Diện tích: 2.150.000
km2. Đất đai nằm trong tình trạng sa mạc hoá, nhưng có nhiều tài nguyên
thiên nhiên như dầu mỏ, khí tự nhiên, quặng sắt, vàng, đồng.
Dân số: 25,6
triệu người (số liệu năm 2005 - trong đó 5.576.000 là người nước ngoài)
bao gồm 90% là người Ảrập và 10% là người lai Phi-Á. Tỷ lệ tăng dân số
khoảng 3,39%/năm. Mật độ dân số: 10người/km2.
Thủ đô: Riát (Riyadh).
Ngoài ra còn có các thành phố lớn như: Jiddah, Mecca, Medina…
Đơn vị tiền tệ: là đồng Riyal Ả Rập Xê út (SR). 1 Riyal = 100 halalah. Đồng Riyal phát hành dạng tiền xu với mệnh giá là 5, 10, 25, 50 và 100 halalah. Tiền giấy có các mệnh giá là 1, 5, 10, 100, 500 riyal.
Tỷ giá hối đoái: 1USD ≈ 3,75 riyal Xê út.
Ngôn ngữ chính: Tiếng
Ả Rập. Việc giao tiếp với các bộ phận Chính phủ đều phải sử dụng tiếng Ả
Rập. Tuy nhiên, tiếng Anh cũng được sử dụng rộng rãi.
Khí hậu:
Ả rập Xê út thuộc vùng khí hậu sa mạc, khô. Lượng mưa trung bình hàng
năm xấp xỉ 100mm, ở vùng núi 400mm. Nhiệt độ cao nhất vào mùa hè ở miền
Trung là 500C, thấp nhất là 300C; mùa đông khoảng 190C, vào ban đêm có thể xuống dưới 00C. Phía Đông và phía Tây: Nhiệt độ cao nhất là 40 độ C, thấp nhất là 320C; Mùa đông nhiệt độ vào khoảng 170C – 300C.
Lịch sử
Từ
thế kỷ thứ VII, Môhamét đã thống nhất bán đảo Ả rập và những người kế
tục ông đã chinh phục các vùng đất từ Đại Tây Dương đến Ấn Độ. Sau nhiều
năm đấu tranh giành thống nhất các tiểu Vương quốc trên bán đảo Ả rập,
năm 1927 Vương quốc Ả rập Xê út tuyên bố độc lập.
Quốc khánh: 23 - 9 - 1932. Ả rập Xê út lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam ngày 21/10/1999.
Tổ chức nhà nước: Vương quốc Ả rập Xê út theo
chính thể quân chủ. Lãnh thổ được chia thành các khu vực hành chính gồm
13 tỉnh là: Al Bahah, Al Hudud ash Shamaliyah, Al Jawf, Al Madinah, Al
Qasim, Ar Riyad, Ash Sharqiyah, Asir, Hail, Jizan, Makkah, Najran,
Tabuk.
Hiến pháp: Theo luật Sharia của Đạo Hồi.
Cơ quan hành pháp: Đứng đầu nhà nước và Chính phủ là Quốc vương. Hiến pháp qui định ngôi Quốc vương được cha truyền con nối.
Cơ quan lập pháp: Hội đồng tư vấn bao gồm 90 thành viên. Chủ tịch Hội đồng do Quốc vương bổ nhiệm theo nhiệm kỳ 4 năm.
Tổng quan về kinh tế:
Nền kinh tế Ả rập Xê út dựa trên cơ sở chính là dầu mỏ, được Chính phủ
kiểm soát chặt chẽ. Ả rập Xê út có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới
(chiếm 26% tổng trữ lượng của thế giới), là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn
nhất và giữ vai trò chủ chốt trong các nước thuộc tổ chức xuất khẩu dầu
mỏ (OPEC). Dầu mỏ giữ vị trí chủ đạo trong nền kinh tế, ngoài ra các
ngành xây dựng, sản xuất chế tạo và dịch vụ cũng rất phát triển thu hút
nhiều lao động. Tuy nhiên, nguồn lao động trong nước rất thiếu nên tại Ả
rập Xê út luôn có khoảng 4 triệu công nhân nước ngoài làm việc trong
các lĩnh vực này.
