THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG NHẬT BẢN 23/01/2018 13:49









I.               KHÁI QUÁT

        Nhật Bản là một trong các thị trường trọng điểm cung ứng lao đông VN đi làm việc ở nước ngoài .

        Năm 1992 là năm đầu Nhật bản tiếp nhân TNS Việt Nam . Lao động VN gia tăng theo các năm, cụ thể như sau: 


 

Năm 2017

Lao động đưa đi tại thị trường Nhật Bản: 54.505 người, tăng 36,47%  so với cùng kỳ năm trước. Bình quân mỗi tháng đi được 4.542 người. Trong tháng 12 con số này là 7.546 người, đạt mức kỷ lục quy mô lao động cung ứng trong một tháng sang Nhật Bản.

Nhật Bản tiếp nhận lao động người nước ngoài qua 04 hình thức:

- Thực tập sinh kỹ năng: tiếp nhận lao động phổ thông người nước ngoài sang thực tập tại Nhật Bản trong thời gian tối đa 5 năm. Chính phủ Nhật Bản cũng quy định rõ 77 ngành nghề được tiếp nhận thực tập sinh trên 1 năm và yêu cầu lao động đã có kinh nghiệm làm việc trước khi xuất cảnh.

- Lao động xây dựng, đóng tàu: tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng đã hoàn thành chương trình 3 năm sang Nhật Bản và được làm việc trong thời gian tối đa 3 năm để bù đắp việc thiếu hụt nhân sự chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic được tổ chức vào năm 2020. Thời gian tiếp nhận từ tháng 4/2015 đến tháng 3/2021.

- Lao động chất lượng cao (kỹ sư, phiên dịch): lao động đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học.

- Điều dưỡng viên, hộ lý theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nhật (VJEPA). Triển khai Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam- Nhật Bản, từ năm 2012 đến nay.

 Hiện  đã tuyển chọn và đưa vào đào tạo tiếng Nhật cho 5 khóa ứng viên điều dưỡng, hộ lý với tổng số 960 ứng viên, trong đó khóa 1 là 150 người, khóa 2 là 180 người, khóa 3 là 180 người và khóa 4 là 210 người và khóa 5 là 240 người. Hiện nay đã có tổng cộng 673 ứng viên của 4 khóa đang làm việc tại các cơ sở tiếp nhận Nhật Bản. Trong số đó, đã có hơn 40% số điều dưỡng Việt Nam thi đạt chứng chỉ quốc gia điều dưỡng của Nhật Bản.

            II. QUY ĐỊNH CỦA NHẬT BẢN TRONG CHƯƠNG TRÌNH THỰC TẬP SINH

            1.Trung bình mỗi năm, Nhật Bản tiếp nhận khoảng 80 đến 100 nghìn thực tập sinh nước ngoài, tập trung ở các ngành: cơ khí, gia công kim loại, dệt may, chế biến thực phẩm, nông nghiệp, xây dựng, thợ hàn, nhựa. Trong số các ngành nghề này, các ngành nghề được tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng số 2 (thực tập sinh có thời gian thực tập trên 1 năm), bao gồm 77  nhóm ngành nghề với 137 loại hình công việc.

Đến nay Việt Nam đã cung ứng  khoảng 150 ngàn TTS sang thực tập tại Nhật Bản. Năm 2016, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc, trở thành quốc gia phái cử nhiều thực tập sinh đến Nhật Bản nhất.

2. Ngày 28/11/2016, Thượng viện Nhật Bản đã thông qua Luật triển khai Chương trình thực tập kỹ năng và bảo hộ thực tập sinh kỹ năng với một số nội dung chủ yếu như:

- Cấp phép cho tổ chức quản lý;

- Chứng nhận kế hoạch thực tập của từng thực tập sinh. Việc lên kế hoạch thực tập và xin chứng nhận kế hoạch thực tập phải do tổ chức tiếp nhận thực hiện;

- Tăng thời gian thực tập tại Nhật Bản từ 3 năm lên 5 năm;

- Nâng hạn mức tiếp nhận thực tập sinh cho các tổ chức (đối với một số tổ chức quản lý và tổ chức tiếp nhận được đánh giá tốt);

- Mở rộng điều kiện chứng minh kinh nghiệm của thực tập sinh: ngoài đối tượng có kinh nghiệm làm việc thực tế, học viên đã tốt nghiệp các trường đào tạo hoặc khóa đào tạo nghề của các trường nghề cũng được xem là đủ điều kiện về kinh nghiệm.

- Mở rộng ngành nghề cho phép tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng số 2 với các ngành nghề được xem xét là hộ lý, bán hàng tại siêu thị, nông nghiệp phức hợp,v.v. Trong đó, ngành nghề hộ lý đã được chính thức cho phép tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng người nước ngoài từ ngày 01/11/2017.

- Thành lập Tổ chức thực tập kỹ năng (OTIT) có chức năng quản lý, giám sát hoạt động của các tổ chức quản lý và tổ chức tiếp nhận;

- Ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Nhật Bản và cơ quan chủ quản của các nước phái cử để tăng cường quản lý nhà nước đối với chương trình.

