá doanh nghiệp đã được Hội đồng giám sát, đánh giá thực hiện bằng phương pháp chấm điểm; sau dods, dựa vào kết quả chấm điểm để xếp loại doanh nghiệp thành 4 nhóm: loại tốt gồm 2 mức A1 và A2; loại khá gồm B1 và B2; Loại trung bình gồm C1 và C2; và loại yếu là loại D.

    Kết quả đánh giá năm 2012 như sau:

a) Loại A1 (94 điểm trở lên): 8 doanh nghiệp chiếm 40%

b) Loại A2 (89 – 93 điểm): 8 doanh nghiệp chiếm 40%

c) Loại B1 (85 – 88 điểm): 3 doanh nghiệp chiếm 15%

d) Loại B2 (81 – 84 điểm): 1 doanh nghiệp chiếm 5%

   Kết quả đánh giá trên đã phản ánh thực tế hoạt động của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp được chọn để thử nghiệm giám sát đánh giá năm đầu, hầu hết là những doanh nghiệp có chất lượng hoạt động khá tốt, lãnh đạo doanh nghiệp hưởng ứng sớm việc thực hiện Bộ quy tắc ứng xử. Doanh nghiệp đạt điểm cao nhất là 96 điểm tức là vẫn cần phải tiếp tục phấn đấu hoàn thiện theo Bộ quy tắc ứng xử.

   Một số hạn chế mà một số doanh nghiệp bị khấu trừ điểm tập trung vào việc chưa tuân thủ tốt nguyên tắc 1: tuân thủ các quy định của luật pháp như hoạt động báo cáo đầy đủ danh sách lao động xuất cảnh của doanh nghiệp cho Ban Quản lý lao động ngoài nước (vi phạm này chiếm 20% số doanh nghiệp ) hoặc thực hiện báo cáo định kỳ cho cơ quan loa động địa phương ( chiếm 10%) hoặc việc đóng đủ và đúng hạn vào Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước ( vi phạm này chiếm 35% số doanh nghiệp tham gia ); Chưa tuân thủ tốt nguyên tắc 11 về xây dựng quan hệ đối tác dặc biệt trọng sự phối hợp với cơ quan lao động địa phương xử lý các vụ việc phát sinh (vi phạm này chiếm khoảng 20%). Trong bảng điểm tự đánh giá của doanh nghiệp cũng đã thể hiện khá rõ các hạn chế trên .

2.3 Một số tồn tại cần hoàn thiện:

-          Việc tổ chức tập huấn cho lãnh đạo và toàn thể cán bộ nhân viên của doanh nghiệp được thực hiện tương đối muộn (từ tháng 9). Nếu việc tổ chức tập huấn có thể làm sớm hơn  thì phát huy tác dụng tại doanh nghiệp sẽ tốt hơn.

-       Là năm đầu tham gia giám sát đánh giá, nên guồng máy hoạt động của một số Sở LĐ – TB&XH còn bỡ ngỡ, ảnh hưởng tiến độ gửi ý kiến nhận xét về Hội đồng giám sát đánh giá.

-          Bộ công cụ để đánh giá với 3 bảng điểm: điểm tối đa, điểm trừ (vi phạm) và điểm thưởng (hoạt động tốt) đã cơ bản đáp ứng yêu cầu của quá trình đánh giá. Vừa có tác dụng xử phạt răn đe vi phạm, vừa khuyến khích sáng kiến, sang tạo thực thi các mô hình tốt. Bảng điểm trừ đã quy định cho từng tiêu chí với mức độ vi phạm nặng nhẹ khác nhau. Tuy nhiên, cần tổng kết thực tiễn và nghiên cứu tiếp để có thể quy định chi tiết hơn nữa để khi đánh giá trừ điểm thực hiện được dễ dàng hơn.

III MỘT SỐ KINH NGHIỆM BƯỚC ĐẦU :

3.1  Việc triển khai thực hiện CoC-VN và giám sát đánh giá kết quả thực hiện cần thu hút sự tham gia, phối hợp đồng bộ của Hiệp hội, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra kiểm tra về lao động ở cả TW và địa phương, các Ban quản lý lao động VN ở nước ngoài và các tổ chức xã hội khác. Để thu hút sự tham gia tích cực  của cơ quan lao động địa phương, cần làm việc sớm với lao động và cán bộ chủ chốt của Sở. Ở những nơi đã thực hiện như vậy, lao động sẽ nhận rõ ý nghĩa của việc tham gia giám sát đánh giá CoC-VN thì việc hợp tác đạt kết quả tốt hơn.