Sản
phẩm công nghiệp chủ yếu là các sản phẩm dầu mỏ, ngoài ra còn có xi
măng, thép cán, vật liệu xây dựng, phân bón, nhựa tổng hợp…
Sản phẩm nông nghiệp: gồm lúa mì, lúa mạch, khoai tây, dưa, chà là, cam quýt; cừu, gà, trứng, sữa.
Xuất
khẩu của Ả rập Xê út đạt 59,7 tỉ USD/năm. Các mặt hàng xuất khẩu gồm
dầu mỏ và sản phẩm hoá dầu. Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Xingapo, Ấn Độ là
những bạn hàng lớn của nước này. Các mặt hàng nhập khẩu chiếm 26,2 tỷ
USD/năm, bao gồm máy móc, thiết bị, thực phẩm, hoá chất, phương tiện
giao thông, hàng dệt may được nhập từ Mỹ, Anh, Nhật Bản, Đức, Italia.
Ả
rập Xê út có cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông rất phát triển với
máy móc, trang thiết bị hiện đại. Cả nước có khoảng 1,5 triệu máy điện
thoại.
Về cơ sở hạ tầng, năng lượng và giao thông: Hàng năm Ả rập Xê út sản xuất khoảng 95 tỷ Kwh điện năng (nhiệt điện).
Cơ
sở hạ tầng về giao thông khá phát triển gồm 1.390km đường sắt, trong đó
có 448km đường đôi. Đường bộ có khoảng 162.000 km (ước tính 1996) gồm
69.174km đường có lát mặt và 92.826km đường không lát mặt. Hệ thống
đường ống dẫn dầu thô dài khoảng 4.600km, được sử dụng để chuyển tải các
sản phẩm dầu mỏ, khí tự nhiên.
Vận
tải đường thuỷ được thông qua hệ thống cảng biển như: Ad Dammam, Al
Jubayl, Duba, Jiddah, Jizan, Rabigh, Ra’s al Khafji, Mishab, Ras Tanura,
Yanbu’ al Bahr, Madinat Yanbu’ al Sinaiyah. Với tổng số 73 tàu lớn giao
thương với nhiều nước trên thế giới.
Ngoài
hệ thống đường sắt, đường bộ, đường thuỷ, Ả rập Xê út còn có 205 sân
bay phục vụ vận chuyển hành khách và hàng hoá trong nội địa và quốc tế.
Văn hoá - xã hội:
Số người dân biết đọc biết viết chiếm 62,8% tổng dân số (nam là 71%, nữ 50,2% - ước tính 1995).
Chương
trình giáo dục trước tuổi học đường kéo dài 2 năm dành cho trẻ em từ 4
đến 6 tuổi, sau đó là giáo dục tiểu học 6 năm, tiếp đến là 3 năm học
chuyển tiếp và 3 năm trung học. Toàn bộ hệ thống giáo dục kể cả đại học
tại Ả rập Xê út đều được Nhà nước tài trợ. Những năm gần đây, tỷ lệ
người lớn biết chữ đã tăng lên đáng kể.
Về
sức khoẻ và phúc lợi xã hội: hệ thống y tế được cải thiện nhanh chóng.
Mọi công dân Ả rập Xê út và cả những người hàng năm hành hương tới thành
địa Mecca
đều được chữa bệnh miễn phí. Tại các thành phố lớn, đều có bệnh viện
tương đối hiện đại, các vùng nông thôn đều có phòng khám đa khoa.
Ả rập Xê út có nhiều danh lam thắng cảnh gồm các nhà thờ Đạo Hồi, Thánh địa Mecca, Mêđina, các khu liên hợp công nghiệp dầu mỏ.
Tôn giáo: Đạo
Hồi là Quốc đạo của Ả rập Xê út. Người theo đạo Hồi không ăn thịt lợn,
không dùng rượu, bia. Công dân nước sở tại cũng như du khách và người
lao động đến nước này đều phải tuân theo những luật lệ và tập quán của
đạo Hồi.
Các ngày lễ gồm:
Eid
Al-Fitr: 28/01; Eid Al-Adha: 04/04. Những ngày lễ này được thay đổi
theo từng năm. Ả Rập Xê út theo lịch âm, lịch này ngắn hơn lịch dương
khoảng 11 ngày.
