Điều kiện cơ bản quy định việc thuê lao động nước ngoài tại Malaysia 31/10/2013 21:50 1. Quy định chung a) Thời hạn của giấy phép làm việc là 2 năm, có thể được gia hạn tối đa là 7 năm. Nhưng người lao động đã làm việc ở Malaysia có thể được quay trở lại Malaysia làm việc khi đã về nước ít nhất là 6 tháng. b) Lương của lao động nước ngoài được trả tương đương như lao động nước sở tại.
1. Quy định chung
a) Thời hạn của giấy phép làm việc là 2 năm, có thể được gia hạn tối đa là 7 năm. Nhưng người lao động đã làm việc ở Malaysia có thể được quay trở lại Malaysia làm việc khi đã về nước ít nhất là 6 tháng.
b) Lương của lao động nước ngoài được trả tương đương như lao động nước sở tại.

c) Quỹ Bảo hiểm xã hội (Social Security Scheme – SOCSO): Lao động nước ngoài phải đóng góp và có quyền lựa chọn trong việc đóng góp vào quỹ Dự phòng (Employees Provident Fund – EPF).

d) Quyền lợi của người lao động nước ngoài làm việc hợp pháp được hưởng như người lao động nước sở tại theo pháp luật lao động hoặc thoả ước lao động tập thể.

e) Lao động nước ngoài không được mang theo gia đình, không được có thai, không hoạt động công đoàn, công hội. Nếu vi phạm thì bị trục xuất về nước và tự chịu chi phí

g) Lao động nước ngoài phải nộp thuế theo các Quy định của Cục Nhập cư.

h) Lao động nước ngoài phải có chủ thuê và chỉ làm cho một chủ.

2. Thủ tục về tuyển dụng:

a) Đối với lao động nước ngoài giúp việc gia đình:

Người sử dụng có thể thuê lao động bằng hai cách:

* Thứ nhất: Chủ sử dụng có thể thông qua các cơ sở dịch vụ việc làm (Công ty môi giới).

* Thứ hai: Chủ sử dụng có thể tự thuê các lao động này bằng cách tự tìm hiểu khả năng nếu đáp ứng yêu cầu của mình thì làm Visa cho lao động. Cách thứ hai này đòi hỏi người chủ sử dụng phải nộp đơn trực tiếp tới Cục Nhập cư và phải trực tiếp đến nước của người lao động mà họ sẽ thuê để tuyển dụng;

Việc thuê lao động nước ngoài thông qua các cơ sở dịch vụ việc làm (công ty môi giới) sẽ phải chịu một chi phí lớn hơn.

b) Đối với lao động trong các lĩnh vực khác:

Trong lĩnh vực như xây dựng, dịch vụ, sản xuất và trồng trọt thì người chủ sử dụng có thể thuê lao động nước ngoài bằng cách nộp đơn trực tiếp lên Cục Nhập cư. Khi đơn này đã được chấp nhận của Uỷ ban chuyên môn, thì người chủ có thể uỷ quyền cho các công ty tuyển dụng của quốc gia này giúp đỡ. Việc tuyển dụng phải được tiến hành trong vòng một tháng và chi phí cho việc tuyển dụng khoảng từ 3.500 – 6.500 RM tuỳ thuộc vào từng quốc gia có lao động đến Malaysia làm việc.

c) Chi phí tuyển dụng:

Chi phí tuyển dụng gồm thuế việc làm hàng năm , phí xin giấy phép việc làm và visa, phí đưa lao động sang Malaysia, phí kiểm tra y tế và các chi phí phát sinh khác. Các chi phí này do các công ty của nước cung ứng lao động chịu;

ở Malaysia, thông thường chủ sử dụng lao động giữ hộ chiếu của người lao động để đảm bảo không bị thất lạc hoặc người lao động bỏ trốn. Nếu người lao động bỏ trốn thì chủ sử dụng phải thông báo ngay cho Cục Nhập cư. Trường hợp người lao động đã hết hạn hợp đồng thì người chủ sẽ phải trả tiền để họ trở về nước.

3. Kiểm tra sức khoẻ:

FOMERA (Quản lý Kiểm tra y tế lao động nước ngoài) là cơ quan duy nhất có quyền quản lý việc kiểm tra y tế hàng năm cho lao động nước ngoài (đảm bảo chỉ có những ai đủ sức khoẻ mới được phép làm việc, những ai không phù hợp cho công việc sẽ bị trục xuất về nước).

