Hoạt động cung ứng điều dưỡng viên sang Cộng Hòa Liên Bang Đức

   
Cập nhật: 21/12/2018 12:28
Hoạt động cung ứng điều dưỡng viên sang Cộng Hòa Liên Bang Đức Xem lịch sử tin bài

Trong hai ngày 8 và 9 tháng 11 năm 2018, SpectrumK (Cơ quan dịch vụ tổng hợp ngành y tế CHLB Đức) đã tổ chức hội nghị Điều dưỡng lần thứ 5 tại Berlin. Thành phần tham dự Hội nghị gồm các cơ quan của CHLB Đức có liên quan đến ngành điều dưỡng, bao gồm các cơ quan chính trị, các cơ quan thực hiện, các quỹ bảo hiểm y tế bắt buộc, các tổ chức từ khu vực kinh doanh và khu vực nghiên cứu. Đại sứ Việt Nam tại CHLB Đức đã tham dự hội nghị này.

I. Khái quát:

Hiện Việt Nam thực hiện chương trình đưa điều dưỡng viên sang 3 nước và lãnh thổ, đó là: Đài Loan, Nhật Bản, Cộng hòa Liên bang Đức Từ năm 2000, Việt Nam đã đưa nhân viên điều dưỡng sang Đài Loan chăm sóc người già, người bệnh tại các gia đình và các cơ sở dưỡng lão. Trong những năm gần đây, hàng năm có khoảng 5.000 người sang Đài Loan làm công việc này theo các hợp đồng giữa các công ty xuất khẩu lao động Việt Nam ký với các công ty dịch vụ việc làm Đài Loan. Người lao động đi làm việc tại Đài Loan trong lĩnh vực này phải được đào tạo trước khi đi ít nhất là 390 giờ, trong đó gồm 90 giờ nghiệp vụ điều dưỡng, 200 giờ học tiếng Trung Quốc và 100 giờ kiến thức cần thiết về pháp luật, văn hóa, xã hội. Từ năm 2012, Việt Nam cũng bắt đầu hợp tác với Nhật Bản đưa điều dưỡng viên và hộ lý chăm sóc người già sang làm việc tại Nhật Bản theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (Japan-Vietnam Economic Partnership Agreement – JVEPA) ký năm 2008. Theo đó, cơ quan được ủy quyền của Việt Nam (Cục Quản lý lao động ngoài nước) và cơ quan được ủy quyền của Nhật Bản (Japan International Corporation of Welfare Services – JICWELS) tuyển chọn điều dưỡng viên (đã tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng điều dưỡng, đã có chứng chỉ hành nghề điều dưỡng tại Việt Nam, đã hành nghề điều dưỡng tối thiểu 2 năm) và hộ lý (đã tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng điều dưỡng tại Việt Nam), tổ chức đào tạo tiếng Nhật 1 năm tại Việt Nam để đạt trình độ N3 bằng toàn bộ kinh phí do Chính phủ Nhật Bản đài thọ, đưa sang các cơ sở dưỡng lão của Nhật Bản làm việc theo quy chế thực tập (thời hạn 3 năm đối với điều dưỡng viên và 4 năm đối với hộ lý). Trong thời gian thực tập, nếu điều dưỡng viên và hộ lý thi đỗ chứng chỉ điều dưỡng quốc gia của Nhật Bản sẽ được làm việc chính thức là điều dưỡng viên tại Nhật Bản. Từ đó đến nay, đã có 892 điều dưỡng viên sang Nhật Bản, 240 ứng viên đang học tiếng Nhật để sang Nhật vào đầu năm 2019 và đang tuyển mới 240 ứng viên để đào tạo tiếng Nhật từ cuối năm 2019.

