Kết quả hoạt động giám sát, đánh giá việc thực hiện bộ quy tắc ứng xử coc-vn năm thứ 5 (2016-2017)

   
Cập nhật: 03/09/2017 10:43
Xem lịch sử tin bài

Báo cáo năm thứ năm

 

KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC HIỆN BỘ QUY TẮC ỨNG XỬ COC-VN NĂM THỨ 5 (2016-2017)

 

I . CÁC HOẠT ĐỘNG VÀ KẾT QỦA

1.1 Lựa chọn các doanh nghiệp mới bổ sung vào danh sách đánh giá năm thứ 5

      Đã vận động bổ sung thêm 20  DN mới, nâng tổng số DN trong diện giám sát đánh giá năm thứ 5 lên 106 DN .

      Điều đáng lưu ý là, tuy số lượng DN được giám sát đánh giá năm 2017 chỉ chiếm 34% tổng số DN được cấp phép, nhưng số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài qua các DN này đã chiếm 68% tổng số mà tất cả các DN được cấp phép đã đưa đi nước ngoài. 

 1.2Tập huấn cho CBNV các DN  về CoC-VN và về các công ước ILO liên quan đến phòng chống lao động cưỡng bức, buôn bán người

1.2.1      Tổng số DN được tập huấn gồm:

-       20 DN mới : (Hà Nội: 19; Hưng Yên: 01):Số cán bộ được tập huấn: 530 trong đó 316 nữ chiếm 59,6%.

-       3 DN cũ ( 01 th.p HCM và 02 Hà Nội ): Số cán bộ được tập huấn: 110, trong đó 52 nữ, chiếm 47,2%.

1.2.2 Nội dung tập huấn

-       Công ước 29 và công ước 105 của ILO về lao động cưỡng bức;

-       Khái niệm, các yếu tố, các chỉ báo để xác định cưỡng bức lao động, buôn bán người trong di cư lao động, liên hệ thực tế với trong hoạt động XKLĐ của Việt Nam;

-       Lợi ích của việc phòng chống lao động cưỡng bức, buôn bán người trong XKLĐ;

-       Nội dung CoC-VN, sự cần thiết thực hiện đối với DN tuyển dụng; kết hợp giới  thiệu các mô hình, cách làm tốt và tư vấn cho DN những nội dung cần lưu ý đưa vào đàm phán và ký kết hợp đồng với Đối tác nước ngoài.

-       Cơ chế và bộ công cụ giám sát đánh giá thực hiện CoC-VN;

-       10 việc DN cần làm để thực hiện tốt CoC-VN, phòng chống lao động cưỡng bức, buôn bán người và xây dựng thương hiệu DN.

1.2.3 Những đổi mới nhằm nâng cao chất lượng tập huấn năm 2017 đã thực hiện

-       Trước khi chuẩn bị tổ chức tập huấn, lãnh đạo DN được lãnh đạo Hiệp hội phổ biến rõ về ý nghĩa tầm quan trọng và yêu cầu của tập huấn. Nội dung công tác chuẩn bị bao gồm chuẩn bị các loại tài liệu cho học viên, các mẫu biểu về danh sách học viên, về kiểm tra đầu vào, đánh giá lớp tập huấn và viết thu hoạch;

-       Thực hiện kiểm tra đầu vào giúp học viên có ý thức ngay từ đầu tìm hiểu những điều mới mà mình chưa trả lời được;

-       Tổ chức cho học viên viết phiếu đánh giá về lớp học và đưa ra kế hoạch của mình;

-       Tất cả học viên đều viết thu hoạch về kết quả nhận thức sau tập huấn.

Điều này vừa tăng thêm tính nghiêm túc trong tập huấn, vừa giúp củng cố thêm kiến thức cho học viên.

1.2.4 Đánh giá của học viên về lớp tập huấn

Lãnh đạo và CBNV của các DN được tập huấn, kể cả những người có thâm niên làm công tác XKLĐ cao, đều cho rằng, đây là lần đầu họ được tiếp cận, trang bị những kiến thức mới rất cần thiết, một cách có hệ thống về luật pháp quốc tế liên quan đến hoạt động của mình (mặc dù những Công ước đó đã được ban hành từ những năm 30, 50 của thế kỷ trước, nay vẫn có hiệu lực).

Họ cũng nhận thức được sâu sắc về nội dung, ý nghĩa của CoC-VN, thấy nó thật cần cho DN và cho rằng cơ chế giám sát, đánh giá rất tỉ mỉ và bao quát hoạt động của DN.

DN cũng hoan nghênh Hiệp hội đã hướng dẫn rõ ràng những việc DN cần làm để thực hiện tốt CoC-VN và thể hiện quyết tâm thực hiện.

Các DN bày tỏ mong muốn có những cuộc tập huấn tương tự để giúp nâng cao trình độ, kỹ năng của CBNV doanh nghiệp.

