Vừa qua, ngày 19/6/2017, cuộc họp lãnh đạo Ban Nhật Bản và Thường trực
Hiệp hội XKLĐ Việt Nam đã được tổ chức nhằm bàn bạc, xem xét mọi khía cạnh liên
quan và đưa ra giải pháp phù hợp nhất, trợ giúp cho các doanh nghiệp (DN) phái
cử Thực tập sinh (TTS) trong tình hình thay đổi chính sách và quy định từ phía
Nhật Bản. Các thủ tục mới từ phía nước bạn, cụ thể là của Tổ chức thực
tập kỹ năng người nước ngoài (OTIT), đã khiến rất nhiều DN băn
khoăn, bối rối. Liên quan đến vấn đề này, đã có 41 DN thành viên của Ban Nhật
Bản thể hiện sự quan tâm, thông qua việc gửi email, gọi điện hoặc trực tiếp
tham dự họp.
Cuộc họp có sự tham gia tích
cực, cởi mở chia sẻ, đưa ra ý kiến góp ý từ phía các lãnh đạo Ban và lãnh đạo
Hiệp hội, đặc biệt là các lãnh đạo Ban ở khu vực phía Nam, bất kể đường xá xa
xôi vẫn có mặt đông đủ và có nhiều ý kiến đóng góp giúp tháo gỡ bài toán nan
giải hiện nay về các yêu cầu thủ tục mới.
Biên bản họp với những hướng
dẫn cụ thể, hữu ích đã được gửi đến các DN thành viên, hỗ trợ các DN trong quá
trình triển khai theo quy chế mới. Các lãnh đạo Ban và lãnh đạo Hiệp hội cũng
cho rằng đây là giai đoạn nhiều thách thức, nhưng cũng chính là cơ hội tốt để
các DN cùng chung tay, đồng lòng thay đổi cục diện hiện nay thông qua đàm phán với các đối tác
Nhật Bản để tiến tới tăng quyền lợi phía Việt Nam và giảm chi phí cho người lao
động, cũng như chấn chỉnh các hoạt động của thị trường này theo xu hướng tích
cực.
Riêng về thủ tục kê khai chi phí – mối bận
tâm lớn nhất của các DN – cuộc họp đã thống nhất mỗi DN có thể áp dụng khác
nhau, tùy thực tiễn triển khai và chính sách, chiến lược kinh doanh của mình,
nhưng cần đảm bảo tính hợp pháp của các khoản thu, và về cơ bản cần dựa trên sự
chỉ dẫn trong Biên bản họp (bám sát theo
Công văn số 1123/LĐTBXH-QLLĐNN ngày 06/04/2016) cũng như các nội dung thống
nhất sơ bộ trong cuộc họp. Theo đó:
1. Phí đào tạo
- Giai đoạn đào tạo trước khi
tuyển: 5,9 triệu cho khóa học 520 tiết
- Giai đoạn sau khi trúng tuyển: nếu đào tạo tương ứng 160 tiết, tiền
đào tạo sẽ do phía Nhật Bản chi trả theo quy định hợp đồng, vượt quá thời gian
đó, DN có thể tính thu thêm.
- Tiền phí ký túc xá, điện nước:
sẽ thu theo thời gian học tập
2. Tiền dịch vụ:
- DN được phép thu và kê công khai mức tiền dịch vụ không vượt quá 3.600
USD/ hợp đồng 3 năm, không vượt quá 1.200 USD/hợp đồng 1 năm, theo quy định của
Việt Nam.
- Tiền dịch vụ đã được phía Nhật Bản chấp nhận cho DN thu và phải công
khai, quy định tại Mục 3 của Phụ lục số 01 kèm theo Biên bản ghi nhớ đã được Bộ
trưởng ký với 3 Bộ trưởng của Nhật Bản, vì vậy, cần phải kê rõ ràng ngay từ đầu
để tránh bị phía bạn bắt lỗi sau này.
- Phí Visa, hộ chiếu, khám sức khỏe: trong quy định hợp đồng là thuộc
trách nhiệm công ty phái cử. Vì vậy, vẫn kê chi tiết nhưng chú thích là công ty
chi trả vì nghiệp đoàn đã trả cho công ty tiền phí quản lý phái cử tối thiểu
5000 Yên/ người/ tháng.
Tiếp theo tinh thần cuộc họp, trên cơ sở
báo cáo của các DN gửi về, Ban Nhật
Bản đã tổng hợp lại tất cả các hạng mục phí thu mà các DN thành viên đề xuất. Theo đó,
lãnh đạo Ban đã xem xét lại cơ
sở pháp lý của tất cả các
hạng mục phí thu
này, thống nhất lại từ ngữ sử dụng trên
2 ngôn ngữ tiếng Nhật/Tiếng Việt, sau đó tổng hợp lại thành một Bảng kê khai mẫu để các DN tham khảo. Từ bảng kê khai này, tùy thuộc vào thực tiễn của từng DN mà mỗi DN có thể lựa
chọn, thêm bớt những hạng mục phù hợp để khai báo. Mức chi phí các hạng mục
cũng tùy vào thực tế của mỗi DN, nhưng cần bảo đảm đúng với quy định của
luật pháp hiện hành. Với những hạng mục không có trong quy định của pháp luật
thì tùy các DN tự chủ, hạch toán
theo chủ trương kinh doanh của mỗi DN.
Theo anh Lê Long Sơn, Tổng Giám đốc Công
ty Esuhai, mục đích của Tổ chức OTIT là muốn các Cơ quan phái cử minh bạch việc thu phí từ Thực tập sinh theo đúng quy định của luật pháp Việt Nam và
Nhật Bản. Việc này cũng để Cục QLLĐNN làm căn cứ thẩm định và cấp thư phái cử sang tổ chức
OTIT. Nhưng không có nghĩa là OTIT yêu cầu các Cơ quan phái cử phải thực
hiện việc thu phí giống nhau. Việc kinh doanh cần dựa trên cơ chế thị
trường với sự cạnh tranh lành mạnh, nên mỗi DN có
thể đưa ra có một cơ chế về chiến lược giá thành hợp lý nhất của mình phù
hợp với quy định của pháp luật, để cân đối doanh thu và
chi phí. Đồng thời, thực tế mỗi DN có
phương pháp và nội dung thực hiện kinh doanh khác nhau nên không nhất thiết phải thống nhất nội dung
phí thu. Với hình thức kê khai như
thế thì vẫn đảm bảo được việc các DN
tuân thủ được quy định của luật pháp hiện hành, đồng thời cũng đảm bảo
được tính tự chủ và trách nhiệm
của từng công ty trong việc triển khai dịch vụ cũng như khai báo cho Cơ quan quản
lý.
Trên cơ sở nội dung thảo luận
và thống nhất, Hiệp hội đã làm công văn gửi Cục QLLĐNN để sớm hỗ trợ cho các DN về
các thủ tục theo yêu cầu của OTIT, cũng như sớm phối hợp với Hiệp hội để tổ chức buổi tập
huấn cho các DN phái cử trong việc triển khai các nội dung trên./.