Điều 38:
Hợp đồng Dịch vụ phải làm thành 3 bản và được Cục xác nhận. Mỗi bên giữ 1
bản và bản thứ 3 lưu ở Cục. Hợp đồng dịch vụ phải bao gồm những điều
khoản liên quan đến mối quan hệ lao động giữa 2 bên và thể hiện các nội
dung sau:
1- Tên chủ và địa điểm làm việc.
2- Tên, trình độ, quốc tịch, nghề nghiệp và cư trú của người lao động.
3- Ngày ký kết hợp đồng.
4- Loại công việc.
5- Ngày bắt đầu làm việc.
6- Thời hạn của hợp đồng, nếu như hợp đồng có thời hạn cụ thể.
7- Lương thoả thuận, ngày và phương thức trả lương.
Nếu
hợp đồng dịch vụ không viết thành văn bản thì người lao động có thể
chứng minh mối quan hệ lao động và quyền lợi nảy sinh từ hợp đồng đó
bằng mọi chứng cứ.
Điều 39:
Hợp đồng dịch vụ phải có điều khoản về thời gian thử việc do 2 bên thoả thuận và không được vượt quá 6 tháng.
Thời gian thử việc chỉ được thực hiện 1 lần với cùng 1 người chủ.
Chủ
có thể chấm dứt hợp đồng trong thời gian thử việc nếu có bằng chứng về
người lao động không có khả năng thực hiện công việc và người chủ phải
thông báo cho người lao động ít nhất là 3 ngày trước khi chấm dứt.
Điều 40:
Nếu
hợp đồng dịch vụ có thời hạn thì thời hạn đó không được quá 5 năm và có
thể được gia hạn 1 lần hoặc nhiều lần do sự thoả thuận của 2 bên.
Nếu
sau khi hết hạn hợp đồng, hai bên vẫn tiếp thục thực hiện hợp đồng mà
không có thoả thuận gì khác, thì hợp đồng đó mặc nhiên được coi là hợp
đồng không thời hạn với cùng điều kiện đã ghi tại hợp đồng gốc.
Thời
gian được gia hạn coi như sự kéo dài thời hạn làm việc trước đó và thời
gian làm việc của người lao động được tính kể từ khi bắt đầu làm việc
cho người chủ theo hợp đồng ban đầu.
Điều 41:
Nếu nội dung của hợp đồng chỉ là thực hiện một công việc nào đó thì hợp dồng đó sẽ hết hiệu lực khi công việc đã hoàn thành.
Nếu
bản chất công việc khó có thể gia hạn được và việc thực hiện hợp đồng
vẫn tiếp tục cho đến khi hoàn thành công việc đã thỏa thuận thì hợp
đồng đó coi như đã được gia hạn với thời hạn tương ứng do 2 bên thoả
thuận.
Điều 42:
Người lao động phải tuân thủ các qui định sau đây:
1- Tự thực hiện công việc của mình và chú ý đến công việc của những người khác cùng làm để tránh gây tai nạn.
2- Chấp
hành lệnh của chủ liên quan đến việc thực hiện công việc nếu như các
lệnh đó không mâu thuẫn với luật hoặc hợp đồng và khi thực hiện công
việc đó người lao động không gặp nguy hiểm.
3- Không được làm việc cho bên thứ 3, dù có hoặc không hưởng lương.
4- Phải giữ gìn bảo quản nguyên vật liệu, các phương tiện sản xuất và sản phẩm vv…
5- Phải tuân thủ các chỉ dẫn về an toàn, vệ sinh nghề nghiệp do hãng quy định.
6- Phải hợp tác để cùng ngăn chặn các tai nạn có thể xẩy ra tại nơi làm việc hoặc cứu trợ để giảm nhẹ các hậu quả xẩy ra.
7- Phải tiếp tục học tập để nâng cao trình độ và kỹ năng nghề nghiệp phù hợp với quy định và thủ tục do chủ quyết định.
8- Không được tiết lộ bí mật của chủ ngay cả khi hết hạn hợp đồng.