4. Tiền lương và các lợi ích khác:

a) Quy định chung:

Theo Luật Lao động Malaysia, người lao động nước ngoài được hưởng sự đối xử như với lao động nước sở tại về tiền lương và các lợi ích khác. Tuy nhiên, người lao động nước ngoài không được gia nhập công đoàn. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp giữa người lao động và chủ sử dụng, thì họ có quyền khiếu nại lên Cục lao động để xem xét giải quyết. Thực tế, sự thiếu hiểu biết về quyền và thủ tục khởi kiện, e ngiạ sự trả thù lẫn nhau và thiếu thông tin đã cản trở người lao động thực hiện việc khiếu nại, khởi kiện. Đây là nguyên nhân gây ra hầu hết các vụ việc phức tạp ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

b) Lương và các khoản trợ cấp khác:

Malaysia không quy định lương tối thiểu. Người sử dụng lao động và người lao động thoả thuận theo cơ chế thị trường;

Làm thêm giờ vào ngày bình thường pháp luật quy định trả 1,5 lần và 2 lần khi làm việc vào các ngày lễ. Thực tế cho thấy , chủ sử dụng không thực hiện đúng quy định đối với lao động nước ngoài như trả lương, tăng lương hàng năm thấp hơn so với lao động Malaysia, trả tiền làm thêm giờ hay làm việc vào các ngày lễ thấp hơn luật định…

c) Mưc lương cụ thể trong một số lĩnh vực:

- Đối với lĩnh vực trồng trọt và giúp việc gia đình , lương và các khoản trợ cấp từ 350 – 500 RM/tháng (khoảng 92 – 132 Đô la Mỹ / tháng, theo tỷ giá quy đổi hiện nay giữa đồng Ringgit Malaysia với Đô la Mỹ: 3,8 Ringgit Malaysia đổi 1 Đô la Mỹ);

- Đối với lĩnh vực dịch vụ từ 450 – 800 RM/tháng (vào khoảng 118 – 210 Đô la Mỹ/ tháng). Đối với lĩnh vự xây dựmg do có điều kiện để làm thêm giờ nên thu nhập khoảng từ 650 – 1200 RM/tháng ( vào khoảng 171 – 315 Đô la Mỹ), nhưng làm việc trong lĩnh vực này thường khó khăn và nguy hiểm, điều kiện về nhà ở cũng kém hơn.

d) Bồi thường tai nạn:

Người lao động nước ngoài được áp dụng Luật Bồi thường tai nạn ban hành năm 1952. Theo Luật này, chủ sử dụng phải bảo đảm cho người lao động được đăng ký bảo hiểm tại công ty bảo hiểm địa phương. Người chủ phải đóng mức phí bảo hiểm là 96 RM/ người lao động. Bảo hiểm này dùng bồi thường cho người lao động bị chết, mất sức vĩnh viễn, mất sức tạm thời, thương tật. Hiện tại có 11 công ty bảo hiểm được Cục Việc làm - Bộ Nhân lực cho phép hoạt động.

e) Quỹ Dự phòng:

Được thành lập từ năm 1951, mục đích của Quỹ Dự phòng (EPF) là cung cấp cho các thành viên một khoản trợ cấp xã hội thông qua sự đóng góp bắt buộc. Người lao động phải đóng góp bắt buộc. Người lao động phải đóng góp vào EPF hàng tháng với mức 9% lương (là người Malaysia) và chủ sử dụng đóng 11% quỹ lương. Nhưng thực tế đối với lao động nươc ngoài, các chủ sử dụng chỉ phải đóng 5 RM cho một lao động, thấp hơn nhiều so với 11% quỹ lương. Mặt khác, lao động nước ngoài vẫn phải đóng góp khoản tiền 9% lương như đối với lao động Malaysia.

f) Nhà ở và phương tiện đi lại:

Nhà ở và phương tiện đi lại đều do chủ sử dụng bố trí và chịu chi phí.

g) Về thuế thu nhập:

Trong lĩnh vực trồng trọt và giúp việc gia đình, mức thuế thu nhập quy định là 360 RM/năm (khoảng 95 USD/năm);

Trong các lĩnh vực khác, mức thuế thu nhập là 1.200 RM/năm (khoảng 315 USD/năm);

Thuế thu nhập do người lao động trả, nhưng chủ sử dụng phải tạm ứng để đóng hàng năm, sau đó được phép trừ dần vào lương của người lao động.