II. Hợp tác đưa người lao động Việt Nam sang học tập và làm việc tại CHLB Đức trong lĩnh vực điều dưỡng:

1. Giai đoạn thí điểm

Cuối năm 2012, đầu năm 2013, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam (Bộ LĐTBXH) và Bộ Kinh tế và năng lượng CHLB Đức (BMWi) đã trao đổi và thống nhất thực hiện chương trình thí điểm đưa ứng viên Việt Nam sang Đức học tập và làm việc trong lĩnh vực này. Hai khóa đầu thí điểm tuyển chọn ứng viên chăm sóc người già và 2 khóa sau thí điểm tuyển chọn ứng viên chăm sóc người bệnh. Khóa thí điểm thứ nhất về chăm sóc người già Cuối năm 2012, bai bên thống nhất chọn 120 ứng viên đã tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng điều dưỡng để tổ chức học tiếng Đức trình độ A2 tại Việt Nam trong 6 tháng và đưa sang các cơ sở đào tạo điều dưỡng Đức học nghề điều dưỡng theo chương trình rút gọn 2 năm (chương trình đào tạo điều dưỡng của Đức là 3 năm) và sau khi tốt nghiệp sẽ làm việc trong các cơ sở dưỡng lão tại Đức. Chi phí ăn ở và học tiếng Đức tại Việt Nam do Chính phủ CHLB Đức đài thọ. Trong thời gian học điều dưỡng tại CHLB Đức, học viên được hưởng học bổng do các cơ sở đào tạo cấp. Cục Quản lý lao động ngoài nước và Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tại Hà Nội là các đối tác thực hiện dự án, Viện Goethe tại Hà Nội là cơ quan dạy và cấp chứng chỉ tiếng Đức. Khóa học tiếng Đức cho 120 ứng viên được tổ chức tập trung từ tháng 3 đến tháng 8 năm 2013. 100 học viên đạt trình độ tiếng Đức A2 đã xuất cảnh tháng 9 năm 2013, đã tốt nghiệp khóa học điều dưỡng vào tháng 10 năm 2015 và từ đó đến nay đang làm việc tại các cơ sở dưỡng lão tại Đức. Khóa thí điểm thứ hai về chăm sóc người già Sau khi khóa thí điểm thứ nhất xuất cảnh và bắt đầu học điều dưỡng tại Đức, hai bên nhận thấy với trình độ A2 tiếng Đức, học viên gặp rất nhiều khó khăn trong việc học điều dưỡng. Đồng thời, việc rút ngắn thời gian đào tạo điều dưỡng xuống 2 năm cũng đòi hỏi học viên phải cố gắng quá sức vì chương trình đào tạo điều dưỡng tại Việt Nam và tại Đức rất khác nhau. Vì vậy, hai bên đã quyết định thực hiện thí điểm khóa 2 với một số thay đổi: đào tạo tiếng Đức một năm tại Việt nam để học viên đạt trình độ B2 tiếng Đức và đào tạo điều dưỡng đầy đủ chương trình 3 năm tại Đức. Đối tượng tuyển chọn do đó cũng thay đổi: không cần đòi hỏi ứng viên phải tốt nghiệp cao đẳng hoặc Đại học điều dưỡng mà mở rộng việc tuyển chọn sang những người đang học năm cuối cùng tại các trường điều dưỡng tại Việt Nam. Dự án thí điểm khóa 2 đã tuyển chọn 125 ứng viên và tổ chức học tiếng Đức từ tháng 7 năm 2014. Sau một năm, 102 học viên đã đạt trình độ tiếng Đức B1 và B2 và xuất cảnh sang Đức tháng 9 năm 2015 để học nghề điều dưỡng. Số học viên này vừa tốt nghiệp và chuẩn bị được nhận vào làm việc tại các cơ sở dưỡng lão. Khóa thí điểm về chăm sóc người bệnh Tiếp theo thành công của chương trình thí điểm đưa ứng viên Việt Nam sang học tập và làm việc trong lĩnh vực chăm sóc người già tại CHLB Đức, hai bên thống nhất hợp tác thực hiện thí điểm 2 khóa tuyển chọn ứng viên sang Đức học tập và làm việc trong lĩnh vực chăm sóc người bệnh. Đối tượng tuyển chọn và công tác chuẩn bị để đưa học viên sang học tập và làm việc tại Đức tương tự như đối với khóa thí điểm chăm sóc người già khóa 2. Tháng 5/2016, Cục Quản lý lao động ngoài nước hợp tác với Tổ chức hợp tác quốc tế Đức tại Hà Nội tuyển chọn 112 ứng viên, tổ chức dạy tiếng Đức từ tháng 6 năm 2016. Có 72 ứng viên đạt trình độ tiếng Đức B1 và B2 đã xuất cảnh vào tháng 9 năm 2017 để tham gia chương trình đào tạo 3 năm ngành điều dưỡng chăm sóc người bệnh tại Đức. Tháng 7/2017, hai bên đã đã phối hợp tuyển chọn 128 ứng viên, đưa vào đào tạo tiếng Đức từ tháng 8 năm 2017. 77 học viên khóa II đạt trình độ tiếng Đức B1 và B2 đã xuất cảnh sang Đức trong tháng 9 và 10 năm nay.