3.2    Để thực hiện thành công CoC-VN ở mỗi doanh nghiệp, trước hết doanh nghiệp cần trang bị và nâng cao nhận thức cho đội ngũ lãnh đạo chủ chốt và cho toàn thể cánbộ nhân viên của mình về ý nghĩa, nội dung Bộ quy tắc ứng xử, sự cần thiết phải vhủ động thực hiện tốt bộ quy tắc ứng xử. Phải phân công lãnh đạo và chuyên viên theo dõi  và chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện ở các bộ phận của doanh nghiệp. Phải rà lại, bổ sung, hoàn chỉnh các quy chế nội bộ hướng vào thực hiện CoC-VN; Theo dõi, khen thưởng, động viên nhắc nhở cán bộ nhân viên trong việc thực hiện.

            Thực tế, những doanh nghiệp đã thực hiện tốt những việc nêu trên, đều có hạng thành tích cao trong thực hiện CoC-VN.

3.3   Tăng cường hoạt động kiểm tra của Thường trực Hội đồng, các thành viên hội đồng để phát hiện mô hình tốt và làm rõ mức độ vi phạm  của doanh nghiệp (nếu có). Việc này tiến hành thường xuyên không đợi đến cuối năm sẽ có tác động tốt và thuận lợi khi chấm điểm.

3.4   Cùng với việc thường xuyên thu thập thông tin trên các phương tiện đại chúng, cần tổ chức gặp gỡ, lấy phiếu điều tra người lao động trước và sau xuất cảnh để có thông tin nhiều hơn trong đánh giá doanh nghiệp.

  3.5 Việc thông tin các điển hình tốt từng việc thực hiện ngay sau khi phát hiện và thẩm định, không chờ đến cuối năm, làm như vậy sẽ kịp thời thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp  khác cũng làm tốt hơn.

IV PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ NĂM 2013:

4.1 Mở rộng diện giám sát đánh giá :

   Năm 2013 sẽ mở rộng diện ra 50 doanh nghiệp (bao gồm 20 doanh nghiệp đã giám sát đánh giá năm 2012 và 30 doanh nghiệp mới) với các tiêu chí lựa chọn :

-    Đã đăng ký cam kết thực hiện CoC-VN;

-       Có số lượng lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài tương đối lớn;

-       Ngoài ra, có thể xem xét chọn trước các doanh nghiệp có đủ điều kiện và có nguyện vọng tham gia sớm vào quy trình giám sát đánh giá.

4.2  Thu hút thêm nhiều hơn các Sở LĐ-TB&XH tham gia giám sát đánh giá doanh nghiệp

Tiếp tục làm việc với lãnh đạo chủ chốt các Sở LĐ-TB&XH nơi cung cấp nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài để giới thiệu về CoC-VN và cơ chế giám sát đánh giá thực hiện của các doanh nghiệp, ý nghĩa vai trò và phương thức tham gia của Sở trong giám sát đánh giá doanh nghiệp. Ký thoả thuận hợp tác cung cấp thông tin giám sát đánh giá doanh nghiệp giữa VAMAS và các Sở.

  4.3 Tổ chức 2 cuộc tập huấn cho lãnh đạo và cán bộ chuyên trách theo dõi CoC-VN của 30 doanh nghiệp và các Sở LĐ-TB&XH ( tại Hà Nội và TP HCM).

4.4  Thăm kiểm tra lớp đào tạo định hướng và lấy phiếu phỏng vấn người lao động  về nội dung đào tạo và chất lượng dịch vụ của 50 doanh nghiệp.

