CÓ GẦN 50.000 LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI TRONG 5 THÁNG ĐẦU NĂM 2018 01/06/2018 10:51 Trong năm tháng đầu năm 2018 có 48.331 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tăng gần 9% so với 5 tháng đầu năm 2017. Riêng trong tháng 5, các doanh nghiệp đã cung ứng được 11.341 lao động, tăng 10,62% so với tháng 04 liền kề.

Tổng quan thị trường tiếp nhận lao động phân theo khu vực cho thấy:

1. Khu vực Đông Bắc Á

Số lao động đi làm việc tại khu vực Đông Bắc Á là 45.418 người, chiếm tỷ trọng 94% tổng số đưa đi, tăng 9,2% số lượng lao động đưa đi so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:

Lao động đi làm việc tại Đài Loan: 25.212 người, tăng 15,97% so với cùng kỳ năm trước. Quy mô lao đông đi làm việc tại Đài Loan vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất so với các thị trường khác với tỷ trọng là 55,49% số lao động đưa đi trong khu vực này và  52,17% so với tổng số lao động đưa đi trong 5 tháng đầu năm 2018.

Bình quân thị trường này mỗi tháng tiếp nhận 5.042 người. Riêng tháng 05 Đài Loan tiếp nhận 6.180 người, tăng 0,27% so với tháng 04 liền kề.

Lao động đưa đi tại thị trường Nhật Bản: 17.417 người, giảm 0,21% so với  số lượng cung ứng  cùng kỳ năm trước. Bình quân mỗi tháng các doanh nghiệp cung ứng  được 3.483 người.Trong tháng 05 con số này là 3.453 người. Điều lưu ý, tổng số nữ đi làm việc tại thị trường này gần tương đương với số nữ đi làm việc tại Đài Loan với quy mô trên 7.800 người trong 5 tháng qua.

Lao động đi  làm việc tại Hàn Quốc: 2.708 người, bình quân mỗi tháng Hàn Quốc tiếp nhận 541 người. Quy mô tiếp nhận lao động VN tăng 17,68%  so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 5 con số này là 944 người.

 Lao động đi làm việc tại Macao: 77 người, bình quân mỗi tháng Macao tiếp nhận 15 người, giảm 64,67%  so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 05, Macao tiếp nhận 06 người.

 2. Khu vực Đông nam Á

Có 485 lao động Việt Nam đi làm việc tại thị trường này, chiếm 1% tống số lao động đưa đi. Trong đó lao động sang làm việc tại Malaysia vẫn có quy mô tiếp nhận lớn nhất là 419 người, chiếm 86,39% số lao động đưa đi trong khu vực này và giảm 14,14% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân mỗi tháng thị trường này tiếp nhận 84 lao động. Singapor tiếp nhận 57 người, Lào: 9 người.

3. Khu vực Trung Đông và Châu Phi

Thị trường các nước khu vực Trung Đông tiếp nhận 1.128 lao động, chiếm 2,33% tổng số lao động đưa đi, giảm 30,49% so với số lao động đưa đi cùng kỳ năm trước.Trong 5 tháng đầu năm  các doanh nghiệp chỉ cung ứng lao động cho ba thị trường, đó là: Ả Rập Xê-Út: 862 người, giảm 41,36% so với cùng kỳ năm trước, Qatar: 61 người, tăng gần gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước và Kuwait: 205 người.

Số lao động đi làm việc tại các nước Châu Phi là 539 người, chiếm 1,14% tổng số lao động đưa đi, tăng 68,96% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ có 1 thị trường  tiếp nhận lao động, đó là: Algieri: 539 người , tăng gần 70% so với cùng kỳ năm trước. 

 4. Các khu vực khác

Lao động đi làm việc tại các thị trường khác là 740 người, chiếm 1,53% tổng số lao động đưa đi. Trong đó thị trường Thổ Nhĩ Kỳ: tiếp nhận 36 người, Rumani: 527 người, Hoa Kỳ: 13 người, Italia: 18 người và CH Sip: 38 người. Hiện số lao động này có việc làm ổn định và thu nhập tốt.

Số liệu thống kê cũng cho biết lao động nữ đưa đi là 17.702 người, chiếm 36,63% , tăng 7,18% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu trong 5 tháng đầu năm có 22 thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam, thì chỉ có 3 thị trường tiếp nhận với quy mô từ 1.000 lao động trở lên, bao gồm Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tóm lại trong 5 tháng đầu năm 2018, sự vận động của thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam cũng như thực trạng thị trường của Quý I năm nay, đó là các thị trường tiếp nhận lớn lao động Việt Nam tập trung vào các nước (lãnh thổ) thuộc khu vực Đông Bắc Á. Xu hướng trong các tháng tới các thị trường này vẫn tiếp tục có nhu cầu lớn tiếp nhận lao động VN, đặc biệt là hai thị trường Đài Loan và Nhật Bản – Đây là hai thị trường hiện tiếp nhận lao động VN với quy mô lớn nhất, chiếm 90% tổng số lao động đi trong năm tháng qua. Đặc biệt so với 5 tháng  cùng kỳ năm trước thì quy mô cung ứng lao động sang Đài Loan tiếp tục gia tăng và giảm không đáng kể ở thị trường Nhật Bản và có sự suy giảm đắng kể quy mô lao động sang thị trường Malaysia và một số nước tại khu vực Trung Đông (UAE, Ả Rập Xê Út) - đây là một thực trạng cần được nghiên cứu, đánh giá để có những điều chỉnh phù hợp hơn trong thời gian tới với định hướng gia tăng hơn lao động cung ứng vào các thị trường này.