Điều lệ Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam

   
Cập nhật: 31/10/2013 11:36
Xem lịch sử tin bài

(Đã được thông qua tại Đại hội thành lập vào ngày 7 tháng 4 năm 2004 và Bộ Nội vụ phê duyệt tại Quyết định số 41/2004/QĐ-BNV, ngày 21 tháng 5 năm 2004)

(Đã được thông qua tại Đại hội thành lập vào ngày 7 tháng 4 năm 2004 và Bộ Nội vụ phê duyệt tại Quyết định số 41/2004/QĐ-BNV, ngày 21 tháng 5 năm 2004)

ChươngI.Điều khoản chung
 Điều 1. Tên gọi:
             Tên gọi:Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam (dưới đây gọi tắt là Hiệp hội)
            Tên tiếng Anh: "Vietnam Association of Manpower Supply", viết tắt là: VAMAS.
            Trụ sở chính đặt tại Thủ đô Hà Nội,
            Địa chỉ: Số 256 Bà Triệu, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
            Số điện thoại: 9745885     
Fax: 9745885
            Email: [email protected]
             Tuỳ theo nhu cầu hoạt động, Hiệp hội xin phép thành lập thêm văn phòng đại diện, Chi Hội ở một số địa phương trong nước theo quy định của pháp luật.
 Điều 2. Tính chất Hiệp hội
 Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam là một tổ chức Xã hội - Nghề nghiệp, đại diện cho quyền lợi và lợi ích của cộng đồng các doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam (Hội viên của Hiệp hội), có tư cách pháp nhân, có con dấu, tự trang trải chi phí và được mở tài khoản tiền Việt Nam và ngoại tệ tại Ngân hàng trên lãnh thổ Việt Nam.
             Hiệp hội là tổ chức phi chính phủ, hoạt động theo Điều lệ của Hiệp hội, tuân thủ pháp luật của Nhà nước, được sự bảo trợ và chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
  Hiệp hội tà tổ chức tự nguyện của các doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động, các đơn vị trực thuộc doanh nghiệp được giao nhiệm vụ xuất khẩu lao động theo quy định pháp luật hiện hành (sau đây gọi là các đơn vị trực thuộc doanh nghiệp), một số nhà quản lý, tổ chức và cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến xuất khẩu lao động của Việt Nam.
  Điều 3. Mục đích của Hiệp hội
 Mục đích của Hiệp hội nhằm phối hợp, liên kết hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, các nhà quản lý về hoạt động xuất khẩu lao động, các cơ quan hữu quan, tổ chức và cá nhân ở trong nước và ở nước ngoài quan tâm đóng góp, tạo điều kiện phát triển sự nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam; vận động tập hợp, động viên khuyến khích hội viên nâng cao kiến thức, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp xử lý những vướng mắc trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, hỗ trợ nhau có hiệu quả, tạo điều kiện cho các hội viên phát triển bình đẳng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên.
 Chương II. Nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ và quyền hạn của Hiệp hội
 Điều 4. Nguyên tắc hoạt động
1.       Tự nguyện, tự quản.
2.       Bình đẳng.
3.       Tự trang trải về tài chính.
4.       Chịu trách nhiệm trước pháp luật.
 Điều 5. Nhiệm vụ của Hiệp hội:
 1.       Phổ biến, hướng dẫn hội viên thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật Nhà nước về   xuất          khẩu lao động.
2.       Giúp đỡ các hội viên nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu lao động, khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội. Hỗ trợ thông tin về thị trường lao động ngoài nước, các điều kiện tiếp nhận lao động, phong tục tập quán, pháp luật của nước tiếp nhận lao động...
3.       Hình thành, phát triển các hình thức liên kết và phối hợp hoạt động giữa các hội viên trên cơ sở tự nguyện và cùng có lợi. Tổ chức các hoạt động chụng, tạo điều kiện hiểu biết lẫn nhau, xây dựng mối quan hệ hợp tác, đồng thuận giữa các hội viên.