Luật thực tập sinh  mới chính thức triển khai từ ngày 01/11/2017.

3. Để hợp tác với phía Nhật Bản triển khai hiệu quả Luật mới này, ngày 06/6/2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ký Bản ghi nhớ hợp tác (MOC) về chương trình thực tập kỹ năng với Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản. Ngày 24/10/2017, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã ký Bản ghi nhớ hợp tác với Tổ chức thực tập kỹ năng (OTIT) để triển khai các quy định trong MOC ký giữa các Bộ của hai nước.

4. Chương trình thực tập sinh hộ lý

- Yêu cầu về trình độ tiếng Nhật: tương đương N4 trước khi xuất cảnh và tương đương N3 trước khi chuyển sang thực tập kỹ năng số 2.

Cụ thể, Thực tập sinh phải đạt được chứng chỉ ngoại ngữ tối thiểu N4 (kỳ thi năng lực tiếng Nhật JPLT) hoặc 350 điểm (kỳ thi cấp E-F của J.TEST) hoặc 400 điểm (kỳ thi cấp A-D của J.TEST) hoặc cấp 4 (kỳ thi NAT-TEST) trở lên.

- Yêu cầu về kinh nghiệm:

+ Tốt nghiệp khóa học điều dưỡng hoặc đã có chứng chỉ điều dưỡng tại Việt Nam;

+ Có kinh nghiệm làm việc ngành nghề Hộ lý bao gồm cả việc chăm sóc, phục hồi chức năng tại các trung tâm dưỡng lão hoặc tại nhà của người cao tuổi;

+ Người được chứng nhận hộ lý do nước phái cử cấp.

-       Khi nhập cảnh:

      TTS phải tham gia khóa huấn luyện thêm về các nội dung cơ bản của ngành hộ lý cũng như ngoại ngữ chuyên ngành hộ lý.

Sau khi kết thúc năm thứ 1, thực tập sinh kỹ năng bắt buộc phải đạt được chứng chỉ tiếng Nhật trình độ N3 (kỳ thi năng lực tiếng Nhật JPLT) hoặc đạt 400 điểm (kỳ thi cấp A-D của J.TEST) hoặc cấp 3 (kỳ thi NAT-TEST) trở lên. Các ứng viên không đạt trình độ ngoại ngữ theo yêu cầu sẽ phải trở về nước.

II.            QUY ĐỊNH CỦA VIỆT NAM

1. Giới thiệu công ty phái cử Việt Nam với  Tổ chức OTIT Nhật

Theo quy định tại MOC, Việt Nam sẽ giới thiệu với phía Nhật Bản các doanh nghiệp phái cử được chứng nhận đủ tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1 của MOC và cung cấp danh sách các doanh nghiệp được chứng nhận trước ngày 01/4/2018. Hiện nay có 240 doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đã được Việt Nam giới thiệu cho Nhật Bản.

2.  Thẩm định hợp đồng

Thực hiện theo quy định (i) Một số điều kiện về hợp đồng tại công văn số 1123/QLLĐNN-NBCAĐNA ngày 06/4/2016;  (ii) Quy định về việc giới hạn số lượng doanh nghiệp phái cử theo số lượng tiếp nhận của tổ chức tiếp nhận tại công văn số 1313/QLLĐNN-NBCAĐNA ngày 17/8/2016 hướng dẫn chi tiết một số nội dung quy định tại công văn số 1123/LĐTBXH-QLLĐNN.

3. Chứng nhận danh sách thực tập sinh kỹ năng

DOLAB  chứng nhận danh sách thực tập sinh kỹ năng theo mẫu Phụ lục 3 của MOC để giới thiệu các thực tập sinh có tên trong danh sách với phía Nhật Bản. Danh sách thực tập sinh được chứng nhận là hồ sơ bắt buộc khi xin visa nhập cảnh cho thực tập sinh kỹ năng số 1 và thực tập sinh kỹ năng số 3 (trường hợp TTSKN số 3 về nước trên 60 ngày thì sẽ phải xin lại visa để quay lại Nhật Bản).

            III. MỘT SỐ LƯU Ý 

            1. Tình trạng thực tập sinh bỏ hợp đồng ra cư trú bất hợp pháp gia tăng

Theo quy định tại mục II.2 công văn số 1123/LĐTBXH-QLLĐNN, định kỳ 6 tháng, căn cứ vào tỷ lệ thực tập sinh tại Nhật Bản bỏ hợp đồng của các doanh nghiệp báo cáo Bộ xem xét để tiến hành việc tạm dừng đưa TTS sang Nhật Bản đối với những doanh nghiệp có tỷ lệ bỏ hợp đồng cao hơn 5% để doanh nghiệp tập trung thực hiện các biện pháp giảm tỷ lệ bỏ trốn cho đến khi tỷ lệ này xuống dưới 5%.

Thời gian tới, DOLAB sẽ trình Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội các hoạt động tạm dừng đối với các doanh nghiệp có tỷ lệ bỏ trốn cao trong năm 2016.