9- Không được sử dụng công cụ làm việc ở ngoài nơi làm việc nếu không được phép của chủ và phải bảo quản tại vị trí quy định.
10-Không được đòi hỏi chủ phải cho quà, tiền hoa hồng đối với công việc thuộc bổn phận của mình phải làm.
Khi hết hạn hợp đồng phải trả lại các dụng cụ hoặc vật liệu không dùng đến vào nơi quy định.
Điều 43:
Sau
khi luật này có hiệu lực, nếu như trong Hợp đồng dịch vụ có điều khoản
nào đó còn qui định người lao động sẽ làm việc suốt đời cho chủ thuê
hoặc qui định sau khi thôi việc người lao động không được làm công việc
tương tự ở nơi khác thì những qui định trên sẽ vô hiệu, kể cả với hợp
đồng đã ký trước khi ban hành luật này.
Nếu
nội dung công việc cho phép người lao động biết được khách hàng của chủ
hoặc những bí mật kinh doanh của doanh nghiệp thì chủ có thể quy định
người lao động không được phép cạnh tranh với mình hoặc tham gia bất cứ
công việc nào để cạnh tranh với chủ sau khi hết hạn hợp đồng.Các quy
định này chỉ có giá trị nếu giới hạn về thời gian, địa điểm và loại công
việc trong một chừng mực nào đó nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của
người chủ.
Thời gian giới hạn không vượt quá 2 năm.
Điều 44:
Chủ
có trách nhiệm phải cung cấp mọi thứ cần thiết để người lao động thực
hiện được công việc. Nếu người lao động có mặt tại nơi làm việc và sẵn
sàng làm việc nhưng không thể làm việc được vì nhiều lý do vượt quá tầm
kiểm soát của họ thì người lao động được coi như đã thực sự đảm nhận
công việc và có quyền được hưởng lợi ích từ việc làm đó.
Điều 45:
Chủ
không được đòi hỏi người lao động phải làm những công việc khác với
công việc đã thoả thuận trong hợp đồng, trừ khi thấy cần thiết để ngăn
chặn tai nạn hoặc khi sửa chữa những trục trặc phát sinh, hoặc trong
trường hợp bất khả kháng với điều kiện là người lao động được trả lương
cho công việc đó.
Trong
trường hợp ngoại lệ, người chủ có thể yêu cầu người lao động làm những
công việc khác so với công việc đã thoả thuận trong hợp đồng nếu công
việc đó là tạm thời hoặc về cơ bản không khác với công việc ban đầu và
nếu yêu cầu làm công việc đó không xúc phạm tới người lao động và tiền
luơng của người lao động không bị cắt giảm.
Điều 46:
Chủ
sử dụng từ 10 lao động trở lên phải có quy định về tổ chức công việc
tại hãng mình. Các quy định cũng như các điều bổ sung phải được Cục chấp
nhận. Nếu như Cục không thông báo về sự chuẩn y trong vòng 1 tháng, kể
từ ngày đệ trình thì được coi như đã chuẩn y.
Các quy định này phải niêm yết công khai tại trụ sở của hãng để mọi người tuân theo.
Bộ trưởng sẽ quy định mẫu và huớng dẫn chủ thực hiện.
Điều 47:
Đối với mỗi lao động chủ phải lập 1 bộ hồ sơ gồm các giấy tờ, chứng chỉ, các quyết định và chỉ dẫn liên quan đến người lao động.
Chủ phải lưu giữ bộ hồ sơ này trong thời hạn ít nhất là 1 năm, sau khi hợp đồng dịch vụ với người lao động đã kết thúc.
Điều 48:
Chủ phải duy trì các hồ sơ sau:
1. Hồ
sơ người lao động: tên, quốc tịch, công việc, tiền lương, ngày bắt đầu
làm việc, tình trạng gia đình, văn bằng, chứng chỉ nghề, ngày nghỉ phép
và các khoản phạt do họ gây nên.
2. Hồ
sơ về tiền lương: mức lương theo ngày, theo tuần, theo tháng hoặc theo
sản phẩm và các khoản phụ cấp khác đối với từng người. Mức lương tổng,
số tiền khấu trừ và mức lương ròng mà người lao động được nhận .