4.       Hoà giải đối với các tranh chấp phát sinh giữa các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, nếu được yêu cầu.
5.       Bảo vệ quyền và lợi ích chính, hợp pháp của Hiệp hội, hội viên. Thay mặt hội viên, phản ánh nguyện vọng, kiến nghị với Đảng, Nhà nước về những vấn đề liên quan đến phát triển lĩnh vực xuất khẩu lao động.
6.       Phát triển tổ chức Hiệp hội, hội viên; cơ sở vật chất, mở rộng phạm vi hoạt động, thiết lập và phát triển hợp tác quốc tế của Hiệp hội.
 Điều 6. Quyền của Hiệp hội:
1.       Thay mặt Hội viên tham gia ý kiến xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Hội viên.
2.       Phối hợp với các tổ chức hữu quan trong nước và ngoài nước nhằm thực hiện tốt các mục tiêu của Hiệp hội.
3.       Gia nhập các tổ chức trong nước và quốc tế có mục tiêu phù hợp với Hiệp hội theo quy định của Nhà nước và thông lệ quốc tế. 
Chương III. Hội viên
Điều 7. Hội viên
  1. Hội viên của Hiệp hội là các doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động, các đơn vị trực thuộc doanh nghiệp, một số nhà quản lý, tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực có liên quan đến xuất khẩu lao động của Việt Nam, tán thành Điều lệ của Hiệp hội, tự nguyện xin gia nhập Hiệp hội.
  2. Hội viên của Hiệp hội bao gồm:
a/ Hội viên chính thức: là các doanh nghiệp Việt Nam được cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động theo quy định pháp luật hiện hành, một số cán bộ quản lý thuộc cơ quan Nhà nước được giới thiệu. Trường hợp doanh nghiệp giao nhiệm vụ xuất khẩu lao động cho đơn vị trực thuộc, thì không quá 02 (hai) đơn vị trực thuộc được tham gia với tư cách Hội viên.
b/ Hội viên liên kết: là các doanh nghiệp liên doanh hoặc có 100% vốn nước ngoài, hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến xuất khẩu lao động, có nguyện vọng, tự nguyện xin tham gia Hiệp hội. Hội viên liên kết không có quyền biểu quyết các vấn đề của Hiệp hội, không được tham gia ứng cử, đề cử vào các chức vụ lãnh đạo của Hiệp hội.
c/ Hội viên danh dự: là những người có uy tín, kinh nghiệm, có đóng góp tích cực cho Hiệp hội, được Đại hội Toàn thể Hội viên hoặc Ban Chấp hành Hiệp hội công nhận. Hội viên danh dự không có quyền biểu quyết các vấn đề của Hiệp hội, không được tham gia ứng cử, đề cử vào các chức vụ lãnh đạo của Hiệp hội.
  1. Hội viên là pháp nhân (doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc doanh nghiệp hoặc tổ chức) được cử người đại diện của mình tại Hiệp hội. Người đại diện phải có thẩm quyền quyết định mọi vấn đề, được ghi rõ họ tên, chức vụ trong đơn xin gia nhập Hiệp hội. Trường hợp uỷ nhiệm, người được uỷ nhiệm làm đại diện phải đủ thẩm quyền quyết định và người uỷ nhiệm phải chịu trách nhiệm về sự uỷ nhiệm đó. Khi thay đổi người đại diện, Hội viên phải thông báo bằng văn bản cho Ban Chấp hành Hiệp hội.
Người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc doanh nghiệp hoặc tổ chức (Tổng Giám đốc/ Giám đốc) là đại diện có thẩm quyền đương nhiên.
Điều 8. Quyền của Hội viên
  1. Hội viên được hưởng sự hỗ trợ và giúp đỡ của Hiệp hội bao gồm:
- Được bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Hội viên.
- Được cung cấp kịp thời các thông tin cần thiết liên quan đến công tác xuất khẩu lao động.
- Được cung cấp các dịch vụ đào tạo, tư vấn, thông tin về các vấn đề có liên quan đến lĩnh vực tiếp thị xuất khẩu lao động do Hiệp hội tổ chức.