1.3        Hoạt động phỏng vấn người lao động trước xuất cảnh

     Việc đánh giá hoạt động đào tạo, giáo dục định hướng người lao động trước khi người lao động xuất cảnh của doanh nghiệp được thực hiện thông qua  hoạt động  của Hội đồng giám sát và đánh giá việc thực hiện COC-VN(Hội đồng giám sát). Hoạt động này báo gồm các nội dung sau: (i) Ban lãnh đạo doanh nghiệp báo cáo hoạt động của DN năm qua và nêu rõ các cải tiến có được khi áp dụng Bộ quy tắc CoC-VN; (ii) Tham dự lớp học của người lao động trước xuất cảnh; (iii) Đối thoại với người lao động các vấn đề liên quan tới các nội dung giáo dục định hướng mà người lao động đã được học, chất lượng dịch vụ của công ty phái cử và nguyện vọng của người lao động; và (iv) Trực tiếp lấy ý kiến người lao động thông qua phiếu hỏi.

       Một điểm mới trong hoạt động này, trong một số buổi khảo sát lớp học giáo dục định hướng lao động trước khi xuất cảnh của một số doanh nghiệp phía Nam  có sự tham gia của đại diện ILO Và tổ chức IOM tại Việt Nam góp phần nhìn nhận một cách khách quan hơn trong đánh giá thực trạng của hoạt động đào tạo trước xuất cảnh cho lao động của các doanh nghiệp.

      Các thành viên hội đồng giám sát đã tham dự 106 lớp đào tạo của 106 doanh nghiệp, thực hiện lấy phiểu hỏi của 1.670 lao động tăng 17% so với năm khảo sát trước, trong đó thực hiện phỏng vấn  các lớp đào tạo lao động đi Nhật Bản: 83 lớp với 1.360 lao động, chiếm 81% số lao động được phỏng vấn; Đài Loan: 20 lớp với 253 lao động chiếm 15%; và 3 lớp tại các thị trường  Ả rập Xê Ut, Malaysia, Rumania với 57 lao động chiếm 4% tổng số lao được phỏng vấn.

      Kết quả khảo sát cho thấy một số nhận xét sau:

1)    Cơ cấu giới tính, độ tuổi và khu vực xuất cư

     Số lao động được phỏng vấn có tỷ lệ nữ chiếm 48% trong đó tỷ lệ này đối với lao động đi Nhật Bản là 47%, Đài Loan: 59% và ở ba thị trường còn lại là 39%. Năm 2017, tỷ lệ nữ đi làm việc nước ngoài là gần 40%.

    Độ tuổi người lao động chiếm tỷ lệ cao ở nhóm tuổi dưới 25 là 72% trong đó nữ chiếm 36%; Ở độ tuổi trên 30 chỉ chiếm 6,5% trong đó tỷ lệ này ở thị trường Nhật Bản là 2,5%, Đài Loan là 7,5% và 43,8% ở các thị trường còn lại.

      Bộ phận lớn lao động xuất từ các tỉnh miền Bắc, chiếm 49%, khu vực các tỉnh miền Trung là 33%, miền Nam: 14% và khu vực các tỉnh Tây Nguyên là 4% tổng số lao động được phỏng vấn.

     Nếu xét riêng từng thị trường tiếp nhận thì đi Đài Loan, lao động xuất cư từ các tỉnh miền Bắc chiếm tới 63% số lao động được phỏng vấn đi thị trường này. Tỷ lệ này tại thị trường Nhật Bản là 47%; Các thị trường còn lại là 30%.

2)    Trình độ văn hóa

    64% số lao động có trình độ văn hóa bậc trung học phổ thông; 24% có trình độ từ cao đẳng trở lên và 08% có trình độ tiểu học và trung học cơ sở. Tỷ lệ này ở lao động đi Nhật bản tương ứng là 64%, 27% và 4%. Đi Đài Loan là 76%, 11% và 12%; Thị trường Nhật Bản tiếp nhận người lao động có trình độ văn hóa cao hơn so với các thị trường khác. Trong số lao động có trình độ từ cao đẳng trở lên đi Nhật bản thì tỷ lệ nữ chiếm 46% so với tổng số lao động có trình độ này đi Nhật bản và 53% tại thị trường Đài Loan.

 So với năm trước lao động được cung ứng có trình độ văn hóa được cải thiện hơn . Số liệu khảo sát đợt 4 (206) cho thấy lao động có trình độ tiểu học và trung học cơ sở chiếm 17% thì ở đợt 5 (2017) chỉ là 4% và tỷ lệ này chỉ tập trung vào thị trường Ả rập Xê út.