3. Hồ sơ về các khoản phạt tiền mà người lao động phải trả và tổng số lần bị phạt.
4. Hồ sơ thương tật do công việc gây nên.
5. Hồ sơ kết thúc hợp đồng, ghi rõ ngày tháng, lý do kết thúc và quyền lợi phải trả cho họ hay người thừa kế được hưởng.
Điều 49:
Nếu
hợp đồng dịch vụ không qui định thời hạn thì một trong hai bên liên
quan có thể chấm dứt mà không cần phải nêu lý do chấm dứt.Trong trường
hợp này bên có ý định chấm dứt hợp đồng phải thông báo cho bên kia bằng
văn bản như sau:
1- Đối
với người lao động hưởng lương tháng hay lương năm thì thời hạn thông
báo đó không được ít hơn 1 tháng trước khi chấm dứt, nếu người lao động
đã làm việc dưới 5 năm. Nếu thời gian làm việc trên 5 năm, thì thời hạn
thông báo đó không được ít hơn 2 tháng trước khi chấm dứt.
2- Trong các trường hợp khác, việc thông báo chấm dứt hợp đồng phải tuân thủ thời hạn như sau:
a- Nếu thời gian làm việc ít hơn 1 năm thì hạn thông báo này ít nhất phải là 1 tuần trước đó.
b- Nếu thời gian làm việc là hơn 1 năm và dưói 5 năm thì hạn thông báo này ít nhất là 2 tuần.
c- Nếu thời gian làm việc là trên 5 năm thì thông báo ít nhất phải là 1 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng.
Nếu
chấm dứt hợp đồng mà không tuân theo các quy định trên, thì bên chấm
dứt hợp đồng phải có trách nhiệm bồi thường cho bên kia một số tiền
tương đương với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo
trước.
Điều 50:
Chủ
phải thanh toán đầy đủ lương cho người lao động trong thời hạn thông
báo như đã nêu trong điều khoản trên nếu người lao động thực hiện công
việc một cách bình thường.
Chủ
phải cho phép người lao động có quốc tịch Qatar vắng mặt tại nơi làm
việc 1 thời gian hợp lý để người đó có thể đăng ký tìm việc làm mới tại
Cục. Người lao động phải thông báo ngay cho chủ về công viêc mới được
tuyển và tiếp tục làm việc cho chủ cũ cho đến khi hết hạn thời gian
thông báo này.
Điều 51:
Người
lao động có thể chấm dứt hợp đồng dịch vụ trước hạn nếu hợp đồng đó có
thời hạn và không phải nêu lý do chấm dứt. Nếu hợp đồng vô thời hạn thì
ngưòi lao động có quyền được hưởng tiền trợ cấp thôi việc trong các
trường hợp sau:
1- Chủ vi phạm trách nhiệm quy định trong hợp đồng hoặc các điều khoản của luật này.
2- Nếu chủ hoặc người đại diện lăng nhục hoặc có hành động bạo lực đối với người lao động hay thành viên gia đình họ.
3- Nếu chủ hay người đại diện lừa dối người lao động khi giao kết hợp đồng về các điều khoản và điều kiện của hợp đồng.
4- Nếu
tiếp tục công việc người lao động có thể phải đối mặt với nguy hiểm
hay có hại cho sức khoẻ mà người chủ đã biết điều đó nhưng không có biện
pháp khắc phục.
Điều 52:
Hợp đồng dịch vụ không được chấm dứt trong hai trường hợp sau:
1- Khi
người chủ bị chết, trừ khi hợp đồng đó đã tính toán đến hoàn cảnh cá
nhân và hoạt động nghề nghiệp của người chủ để có thể chấm dứt ngay khi
người đó bị chết.
2- Khi
sát nhập doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác hoặc chuyển quyền sở
hữu hoặc quyền quản lý của chủ cho người khác với mọi lý do.
