Chính sách đối với lao động nước ngoài tại Malaysia 31/10/2013 21:49 Từ đầu những năm 70, mặc dù lao động nước ngoài đã tham gia vào rất nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế, nhưng Chính phủ vẫn coi việc làm của họ chỉ là một biện pháp tạm thời. Chẳng hạn, lao động nước ngoài chỉ làm việc trên cơ sở hợp đồng, thời hạn tối đa là 7 năm cho những người làm việc trong lĩnh vực trồng trọt, và 6 năm cho những người làm việc trong các lĩnh vực khác. Hết hạn hợp đồng họ phải về nước;

Năm 1996, Chính phủ Malaysia ngừng việc cấp giấy phép nhập lao động nước ngoài trong nghành xây dựng , dịch vụ và trồng trọt. Chỉ cho phép đổi lại giấy phép lao động để ổn định số lượng lao động nước ngoài. Tuy nhiên, lệnh cấm tuyển dụng lao động trong dịch vụ gia đình được phép tuyển dụng mới lao động nước ngoài và Chính phủ cũng thắt chặt các điều kiện về tuyển dụng. Năm 1998, khi nền kinh tế bị giảm sút, nhiều biện pháp đã được đưa ra nhằm giảm số lượng lao động nước ngoài. Những lĩnh vực dư thừa lao động nước ngoài được yêu cầu cho họ hồi hương hoặc chuyển sang những lĩnh vực thự sự đang thiếu hụt gay gắt, đặc biệt là trong trồng trọt;

Để hạn chế việc làm của lao động nước ngoài, thuế hàng năm đối với lao động nước ngoài đã tăng lên và những điều kiện để tuyển dụng lao động giúp việc gia đình cũng được quy định nghiêm ngặt. Những gia đình muốn thuê lao động Inđônêsia và Thái Lan giúp việc gia đình phải có thu nhập hàng năm từ 24.000 RM đến 36.000 RM và thuê lao động Philippin phải có thu nhập từ 72.000 RM đến 120.000 RM. Gia đình có con nhỏ mới được thuê người nước ngoài giúp việc gia đình và mỗi gia đình chỉ được thuê một người. Việc chuyển lao động nước ngoài sang lĩnh vực khác thiếu lao động nói trên không được lao động nước ngoài hưởng ứng. Đặc biệt trong lĩnh vực trồng trọt và sản xuất. Cuối năm 1998, một lần nữa Chính phủ lại bị sức ép cho phép tuyển dụng mới lao động nước ngoài. Tháng 1/1999 khoảng gần 120.000 giấy phép mới được cấp cho lao động nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất và trồng trọt. Để tạo thuận lợi cho việc tuyển dụng mới, thuế hàng năm đối với lao động nước ngoài lại giảm xuống.

Quý III/1999, nền kinh tế được cải thiện, người sử dụng lao động ở các lĩnh vực khác cũng bắt đầu gây sức ép với Chính phủ cho họ được phép thuê lao động nước ngoài. Tháng 10/1999, 8 Hiệp hội của những nhà thương gia và kinh doanh Ấn Độ đại diện cho những nhà kinh doanh trong các khách sạn, siêu thị nhỏ, các cửa hàng may mặc, cửa hàng trang sức, buôn bán kim loại, thợ cắt tóc đã gửi bản ghi nhớ đến Bộ Nội vụ cho phép họ nhận lao động dịch vụ, đặc biệt đối với lao động Ấn Độ. Tháng 11/1999, Phòng Thương mại Trung Quốc ở Miri Sarawah cũng đã lưu ý Cục Việc làm ở Sarawah về sự thiếu hụt lao động trầm trọng của khu vực dịch vụ trong bang. Vào tháng 12, Hội các chủ trang trại (NASH) đã kêu gọi chính quyền đơn giản hoá các thủ tục tuyển dụng lao động nước ngoài trong lĩnh vực trồng trọt. Theo NASH , hàng nghìn héc ta cây cao su vẫn chưa được cạo mủ do thiếu hụt lao động trầm trọng.

Tuy nhiên, Cục Nhập cư cho biết lệnh cấm tuyển lao động nước ngoài vẫn còn hiệu lực và chỉ thực hiện “tuyển dụng có chọn lọc”. Việc tuyển dụng lao động nước ngoài chỉ được phép trong các lĩnh vực khẩn cấp như trồng trọt, sản xuất và dịch vụ gia đình. Lệnh cấm này không bao gồm kiều dân Malaysia ở nước ngoài, Chính phủ đang làm tất cả để có thể khuyến khích việc làm của những cá nhân nước ngoài có tay nghề nhằm mục đích nâng cấp tay nghề kỹ thuật cho lực lượng lao động Malaysia.