3)     Kênh thông tin về tuyển chọn lao động

     Kênh thông tin để người lao động đến DN đăng ký tuyển chọn đi làm việc ở nước ngoài có tỷ lệ không khác nhiều so với năm trước, cụ thể: thông tin qua bạn bè chiếm tỷ lệ:63% (năm trước:53%); Người thân trong gia đình: 20% (năm trước18%); qua cán bộ địa phương:5,7% (năm trước 9%); Cán bộ DN:4,3%( năm trước 7%);  qua các kênh truyền thông: 4,6% (năm trước 13%) và qua môi giới: 2,4%. Kênh thông tin từ bạn bè và người thân trong gia đình luôn chiếm tỷ lệ cao và chiếm 83%. Tỷ lệ này năm trước là 73%. Đây là dấu hiệu tích cực khi người lao động và gia đình họ đánh giá được uy tín và chất lượng dịch vụ của công ty cung ứng. Tuy nhiên còn có 2,4% số lao động đã đi qua kênh môi giới, con số tuy nhỏ với số lượng là 49 lao động song có tới 27% trong số này phải chi tiền ngoài cho môi giới để được tới công ty tuyển dụng với mức chi thêm trung bình khoảng từ 4 đến 5 triệu đồng. Điều này cần nhấn mạnh tới công tác truyền thông và sự giám sát chặt chẽ của các công ty cung ứng sao cho người lao động không qua môi giới, làm tăng thêm chi phí không đáng có cho người lao động.

4)    Tình trạng việc làm trước tuyển chọn

     Trên 70% số lao động được phỏng vấn đã có việc làm trước khi được tuyển chọn đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó: nữ chiếm 50%. Về cơ cấu việc làm có tỷ lệ như sau: việc làm trong nhà máy chiếm 46,3 số lao động có việc làm; xây dựng: 9,6%; Lao động nông nghiệp: 4,2%; Dịch vụ: 4,7%; Lao động tự do và các ngành nghề khác đều chiếm 17,6%. Nếu phân theo thị trường tiếp nhận thì số lao động đi Nhật Bản trước đó đã có việc làm có tỷ lệ cao nhất là 72%, Khu vực khác là 42% và Đài Loan là 24%.

   Có thể sơ bộ thấy, hiện số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong vài năm gần đây trước đó đã có việc làm có xu hướng tăng lên và như vậy số lượng đã qua đào tạo cũng tăng lên. Nhận diện được đặc điểm này để việc đào tạo lao động trước khi đi cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với từng thị trường tiếp nhận.

5)    Các khoản phí phải nộp trước khi đi

     99,7% lao động đều trả lời là họ biết các khoản phí cần nộp khi tham gia các khóa học trước khi đi và 0,3% số lao động chưa nắm rõ các khoản phí cần nộp. Tuy nhiên khi phỏng vấn sâu nội dung này thì một số lao động chưa nêu rõ được cơ cấu từng loại chi phí theo quy định như phí nào doanh nghiệp sẽ thu, phí nào thuộc người lao động tự chi trả. Có trên 15% số lao động chưa giải thích được thế nào là phí dịch vụ, phí đóng vào Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước của người lao động và cơ cấu của phí đào tạo. Đây cũng là một vấn đề các doanh nghiệp cần quán triệt đầy đủ hơn cho mọi NLĐ trong các khóa đào tạo. Kết quả khảo sát cũng cho thấy hầu hết trong số họ đều chấp nhận mức phí được DN thông báo. Tổng chi phí cho từng thị trường và cơ cấu của phí nhìn chung đều được các doanh nghiệp công khai trong các thông báo tuyển dụng và không có sự khác biệt so với các mức quy định mà cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này ban hành.

6)    Vay vốn trước khi xuất cảnh

      Có 1.095 lao động có nhu cầu vay để trang trải mọi chi phi trước khi xuất cảnh, chiếm 66% số lao động phỏng vấn, năm trước con số này là 63%. Trong số này nguồn vay là người thân là 42% (năm trước: 27%) với mức vay bình quân khoảng 46 triệu đồng (năm trước: 50 triêu đồng/ Lao động); Vay qua kênh ngân hàng: 30% (năm trước:16%), với mức vay bình quân khoảng 62,5 triệu đồng (năm trước: 64 triệu đồng/Lao động), vay qua cả 2 kênh ngân hàng và người thân là 27% (năm trước: 57%) với mức vay bình quân 62,7 triêu đồng/lao động và 1% phải vay ngoài với mức vay bình quân 78 triệu đồng/ lao động.

    Nhu cầu vay vốn phân theo thị trường, kết quả cho thấy, người lao động đi Nhật Bản có nhu cầu vay chiếm 66% (năm trước cũng có nhu cầu 66%); đi Đài Loan: 66,4% (năm trước là 69%) tổng số lao động đi thị trường này, còn lao động đi các thị trường khác có nhu cầu vay chiếm 49%.