- Được tham gia mọi hoạt động do Hiệp hội tổ chức.
- Được hưởng sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức trong và ngoài nước do Hiệp hội vận động.
- Được bảo mật các thông tin liên quan đến nghiệp vụ.
  1. Hội viên được kiến nghị thông qua Hiệp hội các vấn đề có liên quan đến các cơ quan Nhà nước và các tổ chức khác; có quyền thảo luận, chất vấn các tổ chức và cá nhân điều hành Hiệp hội về mọi chủ trương, hoạt động của Hiệp hội.
3.       Ngoài các quyền quy định trên, Hội viên chính thức có quyền biểu quyết, ứng cử, đề cử và bầu cử người vào Ban Chấp hành và các tổ chức, chức vụ khác của Hiệp hội.
4.       Khi tham gia Hiệp hội, Hội viên vẫn giữ nguyên tư cách pháp nhân và quyền chủ động của pháp nhân.
Điều 9. Nghĩa vụ của Hội viên
1.       Thực hiện nghiêm chỉnh Điều lệ và các quy định của Hiệp hội, các nghị quyết của Đại hội hoặc Hội nghị toàn thể và của Ban Chấp hành Hiệp hội;
2.       Tham gia các hoạt động của Hiệp hội;
3.       Đóng hội phí đầy đủ, đúng quy định;
  1. Bảo vệ uy tín của Hiệp hội, không được nhân danh Hiệp hội trong các quan hệ giao dịch, trừ khi được Chủ tịch Ban Chấp hành Hiệp hội phân công.
Điều 10. Thủ tục gia nhập Hiệp hội
  1. Doanh nghiệp (đơn vị trực thuộc doanh nghiệp) và các nhà quản lý nêu tại Khoản 2a, Điều 7 nói trên, tự nguyện đăng ký tham gia Hiệp hội và tham dự Đại hội thành lập Hiệp hội đều được công nhận là hội viên của Hiệp hội.
  2. Sau ngày Đại hội thành lập Hiệp hội , các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, các đơn vị trực thuộc doanh nghiệp, các nhà quản lý, tổ chức và các nhân hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến xuất khẩu lao động muốn gia nhập Hiệp hội phải nộp hồ sơ xin gia nhập tại Văn phòng Hiệp hội và được công nhận là hội viên khi có ít nhất 2/3 số uỷ viên Ban chấp hành tán thành kết nạp.
Hồ sơ gia nhập Hiệp hội gồm:
+ Đơn xin gia nhập Hiệp hội;
+ Tờ khai hội viên theo mẫu quy định;
+ Bản sao quyết định thành lập, giấy phép hoạt động có công chứng Nhà nước (đối với doanh nghiệp và tổ chức);
+ Sơ yếu lý lịch của người đại diện có thẩm quyền, kèm theo 02 ảnh 4x6 (đối với doanh nghiệp và tổ chức).
  1. Hội viên phải nộp hội phí trong vòng 15 ngày kể từ ngày được kết nạp. Mức hội phí do đại hội hoặc Hội nghị toàn thể quy định và có thể được điều chỉnh hàng năm cho phù hợp với tình hình thực tế.
  1. Ban Chấp hành thông báo danh sách hội viên mới cho tất cả cá hội viên trong vòng 30 ngày, kể từ ngày hội viên mới được kết nạp.
Ðiều 11. Điều kiện và thủ tục chấm dứt quyền hội viên
1.       Hội viên tự nguyện xin rút khỏi Hiệp hội phải nộp đơn cho Ban Chấp hành. Quyền và nghĩa vụ của hội viên sẽ chấm dứt sau khi Ban Chấp hành ra thông báo chấp thuận.
2.       Hội viên bị khai trừ khi vi phạm một trong các trường hợp sau:
+ Làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Hiệp hội.
+ Vi phạm nghiêm trọng Điều lệ này và các quy định của Hiệp hội.
