THỊ TRƯỜNG Ả RẬP – XÊ ÚT 10/01/2018 14:30 Nhằm triển khai các quyết định của Hiệp hội về việc thành lập Ban Thị Trường Ả rập – Xê út và thảo luận các nội dung cần thực hiện sau chuyến thăm làm việc của Đoàn đại biểu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và đại diện các doanh nghiệp đang cung ứng lao động cho thị trường này, ngày 25/12/2017 Ban đã tổ chức Hội nghị toàn thể. Bản tin xin giới thiệu các nội dung đã thảo luận tại Hội nghị.

I.     Thảo luận một số nội dung quan tâm:

1.    Bối cảnh thị trường - Các vấn đề liên quan:

+ Thị trường nước ngoài: Nghiên cứu thị trường GVGĐ Ả Rập Xê Út, các thành viên đều có nhận định : Ả Rập Xê Út có nhu cầu về lao động GVGĐ rất lớn. Những năm gần đây, nền kinh tế Ả Rập Xê út có sự suy giảm do giá dầu giảm liên tục, một số phúc lợi xã hội bị chính phủ cắt giảm…. Mặc dù vậy, hiện nay tiền lương cho GVGĐ Việt Nam và chi phí tuyển dụng đã đạt đến đỉnh điểm, cao nhất trong tất cả các nước khu vực cung ứng GVGĐ choThị trường này. Điều đó chứng tỏ lao động Việt Nam đã khng định được vị trí, khả năng của mình. Tuy nhiên, chi phí mà các gia đình Ả rập-Xê út phải trả cao để tuyển lao động Việt Nam kéo theo một loạt các hệ lụy:

-        Sức ép đối với lao động ngày càng lớn, do phải bỏ ra một khoản tiền cao để thuê lao động nên đa số các Chủ sử dụng cố gắng tận dụng sức lao động, yêu cầu lao động làm nhiều thời gian, có khi nhiều gia đình thuê chung một lao động GVGĐ….

-       Do không phải người có nhu cầu sử dụng lao động GVGD nào cũng có khả năng bỏ ra một khoản phí ban đầu lớn để thuê, dẫn đến thị phần GVGĐ Việt Nam hiện nay đã giảm sút đến trên 50% . Các khách hàng Ả Rập Xê Út chuyển hướng thuê lao động nước khác.

-       Chất lượng lao động Việt Nam không được nâng lên tương xứng với giá cả thị trường. Các chủ sử dụng lao động GVGĐ người Việt Nam khắt khe hơn, sẵn sàng trả lại lao động và đòi bồi thường nếu không vừa ý.  Phải bồi thường số tiền lớn khi có những phát sinh về lao động nên việc xử lý sẽ khó khăn hơn nhiều đặc biệt đối với những trường hợp Công ty môi giới không phối hợp.

     + Thị trường trong nước : Các Công ty XKLĐ đưa GVGĐ sang làm việc tại Ả Rập Xê Út cạnh tranh không lành mạnh bằng cách đẩy các chi phí tuyển dụng lên cao bất hợp lý, cốt để thu hút nguồn lao động bằng mọi giá, làm cho hiệu quả của doanh nghiệp dịch vụ không còn được bao nhiêu, thậm chí không còn đủ khoản chi phí dự phòng để giải quyết các phát sinh cho lao động nếu có sự cố. Cách làm tự phát này làm hỗn loạn thị trường trong nước, sinh ra một đội ngũ các người môi giới, tranh giành nguồn lao động để giới thiệu cho các Công ty, làm biến tướng công tác XKLĐ.

Ngoài khoản hỗ trợ bằng các dịch vụ : Chi phí đào tạo, ăn ở trong thời gian đào tạo, chi phí làm hộ chiếu, visa, mua vé máy bay, chi phí đi lại ….. lao động không những không phải bỏ ra bất cứ khoản phí nào mà còn được hỗ trợ một khoản tiền mặt dao động từ 10 đến 30 triệu đồng, thậm chí có trường hợp cá biệt lên tới 50 triệu đồng. Một số lao động đi làm việc ở nước ngoài, sau một vài tháng khi đã nhận được tiền hỗ trợ, họ đánh tháo quay về và tiếp tục đăng ký đi để lấy tiền hỗ trợ….

     + Công tác Quản lý lao động: Tại Ả Rập Xê Út, Việt Nam  đã thành lập Ban QLLĐ song lực lượng quá mỏng, chỉ có 01 cán bộ; các công ty đã có đại diện song chưa đủ và không có tư cách pháp lý, do vậy việc giải quyết các phát sinh cho lao động gặp rất nhiều khó khăn, nhiều vụ việc kéo dài. Gần đây có nhiều vụ việc chủ nợ lương liên miên, lao động bị ngược đãi, thời hạn hợp đồng bị kéo dài mà không có sự thỏa thuận … Hiện, chúng ta chưa thiết lập được nhà an toàn cho lao động, khi gặp sự cố lao động đã chạy về Đại sứ quán. Sự việc này diễn ra thường xuyên, có thời điểm số lượng lên đến trên 20 lao động; họ dùng bạt, thùng cát tông tự làm lán trại trước cửa ĐSQ gây mất mỹ quan và thể diện quốc gia.