Thời gian cầu nguyện như sau:
- Fajr:
từ 3h sáng đến 5h sáng; Dhur: vào buổi trưa; Asr: từ 2h 45 đến 3h 30;
Magreb: vào lúc mặt trời lặn; Isha: từ 7h 30 đến 9h tối.
Lễ hội thánh Ramadan: Lễ
hội này diễn ra vào tháng thứ 9 theo lịch Hijra, trong tháng thánh
Ramadan, những tín đồ Hồi giáo ở Ả Rập Xê út sẽ nhịn ăn từ lúc bình minh
đến khi hoàng hôn. Những người không theo đạo Hồi phải tuân thủ theo
luật pháp địa phương và không được phép ăn uống hoặc hút thuốc ở nơi
công cộng hoặc ở công sở trong suốt thời gian ăn chay.
Trong
thời gian diễn ra lễ hội thánh Ramadan, các công sở và nhà máy sẽ được
giảm giờ làm việc. Các cơ sở ăn uống, kinh doanh đóng cửa cả ngày. Mọi
hoạt động chỉ bắt đầu sau giờ làm lễ kết thúc.
Phong tục
của Ả Rập Xê út quy định trang phục bắt buộc đối với nam và nữ tại
những nơi công cộng, đặc biệt trong khi mua sắm và ăn tối tại các nhà
hàng. Đối với phụ nữ, phong tục bắt buộc là đầu, tay, chân phải được che
kín. Không được phép mặc quần áo ngắn. Trang phục thích hợp với phụ nữ
nói chung là kín đáo. Đàn ông mặc quần dài, không được phép đeo dây
chuyền ở nơi công cộng.
II. THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý
Thị trường lao động:
Ả
Rập Xê út là thị trường lao động có khả năng tiếp nhận lao động nước
ngoài với số lượng lớn. Thị trường này không quy định hạn ngạch tiếp
nhận lao động nước ngoài như các quốc gia khác. Ước tính hiện có khoảng 4
triệu người nước ngoài đang làm việc tại các xí nghiệp, công trường của
quốc gia này. Từ lâu nay, Inđônêsia và Philipin là những nước đưa nhiều
lao động sang Ả Rập Xê út. Nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài của
quốc gia này rất lớn đặc biệt là trong các lĩnh vực xây dựng và cơ khí
chế tạo, chế biến dầu, khí.
Về mức lương:
Người làm công việc giản đơn được trả lương từ 200-300 USD/tháng. Lao
động có tay nghề vững được trả từ 500-600 USD. Chi phí sinh hoạt vào
khoảng 100 USD/tháng. Điều kiện làm việc của người lao động nhìn chung
là tốt. Pháp luật Ả Rập Xê út quan tâm việc bảo vệ quyền lợi của lao
động nước ngoài.
Trong những năm qua, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam
và Ả Rập Xê út không ngừng phát triển. Cùng với quan hệ kinh tế, quan
hệ lao động đã bước đầu được mở ra và đang có triển vọng phát triển tốt.
Thời gian qua, Bộ Lao động – TB&XH nước ta đã cử đoàn công tác tới
Trung Đông khảo sát thị trường lao động khu vực này gồm cả Ả Rập Xê út.
Trong số gần 6.000 lao động Việt Nam
đang làm việc tại Trung Đông, tại Ả Rập Xê út mới có 300 người. Đầu
tháng 9 vừa qua, Chính phủ ta đã cho phép mở rộng XKLĐ sang khu vực
Trung Đông nói chung và Ả Rập Xê út nói riêng. Bộ Lao động – TB&XH
cũng đã chính thức làm việc với Hiệp hội các doanh nghiệp sử dụng lao
động của Ả Rập Xê út (Sarnacom) chuẩn bị cho những đợt tuyển dụng, đào
tạo, cung ứng với số lượng lớn lao động sang thị trường này.
Những điều cần lưu ý
a. Qui định về Visa: Tất
cả những người nước ngoài đến Ả Rập Xê út đều phải xin visa để nhập
cảnh. Có 3 loại visa được Chính phủ Ả Rập Xê út cấp là: visa du lịch,
visa làm việc và visa xuất cảnh/visa nhập cảnh trở lại.