7)    Giáo dục định hướng trước khi đi

     Các doanh nghiệp được khảo sát đều tuân thủ các quy định về đào tạo giáo dục dịnh hướng cho người lao động về chương trình cũng như thời lượng đào tạo. Cơ sở vật chất trường lớp được đầu tư khá tốt, đặc biệt các khu đào tạo cho NLĐ đi Nhật. Cũng như đợt khảo sát năm trước, không ít các doanh nghiệp vẫn duy trì và từng bước đổi mới để thiết lập được môi trường sống và học tập như tại Nhật bản, Đài Loan. Đội ngũ giáo viên cho NLĐ nhìn chung đảm bảo chất lượng và có trách nhiệm trong công việc. Hoạt động đào tạo của một số doanh nghiệp đã mang tính chuyên nghiệp như cáccông ty LOD, HOÀNG LONG CMS, ESHUHAI, ADC, AIC,TRANSMINCO,THUẬNTHẢO, LETCO, TESHSIMEX, HAI PHONG, TIC, IIG, FUTURELINK, JVNET…đã đem lại hiệu quả cao.

     Tổng hợp các phiếu khảo sát người lao động trước xuất cảnh cho thấy hoạt động đào tạo của các doanh nghiệp một số kết quả sau:

-       100%  người lao động đều tham gia các khóa đào tạo của doanh nghiệp trước khi xuất cảnh.

-       Trong 18 nội dung được hỏi về nội dung đào tạo, giáo dục định hướng như nội dung, điều kiện, thời gian làm việc; tiền lương, chế độ làm việc, phong tục tập quán tại nước đến, về đất nước con người, về các điều cần phòng, tránh, các điều khoản của các loại hợp đồng, về chi phí trước khi đi, bình đẳng giới, quyền lợi của lao động nữ;  các khoản khấu trừ tiền lương theo quy định; cách thức chuyển tiền, quy trình khiếu nại.... thì 95% lao động trả lời đã được học, nắm được các nội dung này và 5% còn có một số nội dung chưa nắm được. Trong số này có 3,7% là lao động đào tạo đi Nhật Bản và 19% là lao động trước xuất cảnh đi Đài Loan, Các nội dung người lao động chưa nắm đầy đủ tập trung vào một số vấn đề sau: (i) Các khoản khấu trừ vào lương theo quy định của nước tiếp nhận như thuế thu nhập, thuế cư trú đối với Nhật Bản, các loại khấu trừ khi tham gia BHXH; (ii) Quy trình khiếu nại của NLĐ đặc biệt đối với người lao động trước xuất cảnh làm việc tại thị trường Đài Loan và (iii) Những điều người lao động cần phòng ngừa mà chủ yếu là cách phòng chống quấy rối tình dục đối với lao động nữ trong một số tình huống được đặt ra.

               Ở các nội dung trên, không nhiều  doanh nghiệp xây dựng được kịch bản hoặc các bài tập tình huống để người lao động trao đổi và chủ động giải quyết. Việc lên lớp của giáo viên vẫn duy trì cách dạy truyền thống – giáo viên đứng lớp thuyết trình và học viên ghi chép. Ít lớp học có cách dạy theo nhóm, hoặc áp dụng các phương pháp dạy tích cực tạo lập một không khí thật sự chủ động để người lao động sôi nổi tham gia.cho các nội dung này trong quá trình đào tạo người lao động. Thực trạng này đã được Ban giám sát của Hiệp hội góp ý trực tiếp cho lãnh đạo các doanh nghiệp để nhanh chóng khắc phục và bổ sung thêm nội dung trong giáo dục định hướng người lao động.

-       Hầu hết lao động được hỏi đều hài lòng với chất lượng dịch vụ đào tạo của doanh nghiệp, về đội ngũ giáo viên giảng dậy cũng như cách làm việc của các bộ phận nghiệp vụ công ty trong hướng dẫn thủ tục hồ sơ cho người lao động.

    8) Nguyện vọng

      Có tới 1.635 lao động, chiếm 98% lao động được khảo sát có nêu nguyện vọng khi ra nước ngoài làm việc. Theo đó:

-       Có 45% (tỷ lệ này năm trước là 46%)  mong muốn dược tăng ca, gia hạn hợp đồng, kiếm được nhiều tiền để trang trải cuộc sống. Lý do kinh tế là một trong các định hướng cơ bản cho việc đi làm việc ở nước ngoài. Ở thị trường Nhật tỷ lệ này là 38% (năm trước: 36%), Đài Loan là 46% (năm trước: 66%), thị trường khác là 69%.

-       Mong muốn khi về nước có việc làm có tỷ lệ là 14% (năm trước:18%), trong đó thị trường Nhật bản là 14% (năm trước 21%) và Đài Loan: 18% (năm trước 8%).