Tóm lại, cần có chính sách điều tiết thị trường và có chính sách để bảo toàn quyền lợi của Doanh nghiệp, người lao động và các bên liên quan. Các thành viên thống nhất thực thi các giải pháp sau:

II.   Các giải pháp

+ Giải pháp thứ nhất : Giảm phí dịch vụ phía Việt nam

Mục đích giảm sức ép cho Chủ sử dụng và người lao động; lấy lại thị phần GVGĐ Việt Nam tại Ả Rập Xê Út.

-       Các Công ty cùng bàn bạc với phía đối tác đồng loạt giảm phí cả phí môi giới Ả Rập Xê út và phí dịch vụ của Việt Nam. Việc giảm chi phí sẽ được thực hiện theo lộ trình.

-       Sau chuyến thăm và làm việc của đoàn Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội với sự tham gia của 14 Doanh nghiệp, từ ngày 20-22/11/2017 với Bộ lao động Ả Rập Xê út, Ban đã thống nhất chấp nhận mức phí dịch vụ Việt Nam ở mức thấp hơn so với trước đây. Chi tiết sẽ do các doanh nghiệp bàn và thống nhất.

-       Dự kiến thời gian thực hiện việc giảm phí là từ 01/03/2018. Lộ trình từ nay đến khi thực hiện, các đơn vị cần liên lạc với đối tác đàm phán giảm phí, đảm bảo việc giảm phí phải được thực hiện từ hai phía để đạt được mục tiêu giảm phí cho Chủ sử dụng lao động, giảm sức ép cho người lao động GVGĐ Việt Nam và từng bước tăng thị phần của lao động Việt Nam trong lĩnh vực này.

-       Việc giảm phí này sẽ được trình lên cơ quan chức năng của hai nước thống nhất và giám sát thực hiện, chống việc phá giá, đồng thời các doanh nghiệp sẽ phải thực hiện việc cam kết và ban sẽ có chế tài để buộc các doanh nghiệp thực hiện cam kết của mình.

+ Giải pháp thứ 2: Điều chỉnh lại chi phí tuyển lao động, chi phí hỗ trợ trực tiếp cho lao động để tăng hiệu quả cho doanh nghiệp và hạn chế các tiêu cực trong công tác tuyển lao động, lành mạnh hóa môi trường kinh doanh chống phá giá cạnh tranh không lành mạnh.

-       Điều chỉnh chi phí tuyển nguồn lao động : Việc quy định một mức trần chi trả cho tuyển nguồn lao động là hết sức cần thiết, đưa lại lợi ích cho doanh nghiệp, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, xóa được nạn cò lao động, câu kéo lao động; song quy định này rất khó thực hiện, phụ thuộc vào việc tự giác chấp hành của từng doanh nghiệp. Ban Thị trường Ả Rập Xê Ut tiếp tục nghiên cứu để đưa ra giải pháp hợp lý.

-       Thay đổi phương thức hỗ trợ cho người lao động : Khoản tiền hỗ trợ cho người lao động là khoản tiền nằm trong chi phí đối tác Ả Rập Xê út chi  cho Công ty Việt Nam trước khi lao động xuất cảnh. Ngoài khoản hỗ trợ bằng các dịch vụ như : Chi phí đi lại, chi phí làm hồ sơ, hộ chiếu, visa, tiền khám sức khỏe, chi phí đào tạo; ăn, ở trong quá trình đào tạo, trang phục…  lao động còn được hỗ trợ một khoản tiền mặt.

Để tăng cường trách nhiệm của người lao động và giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp việc thay đổi cách thức và thời gian hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho lao động là cần thiết, song cần một lộ trình mới thực hiện được việc xóa bỏ lợi ích riêng để cùng nhau bảo vệ quyền lợi cho chính doanh nghiệp mình và của từng thành viên.

Do vậỵ, trước mắt toàn Ban sẽ thực hiện giải pháp thứ nhất là giảm phí dịch vụ và các doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh mức phí của  mình . Toàn ban sẽ thống nhất thực hiện giải pháp thứ 2 sau khi có sự đồng thuận của tất cả các thành viên trong ban về mức phí hỗ trợ và phương thức hỗ trợ cho người lao động.

+ Giải pháp thứ 3: Tăng cường công tác QLLĐ,  giải quyết các sự cố phát sinh

-       Đề nghị cơ quan chức năng hai nước hợp pháp hóa vai trò Đại diện của các doanh nghiệp XKLĐ để họ được hoạt động hợp pháp tại Ả Rập Xê Út.

-       Tạo mối liên kết đại diện các Công ty trực thuộc Ban Ả Rập Xê Út để hỗ trợ lẫn nhau. Ban thống nhất phương thức liên kết đại diện hỗ trợ nhau xử lý các phát sinh cho lao động. Với giải pháp này các đơn vị phải thông báo, đăng ký cụ thể về nhân sự, địa chỉ, số điện thoại liên lạc các đại diện của mình với Ban để có cơ sở hỗ trợ. Đơn vị nào chưa có đại diện thì phải bổ sung kịp thời theo quy định.