2. Giai đoạn thực hiện mở rộng

* Ý định thư chung giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Kinh tế - Năng lượng Liên bang CHLB Đức Dựa trên kết quả thí điểm 2 đợt tuyển ứng viên nghề điều dưỡng người già, ngày 1 tháng 7 năm 2015, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Kinh tế và Năng lượng liên bang Đức đã ký kết Ý định thư chung về những nguyên tắc cơ bản trong tuyển chọn học viên một cách công bằng để đào tạo trong ngành chăm sóc người già tại CHLB Đức. Một số nguyên tắc cơ bản được hai bên thống nhất trong Ý định thư bao gồm:

- Việc hợp tác tuyển chọn ứng viên sang học nghề và làm việc trong ngành điều dưỡng nên được tiếp tục thực hiện, nhưng chuyển giao cho các đối tác khác triển khai theo các nguyên tắc của dự án thí điểm.

- Việc tuyển chọn ứng viên phải được thực hiện một cách minh bạch và công bằng. Các cơ quan tham gia tuyển chọn không được thu phí tuyển chọn và giới thiệu học viên sang Đức đạo tạo ngoài một khoản chi phí hành chính không quá 300 Euro/học viên.

- Học viên phải có trình độ tiếng Đức B2 do viện Goethe kiểm tra và cấp chứng chỉ và phải tham gia khóa học định hướng về luật pháp, văn hóa, xã hội trước khi đi.

- Các cơ sở đào tạo tại Đức sẽ phải đài thọ một phần hoặc toàn bộ chi phí khóa học tiếng Đức tại Việt Nam, chi phí thủ tục và chi phí vé máy bay đưa học viên sang Đức, chi trả học bổng cho học viên đủ để trang trải cuộc sống trong quá trình học tại Đức.

* Kết quả

Trong Ý định thư chung, hai bên thống nhất giao cho Trung tâm lao động ngoài nước (COLAB) thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức trực tiếp thực hiện các dự án tiếp theo trong lĩnh vực đào tạo điều dưỡng viên. Hai cơ quan này đã phối hợp với VIVANTES (một tập đoàn bệnh viện và viện dưỡng lão lớn nhất của Đức) triển khai tuyển chọn và đưa học viên sang học tập tại Đức. VIVANTES đã tạm ứng các chi phí học tập và ăn ở cho học viên trong quá trình học tiếng Đức tại Việt Nam, các học viên phải hoàn lại dần trong quá trình học tập và làm việc tại Đức sau này. Từ năm 2015 đến nay, các bên đã tuyển chọn và đưa vào đào tạo tiếng Đức 4 khóa, trong đó 3 khóa đã xuất cảnh sang Đức học chăm sóc người già (268 người) và khóa 4 đã tuyển chọn được 391 người và tổ chức học tiếng Đức từ tháng 9 năm nay. Riêng khóa 4 sẽ bao gồm cả học viên chăm sóc người già và học viên chăm sóc người bệnh. (Xem bảng)