-       29% (năm trước: 24%)  có nguyện vọng nâng cao tay nghề và ngoại ngữ; tỷ lệ này ở thị trường Nhật bản chiếm cao nhất là 31% (năm trước: 29%);

-       07% số lao động có nguyện vọng khi về sẽ mở doanh nghiệp riêng và 9% có nguyện vọng làm giáo viên dậy ngoại ngữ trong các doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Nguyện vong này cũng tập trung chủ yêu vào số lao động đi thị trường Nhật bản với tỷ lệ 17% so với tổng số TTS khảo sát đi Nhật Bản.

   Tỷ lệ mong muốn nâng cao tay nghề và ngoại ngữ trong quá trình tu nghiệp và làm việc ở nước ngoài và khi về sẽ mở doanh nghiệp riêng hoặc làm giáo viên dậy ngoại ngữ trong các doanh nghiệp xuất khẩu đã được người lao động quan tâm hơn và cũng được các doanh nghiệp nhấn mạnh trong quá trình đào tạo thông qua các buổi giao lưu giữa người lao động thành đạt trở về với người lao động trước xuất cảnh của các doanh nghiệp. Nhìn chung nhiều doanh nghiệp đã làm tốt hoạt động này.

  9.  Kiến nghị, đề xuất của người lao động

      Có 918 lao động chiếm 55% số lao động được hỏi có nêu kiến nghị, đề xuất. Theo đó, 52% (năm trước 14%) đề nghị về chính sách hỗ trợ thêm, kéo dài thời hạn hợp đồng đối với TTS tại Nhật Bản; 11% (năm trước 12%) đề nghị về đào tạo gia tăng thêm giờ thực hành; 6,5% (năm trước18%) muốn giảm chi phí trước khi đi; 19% (năm trước 24%) kiến nghị đơn giản hơn về thủ tục; 9% (năm trước 7%) hiểu sâu hơn về các điều khoản liên quan tới  hợp đồng và 2,5% (năm trước 24%) các đề xuất kiến nghị khác. Các kiến nghị nêu trên cũng đã được thông báo tới từng doanh nghiệp khảo sát để doanh nghiệp bổ sung, làm rõ thêm cho người lao động trong quá trình đào tạo, giáo dục định hướng.

     Tóm lại, qua hoạt động này cho thấy các doanh nghiệp vẫn duy trì sự quan tâm tốt hơn đến công tác đào tạo giáo dục định hướng người lao động trước khi đi. Chất lượng đào tạo cho người lao động tốt hơn, nội dung đào tạo đã gắn với các yêu cầu thị trường, đã có chú ý một số nội dung về đào tạo liên quan đến giới như quyền lợi của người lao động nữ, cách phòng tránh quấy rối tình dục mà trước đây chưa được nhấn mạnh.

      Khảo sát cũng cho thấy, doanh nghiệp đã nâng cao chất lượng đào tạo thông qua các hoạt động đầu tư cơ sở vật chất, quan tâm chất lượng đội ngũ giảng viện, chuẩn hóa quy trình đào tạo, thực thi nghiêm túc các quy định về nội dung, chương trình và thời lượng đạo tạo đã được quy định. Qua đó chất lượng lao động trước khi đi được cải thiện, người lao động tự tin và chủ động hơn khi sống và làm việc tại môi trường mới, đặc biệt chất lượng lao động đi thị trường Nhật có những thay đổi tích cực hơn và đồng đều trong nhiều doanh nghiệp so với thời gian trước.

     Khảo sát nêu trên cho phép nhận diện khái quát hoạt động đào tạo cho người lao động trước xuất cảnh của các doanh nghiệp tham gia thực hiện Bộ Quy tác ứng xủ COC-VN. Từ đó giúp cho các doanh nghiệp thấy được những mặt tích cực để củng cố phát huy cũng như những hạn chế, thiếu sót để sớm khắc phục với mục tiêu nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn lao động cung ứng, đáp ứng các yêu cầu của từng thị trường tiếp nhận.

1.4 Hoạt động phỏng vấn người lao động trở về

   Để đánh giá khách quan chất lượng dịch vụ của DN, Hội đồng đã thu thập kết quả khảo sát lấy ý kiến của NLĐ đã trở về nước do Cán bộ của Tổng LĐLĐVN và cán bộ Hiệp hội phối hợp thực hiện. Số NLĐ trở về được khảo sát là 186 (99 nam và 87 nữ) với cơ cấu độ tuổi: Dưới 25 tuổi chiếm 22%, Nhóm 25-30 tuổi: 59% và nhóm trên 30 tuổi: 19%. Họ làm việc tại các thị trường có cơ cấu như sau: Nhật Bản: 133 (72%), Đài Loan: 34 (18%), UAE: 05, Ả rập Xê Ut: 03, Malaysia: 02 và các thị trường khác: 09. Như vậy số lao động khảo sát phân bố không đều giữa các thị trường và tập trung vào hai thị trường trọng điểm Nhật Bản và Đài Loan chiếm 90% tổng số đối tượng được phỏng vấn. Tổng hợp các thông tin khảo sát cho thấy:

-       Công việc của người lao động tại nước ngoài có cơ cấu như sau: Công nhân nhà máy chiếm 76%, Xây dụng: 3% và 21% là các ngành nghề khác (Nông nghiệp, Thủy sản, thuyền viên tầu cá…).