+ Không đóng hội phí trong vòng 60 ngày, kể từ khi Hiệp hội thông báo nhắc nhở lần thứ 2.
            Hội viên bị khai trừ khi có ít nhất 2/3 (hai phần ba) số uỷ viên Ban Chấp hành tán thành. Quyết định khai trừ hội viên có hiệu lực kể từ ngày ký.
3.       Doanh nghiệp bị phá sản, bị rút giấy phép hoạt động, cá nhân là hội viên Hiệp hội qua đời hoặc không có điều kiện, khả năng tham gia các hoạt động của Hiệp hội hoặc vi phạm pháp luật đang trong thời gian thi hành án. Quyền và nghĩa vụ của Hội viên chấm dứt sau khi Ban Chấp hành ra thông báo.
4.   Ban Chấp hành thông báo danh sách hội viên ra khỏi Hiệp hội cho tất cả các Hội viên khác trong vòng 15 ngày, kể từ ngày ký.
Chương IV. TỔ CHỨC, BỘ MÁY QUẢN LÝ VÀ ĐIỀU HÀNH
Điều 12. Tổ chức, Bộ máy quản lý và điều hành của Hiệp hội
  • Đại hội toàn thể, Hội nghị toàn thể hội viên.
  • Ban chấp hành,
  • Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hiệp hội,
  • Ban kiểm tra,
  • Tổng Thư ký Hiệp hội,
  • Văn phòng Hiệp hội,
  • Thường trưc Hiệp hội gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Tổng Thư ký.
Điều 13. Đại hội và Hội nghị toàn thể
  1. Đại hội là cơ quan có thẩm quyển cao nhất của Hiệp hội. Đại hội được tổ chức 3 năm 1 lần. Hội nghị toàn thể được tổ chức mỗi năm 1 lần vào những năm không có Đại hội.
  2. Nhiệm vụ chính của Đại hội:
-          Thông qua Điều lệ; thông qua việc sửa đổi, bổ sung điều lệ,
-          Thảo luận Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ cũ và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ mới của Hiệp hội,
-          Thảo luận góp ý báo cáo kiểm điểm nhiệm kỳ của Ban chấp hành và Ban kiểm tra,
-          Thảo luận và phê duyệt: quyết toán nhiệm kỳ cũ và kế hoạch tài chính nhiệm kỳ mới của Hiệp hội,
-          Bầu cử Ban chấp hành và Ban kiểm tra,
-          Thảo luận và thông qua Nghị quyết của Đại hội.
  1. Nhiệm vụ chính của Hội nghị toàn thể hàng năm:
-          Thảo luận Báo cáo tổng kết năm cũ và kế hoạch công tác năm mới của Hiệp hội,
-          Thảo luận và phê duyệt: quyết toán năm cũ và kế hoạch tài chính năm mới của Hiệp hội,
-          Thảo luận và biểu quyết các vấn đề do Ban chấp hành, Ban kiểm tra hoặc hội viên đề xuất.
  1. Ban chấp hành có thể triệu tập Đại hội hoặc Hội nghị toàn thể bất thường để giải quyết những vấn đề cấp bách của Hiệp hội khi có ít nhất 2/3 (hai phần ba) tổng số uỷ viên ban chấp hành hoặc có ít nhất ½ (một phần hai) tổng số hội viên chính thức đề nghị.
  2. Giấy triệu tập Đại hội hoặc Hội nghị toàn thể phải nêu rõ chương trình nghị sự, thời gian, địa điểm và được gửi đến tất cả hội viên ít nhất 2 tuần trước ngày họp.
  3. Các Nghị quyết của Đại hội hoặc Hội nghị toàn thể được thông qua bằng biểu quyết phải được quá ½ (một phần hai) đại biểu chính thức có mặt tán thành. Mỗi hội viên chính thức có 1 phiếu. Trong trường hợp không thể tham dự Đại hội hoặc Hội nghị toàn thể, người đại diện hội viên có thể uỷ nhiệm cho người khác làm đại diện như đã nói ở Khoản 3, Điều 7. Hình thức biểu quyết do Đại hội hoặc Hội nghị quyết định.