Visa du lịch: được cấp để phục vụ mục đích kinh doanh và có thời hạn tối đa là 3 tháng
Visa làm việc:
1. Để
có thể làm việc ở Ả Rập Xê út người lao động phải có visa làm việc
(giấy phép cư trú). Visa này được gọi là “Iquma” chỉ được cấp khi nhập
cảnh vào Vương quốc Ả Rập để làm việc.
2. Visa Iquma có thời hạn 02 năm Hijra (lịch của Ả Rập Xê út) và có thể cấp mới khi được Chính phủ Ả Rập Xê út cho phép.
3. Visa Iquma sử dụng làm giấy tờ đi lại trong thời gian người lao động sống tại Ả Rập.
Visa xuất cảnh và tái nhập cảnh qui định như sau:
1. Sau khi người lao động nước ngoài có visa Iquma, họ phải có visa xuất cảnh và tái nhập cảnh mỗi lần họ rời khỏi Ả Rập Xê út .
2. Mỗi
thành viên trong gia đình người lao động nước ngoài sống tại Vương quốc
này cần phải có visa xuất cảnh và visa tái nhập cảnh.
3. Visa
xuất cảnh và tái nhập cảnh, sau khi được đóng dấu vào hộ chiếu có thời
hạn 02 tháng Hijra. Qúa thời hạn này khi nhập cảnh sẽ bị phạt 1.000SR
đến 3.000SR.
4. Thời hạn đối với tất cả các loại visa cần được kiểm tra cẩn thận trước khi rời khỏi Vương quốc để tránh những rắc rối sau này.
5. Nếu hộ chiếu không còn hạn trong 06 tháng sẽ không được cấp visa.
6. Luật pháp Ả Rập Xê út quy định hội chiếu của người lao động nước ngoài do chủ sử dụng giữ trong thời gian cư trú và làm việc.
7. Trước khi rời khỏi Ả Rập Xê út , chủ sử dụng sẽ giữ lại visa Iquma. Iquma không được mang ra khỏi Ả Rập Xê út .
8. Ngày lưu trong visa nên được chuyển đổi từ lịch Hijra sang lịch Gregorian (lịch Hoàng đạo) để tiện tra cứu.
b. Qui định những thứ không được mang theo: Lao động đến Ảrập Xê-út không được mang theo những thứ sau:
1. Các loại đồ uống có cồn và bất cứ sản phẩm nào có chứa cồn.
2. Tất cả các loại ấn phẩm đồi truỵ ở bất cứ dạng nào (tạp chí, sách hoặc video, cassettte).
3. Nếu mang theo thuốc tân dược có chứa chất Nicotin và chất gây nghiện cần có đơn của bác sĩ cho phép sử dụng các loại thuốc này.
4. Các loại vũ khí, đạn dược và pháo hoa, pháo nổ.
5. Bất cứ các loại biểu tượng tôn giáo nào không thuộc đạo Hồi.
6. Các loại sản phẩm thịt lợn.
7. Các loại sách hoặc ấn phẩm khác bằng ngôn ngữ Israel hoặc ngôn ngữ Do thái.
8. Các loại sách hoặc ấn phẩm liên quan đến các hệ tư tưởng khác với hệ tư tưởng chính thống của đạo Hồi.
9. Các tranh khoả thân (bao gồm cả ảnh mầu trong sách nghệ thuật).
10. Điện thoại không dây với thiết bị có dải tần dài.
11. Radio có dải băng tần của cảnh sát.
c. Qui định trong công việc:
Người
lao động không được phép làm việc cho chủ khác ngoài công việc đã được
chủ sử dụng phân công. Vi phạm quy định này sẽ bị phạt tiền hoặc trục
xuất về nước.
Giờ làm việc: được thực hiện theo qui định quốc tế: 8 giờ/ngày, 48 giờ/1tuần.
Ngày
làm việc: bắt đầu từ thứ bảy đến thứ 4. Ngày nghỉ: thứ 5 và thứ 6. Theo
qui định của đạo Hồi thứ 6 là ngày lễ của Đạo Hồi. Trong tháng Ramadan:
1 ngày làm việc không quá 6 tiếng và 36 tiếng /1 tuần không kể thời
gian để hành lễ, nghỉ giải lao và ăn.