-       Tạo sự liên kết để kiểm soát các Công ty môi giới Ả Rập Xê Út : Các thành viên trong Ban thông báo đầy đủ các đối tác hiện đang hợp tác và báo cáo cập nhật đầy đủ thông tin nếu găp phải các đối tác không tốt, không chịu phối hợp giải quyết các phát sinh theo hợp đồng để các thành viên trong Ban không hợp tác. Nếu cần thiết, các thành viên trong ban sẽ hợp lực tẩy chay những đối tác xấu (lập Black list) thậm chí Ban sẽ đề nghị cơ quan chức năng không cho phép đối tác đó tuyển dụng lao động Việt Nam.

-       Tạo sự liên kết để kiểm soát những lao động xấu: Tất cả các lao động xấu (những lao động đang lợi dụng chương trình để chiếm đoạt tiền hỗ trợ từ doanh nghiệp, hoặc những lao động đã vi phạm kỷ luật bị một trong những thành viên của Ban xử lý bằng hình thức sa thải về địa phương, hoặc những lao động tham tiền bị cò lao động dụ dỗ chạy ra ngoài ...) sẽ được đưa vào danh sách “lao động Black list” trên website của Ban. Các đơn vị thành viên của Ban không được phép tiếp nhận và đưa những lao động này đi làm việc ở nước ngoài.

-       Tìm biện pháp hữu hiệu xử lý các phát sinh của lao động như : chủ nợ lương, chủ giữ lao động không cho về khi hết hợp đồng, một số chủ tự ý chuyển nhượng lao động không làm thủ tục, không có iqama, … chính vì vậy các doanh nghiệp đang rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng của hai nước để tìm ra cách thức giải quyết hiệu quả trực tiếp ngay tại các địa phương của Ả Rập Xê Út để giải quyết một cách nhanh chóng các sự cố phát sinh cho người lao động. Việc giải quyết các phát sinh cho lao động không thể kéo dài, do vậy chỉ có cách tiếp cận cơ quan công quyền của bạn tại các địa phương ( tìm cách trình khiếu nại và hợp tác với các Phòng lao động các địa phương để giải quyết các vụ khiếu nại).

+ Giải pháp thứ 4: Nhà an toàn cho lao động tại Ả Rập Xê Út phải đáp ứng được các điều kiện như sau:

-       Sức chứa : khoảng  50 lao động (cho giai đoạn 1)

-       Nhà An toàn trực thuộc Đại sứ Quán Việt Nam tại Ả Rập Xê Út, do ĐSQ đứng ra thuê và giao cho Ban Bảo hộ Công dân và Ban Quản lý lao động quản lý trực tiếp.

-       Nhân viên quản lý lao động tại Nhà An toàn ( Được bố trí 01-02 nhân viên tùy thuộc số lượng lao động) và được hợp thức hóa về tư cách và có hợp đồng với ĐSQ.

v Kinh phí vận hành dự án Nhà An toàn :

-       Kinh phí thuê nhà, tiền điện, nước và trả lương cho nhân viên quản lý hàng tháng : Doanh nghiệp đóng góp 50%, Nhà nước chi trả 50% từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước.

-       Chi phí chăm sóc lao động : Do doanh nghiệp chi trả. (doanh nghiệp nào có lao động về nhà an toàn phải thanh toán chi phí này).

Phát biểu ý kiến với Hội nghị, Chủ tịch Hiệp hộ i- TS Nguyễn Lương Trào hoan nghênh sự chuẩn bị nội dung kỹ càng, cụ thể của Lãnh đạo Ban và sự thảo luận, đóng góp ý kiến đầy trách nhiệm của các thành viện. Tổng hợp lại, các việc Ban cần tiến hành trong thời gian tới là :

1.    Hoàn thiện cơ chế nội bộ: Ở ngoài nước gồm các biện pháp hạ phí, xử lý vi phạm của người lao động, thành lập nhà an toàn, vấn đề cán bộ đại diện của các doanh nghiệp, ở trong nước có các vấn đề phí nguồn, kinh phí và phương thức hỗ trợ người lao động;

2.    Cơ chế, chế tài xử lý vi phạm, giám sát việc thực hiện phải trên cơ sở :

Đồng thuận, đảm bảo quyền lợi chung. Các vi phạm có chế tài xử lý, kết hợp với cơ quan nhà nước. Lọc ra các vấn đề cần có cơ chế giám sát, phát hiện. Thông tin cho cơ quan nhà nước về các Văn phòng tuyển lao động bất hợp pháp tại địa phương và các doanh nghiệp bán giấy phép;

3.    Đào tạo : trang bị cho người lao động kỹ năng xử lý các vấn đề

4.    Duy trì thông tin giữa các thành viên

5.    Tuyên truyền trong nội bộ và xã hội để thực hiện các chủ trương của Ban.