Điều 14. Ban chấp hành
  1. Ban chấp hành là cơ quan lãnh đạo Hiệp hội giữa 2 kỳ Đại hội.
  2. Số lượng uỷ viên Ban chấp hành do Đại hội quyết định. Ban chấp hành có 1 Chủ tịch, 3-4 Phó Chủ tịch và 01 Tổng Thư ký.
  3. Hình thức bầu Ban chấp hành do Đại hội quyết định. Danh sách các uỷ viên đề cử và ứng cử phải được Đại hội thông qua. Nhiệm kỳ của Ban chấp hành là 3 năm. Trường hợp bổ sung thay thế các uỷ viên Ban chấp hành đã được Đại hội thông qua, Ban chấp hành được bầu bổ sung uỷ viên mới do Chủ tịch Hiệp hội giới thiệu.
  4. Ban chấp hành hoạt động theo Quy chế do Ban chấp hành xây dựng và thông qua.
  5. Ban chấp hành họp ít nhất hai lần trong một năm theo triệu tập của Chủ tịch Ban chấp hành. Các phiên họp Ban chấp hành được coi là hợp lệ khi ít nhất 2/3 (hai phần ba) tổng số uỷ viên Ban chấp hành tham dự.
  6. Các quyết định và nghị quyết của Ban chấp hành được thông qua bằng biểu quyết và có hiệu lực ít nhất 2/3 ((hai phần ba) tổng số uỷ viên Ban chấp hành dự họp tán thành.
  7. Ban chấp hành có nhiệm vụ và quyền hạn:
·                                 Bầu cử và bãi miễn các chức danh lãnh đạo Hiệp hội: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký và Trưởng ban kiểm tra,
·                                 Tuyển chọn, bổ nhiệm và miễn nhiệm các chức danh lãnh đạo các tổ chức do Hiệp hội thành lập,
·                                 Quyết định các biện pháp thực hiện nghị quyết của Đại hội,
·                                 Quyết định kế hoạch chương trình công tác hàng năm hoặc giữa các kỳ họp của Ban chấp hành,
·                                 Thông qua kế hoạch và quyết toán tài chính nhiệm kỳ và hàng năm của Hiệp hội do Tổng Thư ký đệ trình ra Hội nghị toàn thể hoặc Đại hội,
·                                 Giải quyết các vấn đề phát sinh giữa các kỳ Đại hội,
·                                 Chuẩn bị nội dung, chương trình nghị sự và các tài liệu trình Đại hội (kể cả Đại hội bất thường) và Hội nghị toàn thể hàng năm,
·                                 Quy định cụ thể các nguyên tắc, chế độ quản lý, quy chế sự dụng tài chính của Hiệp hội, quy chế tổ chức và hoạt động của Văn phòng Hiệp hội,
·                                 Quyết định thành lập lập các tổ chức theo Điều 19 của Điều lệ này,
·                                 Quyết định nạp, bãi miễn tư cách các hội viên,
·                                 Quyết định triệu tập Đại hội hoặc Hội nghị toàn thể.
Điều 15. Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hiệp hội
  1. Chủ tịch Ban chấp hành đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội, các Phó Chủ tịch Ban chấp hành đồng thời là các Phó Chủ tịch Hiệp hội.
  2. Chủ tịch Hiệp hội có quyền hạn và trách nhiệm:
·                                 Đại diện pháp nhân của Hiệp hội trước pháp luật,
·                                 Chủ tài khoản, quản lý tài chính và tài sản của Hiệp hội,
·                                 Tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết của Đại hội, củ Hội nghị toàn thể và các quyết định của Ban chấp hành,
·                                 Triệu tập và chủ trì cuộc họp của Ban chấp hành Hiệp hội,
·                                 Ký quyết định bổ nhiệm, bãi nhiệm các chức danh lãnh đạo các tổ chức do Hiệp hội thành lập.