-       100% số NLĐ được hỏi đều tham gia các khóa đào tạo giáo dục định hướng tại doanh nghiệp, tuy nhiên có 96% trong số này có tham gia các kỳ kiểm tra và nhận chứng chỉ đào tạo. Điều quan trọng hầu hết người lao động đều cho rằng hợp đồng ký với chủ sử dụng đều được đảm bảo với các điều khoản được doanh nghiệp phái cử giải thích trước khi đi. Và người lao động đều đã ký hợp đồng với doanh nghiệp, trong số này có tới 87% được ký trước 5 ngày. Do vậy, tình trạng khiếu kiện của người lao động chỉ chiếm gần 2% tập trung vào vấn đề giờ làm thêm còn ít. 

-       Về thanh lý hợp đồng sau khi về nước: 95% người lao động đã đến doanh nghiệp thanh lý hợp đồng và đều hài lòng với hoạt động này. Trong số này có tới 94% cùng với thanh lý hợp đồng, người lao động đã được doanh nghiệp tư vấn về việc làm. Hầu hết các doanh nghiệp đã quan tâm tới nội dung này và là cơ sở để người lao động gắn bó với doanh nghiệp phái cử. Theo đó, hầu hết người lao động trả lời rằng họ hài lòng với chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp phái cử và 98% trong số họ khi trở về đã giới thiệu người thân qua kênh công ty để đi làm việc ở nước ngoài.

  Tóm lại, qua hoạt động này cho thấy chất lượng dịch vụ của các công ty phái cử đã được người lao động đánh giá theo hướng tích cực. Tuy nhiên các kết quả trên mới chỉ phản ánh một phần người lao động tại hai thị trường Nhật Bản và Đài Loan, nơi mà trong thời gian qua có sự đầu tư khá tích cực và được giám sát  chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước nên người lao động tại hai thị trường này có được chất lượng dịch vụ khá đồng đều từ các doanh nhiệp phái cử. Sự phân bố phiếu khảo sát nêu trên có thể chưa phản ánh thật khách quan một số yêu cầu đặt ra, nhất là ở một số thị trường khu vực Trung Đông và Bắc phi với 2 lĩnh vực giúp việc gia đình và lao động xây dựng. Tuy nhiên một điểm khá rõ có thể cần rút kinh nghiệm thêm là cần làm tốt và đầy đủ hơn công tác tư vấn về việc làm cho các lao động về nước để sao cho 100% sô lao động được nhận sự hỗ trợ này trong thời gian tới và có được các thông tin về hiệu quả của hoạt động này .

1.5 Tham gia đánh giá của các Sở LĐ-TB&XH

     Đã có 14 Sở LĐ-TB&XH thực hiện báo cáo đánh giá hoạt động của các doanh nghiệp tham gia COC-VN. Các đánh giá tập trung vào các nội dung sau: vấn đề tuyển chọn; duy trì thông tin liên lạc với địa phương trong việc bảo vệ người lao động ở nước ngoài; thực hiện chế độ báo cáo theo quy định; một số vi phạm cần khắc phục; kinh nghiệm tốt và một số đề nghị của cơ quan lao động đối với nội dung này.

       Nhìn chung các đánh giá của các Sở nêu trên đều cho rằng các doanh nghiệp đều đã tuân thủ các quy định trong tuyển chọn, phối hợp với địa phương trong hoạt động XKLĐ và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định. Tuy nhiên, trong các báo cáo cũng lưu ý một số vấn đề sau:

-       Vấn đề duy trì một cách thường xuyên hơn thông tin về kết quả tuyển chọn lao động (số lượng tuyển chọn và số lượng được xuất cảnh tại từng thị trường của lao động địa phương) giữa đơn vị tuyển chọn và địa phương;

-       Công tác báo cáo định kỳ đã được cải thiện và được các doanh nghiệp thực  hiện tốt hơn.

     Một số Sở LĐTB&XH đã có báo cáo có nội dung khá cụ thể với các đánh giá từng doanh nghiệp với mặt được và hạn chế về hoạt động XKLĐ tại địa phương như báo cáo của Sở: Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Điện Biên, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Đồng Nai và Cần Thơ.Tuy nhiên, cũng còn một số Sở, do thay đổi nhân sự lãnh đạo sở, nên chưa thực hiện hợp tác cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời.