Một
số loại hình công việc người lao động thường phải làm 9 giờ/ngày như
công việc tại khách sạn, quán bar, nhà hàng. Giờ làm việc cũng có thể
giảm xuống cho những công việc trong môi trường độc hại hoặc nguy hiểm.
Làm việc vào ngày nghỉ, ngày lễ sẽ được hưởng 150% lương. Thời gian làm thêm: không quá 4 tiếng/ngày.
Người lao động nước ngoài không phải đóng thuế thu nhập cá nhân.
Lao động nước ngoài không được phép rời khỏi Ảrập Xê-út nếu như không có sự đồng ý của chủ sử dụng.
Lao
động nước ngoài sau khi kết thúc hợp đồng lao động chỉ được phép quay
lại Ả rập Xê út sau 6 tháng kể từ ngày rời khỏi nước này. Nếu chấm dứt
hợp đồng lao động trước hạn thì sau 3 năm mới được phép quay trở lại Ả
rập Xê út.
Luật Lao động Ả rập Xê út không điều chỉnh loại hình lao động giúp việc gia đình.
Thông tin về quyền lợi của lao động một số nước hiện đang làm việc tại Ả rập Xê út cho thấy:
Người
lao động được chủ sử dụng chịu chi phí đi lại từ nơi ở đến nơi làm việc
và ngược lại; được cung cấp 3 bữa ăn miễn phí; được cung cấp chỗ ở.
Người
lao động nước ngoài nên ký hợp đồng lao động cho chủ là người Ả rập Xê
út hoặc chủ có đủ tư cách pháp nhân theo Quy định về đầu tư nước ngoài.
Chủ sử dụng sẽ giữ hộ chiếu trong thời gian người lao động cư trú và làm việc. Lao động chỉ được giữ giấy phép cư trú để đi lại.
d. Về tiền lương: Thông
tin từ một số nước cung ứng lao động sang Ả rập Xê út cũng cho biết về
mức lương của một số nhóm nghề như sau (tính theo USD):
- Lao
động chuyên gia và kỹ thuật: Kế toán ngân hàng/ Các tổ chức tài chính,
Kỹ sư, Kiến trúc sư, Hộ lý, Y tá, Bác sỹ, Chuyên gia y tế, Bác sỹ nha
khoa, Dược sỹ: từ 280 USD– 1200 USD.
- Công việc Hành chính; Bán hàng: Thư ký, Trông giữ cửa hàng: từ 186 USD – 775 USD.
- Ngành
Dịch vụ (Quản gia, Người quét dọn, Đầu bếp, Thợ cắt tóc/Thợ cạo,thợ
giặt là, Bồi bàn, Thợ chăm sóc sắc đẹp và Bảo trì các toà nhà (bệnh
viện, khách sạn…): từ 160 USD – 575 USD.
- Sản
xuất, vận hành máy móc và công nhân xây dựng: Lái xe, Vận hành các
thiết bị máy móc loại nặng, Thợ cơ khí, thợ điện, thợ hàn, thợ nề, thợ
xây, thợ may, thêu: 186 USD – 430 USD.
- Giúp việc gia đình: 200USD.
Những lưu ý đối với doanh nghiệp:
Thị trường lao động Ả
rập Xê út đã được Chính phủ cho phép triển khai, mở rộng, vì vậy trong
thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp tập trung khai thác. Để việc cung
ứng lao động sang thị trường mới mẻ này diễn ra một cách suôn sẻ, các
doanh nghiệp cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
- Nên
tổ chức khảo sát thực tế thị trường này để tìm được những đối tác lớn,
là những nhà thầu lao động trực tiếp cho giới chủ tiếp nhận nhiều lao
động. Chọn những ngành nghề và công việc cụ thể phù hợp với sức khoẻ,
trình độ tay nghề tương ứng với chất lượng nguồn lao động trong nước với
mức lương có thể chấp nhận được so với các thị trường khác để ký kết
hợp đồng. Không nên ham ký những hợp đồng lớn, thiếu điều kiện khả thi,
không phù hợp với năng lực của đơn vị để tránh bị phạt khi doanh nghiệp
không cung ứng kịp số lượng lao động đã thoả thuận với đối tác.