·                                 Chịu trách nhiệm trước Ban chấp hành và toàn thể hội viên về các hoạt động của Hiệp hội,
·                                 Phê duyệt nhân sự cho Văn phòng Hiệp hội, quyết định thành lập các tổ chức khác của Hiệp hội theo đề nghị của Tổng Thư ký,
·                                 Thành lập các tiểu ban chuyên môn.
  1. Các Phó Chủ tịch Hiệp hội là người giúp việc cho Chủ tịch, được Chủ tịch phân công giải quyết từng vấn đề cụ thể và có thể được uỷ quyền điều hành công việc củ Ban chấp hành khi Chủ tịch vắng mặt.
Điều 16. Tổng Thư ký Hiệp hội
Tổng Thư ký do Ban chấp hành bầu ra, có nhiệm vụ và quyền hạn sau:
  • Đại diện cho Văn phòng Hiệp hội trong quan hệ giao dịch hàng ngày,
  • Tổ chức, điều hành các hoạt động hàng ngày của Văn phòng Hiệp hội,
  • Quản lý hồ sơ, tài liệu giao dịch của Hiệp hội,
  • Xây dựng các quy chế hoạt động của Văn phòng, quy chế quản lý tài chính, tài sản của Hiệp hội trình Ban chấp hành phê duyệt,
  • Định kỳ báo cáo Ban chấp hành về các hoạt động của Hiệp hội,
  • Lập các báo cáo hàng năm, báo cáo nhiệm kỳ của Ban chấp hành,
  • Quản lý danh sách, hồ sơ và tài liệu về các hội viên và các tổ chức trực thuộc,
  • Chịu trách nhiệm trước Ban chấp hành và trước pháp luật về các hoạt động cảu Văn phòng Hiệp hội.
Điều 17. Văn phòng Hiệp hội
  1. Văn phòng Hiệp hội hoạt động theo quy chế do Ban chấp hành quyết định.
  2. Tổ chức bộ máy của Văn phòng Hiệp hội do Ban chấp hành phê duyệt. nhân sự của Văn phòng do Hiệp hội tuyển dụng được Chủ tịch Ban chấp hành chỉ định và phê duyệt.
  3. Các nhân viên của Văn phòng phải là những người có chuyên môn phù hợp, có trách nhiệm cao, tuyền dụng qua sát hạch công khai, làm việc theo hợp đồng; trong thời gian làm việc cho Hiệp hội không được làm việc cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khác trong lĩnh vực xuất khẩu lao động.
  4. Kinh phí cho hoạt động hàng năm của Văn phòng do Tổng Thư ký dự trù trình Ban chấp hành duyệt và Hội nghị toàn thể hàng năm biểu quyết phê chuẩn.
Điều 18. Ban Kiểm tra
  1. Ban Kiểm tra do Đại hội bầu ra, có từ 3 đến 5 uỷ viên. Ban kiểm tra có nhiệm kỳ cùng với nhiệm kỳ của Ban chấp hành.
  2. Ban kiểm tra có nhiệm vụ và quyền hạn:
·                                 Kiểm tra, giám sát việc chấp hành Điều lệ và các nghị quyết của Hiệp hội,
·                                 Kiểm tra các hoạt động tài chính của Hiệp hội theo qui định hiện hành,
  1. Trưởng Ban Kiểm tra được mời dự các kỳ họp của Ban chấp hành Hiệp hội.
  2. Ban Kiểm tra được Hiệp hội đài thọ các chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động của Ban.
Điều 19. Các tổ chức và đơn vị trực thuộc Hiệp hội
Hiệp hội có thể thành lập một số đơn vị hoạt động dịch vụ, tư vấn… Việc thành lập các đơn vị này đều phải tuân thủ quy định của pháp luật.
Chương V. Tài chính và Tài sản của Hiệp hội
Điều 20. Tài chính và tài sản của Hiệp hội
1.       Các khoản thu của Hiệp hội gồm có:
. Hội phí gia nhập và hội phí thường niên do hội viên đóng góp theo quy định;
. Tài trợ của các tổ chức, cá nhân,
.  Các khoản thu do hoạt động của Hiệp hội tạo ra bao gồm: quảng cáo, dịch vụ tư vấn...