II. NHẬN XÉT KẾT QUẢ TRIỂN KHAI

2.1 Mặt tích cực

-       Đã triến khai khá đồng bộ  các hoạt động trang bị và nâng cao nhận thức cho các đối tượng được chọn để giám sát, đánh giá và cả các lực lượng tham gia cung cấp thông tin để giám sát, đánh giá.

-       Đã thu hút được sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh kiểm tra ở TW và địa phương, các Ban quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài,  Cục quản lý LĐNN và của người lao động vào quá trình thực hiện giám sát, đánh giá. Đặc biệt là Tổng LĐLĐ VN đã tham gia vào việc lấy phiếu phỏng vấn NLĐ trở về và dự kiểm tra một số lớp đào tạo giáo dục định hướng..

-       Hội đồng giám sát, đánh giá đã nghiêm túc, tích cực thu thập thông tin, thực hiện đầy đủ quy trình và cơ chế giám sát, đánh giá, khách quan, công bằng trong đánh giá doanh nghiệp.

-       Các doanh nghiệp được chọn giám sát, đánh giá  đã có những chuyển biến tích cực trong việc hoàn thiện hơn các quy chế hoạt động hướng theo chuẩn mực của Bộ quy tắc ứng xử. Nhiều doanh nghiệp đã không chỉ thụ động chờ Hiệp hội đánh giá, mà chủ động giao nhiệm vụ và tổ chức theo dõi, giám sát đánh giá nội bộ các bộ phận của doanh nghiệp. Nhờ vậy, có tác dụng tốt đến việc chấp hành của cán bộ nhân viên.

-       Phần lớn các doanh nghiệp đã có chuyển biến  tích cực trong việc chấp hành luật pháp và chế độ báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước TW, địa phương, với các Ban quản lý lao động.

-       Hội đồng giám sát, đánh giá đã nghiêm túc, tích cực thu thập thông tin, thực hiện đầy đủ quy trình và cơ chế giám sát, đánh giá, khách quan, công bằng trong đánh giá doanh nghiệp.

2 .2 Tồn tại, thiếu khuyết

Một số hạn chế của những Doanh nghiệp bị khấu trừ điểm:

-       Chưa tuân thủ nghiêm túc Nhóm quy  tắc 1- Tuân thủ các quy định của pháp luật, trong đó tập trung vào các sai phạm sau:(i) Đào tạo chưa đủ thời lượng theo quy định cho người lao động trước xuất cảnh: 02 DN;(ii) Chưa niêm yết hoặc chưa báo cáo với cơ quan QLNN về chi nhánh của doanh nghiệp hoạt động XKLĐ: 02 DN; (iii) Chưa tuân thủ đầy đủ việc ký HĐLĐ với người lao động trước xuất cảnh: 01 DN; (iv) Chưa thông báo công khai, cung cấp đầy đủ các thông tin cho người lao động: 02 DN

-       Chưa tuân thủ đầy đủ Nhóm quy tắc 6 về tổ chức lao động xuất cảnh, theo đó: (i) Chưa đăng ký hợp đồng với một lao động làm việc tại Ả rập Xê út: 01DN; (ii) Đưa người lao động vượt quá số đăng ký hợp đồng: 01 DN.

-       Chưa tuân thủ tốt Nhóm quy  tắc 11 về xấy dựng quan hệ đối tác, theo đó còn chưa phối hợp trong việc thực hiện các báo cáo định kỳ với các Sở LĐ-TB&XH địa phương tuyển LĐ và báo cáo các Ban quản lý lao động ở nước ngoài nước theo quy định. Thực tế hoạt động này đã cải thiện nhiều so với trước song vẫn còn 04 DN chưa thực thi đầy đủ quy định này .

2.2 Kết quả đánh giá Doanh nghiệp

 Bảng 1. Kết quả đánh giá, xếp hạng Doanh nghiệp các năm

(Chia theo số DN thực hiện các năm)

 

Hạng

20 DN

năm đầu

  47 DN

năm thứ2

   66 DN

năm thứ 3

86 DN

năm thứ  4

106  DN

 năm thứ  5

6 sao

 

 

 

 

02 (1,9%)

5 sao

8 (40%)

11 (23,4%

26 (39%)

37 (43%)

53 (50%)

4 sao

8 (40%)

27 (57,4%)

36 (55%)

41 (47,7%)

46 (43,4%)

3 sao

3 (15%)

09 (19,2%)

04 (6%)

08 (9,3%)

5 (4,7%)

2 sao

1 (5%)

-

-

-

 

Bảng 2.  Kết quả đánh giá năm thứ 5 (2017)

(Phân theo DN được đánh giá từ năm đầu, năm thứ 2, năm thứ 3, năm thứ tư và năm thứ 5)