4.5  Nghiên cứu hoàn thiện chi tiết hóa  các trường hợp trừ điểm vi phạm với các mức độ: nhẹ, nặng và rất nặng.

4.6  Định hướng khuyến khích thưởng điểm cho các hoạt động tốt:

-       Tổ chức tập huấn quán triệt CoC-VN cho 85% trở lên  tổng số  cán bộ nhân viên liên quan  đến hoạt động XKLĐ: tối đa 5 điểm;

-       Có cán bộ chuyên theo dõi thực hiện CoC-VN, giữ liên lạc thường xuyên với thường trực hội đồng: tối đa 5 điểm;

-       Cử cán bộ dư tập huấn và tổ chức sử dụng có hiệu quả cao các bộ bài giảng định hướng cho người lao động  trước xuất cảnh: tối đa 5 điểm;

-       Mô hình, công việc sáng tạo, có hiệu quả làm lợi cho người lao động  trong tuyển chọn đào tạo, thu phí, bảo vệ, hỗ trợ  người lao động ở nước ngoài và về nước tái hòa nhập 5-10 điểm/cho mỗi việc điển hình;

-       Mô hình, quy chế tốt trong quản lý  (tự giám sát) thực hiện CoC-VN trong nội bộ doanh nghiệp: tối đa 5 điểm

4.7  Thông tin, công bố  kết quả thực hiện CoC-VN:

-       Thông tin thường xuyên các mô hình tốt từng việc của doanh nghiệp trên bản tin, trang web củaHiệp hội, Dolab;

-       Công bố rộng rãi kết quả hàng năm của các doanh nghiệp.

4.8  Nghiên cứu khen thưởng thành tích doanh nghiệp theo các tiêu chí chất lượng thực hiện CoC-VN, gắn với kết quả số lượng lao động của doanh nghiệp đưa đi làm việc ở nước ngoài.

Thay lời kết:

1.     Năm đầu giám sát, đánh giá việc thực hiện CoC-VN  thí điểm ở 20 doanh nghiệp,  chúng ta đã phải triển khai hàng loạt hoạt động mới, có không ít khó khăn và chưa có tiền lệ. Nhưng, với quyết tâm cao và kế hoạch, phương pháp làm việc hợp lý; được sự ủng hộ, hợp tác nhiệt tình của các cơ quan quản lý nhà nước T.Ư  và địa phương, của Tổ chức lao động quốc tế, các cán bộ  lãnh đạo, cán bộ quản lý của dự án “Tam giác”; sự hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệ, chúng ta đã thực hiện thành công chương trình thí điểm  đúng kế hoach đã đề ra.

         Hiệp hội XKLĐ Việt Nam xin chân thành cám ơn các tổ chức và các vị lãnh đạo, cán bộ của các cơ quan , doanh nghiệp, người lao động đã hợp tác hỗ trợ chúng tôi để có được kết quả này.

2.     Qua hội nghị sơ kết này, chúng ta có dịp nhìn lại và nhận thấy chủ trương thí điểm giám sát, đánh giá 20 doanh nghiệp đầu tiên là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết.

3.     Những kinh nghiệm rút ra từ thành công cùng với những phát hiện về những tồn tại, thiếu khuyết cần hoàn thiện của năm đầu thực hiện cho phép chúng ta hoàn toàn yên tâm và có thể làm tốt hơn khi mở rộng diện doanh nghiệp được giám sát, đánh giá. Đồng thời cũng giúp các doanh nghiệp đã tham gia năm đầu có điều kiện tốt hơn để tự hoàn thiện mình trong những năm tiếp theo.

4.      Việc mở rộng diện giám sát, đánh giá năm 2013 ra 50 doanh nghiệp là bước đi tiếp theo cần thiết, khả thi trong lộ trình tiến tới giám sát, đánh giá tất cả các doanh nghiệp được cấp phép. Nhưng sẽ là nhiệm vụ nặng nề hơn đòi hỏi sự nỗ lực của Hiệp hội, của Hội đồng và sự hợp tác hỗ trợ tích cực của cơ quan quản lý nhà nước cả T W  và địa phương , của ILO và các tổ chức quốc tế khác, của các tổ chức xã hội và người lao động.

5.     Với mục tiêu cao cả góp phần phát triển bền vững hoạt động cung ứng lao động Việt Nam cho thị trường ngoài nước, bảo vệ người lao động và nâng cao chất lượng, thương hiệu của doanh nghiệp, Hiệp hội XKLĐ Việt Nam sẽ tiếp tục khuyến khích, động viên, thúc đẩy và hỗ trợ các doanh nghiệp phấn đấu thực hiện tốt bộ quy tắc ứng xử CoC-VN./.

 

 

 

 

 

Scroll