. Các nguồn thu khác...
2.       Các khoản chi của Hiệp hội: Các khoản chi của Hiệp hội phải đảm bảo nguyên tắc: đúng mực đích, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy chế tài chính, gồm có:
. Chi cho hoạt động của Văn phòng, Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra, Hội nghị, Đại hội, tiền thuê trụ sở, mua sắm trang thiết bị.
         . Chi hoạt động thông tin, tuyên truyền, báo chí, xuất bản.
         . Chi xây dựng, trang bị sửa chữa cơ sở vật chất, thiết bị làm việc.
         . Chi lương, chi khen thưởng thi đua.
         . Chi hoạt động quan hệ quốc tế.
         . Các khoản chi khác.
3.       Căn cứ vào tình hình tài chính hàng năm của Hiệp hội, Ban Chấp hành đề xuất mức hội phí thường niên và thông qua Đại hội hoặc hội nghị toàn thể.
4.       Ban Chấp hành quy định quy chế về quản lý, sử dụng nguồn tài chính và tài sản của Hiệp hội, phù hợp với quy chế tài chính chung của Nhà nước và phải báo cáo công khai trước hội viên tại Đại hội hoặc hội nghị toàn thể hàng năm.
5.       Tài chính Hiệp hội được Ban Kiểm tra thẩm định và báo cáo hàng năm cho hội viên.
Chương V. GIẢI THỂ HIỆP HỘI
Điều 21. Hiệp hội chấm dứt hoạt động trong các trường hợp sau:
  1. Hiệp hội tự giải thể theo đề nghị của trên ½ (một phần hai) tổng số hội viên chính thức.
  2. Hiệp hội bị giải thể do hoạt động không liên tục 12 tháng; khi có nghị quyết của Đại hội về việc giải thể mà Ban lãnh đạo Hiệp hội không chấp hành; khi hoạt động cảu Hiệp hội vi phạm nghiêm trọng pháp luật.
Điều 22. Giải quyết tài sản, tài chính khi Hiệp hội giải thể:
  1. Tài sản, tài chính do các tổ chức trong và ngoài nước tài trợ, mà Hiệp hội đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài sản và thanh toán các khoản nợ thì số tài sản, số dư tài chính còn lại do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định.
Đối với nguồn tài sản, tài chính tự có của Hiệp hội, mà Hiệp hội đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về tài sản và thanh toán các khoản nợ sau khi Hiệp hội tự giải thể thì số tài sản, số dư tài chính được phân bổ theo Nghị quyết Hiệp hội; trường hợp Hiệp hội bị giải thể thì số tài sản tài chính này được phân bổ theo quyết định của Ban thanh lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập.
Chương VII. Khen thưởng và kỷ luật
Điều 23. Khen thưởng
Hội viên, các tổ chức và cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp cho hoạt động của Hiệp hội được Hiệp hội khen thưởng hoặc đề nghị cơ quan cấp trên khen thưởng.
Điều 24. Kỷ luật
Hội viên vi phạm Điều lệ, Nghị quyết đại hội, có hành vi làm ảnh hưởng đến uy tín của Hiệp hội bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, khai trừ hoặc đề nghị xử lý trước pháp luật.
Hình thức kỷ luật do Ban Chấp hành quyết định 
Chương VIII. Điều khoản thi hành 
Điều 25. Mọi sửa đổi, bổ sung Điều lệ này phải được Đại hội hoặc Hội nghị toàn thể Hiệp hội nhất trí kiến nghị và được Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt mới có giá trị thi hành.
Điều 26. Điều lệ này gồm 8 chương, 26 điều, đã được Đại hội Thành lập Hiệp hội thông qua ngày 7 tháng 4 năm 2004 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày được Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt và được phép lưu hành theo quy định của pháp luật./.      
Scroll