Hạng

106  DN

  20 DN Nămđầu

  26 DN

Năm thứ2

18 DN

Năm thứ 3

   22 DN

Năm thứ 4

20 DN

Năm thứ 5

6 sao

02 (1,9%)

02 (10%)

-

-

-

-

5 sao

53 (50%)

12 (60%)

12 (46%)

6 (33,3%)

14 (63,7%)

9 (45%)

4 sao

46 (43,4%)

06 (30%)

13 (50%)

9 (50%)

07 (31,8%)

11 (55%)

3 sao

05 (4,7%)

 

01 (4%)

3 (16,7%)

01 (4,5%)

-

2 sao

-

 

 

 

 

-

 

Bảng 3. So sánh kết quả đánh giá qua 5 năm của 20 DN

được đánh giá từ năm đầu

 

Hạng

Năm đầu

Năm thứ 2

Năm thứ 3

Năm thứ 4

Năm thứ 5

6 sao

 

 

 

 

2 (10%)

5 sao

8 (40%)

9 (45%)

14 (70%)

12 (60%)

12 (60%)

4 sao

8 (40%)

9 (45%)

05 (25%)

07 (35%)

06 (30%)

3 sao

3 (15%)

2 (10%)

01 (5%)

01 (5%)

-

2 sao

1 (5%)

-

-

-

-

 

III MỘT SỐ KINH NGHIỆM

3.1 Việc triển khai thực hiện CoC-VN và giám sát đánh giá kết quả thực hiện cần thu hút sự tham gia, phối hợp đồng bộ của Hiệp hội, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra kiểm tra về lao động ở cả TW và địa phương, các Ban quản lý lao động VN ở nước ngoài và các tổ chức xã hội khác.

3.2 Để thực hiện thành công CoC-VN ở mỗi DN, trước hết DN cần trang bị và nâng cao nhận thức cho đội ngũ lãnh đạo chủ chốt và cho toàn thể cán bộ nhân viên của mình về ý nghĩa, nội dung và sự cần thiết phải chủ động thực hiện tốt CoC-VN; Phải phân công lãnh đạo và chuyên viên theo dõi  và chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện ở các bộ phận của DN; Phải rà lại, bổ sung, hoàn chỉnh các quy chế nội bộ hướng vào thực hiện CoC-VN; Theo dõi, khen thưởng, động viên, nhắc nhở cán bộ nhân viên trong việc thực hiện.

 3.3 Tăng cường hoạt động kiểm tra của Thường trực Hội đồng, các thành viên hội đồng để phát hiện mô hình tốt và làm rõ mức độ vi phạm  của DN (nếu có). Việc này tiến hành thường xuyên không đợi đến cuối năm, sẽ có tác động tốt và thuận lợi khi chấm điểm.

   3.4 Việc thông tin các điển hình tốt từng việc thực hiện ngay sau khi phát hiện và thẩm định, không chờ đến cuối năm, làm như vậy sẽ kịp thời thúc đẩy và hỗ trợ các DN khác cũng làm tốt hơn.Năm 2016 đã chia sẻ kịp thời trên 20 thực tiễn tốt của các DN trong thực hiện CoC-VN.

IV. KẾ HOẠCH GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ COC-VN NĂM 2018

4.1 Mở rộng diện giám sát đánh giá:

Năm thứ 5 sẽ mở rộng diện giám sát đánh giá đến 120 DN, gồm 106 DN cũ và 14 DN mới.

4.2 Trang bị lại kiến thức về CoC-VN và ký thỏa thuận hợp tác với 5 Sở Lao động TBXH về hợp tác cung cấp thông tin, nhận xét đánh giá DN.

4.3 Tổ chức tập huấn cho toàn thể CBNV các DN mới và các DN tập huấn lại do thay đổi nhiều nhân sự về CoC-VN và các công ước quốc tế liên quan đến di cư lao động. Bổ sung thêm nội dung  tập huấn về trao quyền cho phụ nữ và bình đẳng giới trong di cư lao động.

Việc thực hiện sẽ bắt đầu ngay sau khi hội nghị này, các DN chủ động đăng ký lịch tập huấn và nhu cầu giảng viên để Hiệp hội sắp xếp và theo dõi việc tổ chức của DN.

4.4 Thăm, kiểm tra các lớp đào tạo chuẩn bị cho NLĐ trước xuất cảnh, lấy phiếu phỏng vấn NLĐ để đánh giá về chất lượng đào tạo và dịch vụ của 120 DN.

4.5 Hoàn thiện bộ công cụ giám sát, đánh giá và tập huấn, triển khai thực hiện.

4.6 Thỏa thuận để bổ sung thành viên Hội đồng giám sát đánh giá gồm đại diện Tổng Liên đoàn lao động VN và Vụ bình đẳng giới BoojLao động TBXH.

 

Scroll