Người kế thừa phải có trách nhiệm liên đới với người chủ cũ để đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Điều 53:
Chủ phải thực hiện một số việc sau đây ngay sau khi chấm dứt hợp đồng:
1- Cấp
miễn phí giấy chứng nhận lao động trong đó nói rõ thời gian tuyển dụng,
ngày chấm dứt làm việc, loại công việc và mức lương, khi người lao động
yêu cầu.
2- Hoàn trả mọi giấy tờ mà người lao động đã nộp cho hãng.
Điều 54:
Ngoài
khoản mà người lao động được hưởng khi chấm dứt hợp đồng thì người chủ
phải trả một khoản trợ cấp cho người lao động nếu người đó đã làm việc
được từ một năm trở lên. Khoản trợ cấp này do hai bên thoả thuận nhưng
không được thấp hơn 3 tuần lương đối với mỗi năm làm việc. Người lao
động có quyền được hưởng tiền trợ cấp tuỳ theo số năm làm việc cho chủ .
Việc
làm của người lao động được coi là liên tục nếu người lao động bị chấm
dứt hợp đồng không đúng với những tình huống quy định tại Điều 61 của
luật này và người lao động được trở lại làm việc trong vòng 2 tháng kể
từ lúc chấm dứt
Mức lương cơ bản cuối cùng sẽ là cơ sở để tính tiền trợ cấp.
Người chủ có quyền khấu trừ vào khoản trợ cấp này nếu người lao động còn nợ.
Điều 55:
Khi
người lao động bị chết trong lúc làm việc vì bất cứ lý do nào, thì
trong vòng 15 ngày kể từ ngày tử vong, người chủ phải đặt cọc tại toà án
các khoản lương còn nợ và tiền trợ cấp mà người đó có quyền hưởng. Hồ
sơ đặt cọc phải ghi rõ các nội dung chi tiết để chứng minh phương pháp
tính tiền trợ cấp và báo cáo cho Cục.
Toà
án sẽ phân chia khoản tiền đặt cọc này cho những người thừa kế của
người đã chết phù hợp với quy định của Luật đạo Hồi hoặc Luật dân sự
được áp dụng đối với các nước có người lao động và nếu trong vòng 3 năm
kể từ ngày đặt cọc mà không có ai đến nhận thì toà án sẽ xung công vào
quỹ phúc lợi quốc gia.
Điều 56:
Nếu
chủ áp dụng hệ thống trả lương hưu mà bảo đảm cho người lao động có
quyền lợi nhiều hơn là khoản trợ cấp lúc chấm dứt hợp đồng theo điều 54
trên thì không bắt buộc phải trả khoản phụ cấp chấm dứt hợp đồng như
đã nói trên.
Nếu
thực tế mà người lao động hưởng theo chế độ hưu trí thấp hơn khoản trợ
cấp lúc chấm dứt hợp đồng thì người chủ phải trả khoản trợ cấp khi kết
thúc hợp đồng và những khoản mà người lao động đã đóng góp vào chế độ
luơng hưu.
Người lao động có thể chọn khoản trợ cấp lúc chấm dứt hợp đồng hoặc khoản lương trả theo chế độ hưu trí.
Điều 57:
Ngay
sau khi kết thúc hợp đồng dịch vụ người chủ chịu chi phí đưa người
lao động trở lại nơi mà họ đã được tuyển mộ hoặc một nơi nào khác do 2
bên thoả thuận.
Người chủ phải hoàn thành mọi thủ tục để đưa những người không phải quốc tịch Qatar
về nước trong thời hạn không quá 2 tuần kể từ ngày hết hạn hợp đồng.
Nếu người lao động làm việc cho chủ khác trước khi về nước thì nghĩa vụ
đưa trả về nước thuộc trách nhiệm của chủ mới.
Người chủ phải chịu kinh phí tang lễ và chuyển tro hài cốt người lao động về nước ngay khi có yêu cầu của người thừa kế.
Nếu
người chủ không đưa người lao động hoặc hộp tro của người chết về nước,
thì Cục sẽ làm việc này và người chủ phải chịu mọi phí tổn liên quan.
(còn nữa)