Giải pháp tốt nhất cho thị trường này là doanh nghiệp vừa làm vừa rút kinh nghiệm để tránh những trục trặc có thể xảy ra.
- Nội
dung hợp đồng: Cần bám sát qui định pháp luật nước sở tại, đặc biệt là
khâu làm các thủ tục cho người lao động và visa nhập cảnh. Lưu ý rằng,
nước ta và Ả rập Xê út, tuy đã thiết lập quan hệ ngoại giao nhưng trên
lãnh thổ 2 nước chưa có đại sứ quán của mỗi bên nên việc làm visa cho
người lao động phải thông qua Đại sứ quán của bạn ở một nước khác.
- Mỗi
doanh nghiệp cần học hỏi kinh nghiệm đàm phán hợp đồng, giải quyết các
thủ tục từ những đơn vị đã từng cung ứng lao động sang thị trường này.
- Về nguồn lao động và công tác đào tạo:
+
Thuận lợi cho các doanh nghiệp hiện nay là thời gian qua do một số thị
trường khác ít nhận lao động nam nên nguồn lao động nam thuộc các lĩnh
vực xây dựng và công xưởng khá dồi dào, mặt khác mức lương tại Ả rập Xê
út dễ được người lao động chấp nhận. Tuy nhiên, việc tuyển chọn lao động
sang thị trường này lại đòi hỏi cao hơn về mặt thể lực, trình độ tay
nghề, đặc biệt là về ý thức tổ chức kỷ luật. Đây là điều doanh nghiệp
cần lưu ý.
+
Khâu đào tạo, giáo dục định hướng: ngoài việc chuẩn bị tốt tiếng Anh
cho người lao động, cần hình thành và rèn luyện cho người lao động thói
quen tuân thủ giờ giấc, chấp hành kỷ luật… Kiên quyết không tuyển chọn
và loại trừ ngay những lao động vô kỷ luật, uống rượu hay trêu trọc phụ
nữ, sinh hoạt thiếu nghiêm túc trong thời gian tham gia khoá đào tạo.
Giáo dục người lao động ý thức thực hiện pháp luật, tôn trọng và chấp
hành đúng những phong tục tập quán của đạo Hồi trong ăn uống và sinh
hoạt hàng ngày. Doanh nghiệp nên yêu cầu đối tác môi giới cùng phối hợp
trong khâu đào tạo lao động dưới hình thức cung cấp băng hoặc đĩa hình
giới thiệu đất nước, con người Ả Rập Xê út, hình ảnh lao động làm việc
tại nhà máy, công trường… giúp người lao động hình dung được cuộc sống
và công việc sẽ làm ở nước bạn.
- Về
quản lý lao động: Trong các nhà máy, công trường lớn tại Ả rập Xê út có
nhiều lao động nước ngoài quốc tịch khác nhau làm việc và có cả sự xen
ghép lao động của các Công ty Việt Nam
trong cùng một nhà máy. Để quản lý được đội ngũ lao động trong điều
kiện trên, các doanh nghiệp Việt Nam nên phối hợp cử đại diện quản lý
lao động cho từng khu vực, từng nhóm xí nghiệp, công trường nhằm hỗ trợ
lẫn nhau trong khâu quản lý, tiết kiệm chi phí trong việc cử cán bộ
doanh nghiệp quản lý lao động tại chỗ, tạo sự đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau
trong nội bộ lao động Việt Nam ở nước ngoài.
Triển vọng và tiềm năng của thị trường lao động Ả rập Xê út là rất lớn, phía bạn có thể tiếp nhận hàng chục vạn lao động Việt Nam
thuộc nhiều ngành nghề khác nhau. Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam
mong các doanh nghiệp hội viên đồng tâm hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong
khâu tiếp cận thị trường, tìm kiếm đối tác, cùng phối hợp trong công tác
tạo nguồn, đào tạo, cung ứng và quản lý lao động sang thị trường này
với bước đi và hiệu quả thật vững chắc ngay từ những hợp đồng đầu tiên.
VAMAS