            2. Phát sinh nhiều vụ việc liên quan đến thực tập sinh ngành nghề xây dựng

            Theo số liệu thống kê báo cáo của 80/167 doanh nghiệp đang phái cử thực tập sinh ngành xây dựng sang Nhật Bản, từ tháng 01/2015 đến tháng 8/2016, có 132 vụ việc phát sinh chủ yếu liên quan tới thời gian, điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ và ứng xử trong công việc của người Nhật Bản đối với thực tập sinh. Nguyên nhân tập trung một sô vấn đề sau:

a. Thời gian di chuyển nhiều

Do tính chất của công việc xây dựng là đi làm việc tại các công trình không cố định, có nơi xa nơi ở và trụ sở công ty tiếp nhận nên thực tập sinh phải mất thêm thời gian di chuyển đến nơi làm việc (khoảng 1 giờ đến 1,5 giờ/chiều). Dẫn tới có tình trạng thực tập sinh phải rời nơi ở từ 6h sáng và trở về nhà sau 20h. Cá biệt có trường hợp phải đi làm từ 4h sáng và trở về nhà sau 20h. Tuy nhiên, thời gian di chuyển này không được tính vào thời gian làm việc thực tế của thực tập sinh đã gây tâm lý chán nản cho thực tập sinh.

b. Tiền lương thấp vào các tháng thời tiết xâu

 Đối với lĩnh vực xây dựng làm việc ngoài trời, số giờ làm việc tại công trình còn phụ thuộc vào thời tiết nên trường hợp những tháng thời tiết không thuận lợi, lương của thực tập sinh sẽ rất thấp.

c. Còn phát sinh bất cập trong quan hệ lao động

Trong tháng 7/2016 đã có 4 vụ việc thực tập sinh Việt Nam phản ánh việc bị nhân viên người Nhật làm cùng hoặc người quản lý có hành vi ứng xử không đúng mức.

Nguyên nhân xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến quan hệ lao động trong lĩnh vực xây dựng có thể kể đến như: trình độ tiếng Nhật của thực tập sinh còn hạn chế gây hiểu lầm giữa hai bên, địa điểm làm việc không cố định nên có trường hợp chỉ có thực tập sinh và người quản lý đi làm ở một công trình dẫn đến không có người can thiệp khi xảy ra xích mích, tính cách của lao động trong lĩnh vực xây dựng thường không thuần như người lao động trong các lĩnh vực khác...

            d. Các khoản khấu trừ từ tiền lương khá cao

            Một số công ty tiếp nhận khấu trừ tiền nhà, ga điện nước cao hơn quy định hoặc yêu cầu thực tập sinh đóng các khoản phí ngoài luật định. Do vậy, ảnh hưởng đến thu nhập  của thực tập sinh.

            3. Tình trạng nghiệp đoàn tiếp nhận chậm trả phí quản lý cho doanh nghiệp phái cử hoặc tự ý khấu trừ từ phí quản lý các khoản tiền không quy định trong hợp đồng

            -  Nghiệp đoàn tiếp nhận chậm trả phí quản lý trong thời gian dài (trên dưới 01 năm).

            -  Một số Nghiệp đoàn tự ý khấu từ từ phí quản lý chi trả cho doanh nghiệp phái cử tiền phạt hợp đồng khi phát sinh các vấn đề như thực tập sinh về nước trước hạn, thực tập sinh bỏ trốn.

            4. Doanh nghiệp thu phí dịch vụ và các khoản phí khác từ thực tập sinh cao hơn quy định và chưa kê khai phí dịch vụ khi đăng ký hợp đồng

            Quy định: doanh nghiệp phái cử được thu từ thực tập sinh phí dịch vụ không quá 3600USD/ hợp đồng 3 năm và tiền đào tạo ngoại ngữ không quá 5.900.000 VNĐ/420 tiết. Tuy nhiên, thực tế hiện nay còn nhiều doanh nghiệp phái cử chưa làm đúng theo quy định này.

            IV. MỘT SỐ GIẢI PHÁP TỚI

1. Yêu cầu doanh nghiệp chấp hành nghiêm các quy định tại công văn số 1123/LĐTBXH-QLLĐNN

            2. Tăng cường  công tác thông tin tuyên truyền và thanh kiểm tra.

            - Hướng dẫn doanh nghiệp về những thay đổi trong Luật triển khai chương trình TTSKN người nước ngoài và bảo hộ TTS kỹ năng mới ban hành của Nhật Bản.

            - Tăng cường hợp tác với cơ quan thẩm quyền của Nhật Bản: Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế - Lao động - Phúc lợi xã hội, Tổ chức OTIT, Tổ chức JITCO để hướng dẫn, giám sát hoạt động phái cử, tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng của các doanh nghiệp phái cử Việt Nam và Tổ chức tiếp nhận, công ty tiếp nhận Nhật Bản.

            - Kịp thời thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp khi Nhật Bản có những thay đổi liên quan đến chương trình thực tập sinh kỹ năng.

      3. Phối hợp với VAMAS đẩy mạnh việc thực hiện Bộ quy tắc COC-VN một cách sâu rộng và mạnh mẽ hơn./.