Bên cạnh chương trình hợp tác chính thống trên đây, trong thời gian vừa qua đã có một số tổ chức và cá nhân Việt Nam kết nối với một số tổ chức, cá nhân tại Đức đưa một số người sang học nghề điều dưỡng tại CHLB Đức, trong đó có các tổ chức và cá nhân không tuân thủ các nguyên tắc mà Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức đã thỏa thuận, thu một khoản tiền lớn từ học viên và đưa sang Đức mà không có sẵn nơi học tập và nơi làm việc, gây thiệt hại lớn cho học viên và phức tạp cho các cơ quan hữu quan của hai bên. Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam đã từ chối cấp visa cho phần lớn số ứng viên do các tổ chức, cá nhân này tuyển chọn.

3. Cơ hội và đề xuất

* Cơ hội

Qua quá trình hợp tác nêu trên, có thể thấy tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới còn lớn và có nhiều thuận lợi:

- Nhu cầu nhân lực ngành điều dưỡng ở Đức cao, nhiều cơ sở điều dưỡng Đức có nhu cầu tiếp nhận nhân lực từ Việt Nam,

- Nhiều thanh niên Việt Nam muốn sang Đức học tập và làm việc,

- Chính phủ và các cơ quan chức năng hai nước ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tác thực hiện hợp tác trong lĩnh vực này,

- Đã có mô hình hợp tác phù hợp sau 4 khóa thí điểm và các dự án mở rộng được chuyển giao.

* Đề xuất

Một là, ngay từ khi bắt đầu thảo luận để triển khai thí điểm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức đã thống nhất việc đưa ứng viên sang Đức đào tạo phải gắn liền với việc làm sau đào tạo để đảm bảo học viên sau khi tốt nghiệp có chỗ làm việc ngay. Do đó các dự án hợp tác tuyển chọn phải có sự tham gia từ đầu của các cơ sở sẽ sử dụng điều dưỡng viên sau này. Nguyên tắc này cần được tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Hai là, các nguyên tắc cơ bản nêu trong Ý định thư chung giữa MOLISA và BMWi là phù hợp và cần được tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên, để có thể tuyển chọn được nhiều hơn ứng viên, cần xem xét:

- Cho phép thêm các tổ chức có thể tham gia tuyển chọn ứng viên để đưa sang Đức đào tạo điều dưỡng với điều kiện đáp ứng đúng các yêu cầu cơ bản nêu trong Ý định thư chung.

- Mở rộng thêm các cơ sở đào tạo tiếng Đức đủ điều kiện về chuyên môn tham gia dạy và cấp bằng tiếng Đức cho học viên. Trong trường hợp đó, hai bên cần thống nhất chỉ định cơ quan đầu mối kiểm soát, điều phối và quản lý việc hợp tác giữa các đối tác hai bên. Ba là, trong tương lai gần, các đối tác hai bên nên nghiên cứu để tiến hành hợp tác đào tạo một phần chuyên môn tại Việt Nam để giảm chi phí và thời gian học tập của học viên tại Đức.Về dài hạn, hai bên nên tham khảo mô hình hợp tác giữa Việt Nam với Nhật Bản, đưa điều dưỡng viên đã được đào tạo tại Việt Nam sang Đức thực tập nâng cao tay nghề để thi lấy bằng điều dưỡng viên của Đức để đủ điều kiện làm việc tại Đức. Bốn là, các cơ sở đào tạo điều dưỡng viên của Đức có thể nghiên cứu chuyển giao công nghệ, chương trình đào tạo và hợp tác với các cơ sở đào tạo Việt Nam thực hiện đào tạo ngành điều dưỡng và cấp bằng điều dưỡng viên Đức tại Việt Nam để đưa sang Đức làm việc. Năm là, hai Bộ MOLISA và BMWi, hoặc 2 Chính phủ Việt Nam và Đức nên xem xét ký kết một bản thỏa thuận mới cho lĩnh vực này để tạo khung pháp lý cho việc hợp tác lành mạnh và bền vững trong thời gian tiếp theo.

Scroll